Logo

Dùng thuốc bổ trong Đông y: Hư đâu bổ đó

Lượt xem: 299 Ngày đăng: 23/11/2020

Mỗi loại thảo dược có những đặc tính dược lý khác nhau. Do đó, việc tự ý sử dụng thảo dược theo quan điểm “không bổ ngang cũng bổ dọc”, không những không mang đến những hiệu quả như mong đợi, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy cho sức khỏe người dùng.

Nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng của cơ thể

– Do bẩm sinh, từ nhỏ cơ thể đã hư yếu toàn thân hoặc một bộ phận nào đó. Cần bồi bổ thường xuyên khi trưởng thành mặc dù không có bệnh.

– Nhu cầu phát triển của cơ thể, rất quan trọng đối với lứa tuổi vị thành niên, phụ nữ sau sinh.

– Sự tiêu hao không ngừng để duy trì sự sống của cơ thể, phụ thuộc nhiều vào tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng dinh dưỡng…

– Nhu cầu bồi bổ chính khí, tức thường xuyên nâng cao sức đề kháng để chống lại bệnh tật, nhất là ở trẻ em, người già, phụ nữ sau sinh, người mới hồi phục sau bệnh tật…

– Các nhu cầu đặc biệt khác như nâng cao hiệu suất công tác, cải thiện khả năng sinh lý…

Những đối tượng cần bồi bổ, dựa theo các chứng hư mà phân thành:

– Người bị chứng khí hư.

– Người bị chứng huyết hư.

– Người bị chứng dương hư.

– Người bị chứng âm hư.

– Người khí huyết đều suy.

Để xác định bản thân cần bồi bổ những gì

Bồi bổ đúng cái còn thiếu: Nguyên tắc trị bệnh của Đông y là “hư thì bổ, thực thì tả”. Bất luận là điều trị bệnh hay là tẩm bổ thường ngày, đều phải chú ý là hư chứng (hư nhược, suy yếu) thì mới dùng phương pháp tẩm bổ. Thực chứng (dư thừa, ứ đọng) thì không nên tẩm bổ.

Để xác định đúng, cần có sự thăm khám của thầy thuốc y học cổ truyền. Phải thực hiện thăm khám bằng các bước vọng, văn, vấn, thiết, mới có thể xác định đúng người bệnh thiếu gì, bộ phận nào của cơ thể cần được bồi bổ, cần dùng phương pháp và phương tiện gì để bồi bổ.  Dùng thuốc bổ phải tùy người. Mỗi cá thể đều có những đặc điểm khác nhau về thể chất, tuổi tác, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế và hoàn cảnh sống. Thuốc dùng cho trẻ em không thể cùng liều với người lớn, người già cần bồi bổ nhiều và liên tục hơn… Việc tự ý bồi bổ là không phù hợp. Sử dụng phép bổ không phù hợp được gọi là “hư bất thụ bổ”. Nghĩa là cơ thể hư suy vẫn không thể hấp thụ được chất bổ. Bổ sai thì tình trạng sẽ nặng hơn, không bổ cho cái thiếu mà lại bổ vào cái vốn đã dư thừa (cần được bỏ bớt bằng phép “tả”). Ví dụ bệnh nhân âm hư hỏa vượng, với chứng trạng miệng khô lưỡi táo, hoa mắt chóng mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng giữa ngực nóng, thì phải dùng thuốc có tính vị cam hàn (ngọt, lạnh) để tư âm thanh nhiệt, nếu dùng thuốc bổ có tính tân ôn (cay, nóng) và trợ dương, càng giúp cho hỏa làm tổn thương âm, dẫn đến triệu chứng nặng hơn.

Thuốc bổ dùng nhiều có hại không?

Nhiều người cho rằng dùng thuốc Đông y không “bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Đây là quan niệm sai lầm. Nguyên tắc cơ bản nhất là hư đâu bổ đó, phần nào cần bồi bổ thì mới dùng thuốc bổ. Bổ có chừng mực, đủ mức thì dừng. Mọi dược liệu đều có tính thiên lệch nhất định. Dùng thuốc bổ quá mức có thể dẫn đến sự thiên lệch mới, rất có hại sức khỏe.

Ví dụ như sử dụng nhân sâm sai cách là hay gặp: Thành phần chủ yếu của nhân sâm gồm saponin triterpenoid tetracyclic, nhóm dammaran (gọi chung là ginsenosid), có tới gần 30 saponin khác nhau. Theo y học cổ truyền, nhân sâm được coi là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong 4 vị thuốc quý của Đông y: sâm, nhung, quế, phụ. Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí, nhân sâm được dùng để trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn,… Nhân sâm tuy là loại thuốc bổ khí đầu vị, song không phải dùng cho mọi đối tượng được. Người thường xuyên bị đầy trướng bụng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng. Đặc biệt, nếu bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bị nôn mửa, trào ngược, tăng huyết áp cũng không nên dùng. Vì sâm lúc đầu có tác dụng tăng huyết áp, sau lại hạ. Do vậy nếu ở trạng thái tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Phụ nữ trước ngày sinh cũng không nên dùng sâm.

Đã có nhiều bệnh nhân ngộ độc nhân sâm do tự ý dùng trong những trường hợp không cần thiết. Khi thấy trong người có những biểu hiện khác lạ, ngủ không ngon giấc, đầu đau, chóng mặt, huyết áp tăng, chảy máu mũi, thân thể phù thũng… đi khám thì mới biết mình bị ngộ độc nhân sâm.

Thận trọng khi dùng thuốc bổ

Lập lại sự cân bằng của cơ thể, ngoài việc dùng thuốc bổ thì còn nhiều phương pháp khác như tinh thần, ăn uống điều độ, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, vận động rèn luyện hợp lý đều phải chú ý, chứ không riêng gì dùng thuốc bổ.

Thuốc bổ Đông y hầu hết dùng đường uống. Muốn thuốc được hấp thụ và phát huy tác dụng cao nhất, cần chú ý nâng cao công năng của tỳ vị. Thành phần của thuốc bổ Đông y gồm một số vị thuốc có chức năng giữ nước, phần lớn là thuốc sắc, uống dưới dạng nước nhiều lần trong ngày. Đây là điều bất lợi cho bệnh nhân tim mạch, nhất là đối với bệnh nhân suy tim, vì thuốc nước sắc làm tăng thể tích tuần hoàn, dẫn đến tăng huyết áp. Đồng thời, các loại chất bổ có nguồn gốc từ động vật cung cấp rất nhiều cholesterol như cao, phủ tạng động vật cũng không có lợi cho bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa. Do đó, để sử dụng thuốc Đông y đúng cách và hiệu quả, người bệnh cần phải có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa và nên đến những cơ sở Đông y tin cậy để được khám và bốc thuốc.

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống