Logo

Dược liệu bổ dưỡng từ cây Nhãn

Lượt xem: 39 Ngày đăng: 02/08/2021

Long nhãn là vị thuốc lấy từ Áo hạt (cùi) đã phơi hay sấy khô của cây Nhãn (Dimocarpus longan). Chọn loại chất dày, to, dầu nhuận, màu vàng nâu, vị ngọt là tốt. Khi chín quả có phần cùi trắng bao quanh phần hạt đen giống như mắt rồng nên được gọi là “Long nhãn”. Long nhãn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có thể an thần, tăng cường sức khỏe… hiệu quả.                                                                                       

Tên thường gọi: Á lệ chi, Quế viên nhục, Nguyên nhục, Bảo viên…

Tên khoa học cây Nhãn: Euphoria longan (Lour.) Steud., họ Bồ hòn (Sapindaceae).

  1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái Long nhãn

Nhãn là loài cây ăn quả khá phổ biến tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam. Ở nước ta, có hơn 10 giống nhãn khác nhau, trồng rải rác khắp mọi miền như Nam Định, Sơn La, Nam Bộ… Thế nhưng nổi tiếng lâu đời nhất là nhãn được trồng từ vùng đất Hưng Yên (cùi dày, mọng nước). Tùy theo từng loại đất trồng, thổ nhưỡng, khí hậu từng nơi mà hương vị của quả cũng sẽ không giống nhau.                                                                                     Thuốc nhóm cây trồng thích hợp cao với vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Nhiệt độ trung bình cho cây phát triển tốt là 20-25 độ C, có thể chịu đựng ở nhiệt độ 36 độ C. Sống được trên nhiều loại đất, đặc biệt là đất mùn phong hóa từ đá vôi. Tuy nhiên, đất trồng cần được thoát nước, tránh ngập úng. Ra hoa nhiều hằng năm, nở từ hoa đực rồi đến hoa cái. Thụ phấn chéo nhờ côn trùng. Hạt có thời gian sống ngắn, khi bị khô đi sẽ không còn khả năng nảy mầm. Sâu bệnh chủ yếu là bọ xít, nhện, rầy…Thời vụ trồng là khoảng tháng 2-3 ở miền Bắc, tháng 4-5 ở miền Nam. Có thể nhân giống bằng hạt, chiết cành hoặc ghép…

Bộ phận dùng làm thuốc:     

– Lá, hoa và rễ: quanh năm.

      + Hoa: Hỗ trợ rối loạn tiểu tiện, lợi tiểu.

      + Lá: Thanh nhiệt, chữa cảm mạo, giảm đau, trừ ngoại tà…

       + Rễ: Hỗ trợ điều trị giun chỉ.

–  Cùi nhãn và hạt (Long nhãn): Thời điểm thích hợp là khoảng tháng 7-9 hàng năm, khi quả chín.

                 

Long nhãn là vị thuốc từ phần thịt của quả nhãn

  1. Mô tả toàn cây Nhãn

Nhãn thuộc loại cây ăn quả, sống nhiều năm. Tùy theo năm tuổi của cây mà thân có thể cao đến 8m, thẳng đứng, vỏ xù xì màu xám, có nhiều nhánh nhỏ, lớn sum suê. Lá kép, mọc xen kẽ, dạng lông chim. Có từ 6-9 lá chét, kích thước dài 7-20 cm, rộng 2,5-5 cm. Hoa 5 cánh rời, mọc thành cụm ở phía kẽ lá hay đầu cành, màu vàng nhạt. Đài hoa có khoảng 5 răng, tràng 5-6, bầu 2-3 ô, nhị 6-10. Quả dạng hình cầu, vỏ màu vàng nâu. Bên trong, có một lớp thịt màu trắng, mọng nước bao quanh hạt đen tròn.

  1. Bào chế – Bảo quản Long nhãn
  • Bào chế 

Sau khi quả chín (vỏ màu vàng nâu) được thu hoạch:

+ Rửa sạch, loại bỏ tạp chất, có thể trần qua nước sôi khoảng 1 phút.

+ Đem phơi hoặc sấy khô (khoảng 40 độ C) cho đến khi lắc quả nghe âm thanh lóc cóc thì bóc vỏ, lấy phần cùi nhẵn bên trong, dày mỏng không đều, rách theo thớ dọc.

Hoặc cũng có thể lấy phần thịt ra trước, nhưng cẩn thận không được làm rách chúng bằng những dụng cụ chuyên nghi có đầu nhọn…

+ Đem phần thịt này tiếp tục sấy ở nhiệt độ 50-60 độ, khi sờ vào không dính tay (độ ẩm dưới < 15%) thì được thành phẩm có màu vàng, mềm dai dẻo, vị ngọt, mang hương thơm đặc trưng của Nhãn.

