Khi nào cần nạo VA hoặc cắt amidan cho trẻ ?
Nạo VA và cắt amidan sẽ chỉ được bác sĩ tai mũi họng đề cập sau quá trình bệnh lý kéo dài, bao gồm viêm VA/amidan mạn tính tái đi tái lại nhiều lần, gây biến chứng gần và xa; VA/amdian phì đại khiến trẻ phải thở bằng miệng, nghẹt mũi, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, ngừng thở khi ngủ…
Trên thực tế, ngay cả khi bác sĩ đã cân nhắc kỹ và chỉ định nạo VA hoặc cắt amidan cho trẻ vì không có lựa chọn nào khác, một số phụ huynh vẫn tỏ ra quá dè dặt, nhất quyết không cho con phẫu thuật vì e ngại khả năng miễn dịch của trẻ giảm sút nhiều sau can thiệp. Cần hiểu rằng VA và amidan bị viêm nhiễm kéo dài và quá phát chẳng những không thể duy trì chức năng miễn dịch của mình mà còn dẫn tới nhiều rắc rối như:
Viêm VA và amidan có thể lớn đến mức gây cản trở việc thở của trẻ, khiến trẻ phải thở miệng, ngủ ngáy và thậm chí ngừng thở khi ngủ. Thiếu oxy não thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển thể chất và trí tuệ, khả năng học tập cũng như hành vi của trẻ. VA quá lớn cũng ảnh hưởng tới khứu giác và vị giác của các bé.
VA phì đại có thể gây bít tắc vòi tai, dẫn tới nhiễm trùng tai, giảm thính lực và ảnh hưởng tới phát triển ngôn ngữ.
VA phì đại có thể khiến dịch nhầy tích tụ trong các xoang hoặc gây viêm xoang tái phát.
Ngoài ra, VA và amidan bị viêm thường xuyên sẽ là nơi trú ngụ của các vi khuẩn gây bệnh, từ đó chúng có thể tấn công các cơ quan khác như mũi họng, xoang, tai, thanh khí phế quản, tim, thận…
Chỉ định và chống chỉ định
VA và amidan là 2 trong 6 thành phần của vòng bạch huyết Waldayer, không phải cơ quan duy nhất thực hiện chức năng sản sinh miễn dịch giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Vì vẫn có tổ chức tương tự đảm đương cùng nhiệm vụ nên việc nạo VA hoặc cắt amidan không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng chống nhiễm trùng của trẻ.
Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là mọi trường hợp viêm VA hay viêm amidan đều phải phẫu thuật cắt bỏ. Viêm VA và viêm Amidan không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp hình thành miễn dịch, chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa.
Chỉ định nạo VA
Phẫu thuật nạo VA được Willhelm Meyer người Đan Mạch mô tả lần đầu tiên vào năm 1867. Tới đầu thập niên 1900, cắt amidan và nạo VA thường được thực hiện đồng thời vì hai cấu trúc này được coi là những ổ nhiễm trùng gây ra nhiều bệnh khác. Vào những thập niên 1930 và 1940, sự xuất hiện của kháng sinh đã giúp điều trị thành công nhiều trường hợp viêm VA và amidan. Kể từ đó, phẫu thuật nạo VA và cắt amidan không còn được áp dụng rộng rãi như trước nữa.
Để tránh lạm dụng, quyết định nạo VA cần được thực hiện đúng quy trình, bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và nội soi, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định phẫu thuật. Ngay cả trường hợp trẻ có đầy đủ tiêu chí phẫu thuật, một số bác sĩ vẫn khuyên gia đình loại bỏ hoàn toàn sữa và các chế phẩm sữa (sữa tươi, sữa công thức, sữa chua, pho mát…) ra khỏi chế độ ăn của trẻ và theo dõi trong vòng ít nhất 1 tháng. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm thì mới tiến hành can thiệp. Nhạy cảm với sữa được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ứ đọng, tắc nghẽn kéo dài ở vùng tai mũi họng.
Phẫu thuật nạo VA được chỉ định trong các trường hợp sau (không có giới hạn về tuổi):
– Viêm VA tái đi tái lại nhiều lần trong năm (≥ 5 lần/1năm).
– Viêm VA điều trị nội khoa không hết, kèm theo bé có các biến chứng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản.. tái phát.
– V.A quá phát gây bít tắc cửa mũi sau, khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài, gây cản trở đường thở tự nhiên.
Chỉ định cắt amidan
– Viêm amiđan mạn tính, tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm)làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhi. Chỉ tính các đợt viêm amidan được bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, không tính các đợt do người bệnh tự chẩn đoán.
