Logo

Cơ hội phát triển ngành dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 – Góc nhìn từ Nhật Bản

Lượt xem: 294 Ngày đăng: 14/05/2020

Chúng ta có thể rõ ràng nhận thấy trong thời gian vừa qua ngành y tế Việt Nam đã đứng vững trước đại dịch COVID-19. Trong khi các quốc gia phải chật vật và lúng túng chống chọi với dịch COVID thì Việt Nam đã chủ động, tích cực phòng chống dịch từ rất sớm, không để xảy ra vỡ trận. Chúng ta cũng đạt nhiều bước tiến và thành tựu rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh lây lan ngoài cộng đồng và điều này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bằng việc tự sản xuất được Bộ Kit xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm kháng thể, Việt Nam có thể chủ động tiến hành khoanh vùng dịch khi mới chỉ là nguy cơ, đồng thời kiểm soát lây lan khi có ca bệnh mới. Với góc nhìn của các chuyên gia có kinh nghiệm, đầu tư phát triển ngành y tế không chỉ bảo vệ sức khỏe của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn có thể đưa y tế trở thành một ngành dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao và giải quyết được rất nhiều việc làm.

“Sức khỏe” của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước tác động nghiêm trọng của COVID-19

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI), Việt Nam có khoảng 5 triệu việc làm đã bị ảnh hưởng bao gồm các việc làm bị mất dài hạn, mất tạm thời, thu nhập bị sụt giảm, đồng thời, 85% doanh nghiệp đã phải chịu tác động xấu. Những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất là du lịch, vận tải, thương mại và các ngành công nghiệp gia công như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông lâm thủy sản, những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn.

Bà Trần Thị Huệ, Nghiên cứu viên Đại học Kyorin (Nhật Bản), cho biết đại dịch COVID-19 cũng đã gây thiệt hại rất lớn tới nền kinh tế Nhật Bản nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Hiện số lượng doanh nghiệp SME chiếm 99,7% tổng số doanh nghiệp, đóng góp tới 53% giá trị gia tăng và giải quyết cho 70% việc làm của nền kinh tế. Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ Nhật bản với hơn 12.700 doanh nghiệp Nhật, có 65% doanh nghiệp quy mô lớn và 53% doanh nghiệp quy mô nhỏ được hỏi đã trả lời là đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng do COVID-19.

Sự khó khăn của doanh nghiệp Nhật Bản cũng có phần rất lớn liên quan đến các ngành cung ứng dịch vụ y tế ở đất nước này. Thực tế cho thấy, không chỉ người dân mà các doanh nghiệp cũng có có nhu cầu cao về sử dụng khẩu trang, thiết bị y tế, và chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Bà Trần Thị Huệ cho biết các doanh nghiệp Nhật bị ảnh hưởng và gián đoạn hoạt động chỉ vì thiếu khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, đồ dùng vệ sinh (51%), giảm doanh thu do giảm lượng khác đến mua hàng (50%), hoãn hủy các sự kiện triển lãm (49%) và ảnh hưởng từ nguồn cung cấp, đặc biệt các nguồn cung cấp từ nước ngoài (đặc biệt Trung Quốc) (21%). Tiềm năng cho các ngành chăm sóc sức khỏe bao gồm như: thuốc, dược, thiết bị y tế, du lịch y tế, thực phẩm chức năng , dụng cụ y tế, vận chuyển là rất lớn và cần được tận dụng khai thác trong tình hình mới.

Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, thị trường mới cần một cách tư duy mới và cách tiếp cận mới

COVID-19 thực sự gây ảnh hưởng tới ngành chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản, đặc biệt là các công ty trang thiết bị y tế  phải nhập khẩu nguyên liệu hoặc sản phẩm ở nước ngoài, họ không có đủ nguyên liệu để sản xuất, người tiêu dùng không có hàng để mua. Chẳng hạn vật dụng đơn giản như nhiệt kế của Nhật vào thời điểm có dịch đã bị cháy hàng ngay tại trong nước vì nguyên liệu và nhà máy sản xuất đều ở Trung Quốc. So với cùng kì tháng 2/2019, nền kinh tế Nhật Bản đã sụt giảm 47%, song qua đó mà Nhật Bản cũng rút ra được một bài học lớn là không thể phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngành sản xuất trang thiết bị y tế sẽ là một ngành có giá trị và lợi nhuận đáng kể nếu được đầu tư thích đáng. Thời gian vừa qua Chính phủ và nhân dân đã cùng nhau đoàn kết, đồng lòng đẩy lùi đại dịch. Việt Nam đã sản xuất ra những bộ kit xét nghiệm COVID có độ tin cậy và chính xác cao, những máy thở đảm bảo chuẩn quốc tế, các loại khẩu trang 3 lớp, 4 lớp chuẩn quy định an toàn… Nhờ vậy, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp có thể hướng tới xuất khẩu. Thực tế là đã có một số nước mong muốn đặt khẩu trang, găng tay, thiết bị bảo hộ Made in VietNam với số lượng lớn trong đó có Nhật Bản.

