Logo

Dinh dưỡng người cao tuổi mùa nắng nóng

Lượt xem: 2 Ngày đăng: 04/05/2024

Những ngày gần đây, nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm nhiệt độ bên ngoài tăng cao cùng với không khí nóng ẩm rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, đối tượng nhạy cảm nhất là người cao tuổi và trẻ con đặc biệt người cao tuổi đang mắc các bệnh mãn tính; vì sức đề kháng của cơ thể đối với môi trường xung quanh cũng như khả năng thích nghi của người cao tuổi với sự thay đổi thời tiết rất kém. Đây là thời điểm những người cao tuổi cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện để tránh mắc phải những chứng bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng này

Các vấn đề sức khỏe hay gặp ở người cao tuổi khi trời nắng nóng
Tăng thân nhiệt bất thường, mất nước, mất các chất khoáng do đổ nhiều mồ hôi, sốc nhiệt, rối loạn tiêu hóa do ăn phải thức ăn bị ôi thiu, suy dinh dưỡng do ăn kém vì nóng nực, các bệnh nền diễn biến phức tạp dễ bị trở nặng như bệnh phổi mạn tính vào đợt bội nhiễm cấp do trời nóng thích uống nước lạnh, tắm nước lạnh, nằm phòng lạnh, để quạt gió thổi thẳng vào mặt, huyết áp tăng vọt, thiếu hụt lượng máu đến não, trụy tim mạch, đột quỵ…

10 lời khuyên dinh dưỡng vào mùa hè để cơ thể luôn khỏe mạnh
Các lưu ý về ăn uống của người cao tuổi trong thời tiết nắng nóng
Trong thời tiết nắng nóng ngoài khuyến cáo nên cung cấp đầy đủ nguồn năng lượng từ thực phẩm, đảm bảo đủ các nguồn đại dưỡng chất như bột đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất người cao tuổi cần lưu ý những vấn đề trong ăn uống sinh hoạt như sau:

Nhớ uống đủ nước, nhu cầu nước trung bình 8 ly / ngày (1,5 – 2,0 lít) nên uống làm nhiều lần, không uống quá nhiều một lúc, cần uống đủ ngay cả khi không khát cơ thể người già kém nhạy cảm về các thụ thể khát.  Lưu ý, khi đang khát không nên uống nước đá, nước lạnh vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với thân nhiệt sẽ không tốt cho sức khỏe, dễ bị viêm họng, sặc vào đường hô hấp. Nước uống phù hợp nhất là nước nấu sôi để nguội ở môi trường tự nhiên, phù hợp với nhiệt độ cơ thể, có thể uống các loại nước ép trái cây nhưng lưu ý ép xong uống ngay tránh để quá lâu dễ bị hư hỏng nhiễm vi khuẩn do trời nóng, người bị bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây còn nguyên sẽ tốt hơn uống nước ép. Nhóm rau quả rất cần cho người cao tuổi trong thời tiết nắng nóng này, ngoài lợi ích của chất xơ còn giúp bổ sung nguồn nước, vitamin và khoáng chất., lê, táo, mận…

Bữa ăn có đủ các món ăn: món cơm, món mặn, món rau nhất định phải có món canh ở mỗi bữa ăn đây cũng là cách bổ sung nước trong ngày. Các loại như rau má, rau đay, rau ngót, mướp, bầu, bí, khổ qua, cà chua. Thức ăn nên nấu mềm, tránh ăn quá mặn nhất là các bác có bệnh tim mạch hoặc bệnh thận.

Khi chế biến thức ăn tránh nêm nếm nhiều muối vì sẽ tăng nhu cầu nước nhiều hơn nhất là những người có bệnh tăng huyết áp, cũng hạn chế sử dụng các gia vị như gừng, ớt, hạt tiêu khi chế biến.

Về thịt cá chỉ cần ăn vừa đủ không nên ăn quá nhiều nhất là những người đã có bệnh lý về thận. Có thể thay một phần thịt cá bằng nhóm đậu hạt như ăn bữa xế một chén chè đậu xanh, đậu đen nấu với một ít đường phèn mức ngọt nhè nhẹ vừa phải cũng giúp bổ sung thêm năng lượng và giải nhiệt trong mùa nắng nóng (nếu bị đái tháo đường tránh dùng đường).

Nên uống 1- 2 ly sữa / ngày giúp người cao tuổi bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, vi khoáng cần thiết, đặc biệt trong những ngày nắng nóng ăn không ngon miệng. Lưu ý, chọn sữa phù hợp tình trạng sức khỏe và bệnh lý.

Bên cạnh đó có những thực phẩm người cao tuổi cần hạn chế sử dụng vào thời tiết nắng nóng như:Hạn chế các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều chất béo như gà chiên, khoai tây chiên, thịt mỡ, xúc xích, đồ hộp, lạp xưởng… vì vừa khó tiêu, vừa nhiều năng lượng đòi hỏi phải cung cấp nhiều nước hơn để chuyển hóa.

Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, kể cả kem (để tránh viêm đường hô hấp), bánh, sữa đặc có đường…

Hạn chế thức ăn thức uống lạnh như uống nước đá lạnh, kem, bia lạnh, hoa quả khi mới lấy ra từ tủ lạnh không nên ăn ngay mà nên để 5 – 10 phút cho bớt lạnh rồi hãy ăn. Thực phẩm lạnh khiến mạch máu đường tiêu hóa bị co lại đột ngột gây rối loạn co thắt đường tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy và cản trở khả năng tiêu hóa.

Người cao tuổi tránh ăn quá no một lần để tránh bị khó tiêu đặc biệt bữa ăn tối nên cách xa giờ ngủ ít nhất 3 tiếng đồng hồ.

Tránh ăn thức ăn cũ, nhiệt độ cao và không khí nóng ẩm làm cho đồ ăn nhanh hư, vi khuẩn phát triển nhanh, dễ bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, mất nước sẽ nặng nề hơn nếu xảy ra trong thời điểm nắng nóng này. Cần bảo quản kỹ thức ăn.

Ngoài ra, người cao tuổi cũng cần có chế độ sinh hoạt tập luyện phù hợp trong thời tiết nắng nóng này: tránh ra ngoài đường vào khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 17 giờ, tập thể dục khi trời mát buổi sáng trước khi mặt trời lên hoặc buổi chiều khi đã hết nắng. Nếu có sử dụng máy lạnh tránh để ở nhiệt độ quá thấp, phù hợp nhất ban ngày bật chế độ 25- 26 độ, tối khi ngủ từ 28 độ trở lên.

Trường Cao Đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội