Logo

XUYÊN TÂM LIÊN – Vị thuốc tiềm năng trong phòng chống COVID-19

Lượt xem: 92 Ngày đăng: 20/07/2021

Nhiều công trình nghiên cứu quốc tế đã đánh giá tác dụng của dược liệu Xuyên tâm liên trong phòng chống COVID-19. Mới đây, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan cho thấy, trong vòng 3 ngày kể từ khi sử dụng Xuyên tâm liên, tình trạng của các tình nguyện viên mắc COVID-19 đều được cải thiện…

Theo Y học cổ truyền,  xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống. Thường được dùng trị cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, viêm phổi, sưng amidan, viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, đau bụng kinh, viêm nhiễm đường ruột, tăng huyết áp, đau nhức cơ thể, tê thấp, mụn nhọt…

1.     Tên khoa học. Andrographis paniculata (Burm.f.) Wall.                        

Thuộc họ Ô rô . Acanthaceae.

       Tên gọi khác. công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ…

2.     Đặc điểm thực vật và phân bố

Xuyên tâm liên là cây nhỏ, sống hàng năm, cao 0.4 – 1m. Thân vuông, mọc thẳng đứng, phân nhiều cành nhẵn. Lá mọc đối, có cuống ngắn, hình mác, dài 3 – 10 cm, rộng 1 – 2 cm, gốc thuôn, đầu nhọn dài, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm đen.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành chùm thư, hoa màu trắng, điểm những đốm hồng tím, dài có 5 răng nhỏ, đều và có lông. Tràng hợp ở phần dưới thành ống hẹp, hình trụ có lông, phần trên loe ra chia thành 2 môi, môi trên hẹp dài, môi dưới xẻ 3 thùy rộng, đầu nhọn. Nhị 2, đính ở họng tràng, bầu 2 ô.

Quả nang, hẹp, thuôn dài khoảng 1.5 cm, hơi có lông mịn, hạt hình tròn.

Mùa hoa: tháng 9 – 12, mùa quả: tháng 1 – 2.

Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau lan sang các nước nhiệt đới như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Philipin, Indonexia và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam, Trung Quốc, là những nước trồng nhiều xuyên tâm liên nhất ở châu Á.

Vào những năm 1980, cây được trồng ở nhiều địa phương ở miền Bắc Việt Nam, sau đó giảm xuống, gần đây lại tiếp tục được khôi phục, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất bào chế thuốc.

Xuyên tâm liên mọc từ hạt vào khoảng tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Cây sinh trưởng nhanh trong mùa xuân – hè. Khi cây sắp ra hoa, lá nhỏ dần và rụng sớm. Quả xuyên tâm liên lúc già tự mở cho hạt thoát ra ngoài.

Xuyên tâm liên là cây ưa sáng hoặc có thể bị che bóng một phần trong ngày. Cây ưa mọc trên đất ẩm, khi mưa không bị đọng nước. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng là 22 – 26°C, lượng mưa khoảng 1500 – 2500 mm/năm.

Hoa xuyên tâm liên nở từ các cành từ phía dưới trước, sau dần lên các cành ở ngọn. Ngược lại, khi cây vàng úa và tàn lụi lại bắt đầu từ các cành ở ngọn trước. Hạt xuyên tâm liên có tỷ lệ nảy mầm khá cao (khoảng 70 -80%). Thời gian nảy mầm thường sau 7 ngày kể từ ngày gieo.

Chú ý khi thu quả để lấy hạt giống cần tiến hành khi cây bắt đầu vàng úa (lá chuyển sang màu đỏ – vàng), nếu thu hái chậm, quả khô dễ tách ra rơi mất hạt.

Bộ phận dùng. Dùng toàn cây

Đặc điểm thực vật của xuyên tâm liên

3.     Thành phần hóa học

Xuyên tâm liên có chứa 2 nhóm hoạt chất chính là diterpen lacton và flavonoid.

3.1. Diterpen lacton

Các diterpen lacton là andrographolid, deoxyandrographolid, neoandrographolid, homoandrographolid, 14 – deoxy – 11 – oxoandrographolid , 14 – 11,12 – didehydro – andrographolid, andrographosid, 14 – deoxyoandrographosid, deoxyandrographolid – 19 – β – D – glucosid, 14 – deoxy – 12 – methoxyandrographolid, andrograpanin, andropanosid, ent – 14β – hydroxy – 8 (17), 12 – labadien – 15, 16 – olid – 3β, 19 – oxyd.

