Logo

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN CƠ BẢN

Lượt xem: 80 Ngày đăng: 13/08/2021

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Ngừng tuần hoàn là tim đột ngột ngừng hoạt động hoặc còn hoạt động điện học nhưng không co bóp. Ngừng tuần hoàn là 1 tối cấp cứu vì có thể xảy ra đột ngột bất kỳ lúc nào với bất ký ai và ở bất kỳ đâu.
  • Hồi sinh tim phổi cần được bắt đầu ngay lập tức sau khi phát hiện Người bệnh ngừng tuần hoàn. Do khoảng thời gian từ khi gọi cấp cứu đến khi kíp cấp cứu có mặt để cấp cứu Người bệnh thường trên 5 phút, nên khả năng cứu sống được Người bệnh ngừng tim phụ thuộc chủ yếu vào khả năng và kỹ năng cấp cứu tại chỗ.
  • Trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cần tiết kiệm tối đa thời gian do vậy cần nhanh chóng tiếp cận Người bệnh nghi ngờ ngừng tuần hoàn, gọi hỗ trợ sớm và nhanh chóng tiến hành cấp cứu tại chỗ.

II. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh ngừng tuần hoàn

III. DẤU HIỆU SỚM NHẤT NGỪNG TUẦN HOÀN

  • Dấu hiệu sớm nhất và cũng dễ nhận biết nhất khi ngừng tuần hoàn là mất ý thức đột ngột.
  • Ngay khi nhìn thấy hoặc được thông báo có người mất ý thức đột ngột chúng ta cần nhanh chóng tiếp cận người bệnh. Gọi hỏi Người bệnh thật to bằng 2 câu hỏi “ Anh tên là gì?” và “ Anh làm sao thế?” đồng thời dùng tay đập mạnh lên vùng ngực Người bệnh hoặc dùng tay day ấn mạnh vào vùng xương ức ( vùng giữa ngực )
  • Ngay lập tức sau đó chúng ta cần gọi hỗ trợ. Gọi ngắn gọn, đủ lớn và đủ thông tin theo thứ tự như sau: “ Người bệnh ở đâu ( ví dụ: trong bếp, ngoài vườn…) , bị bất tỉnh đột ngột, cần hỗ trợ cấp cứu khẩn cấp”

IV.  XỬ LÝ CẤP CỨU TẠI CHỖ

  • Xử lý cấp cứu ngừng tuần hoàn được khởi động ngay từ khi phát hiện trường hợp nghi ngờ ngừng tuần hoàn. Người cấp cứu vừa tiến hành tiếp cận người bệnh, gọi người hỗ trợ vừa bắt đầu các biện pháp hồi sinh tim phổi cơ bản ngay.
  • Khi có nhiều người cần có 1 người là chỉ huy để phân công, tổ chức cấp cứu đúng trình tự và đồng bộ.
  • Cần ghi nhớ thời điểm tiếp cận người bệnh và bắt đầu cấp cứu.
  • Thiết lập không gian cấp cứu đủ rộng và hạn chế tối đa những người không tham gia cấp cứu vào và làm cản trở công tác cấp cứu.
  • Nhanh chóng đặt người bệnh nằm trên 1 mặt phẳng cứng để có thể tiến hành làm hồi sinh tim phổi cơ bản
  • Tiến hành ngay hồi sinh tim phổi cơ bản ( ABC)

Kiểm soát đường thở:

  • Đặt ngửa đầu, cổ ưỡn, thủ thuật kéo hàm dưới/ nâng cằm.
  • Chú ý trường hợp nghi ngờ hoặc có chấn thương cột sống cổ không làm thủ thuật kéo hàm / nâng cằm.
  • Móc sạch đờm dãi hay dị vật trong miệng nếu có. Làm nghiệm pháp Heimlich nếu có nghi ngờ dị vật đường thở.

Kiểm soát và hỗ trợ hô hấp : thổi ngạt hoặc bóp bóng

Nếu người bệnh không thở: thổi ngạt hoặc bóp bóng 2 lần liên tiếp . Sau đó kiểm tra mạch:

  • Nếu có mạch: tiếp tục thổi ngạt hoặc bóp bóng.
  • Nếu không có mạch: thực hiện chu kỳ ép tim/ thổi ngạt ( hoặc bóp bóng ) theo tỷ lệ 30/2.
  • Nhịp thở nhân tạo ( thổi ngạt, bóp bóng) thổi vào trong 1 giây, đủ làm lồng ngực phồng lên nhìn thấy được với tần số nhịp 10-12 lần/ phút đối với người lớn, 12-20 lần /phút đối với trẻ nhỏ và nhũ nhi.
  • Nối oxy với bóng ngay khi có oxy.

Kiểm soát và hỗ trợ tuần hoàn: ép tim ngoài lồng ngực

  • Kiểm tra mạch cảnh trong vòng 10 giây. Nếu không thấy mạch: tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ngay.
  • Ép tim ở 1/2 dưới xương ức, lún 1/3 -1/2 ngực ( 4-5 cm với người lớn) đủ để sờ thấy mạch khi ép; tần số 100 lần/ phút. Phương châm là “ ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép. “
  • Tỷ lệ ép tim/ thông khí là 30/2 nếu là người bệnh người lớn hoặc người bệnh trẻ nhỏ, nhũ nhi có 1 người cấp cứu. Tỷ lệ có thể là 15/2 đối với trẻ nhỏ hoặc nhũ nhi có 2 người cấp cứu.
  • Kiểm tra mạch trong vòng 10 giây sau mỗi 5 chu kỳ ép tim/ thổi ngạt hoặc sau mỗi 2 phút ( 1 chu kỳ ép tim/ thổi ngạt là 30 lần ép tim/ 2 lần thổi ngạt)

V. PHÒNG BỆNH

Ngừng tuần hoàn thường xảy ra đột ngột, không dự đoán trước được Tất cả mọi người, các Người thực hiện cấp cứu, người thực hiện cứu hộ phải được tập luyện và chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu cần thiết cho cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Túi thuốc cấp cứu cần có mặt nạ giấy hoặc mặt nạ có ống dài để thổi ngạt, bóng ambu và mặt nạ bóp bóng, bình oxy, bộ đặt nội khí quản và ống nội khí quản số 7 số 8, thuốc adrenalin ống 1mg.

Theo Quyết định về việc ban hành tài liệu” Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hồi sức- Cấp cứu và Chống độc” Bộ Y Tế Số : 1904/ QĐ- BYT