Dự đoán xu thế ngành chăm sóc sức khỏe sau COVID chắc chắn không thể trở về bình thường mà có nhiều thay đổi rất lớn. Ông Nguyễn Duy Tuấn, một người có kinh nghiệp làm tư vấn cho nhiều công ty của Nhật đã nhận xét rằng, COVID 19 đã chuyển hướng hành vi, dịch vụ từ offline sang online, học online, bán hàng online, mua sắm online, tư vấn sức khỏe online v..v… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tuy còn trẻ và rất nhiều start up nhưng đã nắm bắt được thời cơ lúc này và phát triển thành công.

Dịch vụ y tế cũng trong xu thế đó. Từ trước đến nay, việc khám chữa bệnh lấy cơ sở y tế làm trung tâm, người dân đến bệnh viện hoặc phòng khám để khám và điều trị. Nhưng cách tiếp cận này đã dần thay đổi trong đại dịch, khi người bệnh có thể khám chữa bệnh tư vấn qua internet, qua app ngay tại nhà mà không cần đến cơ sở y tế. Hình thức khám chữa bệnh từ xa (telehealth, telemedicine) đã được sử dụng khá phổ biến tại các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Đức và cũng bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn tại các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Trước đây, người dân chưa chú trọng và chưa có niềm tin vào các dịch vụ như thế này, nhưng Dịch COVID này đã làm thay đổi cách suy nghĩ và cách tiếp cận của người dân.

Một ý kiến nữa của của chuyên gia là dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trong đó nhất là người trẻ tuổi cũng sẽ tăng cao. Người dân sẽ có ý thức chú trọng chăm sóc sức khỏe ngay khi bệnh còn nhẹ chứ không để bệnh nặng mới đi khám. Do vậy dịch vụ cần thiết kế sao cho thân thiện và phù hợp, hấp dẫn với đối tượng người trẻ tuổi, đây là một nhu cầu rất lớn, nhất là khi Chính phủ đang mới ra chính sách khuyến khích và hỗ trợ nam nữ kết hôn sớm và sinh hai con.

Một câu hỏi đặt ra cho các chuyên gia là liệu đầu tư vào ngành y tế liệu có dư thừa lao động, hay máy móc có thể thay thế con người. Trả lời vấn đề này, bà Huệ cho biết, ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe đòi hỏi nhiều nhân lực sẽ tiếp tục có nhu cầu tăng hơn nữa như ngành điều dưỡng, du lịch sức khỏe. Ở Nhật Bản có rất nhiều viện dưỡng lão và khu du lịch nghỉ dưỡng như tắm suối nước nóng (onsen). Loại hình du lịch này ở Nhật đang phát triển rất mạnh. Trong khi đó, nước ta có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, trình độ y khoa và các bác sỹ, kỹ thuật, điều dưỡng của Việt Nam không thua kém bất kỳ các nước nào khác, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển ngành dịch vụ này. Tương lai khi dịch bệnh qua đi, Việt Nam có thể tăng lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ và đẩy mạnh kinh tế phát triển.

Phục hồi nền kinh tế cần lựa chọn những ngành lĩnh vực ưu tiên, y tế cần được quan tâm

Các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam có thể chuyển mình trong cuộc khủng hoảng COVID lần này, biến khó khăn thành cơ hội. Bà Trần Thị Thu Hà đánh giá rằng Việt Nam đứng trước cơ hội khi các làn sóng doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc về nước hoặc sang các các khu vực khác như ASEAN. Việt Nam có thể sẽ là địa bàn lí tưởng để làm căn cứ sản xuất cho các công ty y tế nước ngoài nếu biết tận dụng thời cơ. Các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA hay các FTA đã ký kết trước đây với Hàn, Nhật và các nước khác sẽ là thử thách và là cơ hội cho các lĩnh vực mới, sáng tạo. Các ngành nghề trong đó có dịch vụ y tế cũng cần phải ứng dụng công nghệ và tư duy quản lý tiên tiến hiện đại.