Hàm lượng andrographolid ở lá là 2.6%, ở thân là 0.1 – 0.4%. Lá chứa hơn 2% andrographolid trước khi cây ra hoa, sau đó chỉ còn dưới 0.5%.

Không những vậy, xuyên tâm liên còn chứa andrographisid, deoxyandrographisid, 14 – deoxy – 11, 12 – dihydroandrographisid, 6’ – acetyl – neoandrographolid.

Một dẫn chất của andrographolid tan trong nước là sản phẩm cộng với Na bisulfit có được dùng làm thuốc hạ sốt.

3.2. Flavonoid

Các flavonoid là 7 – O – methylwogonin, wogonin, oroxylin A, apigenin – 7, 4’ – dimethyl ether, andrographin, paniculin, mono – O – methylwithin.

Rễ có một flavanon glycosid là andrographidin, nhiều flavon glycosid là andrographidin B, C, D, E và F.                                                                                   Ngoài thành phần là các diterpen lacton và flavonoid, xuyên tâm liên còn có các chất khác là andrographan, adrographon, andrographosterin, panicolid, β – sitosterol – D – glucosid, α – sitosterol.

4. Tác dụng dược lý.

4.1. Tác dụng kháng khuẩn.

Theo một số kết quả nghiên cứu, dịch chiết từ lá xuyên tâm liên có hoạt tính kháng khuẩn, giúp ức chế sự phát triển vi khuẩn Bacillus subtilis và Streptococcus aureus (tụ cầu vàng).

Kết quả tương tự cũng thu được từ thí nghiệm của nhà khoa học Radha và các cộng sự cho thấy, chiết xuất ether, acetone, chloroform và ethanol từ lá và thân cây xuyên tâm liên có tính kháng khuẩn đáng kể chống lại các vi khuẩn Enterococcus faecalis, Streptococcus pyogenes, Klebsiella pneumonia và Proteus Vulgaris.

Xuyên tâm liện cũng đã được thử nghiệm lâm sàng về tác dụng điều trị viêm phế quản cấp và mạn. Đối với viêm phế quản mạn (đa số là ở người lớn), kết quả khả quan thu được ở gần 80% trường hợp, ho và khối lượng đờm giảm, số ngày ho khạc trong mỗi đợt ít đi, khoảng cách giữa các đợt viêm xa hơn. Một số trường hợp thấy bớt tức ngực, khó thở.

Đối với bệnh viêm phế quản cấp, chủ yếu là trẻ em, thời gian lành bệnh rút ngắn hơn và đối với trẻ thường bị nhiều đợt tiến triển trong nam, nếu dùng chiết xuất từ xuyên tâm trong cả thời gian bình thường (dự phòng bằng uống 10 ngày trong tháng), các đợt viêm cấp trở nên thưa hơn.

4.2. Tác dụng chống oxy hóa.

Chất chống oxy hóa là phân tử có khả năng chấm dứt các phản ứng dây chuyền gây tổn hại tế bào bằng cách loại bỏ các chất trung gian gốc tự do và ức chế các phản ứng oxy hóa khác.

Verma và Vinayak đã đánh giá tác dụng chống oxy hóa của chiết xuất từ xuyên tâm liên trên gan ở chuột mắc ung thư hạch. Kết quả cho thấy, dịch chiết này làm tăng đáng kể các hoạt động của enzyme catalase, superoxide effutase và glutathione-S-transferase và giảm hoạt động của dehydrogenase lactate.

Hơn thế nữa, dịch chiết nước từ xuyên tâm liên (A. paniculata) có tác dụng chống oxy hóa cao hơn so với chiết xuất ethanol của xuyên tâm liên trong tất cả mô hình được thử nghiệm.