  • Bảo quản

Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng mặt trời. Nên chứa Long nhãn trong lọ, túi kín, bởi dễ mốc, mối mọt.

  1. Thành phần hóa học

Theo nhiều nghiên cứu, thành phần hóa học của Long nhãn rất đa dạng và phong phú:

– Thịt Nhãn ( còn gọi cùi nhãn hay áo hạt).

+ Còn tươi: Nước 77,15%, protid 1,47%, tro 0,01%, chất béo 0,13%, sắt, vitamin A,B,C, hợp chất Nitơ 20,55%,, đường Sacarose 12,25%…

+ Lúc đã khô: Nước 0,85%, độ tro 3,36%, đường sacarose, glucose, sắt, vitamin C…

Ngoài ra, dược liệu còn chứa Adenine, Choline…

– Hạt: Tanin, tinh bột, chất béo (acid xyclopropanoid, acid dihydrosterculic) saponin.

– Lá: b -sitosterol, quexitin, 16-hentriacontanol, tanin và quexitrin

  1. Tác dụng của Long nhãn

a. Theo Y học hiện đại: Long nhãn có tác dụng

– Chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa.

– Tốt cho mắt, thị lực: Giảm nguy cơ mắc bệnh về mắt nhất là đục thủy tinh thể.

– Hỗ trợ tuần hoàn: Nhờ chứa vitamin PP, giúp tăng đàn hồi mạch máu, bền thành mạch, từ đó ngăn ngừa các bệnh tim mạch, huyết áp.

– Kháng nấm: Ở nhiều thí nghiệm đã chứng minh khả năng ức chế nha bào nấm của vị thuốc.

b. Theo Y học cổ truyền

– Tính vị:  

Long nhãn: Vị ngọt, tính ấm/ bình, không độc.                                                                                                – Quy kinh: Kinh Tâm, Tỳ, Thận

– Công dụng: 

Long nhãn: An thần, dưỡng huyết, bổ Tâm Tỳ, tăng cường trí nhớ, giảm lo âu…

– Chủ trị:   

Chữa mất ngủ, suy giảm trí nhớ, hay quên, lo lắng nhiều, người suy nhược cơ thể, ăn uống không ngon miệng

– Cách dùng: Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, hoặc phần quả của dược liệu này có thể ăn sống trực tiếp, làm món ăn…

– Liều dùng: Dạng thuốc sắc 12-20g/ ngày.  Dùng ngoài không kể liều lượng cố định.

Chè Long nhãn là một món ăn rất bổ dưỡng cho sức khỏe

  1. Một số bài thuốc từ Long nhãn
  • Hỗ trợ ngủ không ngon giấc, giúp an thần, tăng cường trí nhớ

Long nhãn 12g, Hoàng kỳ 12g, Đảng sâm 12g, Đương qui 8g, Bạch truật 12g, Phục thần 12g, Toan táo nhân 12g, Mộc hương 4g (cho sau), Viễn chí 6g, Chích thảo 4g. Đem tất cả dược liệu sắc uống, chia 2-3 lần uống/ ngày).

  •  Bổ khí huyết, ôn bổ Tỳ, dưỡng Tâm

Long nhãn nhiều ít tùy dùng, đem dược liệu ngâm rượu trung bình khoảng 3 tháng, mỗi ngày uống khoảng 60ml. Hoặc Long nhãn tươi trộn với đường 0,5kg đem đi chưng, sau đó cho vào lo kín. Sử dụng 12-15g/ngày.

  • Kiện tỳ, bổ máu

Long nhãn 16g, gạo tẻ 100g, Đại táo 15g, đem tất cả nấu cháo ăn mỗi ngày, trong vòng khoảng 2 tuần sẽ tăng cường sức khỏe, bồi bổ cơ thể

  • Dùng ngoài trị lở, ngứa   

Long nhãn đem tán thành bột, thoa vào các vùng da tổn thương, cần điều trị.

  • Hỗ trợ tiêu hóa, ăn uống kém ngon

Long nhãn, Hoài sơn, Ý dĩ, Liên nhục, Bạch truật, Phục thần mỗi loại dùng 15g và Cam thảo 12g, đem tất cả dược liệu sắc uống, chia 2-3 lần uống/ ngày.

7. Kiêng kỵ                                                                                                                                                 

– Mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong các bài thuốc.

– Phụ nữ có thai cần thận trọng khi sử dụng dược liệu.

– Ăn quả nhiều có thể làm nóng trong người, nổi mụn, táo bón, tăng đường huyết…

– Thời điểm thích hợp để sử dụng tránh ảnh hưởng đến dạ dày là từ 1-2g sau bữa ăn.

Long nhãn không chỉ là loài cây ăn quả quen thuộc, mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Nguồn: Tổng hợp từ Internet