Các chuyên gia cho rằng, đây chính là lúc mà Việt Nam cần nhìn nhân lại mình, đánh giá năng lực của các doanh nghiệp, điều chỉnh chiến lược, tăng nội lực, tạo động lực và lợi thế mới để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu với giá trị gia tăng cao hơn. Cơ hội đối với các nhà khởi nghiệp như dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà và sản xuất trang thiết bị y tế là rất lớn, nhất là khi sự tin tưởng mà các nước dành cho Việt Nam ngày càng cao qua các đơn hàng về y tế như khẩu trang vừa qua.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu Phạm Chi Lan đánh giá, đã tới lúc cần thay tư duy lấy tốc độ làm trọng, cần phải nâng giá trị lao động lên, “chống tụt hậu như chống giặc” và phải thực hiện nhanh, mạnh các cải cách cần thiết về thể chế và nhân lực để bứt phá. Bên cạnh đó những chính sách về y tế, môi trường, phát triển bền vững vẫn cần phải đảm bảo để chúng ta có thế vừa sống chung với COVID và vừa phát triển kinh tế.

Vị thế Việt Nam và ngành y tế đã được nâng lên đáng kể tuy nhiên không thể ngủ quên trên chiến thắng

Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nhờ vào sự đồng lòng, nhất trí và quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân cũng như việc lựa chọn ưu tiên số một là bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đây là một hướng đi sáng suốt đúng đắn. Các quốc gia và tổ chức trên thế giới đều nhìn nhận được những thành quả và bài học của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID. Sau khi mở cửa lại, Chính phủ cần tận dụng niềm tin và sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp để tiếp tục bứt phá, đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, thoát khỏi sự lạc hậu và tụt hậu, dứt ra khỏi sự phụ thuộc nền kinh tế gia công.

Điều cần làm tiếp theo đây chính là phải thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ phục hồi lao động, doanh nghiệp và các ngành bị tác động của dịch chú trọng đặc biệt với các cơ sở y tế và doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế. Chính phủ cần đánh giá sâu các ngành công-nông nghiệp-dịch vụ trong tác động của dịch, đặc biệt là mức độ phụ thuộc các nguồn cung và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần nhìn lại giá trị gia tăng chính xác là bao nhiêu trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng phục hồi. Những ngành nào có tương lai thì đầu tư, không nhất thiết hỗ trợ những doanh nghiệp và lĩnh vực không có khả năng phát triển nữa.

Hiện nay, đại dịch đã tạm dừng ở Việt Nam và một số quốc gia nhưng giới khoa học vẫn chưa xác định là đã hết hoàn toàn hay chưa hoặc dịch có thể trở lại hay không cho nên chúng ta không thể chủ quan và ngủ quyên trên chiến thắng. Việc quan trọng bây giờ đối với Chính phủ là cần phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các nguy cơ mới của sức khỏe toàn cầu nếu chúng xảy ra. Việt Nam có thể nhân cơ hội này để cải cách hệ thống y tế một cách rộng rãi, từ việc cung cấp dịch vụ dự phòng, điều trị, đến sản xuất thuốc, thiết bị y té, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, tài chính y tế. Bằng việc ứng dụng công nghệ và có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, Việt Nam có thể tận dụng các nguồn lực để phát triển ngành y tế theo hướng vừa hiện đại, vừa đảm bảo công bằng, hiệu quả, phát triển. Điều này sẽ giúp giảm tải áp lực cho ngành y tế vốn đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch và đảm bảo cho người dân có được sức khỏe cũng như điều kiện chăm sóc y tế tốt nhất theo đúng định hướng đã đề ra.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu Phạm Chi Lan, người từng có nhiều năm làm cố vấn kinh tế cho Chính phủ Việt Nam nhận định rằng “Việt Nam đang có một cơ hội rộng mở để thoát khỏi tụt hậu và lạc hậu. Việt Nam cần ứng dụng công nghệ, tạo ra cách làm mới, tạo liên kết mới,và thị trường mới. Từ cách đây 30 năm, các chuyên gia kinh tế toàn cầu đã nhận định, thế kỷ 21 là thế kỷ của y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giờ thì điều đó đang trở thành hiện thực”

Đỗ Đăng An

(đại diện Ban Truyền thông Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản-VANJ, nghiên cứu sinh Đại học Tokyo đưa tin từ Nhật Bản)

(Suckhoedoisong)