* Tên khác: Dâm bụt, bụp, bông bụp, hồng bụt, phù tang, mộc cần, co ngần ( dân tộc Thái ), book ngàn ( dân tộc Tày)…
* Tên khoa học: Hibiscus rosa sinensis L.
* Họ Bông (Malvaceaee)
* Mô tả: Cây nhỡ, cao 4-6 mét, lá hình bầu dục, nhọn đầu, tròn gốc, mép có răng cưa to, lá kèm hình chỉ nhọn. Hoa ở nách lá khá lớn, có 6-8-10 mảnh đài nhỏ rời nhau hình sợi (Tiểu đài). Đài chính gồm 5 đài hợp (liền nhau), có 5 tràng rời nhau màu đỏ tươi, hồng, tim nhạt, vàng, trắng. Nhiều nhị tập hợp trân một trụ đài tạo thành bộ nhị 1 bó, bầu hoa hình trụ hay hình nón. Quả nang tròn, mùa hoa tháng 6-8.
* Bộ phận dùng:
– Dùng vỏ rễ và lá thu hái quanh năm. Mang phơi hoặc sấy khô.
– Dùng hoa. Thu hái mùa hè, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
* Thành phần hoá học: Hoa có chứa thiamin, Flavonoid, acid ácorbic; hoa vò nát chứa sắc tố Anthocyanoid. Trong hoa và lá có chứa chất nhầy.
* Tính vị – Quy kinh:
– Tính vị. Râm bụt có vị ngọt, tính bình.
– Quy kinh. Kinh can – tỳ – đại tràng
* Công dụng – cách dùng:
– Vỏ rễ có tác dụng điều kinh, chống ho, tiêu viêm như viêm kết mạc cấp. Dùng khô sắc uống 6-12 gam/ ngày.
– Hoa và lá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thũng, chỉ huyết, cố tinh, sát trùng.
+ Chữa viêm tuyến vú. Lá và hoa tươi dùng 30 gam sắc uống / ngày.
+ Kết hợp lá Râm bụt với lá phù dung tươi mỗi thứ 50gam dã đắp ngoài chữa viêm tuyến mang tai, viêm tuyến vú.