4.3. Tác dụng hạ sốt.

Ở một nghiên cứu mù kép khác, bẹnh nhận cảm sốt được điều trị với cao xuyên tâm liên với liều 1.2g bột lá/ngày. Kết quả thu được là các triệu chứng lâm sàng giảm rõ rệt ở nhóm điều rị ở ngày thứ 4 sau khi uống thuốc, thời gian cảm sốt giảm đáng kể.

Hơn thế nữa, trong một nghiên cứu mù kép ngẫu nhiên hóa trên bệnh nhân mắc viêm họng – amidan, liều bột lá xuyên tâm liên 6g/ngày và paracetamol 3g/ngày có tác dụng tốt hơn liều xuyên tâm liên 3g/ngày về giảm sốt và giảm viêm họng ở ngày thứ 3. Nhưng ở ngày thứ bảy, các tác dụng lâm sàng không còn khác nhau. Ngoài ra, có những tác dụng phụ nhẹ tự hết ở khoảng 20% bệnh nhân ở mỗi nhóm.

Trong các thử nghiệm cho học sinh nhỏ uống trong 3 tháng, mỗi ngày 2 viên cao xuyên tâm liên được tiêu chuẩn hóa, có nhóm placebo để so sánh, xuyên tâm liên đã có tác dụng làm giảm tỷ lệ học sinh bị cảm lạnh, điều này cho thấy thuốc có tác dụng dự phòng cảm lạnh.

  1. Tính vị quy kinh. Xuyên tâm lien có vị đắng, tính hàn. Quy kinh phế, vị, đại tràng và tiểu tràng
  2. Công dụng.

Xuyên tâm liên có tác dụng kháng vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng), chống viêm, oxy hóa, ung thư… được dùng để điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, viêm nhiễm, ung thư, tiểu đường…

*Kết quả nghiên cứu về tác dụng chống COVID-19 của Xuyên tâm liên.

Trong nghiên cứu in silico (mô phỏng, tính toán về các lĩnh vực sinh học, y dược trên máy vi tính) về một số cây thuốc có triển vọng để phòng chống và điều trị COVID-19 đã được báo cáo, Xuyên tâm liên là loại dược liệu được quan tâm và đánh giá cao.

Tại Ấn Độ, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Cao đẳng dược JSS (2020) cho thấy, các thành phần hóa học của Xuyên tâm liên (andrographolide và dihydroxy dimethoxy flavone) có tác dụng chống lại COVID-19 bằng cách ức chế enzym protease chính của virus này trên thử nghiệm in silico.

Andrographolide (thuộc nhóm diterpenoid lactone) – hợp chất chiết xuất từ Xuyên tâm liên là một chất ức chế tiềm năng đối với protease chính của COVID-19 (Mpro). Nghiên cứu cho thấy, andrographolide có tác dụng kết nối phân tử, phân tích mục tiêu, dự đoán độc tính và dược động học. Andrographolide đã được gắn thành công vào vị trí liên kết của COVID-19 Mpro (với điểm gắn kết là -3.094357 [A1] kcal/mol). Các phương pháp tính toán cũng dự đoán phân tử này có độ hòa tan tốt, đặc tính dược lực học và độ chính xác mục tiêu. Phân tử này cũng tuân theo quy tắc Lipinski, khiến nó trở thành một hợp chất đầy hứa hẹn, có tiềm năng sử dụng chống lại COVID-19.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Airlangga (Indonesia) năm 2020 cho thấy, Xuyên tâm liên có tiềm năng là chất ức chế protease chính 6LU7 COVID-19. Tuy nhiên, phát hiện này cần được kiểm chứng thêm.

Tăng cường miễn dịch là chiến lược toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19. Xuyên tâm liên trước đây được sử dụng rộng rãi để điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp… đã được các nhà khoa học tại Đại học Jadavpur, Ấn Độ (2020) nghiên cứu nhằm mục tiêu chống COVID-19 và các con đường lây lan của nó. Kết quả cho thấy, sự hợp lực giữa andrographolide và một số hợp chất khác của Xuyên tâm liên được xác định là chất chống viêm an toàn và hiệu quả, có tác dụng đối với nhiễm trùng đường hô hấp trên, có thể làm giảm đáng kể việc sản xuất cytokine và các yếu tố gây viêm trong nhiễm virus.

Tại Trung Quốc, trong quá trình đẩy lùi đại dịch COVID-19 đã thực hiện chương trình khuyên dùng xiyanping tiêm để điều trị lâm sàng COVID-19. Xiyanping là một chế phẩm chống viêm, kháng virus được phát triển và cấp phép sử dụng ở Trung Quốc. Đây là một sản phẩm tiêm bán tổng hợp có nguồn gốc từ thành phần hoạt tính của cây Xuyên tâm liên gồm 9-dehydro-17-hydro-andrographolide và natri 9-dehydro-17-hydro-andrographolide-19-yl sulfate. Bài báo của nhóm tác giả thuộc Tasly Pharmaceutical Group Co. Thiên Tân, Trung Quốc (2020) đã tóm tắt tác dụng dược lý và ứng dụng lâm sàng của andrographolide Xuyên tâm liên, đồng thời khẳng định các công năng thanh nhiệt và giải độc, kháng sinh và chống viêm, có tác dụng điều trị rõ ràng đối với các bệnh hô hấp bao gồm viêm phổi, viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn, virus dựa trên một số lượng lớn dữ liệu lâm sàng đã được tích lũy. Andrographolide có tác dụng kháng virus tiềm năng trong việc điều trị COVID-19 và có thể làm giảm mức độ viêm ở bệnh nhân, cải thiện các triệu chứng hô hấp, ức chế virus và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể… với tính an toàn cao.

Ngoài ra, andrographolide còn có tác dụng bảo vệ gan và có giá trị lâm sàng để điều trị các bệnh tim mạch, đồng thời có tác dụng bảo vệ đối với tổn thương gan, tim mạch do một số thuốc chống COVID-19 khác. Qua đây, có thể thấy việc điều trị COVID-19 bằng andrographolide phù hợp với lý thuyết của y học cổ truyền về vị thuốc Xuyên tâm liên.

Tại Thái Lan, tác dụng chống COVID-19 của Xuyên tâm liên đã được khẳng định hơn khi cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đã được Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan (2020) tiến hành trên những bệnh nhân đã biểu hiện triệu chứng nhiễm COVID-19 nhẹ như đau họng, nhức đầu, ho hay sổ mũi. Người bệnh được cho uống 180 mg Xuyên tâm liên/ngày, chia đều làm 3 lần vào lúc 6 giờ sáng, 2 giờ chiều và 10 giờ tối, uống liên tục trong 5 ngày. Cuộc thử nghiệm cho kết quả khả quan, trong vòng 3 ngày kể từ khi sử dụng Xuyên tâm liên tình trạng sức khỏe của các tình nguyện viên mắc COVID-19 đều được cải thiện.

Các kết quả trên cho thấy, Xuyên tâm liên là vị thuốc tiềm năng trong việc phòng chống COVID-19. Bên cạnh đó, còn nhiều dược liệu khác cũng có tác dụng tốt được đánh giá như Diệp hạ châu, Kim ngân hoa, Thanh hao hoa vàng, Hoắc hương, Nghệ, Gừng, Cam thảo, Sâm Ấn Độ…

Dược liệu Xuyên tâm liên từng được coi như “thần dược”, đặc biệt trong thời kỳ bao cấp, được dùng khá phổ biến. Các nghiên cứu gần đây càng cho thấy rõ giá trị của loại thuốc này trong điều trị bệnh nói chung, và tiềm năng trong phòng chống COVID-19 nói riêng. Tuy nhiên, sản lượng trồng loại dược liệu này hiện nay còn rất ít và ít được ghi đơn cũng như tham gia trong thành phần của thuốc thành phẩm đông dược.

Xuyên tâm liên trồng không khó và rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam. Do vậy cần có chính sách khuyến khích trồng, bảo tồn, nghiên cứu và phát triển đối với dược liệu này. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu ứng dụng Xuyên tâm liên trong điều trị bệnh.

*  Công dụng khác của vị thuốc Xuyên tâm liên.

 – Xuyên tâm liên được dùng trị lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm mạo, phát sốt, viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, rắn độc cắn. Ngày dùng 10 – 15g lá dưới dạng thuốc sắc uống. Nếu tán bột, mỗi lần uống 2 – 4g, ngày dùng 2 – 3 lần.

