Logo

Tuyệt đối không tiêm vắc xin khi trẻ có những dấu hiệu này

Lượt xem: 296 Ngày đăng: 07/05/2020

Trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin, cha mẹ cần chú ý những biểu hiện sau đây của con em mình để hoãn hoặc dừng tiêm, tránh những tai biến xấu có thể xảy ra.

 

Tuyệt đối không tiêm vắc xin khi trẻ có những dấu hiệu này - 1
Ảnh minh họa: Internet

Tiêm chủng mở rộng gồm vắc-xin phòng các bệnh gì?

Những bệnh truyền nhiễm và vắc xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B, bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.

Trong số 10 vắc xin trên, 2 vắc xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ sơ sinh là tiêm vắc xin viêm gan virus B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao – tiêm một lần cho trẻ trong vòng một tháng đầu sau sinh.

Đối tượng không được tiêm vắc xin

Với trẻ sơ sinh, chống chỉ định tiêm chủng hoặc tạm hoãn tiêm chủng khi trẻ có những biểu hiện sau:

– Sốt trên hoặc bằng 37,5 độ C/ hạ thân nhiệt dưới hoặc bằng 35,5 độ C.

– Nghe tim bất thường

– Tri giác bất thường (ly bì hoặc kích thích, bú kém,…)

– Cân nặng dưới 2000g và có các chống chỉ định khác.

Tuyệt đối không tiêm vắc xin khi trẻ có những dấu hiệu này - 2

Với trẻ em, chống chỉ định tiêm chủng hoặc hoãn tiêm chủng khi trẻ có những biểu hiện sau

– Sốc, phản ứng nặng sau lần tiêm chủng trước.

– Đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh mãn tính tiến triển.

– Đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid/gammaglobulin.

– Sốt trên hoặc bằng 37,5 độ C/ hạ thân nhiệt dưới hoặc bằng 35,5 độ C; nghe tim bất thường.

– Nhịp thở nghe phổi bất thường.

– Tri giác bất thường và các chống chỉ định khác.

Tuyệt đối không tiêm vắc xin khi trẻ có những dấu hiệu này - 3

Không tiêm chủng vắc xin cho những trường hợp

– Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib lần tiêm chủng trước hoặc vắc xin có thành phần DPT, viêm gan B, Hib như:

+ Sốt cao trên 39°C trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm vắc xin.

+ Dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở trong vòng 2 ngày sau tiêm vắc xin.

+ Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin.

+ Khóc dai dẳng trên 3 giờ… trong vòng 1 ngày sau tiêm vắc xin.

+ Giảm trương lực cơ trong vòng 2 ngày sau tiêm vắc xin.

– Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan….)

Tạm hoãn tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib cho các trường hợp

– Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

– Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).

– Trẻ mới truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.

– Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.

– Cân nặng dưới 2000 gram

Những dấu hiệu sau khi tiêm chủng cần đưa trẻ đến viện ngay

– Tinh thần: quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ,…

– Khó thở: rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch

– Sốt cao >39°C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24h

– Da nổi vân tím, chi lạnh

– Nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú

– Co giật

– Phát ban

Đặc biệt, không tự ý dùng thuốc ở nhà khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường sau khi tiêm vắc xin. Khi dùng thuốc cần phải theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Theo Quảng An (Tiền Phong)