Trẻ nhỏ do sức đề kháng còn yếu nên thường dễ mắc bệnh, đặc biệt các bệnh về hô hấp như ho hen, sổ mũi, cảm lạnh, sốt,… Bởi vậy, tăng sức đề kháng cho trẻ sẽ giúp bé yêu chống đỡ với tác nhân gây hại, bệnh tật và có sức khỏe tốt hơn. Chúng ta cùng điểm qua một số phương pháp tăng sức đề kháng cho trẻ qua bài viết dưới đây.
Ảnh minh họa
- Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch
Để nâng cao sức đề kháng, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Với những mũi tiêm chủng dịch vụ, bạn có thể cân nhắc tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của gia đình nhưng cũng nên cho bé tiêm đủ, đặc biệt là mũi vắc xin phòng bệnh cúm mùa. Việc tiêm vắc xin kích thích cơ chế tự vệ tự nhiên của cơ thể nhằm tăng sức đề kháng để chống lại bệnh nhanh và hiệu quả hơn.
- Duy trì chế độ ăn khoa học
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bạn chú ý bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất bằng cách cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau quả tươi. Với một chế độ ăn cân bằng, khoa học, bạn sẽ không cần phải cho trẻ uống bất cứ loại thuốc bổ sung vitamin nào khác. Những thực phẩm có chứa nhiều vitamin C và caroten giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như cà rốt, gấc, cam, đu đủ… Các chất dinh dưỡng này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào bạch cầu và interferon, loại kháng thể có thể bao phủ bề mặt của tế bào, giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Không những vậy, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, trẻ nhỏ ăn nhiều rau xanh và trái cây còn giảm nguy cơ bị ung thư khi lớn lên.
- Chăm sóc sức khỏe đường ruột
Bạn nên thường xuyên cung cấp thực phẩm giàu chất probiotics như sữa chua, bơ hoặc bắp cải muối chua… vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. Probiotics là vi khuẩn tốt trong đường ruột, giúp giữ cho những vi khuẩn xấu không làm tổn hại đến cơ thể. Vi khuẩn tốt có tác động tích cực lên hệ miễn dịch và thậm chí có thể điều chỉnh phản ứng miễn dịch thông qua hệ miễn dịch niêm mạc ruột. Bằng cách này, hệ miễn dịch của bé, đặc biệt là hệ miễn dịch đường ruột sẽ khỏe mạnh hơn.
- Bổ sung đủ nước cho trẻ
Mất nước có thể dẫn đến mất cân bằng chất, làm giảm khả năng miễn dịch khiến cơ thể khó đánh bại các loại vi khuẩn, virus đang tìm cách xâm nhập vào cơ thể. Để tránh tình trạng này, bạn cần nhắc nhở trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Nước giúp oxy hóa máu dễ dàng hơn trong cơ thể, giúp các tế bào hoạt động hết công suất. Những tế bào chứa đầy oxy sẽ giúp cơ thể bé luôn khỏe mạnh, hình thành khả năng miễn dịch chống lại tác nhân xấu xâm nhập từ bên ngoài. Không những vậy, việc uống nhiều nước còn giúp thận đào thải sạch các độc tố thông qua việc bài tiết nước tiểu, não cũng được tăng cường trao đổi chất, lưu thông dịch não tủy.
- Vận động thường xuyên
Ảnh minh họa
Việc vận động rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Do đó, bạn cần khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày thay vì dành nhiều thời gian vào màn hình để xem ti vi, chơi trò chơi… Vận động thường xuyên sẽ giúp cơ thể sản xuất một chất chống viêm tự nhiên. Ngoài ra, nó còn giúp:
- Loại bỏ vi khuẩn có thể có trong đường hô hấp, giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc cúm
- Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn xấu
- Giúp các tế bào bạch cầu lưu thông nhanh hơn, từ đó phát hiện và chống lại bệnh tật hiệu quả
- Hạn chế giải phóng các hormone căng thẳng.
Mỗi ngày hãy khuyến khích trẻ vận động khoảng 30 phút mỗi lần, 5 lần/tuần, bạn sẽ thấy sức khỏe của trẻ được cải thiện rõ rệt.
- Giữ vệ sinh tay
Việc giữ vệ sinh tay mặc dù không giúp tăng cường hệ miễn dịch từ bên trong nhưng sẽ giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, từ đó hệ miễn dịch của cơ thể sẽ ít bị tổn hại. Trên bàn tay của mỗi người có chứa hàng triệu vi sinh vật gây hại, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng… Vệ sinh tay là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện và rất hiệu quả. Chỉ một động tác đơn giản là rửa tay với xà phòng diệt khuẩn đã có thể giúp giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 – 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Chính vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả cho các thành viên trong gia đình, bạn cần chú ý đến việc rửa tay của cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là trước khi ăn và sau đi vệ sinh.
- Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ
Ngủ là lúc mà cơ thể nghỉ ngơi và tự hồi phục, nếu trẻ không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon, cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể sẽ bị suy yếu. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách tốt nhất, bạn cần:
- Duy trì một thời gian biểu đi ngủ – thức dậy đều đặn mỗi ngày cho trẻ, ngay cả những ngày cuối tuần.
- Duy trì những thói quen tốt trước khi đi ngủ như tắm nước ấm, đọc sách, hát ru…
- Không cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ.
- Tạo không gian ngủ yên tĩnh.
- Tránh xa khói thuốc
Khói thuốc chứa đến hơn 4.000 độc tố mà hầu hết trong số đó có thể gây kích ứng hoặc tiêu diệt các tế bào trong cơ thể. Do hệ miễn dịch còn non nớt nên khi tiếp xúc với khói thuốc, trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người lớn.
Những trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ bị đột tử, viêm phế quản, nhiễm trùng tai và hen suyễn. Ngoài ra, việc hít phải khói thuốc còn có thể ảnh hưởng đến trí thông minh và sự phát triển thần kinh. Chính vì vậy, để giúp con có một sức khỏe tốt, nếu đang hút thuốc, bạn nên bỏ thuốc ngay hôm nay và giữ trẻ tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc.
ST. Ds Lê Thị Ban Mai