– Viêm amiđan gây biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm khớp, ápxe quanh amiđan, viêm hạch cổ…
– Amiđan phì đại gây tắc nghẽn, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc gây khó nuốt, khó nói.
Chống chỉ định tuyệt đối
Có bệnh về máu, bệnh tim nặng, lao tiến triển
Chống chỉ định tạm thời
– Đang viêm nhiễm cấp vùng mũi họng.
– Đang nhiễm virus cấp như: cúm, sởi, ho gà, sốt xuất huyết …
– Bệnh nhân cơ địa dị ứng, hen phế quản, hở hàm ếch.
– Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, đang có dịch đường hô hấp tại địa phương
– Đang uống hay tiêm phòng dịch (chờ ít nhất 2 tuần sau uống vắc xin phòng bại liệt, 6 tháng sau tiêm phòng lao).
Nguy cơ phẫu thuật
Cũng như với bất kỳ ca phẫu thuật nào, nạo VA hay cắt amidan đi kèm một số nguy cơ:
- Chảy máu sau mổ: đây là biến chứng thường gặp. Nguy cơ này lớn nhất vào ngày đầu tiên sau mổ và lần thứ hai xuất hiện 5-7 ngày sau phẫu thuật,khi lớp vảy phủ vết thương vùng amidan bong ra. Trẻ được uống đủ nước và tuân thủ chế độ ăn mềm ít có khả năng gặp biến chứng này. Sau nạo VA máu thường chảy ít hơn so với sau cắt amidan. Một số trường hợp hợp chảy máu nhiều, phải nhét bấc mũi cầm máu, hiếm hơn có thể phải truyền máu nếu lượng máu mất rất lớn.
- Nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật.
- Bất kỳ cuộc gây mê nào cũng đi kèm nguy cơ, nhưng nguy cơ này là rất nhỏ ở trẻ khỏe mạnh. Trẻ có thể có phản ứng dị ứng hay rối loạn hô hấp liên quan tới gây mê. Cần báo cáo với bác sĩ nếu trẻ có dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào.
Biến chứng trong và sau mổ
Vì mỗi cá nhân có đáp ứng khác nhau với phẫu thuật, phản ứng với gây mê và lành thương của các trẻ cũng khác nhau nên rất khó dự đoán chắc chắn kết quả phẫu thuật và các biến chứng tiềm ẩn. Tiên lượng sau mổ cũng phụ thuộc cả vào tình trạng bệnh hiện có của mỗi trẻ.
Những rắc rối sau đây đã được ghi nhận trong y văn. Mặc dù phần lớn các biến chứng này rất hiếm khi xảy ra nhưng chúng đã từng xảy ra tại một thời điểm nào đó, dưới bàn tay của những phẫu thuật viên kinh nghiệm, trong điều kiện chăm sóc y tế chuẩn mực. Vì vậy gia đình và bác sĩ cần cân nhắc kỹ để so sánh những nguy cơ tiềm ẩn với lợi ích của phẫu thuật trước khi đưa ra quyết định mổ.
- Rất hiếm khi, dụng cụ để banh miệng trong khi phẫu thuật có thể làm gãy răng, nhất là răng sữa. Đôi khi cũng có thể gây chấn thương môi hoặc lưỡi.
- Amidan thường được cắt bằng dao điện, vì vậy đôi khi có xảy ra bỏng điện ở môi hay lưỡi.
- Nhiễm trùng, mất nước, đau kéo dài và/hoặc liền thương chậm: bệnh nhân phải nhập viện lại dể truyền dịch và kiểm soát đau.
- Chảy máu: Trong một số rất ít trường hợp, bệnh nhân chảy máu nhiều, phải truyền máu hay chế phẩm máu.
- Sau nạo VA, một số trẻ bị thay đổi giọng vì có quá nhiều không khí thoát ra đằng mũi. Một số trẻ bị thoát đồ ăn lỏng hoặc đặc qua mũi khi ăn. Những thay đổi này thường là tạm thời. Nếu chúng tồn tại dai dẳng 4-6 tuần thì cần thông báo với bác sĩ. Một số trẻ có thể thay đổi giọng vĩnh viễn (hiếm gặp).
- Mặc dù amidan không bao giờ mọc lại, VA có thể phát triển lại, nhất là ở trẻ nhỏ.
- Kết quả không như ý: Trong một số trường hợp, sau phẫu thuật số đợt đau họng không hề giảm bớt, tình trạng viêm xoanh tái phát/chảy nước mũi không được cải thiện.
- Tình trạng tắc nghẽn đường thở, ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ hay thở miệng không được cải thiện.
- Trong những trường hợp cực kỳ hiếm, thành sau mũi hoặc miệng bị đóng kín toàn bộ hay một phần do sẹo, phải phẫu thuật lại để sửa.
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung Ương