Logo

Học thuyết âm dương

Lượt xem: 438 Ngày đăng: 08/05/2020

1. Định nghĩa

Cách đây gần 3.000 năm, người xưa đã nhận thấy sự vật luôn luôn có mâu thuẫn nhưng thống nhất với nhau, không ngừng vận động, biến hoá để phát sinh, phát triển và tiêu vong, gọi là Học thuyết âm dương.
Trong y học, Học thuyết âm dương quán triệt từ đầu đến cuối, từ đơn giản đến phức tạp trong suốt quá trình cấu tạo cơ thể, sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán, và các phương pháp chữa bệnh y học cổ truyển (thuốc, châm cứu, xoa bóp, khí công v.v…)

2 Các quy luật cơ bản trong học thuyết âm dương
2.1 Âm dương đối lập với nhau
Đối lập là sự mâu thuẫn, chế ước và đấu tranh giữa hai mặt âm dương.
Thí dụ: ngày và đêm, nước và lửa, ức chế và hưng phấn v.v..
2.2. Âm dương hỗ căn
Hỗ căn là sự nương tựa lẫn nhau. Hai mặt âm dương tuy đối lập với nhau nhưng phải nương tựa lẫn nhau mới tồn tại được, mới có ý nghĩa. Cả hai mặt đều là tích cực của sự vật, không thể đơn độc phát sinh, phát triển được.
Thí dụ: Có đồng hoá mới có dị hoá, hay ngược lại nếu không có dị hoá thì quá trình đồng hoá không tiếp tục được. Có số âm mới có số dương. Hưng phấn và ức chế đều là quá trình tích cực của hoạt động vỏ não.
2.3. Âm dương tiêu trưởng
Tiêu là sự mất đi, trưởng là sự phát triển, nói lên sự vận động không ngừng sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai mặt âm dương.
Như khí hậu 4 mùa trong năm luôn thay đổi từ lạnh sang nóng, từ nóng sang lạnh, từ lạnh sang nóng là quá trình “âm tiêu dương trưởng” từ nóng sang lạnh là quá trình “dương tiêu âm trưởng” do đó có khí hậu mát, lạnh, ấm và nóng.
Sự vận động của hai mặt âm dương có tính chất giai đoạn, tới mức độ nào đó sẽ chuyển hoá sang nhau gọi là “dương cực sinh âm, âm cực sinh dương; hàn cực sinh nhiệt, nhiệt cực sinh hàn”.
Như trong quá trình phát triển của bệnh tật, bệnh thuộc phần dương (như sốt cao) có khi gây ảnh hưởng đến phần âm (như mất nước), hoặc bệnh ở phần âm (mất nước, mất điện giải) tới mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng đến phần dương (như choáng, truỵ mạch gọi là thoát dương).
2.4. Âm dương bình hành
Hai mặt âm dương tuỵ đối lập, vận động không ngừng, nhưng luôn lặp lại được thế thăng bằng, thế quân bình giũa hai mặt.
Sự mất thăng bằng giữa hai mặt âm dương nói lên sự mâu thuẫn thống nhất, vận động và nương tựa lẫn nhau của vật chất.
Từ 4 quy luật trên, khi vận dụng trong y học người ta còn thấy một số phạm trù sau:
a) Sự tương đối và tuyệt đối của hai mặt âm dương:
Sự đối lập giữa hai mặt âm dương là tuyệt đối, nhưng trong điều kiện cụ thể nào đó có tính chất tương đối. Thí dụ: hàn thuộc âm đối lập với nhiệt thuộc dương, nhưng lương (là mát) thuộc âm đối lập với ôn (là ấm) thuộc dương. Trên lâm sàng tuy sốt (là nhiệt) thuộc dương, nếu sốt cao thuộc lý thuộc lý dùng thuốc hàn, sốt nhẹ thuộc biểu dùng thuốc mát (lương).
b) Trong âm có dương và trong dương có âm:
Âm và dương nương tựa lẫn nhau cùng tồn tại, có khi xen kẽ vào nhau trong sự phát triển. Như sự phân chia thời gian trong một ngày (24 giờ): ban ngày thuộc dương, từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa là phần dương của dương. Từ 12 giờ đến 18 giờ là phần âm của dương; ban đêm thuộc âm, từ 18 giờ – 24 giờ là phần âm của âm từ 0 giờ đến 6 giờ là phần dương của âm.
Trên lâm sàng, khi cho thuốc làm ra mồ hôi để hạ sốt, cần chú ý tránh cho ra mồ hôi nhiều gây mất nước và điện giải, về triệu chứng thấy xuất hiện các chứng hư thực, hàn nhiệt lẫn lộn. Về cấu trúc của cơ thể, tạng thuộc âm như can, thận có can âm (can huyết), can dương (can khí), thận âm (thận thuỷ), thận dương (thận hoả) v.v…
c) Bản chât và hiện tượng:
Thông thường bản chất thường phù hợp với hiện tượng, khi chữa bệnh người ta chữa vào bản chất bệnh: như bệnh hàn dùng thuốc nhiệt, bệnh nhiệt dùng thuốc hàn.
Nhưng có lúc bản chất không phù hợp với hiện tượng gọi là sự “thật giả” (chân giả) trên lâm sàng, khi chẩn đoán phải xác định cho đúng bản chất để dùng thuốc chữa đúng nguyên nhân.
Thí dụ: bệnh truyền nhiễm gây sốt cao (chân nhiệt) do nhiễm độc gây truỵ mạch ngoại biên làm chân tay lạnh, ra mồ hôi lạnh (giả hàn) phải dùng thuốc mát để chữa bệnh.
– Bệnh ỉa chảy do lạnh (chân hàn) do mất nước, mất điện giải gây nhiễm độc thần kinh làm co giật, sốt (giả nhiệt) phải dùng các thuốc nóng, ấm để chữa nguyên nhân.
Các quy luật âm dương, các phạm trù của nó được biểu hiện bằng một hình tròn có hai hình cong chia diện tích làm hai phần bằng nhau: một phần là âm, một phần là dương. Trong phần âm có nhân dương và trong phần dương có nhân âm (xem hình ).

