Logo

Cách xác định lượng đường trong khẩu phần ăn hằng ngày

Lượt xem: 199 Ngày đăng: 04/11/2020

yduoctuetinh.net – Rất khó để nhận biết sớm dấu hiệu cơ thể đang thừa đường, do đó điều quan trọng và ưu tiên hàng đầu là mỗi người cần tự ý thức thực hiện chế độ ăn với lượng đường vừa đủ mỗi ngày. Mỗi người có thể tính toán, xác định lượng đường trong khẩu phần ăn hằng ngày qua lượng đường chứa trong các loại thực phẩm thường sử dụng.

Đường là nguyên liệu chính để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động. Có 3 dạng đường là đường đơn, đường đôi và đường phức.

Trong tổng năng lượng từ bữa ăn, chất bột đường chiếm đến 55-65% (phần còn lại là chất đạm và chất béo). Trong đó, dạng đường phức (từ cơm, xôi, bánh mì, khoai, bắp…) nên chiếm 70% tổng lượng đường đưa vào cơ thể, dạng đường đôi. Dạng đường đơn nên dưới 5% tổng năng lượng. Một cách biết chính xác để xác định lượng đường trong khẩu phần ăn hằng ngày là thông qua đo chỉ số đường huyết.

Đối với đa số những người khỏe mạnh, chỉ số đường huyết bình thường là:

  • Đường huyết bình thường trong cơ thể khoảng 4 mmol (4 mmol/L hoặc 72 mg/dL)
  • Khi hoạt động bình thường của cơ thể phục hồi chỉ số lượng đường trong máu ở khoảng 4,4 – 6,1 mmol/L (82 – 110 mg/dL)
  • Một khoảng thời gian ngắn sau khi ăn đường huyết có thể tăng tạm thời lên đến 7,8 mmol/L (140 mg/dL)

Với những người mắc bệnh tiểu đường, đường huyết như sau:

  • Trước bữa ăn: 4 – 7 mmol/L (72 mg/dL – 128 mg/dL) cho những người bệnh có loại 1 hoặc loại 2.
  • Sau bữa ăn: dưới 9 mmol/L cho những người bệnh có loại 1 và 8.5mmol/L cho những người bệnh có loại 2.

Như vậy, nếu chỉ số đường huyết có bạn trước và sau khi ăn cao bất thường như trên thì nghĩa là cơ thể bạn đang thừa đường.

Mỗi người có thể tính toán, xác định lượng đường trong khẩu phần ăn hằng ngày qua lượng đường chứa trong các loại thực phẩm thường sử dụng mỗi ngày sau:

  • 1 chén cơm chứa khoảng 45-50g chất bột đường (chứa đường phức), cung cấp 180-200 Kcal
  • 1 củ khoai lang khoảng 160g chứa 45g chất bột đường
  • 1 muỗng cà phê đường cát chứa 4g đường (muỗng vun sẽ chứa 8g)
  • 1 muỗng canh đường cát (loại muỗng 8ml dùng để ăn phở) chứa 6g đường (với muỗng vun là 14g)

Các loại nước ngọt (kể cả nước trái cây đóng hộp, soda chanh, trà chanh đóng chai, nước ngọt có gaz) đều chứa từ 10-14g đường/100g sản phẩm. Nước tăng lực nhiều hơn, có đến 19g đường/100g sản phẩm. Như vậy, chỉ với một lon nước ngọt 330ml (chứa khoảng 34g đường) thì cơ thể bạn đã tiêu thụ một lượng đường quá cao so với mức được phép trong một ngày.

Đặc biệt, các loại sữa có đường có chứa khoảng 6-10g đường/100g sản phẩm (lượng đường cao nhất ở sữa có vị chocolate). Sữa chua cũng chứa khoảng 10g/100g sản phẩm. Do đó, mặc dù sữa là thực phẩm được khuyến khích nên dùng nhưng nếu thường xuyên sử dụng, cơ thể bạn sẽ tiêu thụ một lượng đường khá cao.

Với các sản phẩm, nhà sản xuất đều phải in rõ ràng lượng đường cũng như các chất dinh dưỡng khác có trong 1 đơn vị sản phẩm. Điều này rất quan trọng để bạn lên kế hoạch ăn uống để kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Do đó, người tiêu dùng cũng cần tập thói quen đọc bao bì nhãn hiệu sản phẩm khi chọn sử dụng. Các bậc cha mẹ cũng tập cho con cái thói quen ăn ít mặn và bớt ngọt trong chế độ ăn hàng ngày để có thể bảo vệ sức khỏe cơ thể lâu dài. Trẻ con rất có sở thích ăn đồ ăn ngọt, bánh kẹo nên cần hạn chế cho trẻ từ sớm.

BTV-KD

(Theo trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec)