Logo

Tại sao tiêm chủng lại quan trọng như thế?

Lượt xem: 519 Ngày đăng: 07/05/2020

PGS.TS. Trần Như Dương
Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

1. Tầm quan trọng của vắc xin và tiêm chủng

Có thể nói việc nhà khoa học Jenner phát minh ra vắc xin vào năm 1796 là một thành tựu Y học vĩ đại của nhân loại. Kể từ khi văc xin ra đời loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chính vì vậy tác động của vắc xin với sức khỏe loài người là không thể diễn tả hết. Ngoài trường hợp ngoại lệ của nước sạch, không có bất cứ can thiệp y tế nào, ngay cả việc phát minh ra kháng sinh, lại có được những tác động to lớn như vắc xin trong việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong của bệnh truyền nhiễm nhiều đến thế.

Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa văc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội:

Vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại:

Khoảng 85% – 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc xin hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực:

Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.

Vắc xin và tiêm chủng góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững:

Vắc xin và tiêm chủng làm cho trẻ em khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình. Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung v.v. Bên cạnh đó vắc xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Những thành tựu quan trọng của vắc xin và tiêm chủng trên thế giới

•    Bệnh Đậu mùa, đã từng giết chết 2 triệu người mỗi năm cho tới cuối những năm 1960, đã bị quét sạch vào năm 1979, sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu.
•    Số ca mắc bệnh Bại liệt giảm từ trên 300.000/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 358 trường hợp năm 2014.
•    2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được uốn ván sơ sinh
•    Số trường hợp tử vong do Sởi được báo cáo giảm từ 2,6 triệu/năm xuống còn 122.000 năm 2012.
•    Số tử vong liên quan đến  Ho gà đã giảm từ 1,3 triệu/năm xuống còn 63.000 vào năm 2013.
•    Số mắc Bạch hầu đã giảm từ 80.000 trường hợp năm 1975 xuống còn dưới 10.000 trường hợp như hiện nay.
•    Vắc xin phòng Haemophilus influenza B (Hib) đã làm giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh Viêm màng não do Hib ở châu Âu trong 10 năm.
•    Tổ chức Y tế thế giới ước tính rằng việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp.
•    Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho riêng vắc xin Sởi-Quai bị-Rubella thì tiết kiệm được 21 USD.

2. Chương trình TCMR ở Việt Nam và thành tựu

Có thể nói chương trình TCMR ở Việt Nam được Nhà nước quan tâm và chỉ đạo thực hiện từ rất sớm đến nay đã hơn 30 năm. Sau đây là một số dấu mốc quan trọng về sự hình thành và phát triển của chương trình TCMR ở nước ta:

Giai đoạn thí điểm (1981 – 1984):

TCMR bắt đầu được triển khai thí  điểm ở Việt Nam từ năm 1981 và được mở rộng dần hàng năm. Hết giai đoạn thí điểm đã có 50% số tỉnh triển khai dịch vụ TCMR.

Giai đoạn mở rộng dịch vụ tiêm chủng trong cả nước (1985 -1990):

Năm 1985, chương trình TCMR được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước với 6 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Bại liệt. Đến năm 1990, đã có 100% số huyện với trên 96,4% số xã triển khai chương trình TCMR

Giai đoạn xoá xã trắng về tiêm chủng mở rộng: 1991 -1995:

Mặc dù số xã trắng chưa triển khai TCMR trong năm 1990 chỉ chiếm khoảng 3,6% tổng số xã trong cả nước song đây lại là những xã khó khăn nhất, thực hiện gian khổ nhất đều là những xã ở vùng sâu, vùng xa, núi non hiểm trở, hải đảo xa xôi, thiếu điều kiện giao thông, thiếu cơ sở y tế, lưới điện… việc xoá các xã trắng về tiêm chủng là một mục tiêu cấp bách song hết sức khó khăn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, đặc biệt là sự kết hợp của quân y bộ đội biên phòng. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, đến năm 1995 ngành y tế đã hoàn toàn xóa bỏ được các xã trắng về tiêm chủng, đánh dấu mốc quan trọng trong công tác TCMR về thực hiện tiêm chủng ở 100% xã phường trên toàn quốc góp phần đảm bảo công bằng trong chăm sóc y tế của Đảng và nhà nước ta.

Giai đoạn nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và mở rộng vắc xin mới trong TCMR:

–     Năm1997: Bốn văc xin mới tiếp tục được đưa vào triển khai miễn phí trong chương trình TCMR củaViệt Nam là văc xin viêm gan B, văc xin viêm não Nhật Bản B, văc xin thương hàn, tả. Đánh dấu 10 loại vắc xin được triển khai trong TCMR. Như vậy số lượng vắc xin mới đã từng bước mở rộng theo đúng ý nghĩa và tiêu chí của TCMR đó là mở rộng dần các vắc xin để phục vụ nhân dân. Đến năm 2003, văc xin viêm gan B được triển khai trên cả nước, năm 2014 vắc xin Viêm não Nhật bản B đã được triển khai trên 100% số huyện trong cả nước. Vắc xin tả, thương hàn được triển khai ở các vùng nguy cơ mắc bệnh cao.
–    Từ tháng 6/2010, vắc xin Hib phòng bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib trong thành phần vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib (QUINVAXEM) được triển khai trên toàn quốc, đây là vắc xin thứ 11 được đưa vào TCMR ở Việt Nam.
–    Được sự cho phép của Chính phủ tại văn bản số 1208/ QĐ-TTg ngày 04/09/2012 về việc đưa vắc xin Rubella vào Dự án Tiêm chủng mở rộng, với sự hỗ trợ của Tổ chức Liên Minh toàn cầu về Vắc xin và tiêm chủng (GAVI) chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng đã được tổ chức thành công trong năm 2014-2015.  Và vắc xin Rubella tiếp tục được duy trì trong tiêm chủng thường xuyên từ năm 2015. Như vậy Vắc xin phòng bệnh rubella là vắc xin thứ 12 được triển khai  trong chương trình TCMR của Việt Nam

Những thành tựu nổi bật của chương trình TCMR ở Việt Nam

Tại Việt Nam lợi ích của tiêm chủng thực sự vô cùng to lớn. Chương trình TCMR đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình Y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam. Chính nhờ có chương trình TCMR hàng năm chúng ta đã bảo vệ được cho được hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến. Bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa. Không có một chương trình phòng bệnh nào lại hiệu quả như thế nhờ thứ vũ khí siêu hạng là vắc xin, cụ thể là:

o    11 nghìn xã phường, 704 huyện của cả nước được tiêm chủng
o    Hơn 1,6 triệu trẻ em, gần 1,7 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ hàng năm với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em
o    Đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh đậu mùa từ năm 1979
o    Đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh bại liệt từ năm 2000
o    Đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005
o    Đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020.
o    Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não nhật bản, sởi đã giảm một cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng.

3. Nguy cơ nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn:

Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.  Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản  v.v cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng. Chính vì vậy các bậc cha mẹ, vì sức khoẻ của con em mình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình TCMR và cả những vắc xin chưa có trong chương trình TCMR. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Ban Biên tập – Cục Y tế dự phòng