– Để chữa viêm miệng, viêm xoang,  viêm họng dùng vài lá nhai ngậm. Dùng ngoài, lá xuyên tâm liên một nắm giã với rượu xoa đắp phối hợp với uống thang thuốc có xuyên tâm liên, kim ngân hoa, sài đất chữa lở ngứa, rôm sẩy, sưng tấy, nhiễm trùng ngoài da, vết thương rắn cắn.

– Trong y học Trung Quốc, xuyên tâm liên được dùng điều trị cảm cúm với sốt, viêm họng, viêm thanh quản, loét miệng, loét lưỡi, ho cấp tính hoặc mạn tính, viêm ruột kết, ỉa chảy, lỵ, nhiễm khuẩn đường tiết niệu với tiểu tiện khó, và đau, mụn nhọt, lở loét, rắn độc cắn. Ngày dùng 6 – 9g, dùng ngoài với lượng thích hợp.

– Rễ và lá xuyên tâm liên được dùng phổ biến trong y học cổ truyền Ấn Độ, nhiều vùng ở Đông Nam Á, Trung Mỹ và vùng Caribe, thường được dùng làm thuốc trị rắn cắn và sâu bọ cắn. Nước hãm hoặc nhựa từ lá vò nát được dùng trị sốt, ban da ngứa và làm thuốc bổ.

– Viên hoàn hoặc thuốc hãm được dùng để điều trị rối loạn kinh nguyệt, khó tiêu, điều trị tăng huyết áp bảo vệ tim mạch, bệnh thấp khớp, bệnh lâu, vô kinh, bệnh gan và vàng da, ngoài ra có tác dụng lợi tiểu.

– Xuyên tâm liên cũng được dùng trong thành phần của phương thuốc cổ truyền Ấn Độ để chữa rụng tóc dưới dạng thuốc sắc. Ở Nepal để trị áp xe, người ta dùng một nắm lá bánh tẻ xuyên tâm liên và một ít muối, giã và trộn với nửa cốc nước. Gạn dịch nổi lên trên và uống ngày một lần, bã đắp lên chỗ bị áp xe.

– Hỗ trợ điều trị ung thư và bệnh lao phổi.

  1. Kiêng kỵ
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú không dùng.
  • Người tỳ vị hư hàn không nên dùng.
  • Sử dụng Xuyên tâm liên dài ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy.

8. Một số bài thuốc có xuyên tâm liên

Các thầy thuốc đông y đã ứng dụng những tác dụng tuyệt vời của xuyên tâm liên

Bài thuốc số 1: Chữa lỵ trực khuẩn cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm sốt, sưng tấy, rắn độc cắn

  • Xuyên tâm liên 15g
  • Kim ngân hoa 10g
  • Sài đất 10g

Sắc uống ngày một thang.

Bài thuốc số 2: Chữa viêm phổi, sưng amidan:

  • Xuyên tâm liên 12g
  • Huyền sâm 10g
  • Mạch môn 10g

Bài thuốc số 3: Chữa viêm gan nhiễm khuẩn

  • Xuyên tâm liên 3g
  • Cỏ nhọ nồi 6g
  • Diệp hạ châu đắng 3g

Sắc uống ngày một thang, uống liền trong 2 – 4 tuần

Bài thuốc số 4: Chữa bỏng (giai đoạn hồi phục của bệnh)

– Xuyên tâm liên 200g, nấu với 500ml nước, rửa hàng ngày.

– Xuyên tâm liên, hoàng bá, xà sàng tử, mỗi vị 100g. Nấu với 600ml nước, rửa hàng ngày.

Bài thuốc số 5: Xuyên tâm liên trị mụn nhọt

Lá xuyên tâm liên 1 nắm giã nát với rượu, dùng để xoa, đắp tại chỗ. Kết hợp cho uống thuốc sắc: Kim ngân hoa, sài đất, bèo cái, lá trắc bá, lá tre, mỗi thứ một nắm nhỏ, sắc đặc uống ngày một thang, chia làm 2 -3 lần.

Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về cây thuốc xuyên tâm liên.

Tuy nhiên, để sử dụng một cách tốt nhất thì bạn cần tham khảo ý kiến của Bác sĩ, Dược sĩ trước khi dùng.