3. Ứng dụng trong y học
3.1. Về cấu tạo cơ thế và sinh lý
Âm: tạng, kinh âm, huyết, bụng, trong, dưới v.v…
Dương: phủ, kinh dương, khí, lưng, ngoài, trên v.v…
– Tạng thuộc âm, do tính chất trong âm có dương nên còn phân ra phế âm, phế khí; thận âm, thận dương; can huyết, can khí; tâm huyết, tâm khí. Phủ thuộc dương như vì trong dương có âm nên có vị âm và vị hoả…
– Vật chất dinh dưõng thuộc âm, cơ năng hoạt động thuộc dương.
3.2. Về quá trình phát sinh và phát triển của bệnh tật
a) Bệnh tật phát sinh ra do sự mất thăng bằng về âm dương trong cơ thể được biểu hiện bằng thiên thắng hay thiên suy:
– Thiên thắng: dương thắng gây chứng nhiệt: sốt, mạch nhanh, khát nước, táo, nước tiểu đỏ; âm thắng gây chứng hàn: người lạnh, tay chân lạnh, mạch trầm, ỉa lỏng nước tiểu trong v.v…
– Thiên suy: dương hư như các trường hợp não suy, hội chứng hưng phấn thần kinh giảm; âm hư: như mất nước, điện giải, hội chứng ức chế thần kinh giảm.
b) Trong quá trình phát triển của bệnh, tính chất của bênh còn chuyến hoá lẫn nhau giữa hai mặt âm dương. Bệnh ở phần dương ảnh hưỏng tới phần âm (dương thắng tắc âm bệnh). Thí dụ sốt cao kéo dài sẽ gây mất nước. Bệnh ở phần âm ảnh hưởng tới phần dương (âm thắng tắc dương bệnh). Thí dụ ỉa lỏng, nôn mửa kéo dài mất nước, điện giải làm nhiễm độc thần kinh, gây sốt, co giật thậm chí gây truỵ mạch (thoát dương)
c) Sự mất thăng bằng của âm dương gây ra những chứng bệnh ở những vị trí khác nhau của cơ thê tuỳ theo vị trí đó ở phần âm hay dương.
Dương thịnh sinh ngoại nhiệt: sốt, người và tay chân nóng, vì phần dương của cơ thể thuộc biểu, thuộc nhiệt.
Âm thịnh sinh nội hàn: ỉa chảy, người sợ lạnh, nước tiểu trong dài vì phần âm thuộc lý thuộc hàn.
Âm hư sinh nội nhiệt: như mất nước, tân dịch giảm gây chứng khát nước, họng khô, táo, nước tiểu đỏ v.v…
Dương hư sinh ngoại hàn: sợ lạnh, tay chân lạnh vì phần dương khí ở ngoài bị giảm sút.
3.3. Về chẩn đoán bệnh tật
a) 
Dựa vào 4 phương pháp khám bệnh: nhìn (vọng), nghe (văn), hỏi (vấn) sờ nắn, xem mạch (thiết) để khai thác các triệu chứng thuộc hàn hay nhiệt, hư hay thực của các tạng phủ kinh lạc.
b) Dựa vào 8 cương lĩnh để đánh giá vị trí nông sâu của bệnh, tính chất của bệnh, trạng thái người bệnh và xu thế chung nhất của bệnh tật (biểu lý, hư thực, hàn nhiệt và âm dương) trong đó âm và dương là 2 cương lĩnh tổng quát nhất gọi là tổng cương: thường bệnh ở biểu, thực, nhiệt thuộc dương; bệnh ở lý, hư, hàn thuộc âm.
c) Dựa vào tứ chẩn để khai thác triệu chứng và căn cứ vào bát cương bệnh tật được quy thành các hội chứng thiên thắng hay thiên suy về âm dương của các tạng phủ, kinh lạc v.v…
3.4. Về chữa bệnh và các phương pháp chữa bệnh
a)Chữa bệnh là điều hoà lại sự mất thăng bằng về âm dương của cơ thể tuỳ theo tình trạng hư thực, hàn, nhiệt của bệnh bằng các phương pháp khác nhau: thuốc, châm cứu, xoa bóp, khí công v.v…
b) Về thuốc được chia làm hai loại:
– Thuốc lạnh, mát (hàn, lương) thuộc âm để chữa bệnh nhiệt thuộc dương.
– Thuốc nóng, ấm (nhiệt, ôn) thuộc dương để chữa bệnh hàn thuộc âm.
c) Về châm cứu:
– Bệnh nhiệt dùng châm, bệnh hàn dùng cứu; bệnh hư thì bổ, bệnh thực thì tả.
Bệnh thuộc tạng (thuộc âm) thì dùng các huyệt Du sau lưng (thuộc dương); bệnh thuộc phủ (thuộc dương) thì dùng các huyệt Mộ ở ngực, bụng (thuộc âm), theo nguyên tắc: “theo dương dẫn âm, theo âm dẫn dương”.

(nguồn vatm.edu.vn)