Logo

Trẻ em nên ăn bao nhiêu đường mỗi ngày?

Lượt xem: 275 Ngày đăng: 04/11/2020

yduoctuetinh.net – Theo Tổ chức y tế thế giới, lượng đường sử dụng hàng ngày không nên quá 10% lượng năng lượng (calo) hàng ngày, hoặc tốt hơn – không quá 5%. Vậy trẻ em ăn bao nhiêu đường mỗi ngày là đủ?

  1. Đường có trong những thực phẩm nào?

Chúng ta đều biết, đường là gia vị rất quen thuộc. Hằng ngày, đường được cung cấp cho cơ thể không chỉ đến từ đường tinh chế. Bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh hằng ngày là “thủ phạm” chứa rất nhiều đường. Đường cũng được tìm thấy trong trái cây, quả mọng và mật ong, cũng như các nguồn thực phẩm chính có chứa tinh bột như: Ngũ cốc, bánh mì, khoai tây,..

Đường glucose là một trong những thành phần chính mà tinh bột chuyển hóa trong quá trình tiêu hóa. Lượng glucose này đủ cho não và toàn bộ cơ thể.

Việc phân biệt đường được bổ sung và đường tự nhiên có trong các loại thực phẩm, đặc biệt là trong rau củ quả, trái cây là vô cùng cần thiết. Các loại đường tự nhiên tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, thực phẩm chứa đường tự nhiên như hoa quả, rau xanh cũng chứa nhiều nước, chất xơ, vitamin và khoáng chất cao, hàm lượng đường thấp,… rất có lợi cho sức khỏe. Ngược lại, nhiều món bánh kẹo ngọt, socola hay nước giải khát,.. chứa nhiều đường lại thường là món yêu thích của trẻ nhỏ.

  1. Ảnh hưởng của việc ăn quá nhiều đường trong một ngày

Bổ sung nhiều hơn lượng đường cho phép mỗi ngày là một nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em bị béo phì, thừa cân và sâu răng đang ngày càng gia tăng. Không chỉ có vậy, điều này còn có thể để lại nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sau này.

Các nhà khoa học đã chứng minh, lượng lớn đường sẽ kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư. Khẩu phần ăn thừa đường là nguyên nhân làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim, có hại cho sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc tiêu thụ đường nhiều có liên quan đến hội chứng béo phì và nguy cơ xuất hiện nhiều căn bệnh không lây truyền khác. Theo thống kê, hội chứng này khiến ít nhất 2,8 triệu người trưởng thành tử vong mỗi năm, chưa kể một tỉ lệ lớn mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Ngoài ra, hiện có hơn 40 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị thừa cân. Ăn nhiều đường gây sâu răng và chi phí điều trị sâu răng cũng khá tốn kém, chiếm 10% ngân sách chi cho ngành y tế tại các nước công nghiệp.

  1. Lượng đường cho phép mỗi ngày là bao nhiêu?

Theo WHO, lượng đường sử dụng hàng ngày không nên quá 10% lượng năng lượng (calo) hàng ngày, hoặc tốt hơn – không quá 5%.

Thực tế thì rất khó để đánh giá chính xác lượng đường ta đưa vào cơ thể mỗi ngày, đặc biệt là trong các loại thực phẩm tự nhiên. Tuy nhiên, ta vẫn có thể ước tính xấp xỉ. Trong nhiều sản phẩm, nếu đường được chỉ định ghi ở gần đầu nhãn sản phẩm, thì khả năng cao là sản phẩm này nhiều đường. Ngay cả khi đường được ghi ở dưới, thì chưa chắc lượng đường đã là ít. Cũng cần lưu ý rằng, đường bao gồm đường thông thường, đường dextrose, glucose, fructose và nhiều chất khác.

Tùy vào độ tuổi của bé mà bố mẹ có thể chọn ra lượng đường cần thiết trong chế độ dinh dưỡng của con.

Nhu cầu đường cho cơ thể

Bảng lượng đường cho phép mỗi ngày theo độ tuổi

Nghiên cứu cho thấy trẻ em không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Lượng đường này tương đương với một thanh sô-cô-la nhỏ và ít hơn một lon nước ngọt. Ngoài ra, đối với trẻ dưới 2 tuổi, khẩu phần dinh dưỡng của bé không nên bổ sung thêm đường, vì điều này có thể gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ.

Bố mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát được lượng đường bổ sung cho bé. Trẻ em sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường có xu hướng ăn ít thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn như trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm sữa ít chất béo tốt cho tim mạch.

BTV-KD

(Theo trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec)