Logo

Các dược liệu có tác dụng chữa cảm cúm

Lượt xem: 418 Ngày đăng: 08/05/2020

“Cúm” là một bệnh nhiễm trùng đường hồ hấp do virus gây ra rất dễ lây lan qua tiếp xúc với người bênh đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ. Cúm có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu không được chữa trị kịp thời.

1. Bạc hà chữa cảm cúm

Nguyên liệu: Bạc hà khô 20g, tỏi 10g, hương nhu khô 20g, hạt mùi khô 5g.

Cách sử dụng: Cho 3 bát nước, đun sôi kỹ còn 1 bát là được. Lấy một nửa bát nước thuốc cho bệnh nhân uống. Phần còn lại bịt kín nồi thuốc chỉ để 1 lỗ thủng nhỏ cho hơi thuốc bay ra, bệnh nhân ngồi ngửi hơi thuốc đó, khi hết hơi nóng thì thôi, thực hiện liên tục 2 ngày với tần suất mỗi ngày/ 1 lần sẽ khỏi cảm cúm

Nếu người bệnh cảm cúm có sốt nóng, rét, đau đầu, sổ mũi, đau nhức chân tay, cần dùng bài thuốc sau:

Nguyên liệu: Bạc hà khô 5g, cúc hoa vàng khô 10g, kinh giới khô 5g, kim ngân khô 15g. Cách sử dụng: Sắc thuốc xong chia 2 lần uống trong ngày, uống trước khi ăn, cần uống 3 ngày liền.

Lưu ý: không nên dùng bạc hà cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và người mắc bệnh cao huyết áp.

2. Cúc tần chữa cảm cúm

Nguyên lý Dược liệu: Cúc tần có vị đắng cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng chữa cảm lạnh, chữa cảm sốt nóng không có mồ hôi…

Cách sử dụng: Chữa cảm cúm nhức đầu không có mồ hôi: Lá cúc tần 20g, lá sả 10g, lá chanh 8g đem sắc thuốc xong cho bệnh nhân uống lúc còn nóng, bã thuốc còn lại cho thêm 2 bát nước đun sôi để cho bệnh nhân xông, sau đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

3. Tía tô chữa cảm cúm

Nguyên lý dược liệu: Tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, tiêu đờm, chữa cảm cúm không có mồ hôi và ho tức ngực.

Cách sử dụng: Chữa bệnh cảm cúm không có mồ hôi: Lá tía tô (tươi) 15g, hành tươi (củ, rễ, dọc) 3 củ. Cả hai rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát cháo nóng để bệnh nhân ăn, ăn xong thì đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

Dùng tía tô chữa cảm cúm
Dùng tía tô chữa cảm cúm

4. Kinh giới

Nguyên lý dược liệu: Kinh giới có vị cay, tính hơi nóng, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm gió.

Cách sử dụng: Chữa cảm cúm, đau nhức các đầu xương: Kinh giới tươi (cành non, lá) 50g, gừng sống 10g. Hai thứ rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống, ngày uống 2 lần, bã thuốc xoa dọc xương sống từ trên xuống.

5. Tỏi chữa cảm cúm

Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm… Dùng tỏi giã vắt lấy nước cốt 10 ml uống, ngoài dùng tỏi bọc bông nút mũi để chống lây.

Tỏi giúp kháng viêm, tăng cường đề kháng
Tỏi giúp kháng viêm, tăng cường đề kháng

6. Hành chữa cảm cúm

Nguyên lý dược liệu: Hành có vị cay, tính bình, có tác dụng làm tan lạnh, thông khí, giải cảm, sát trùng…

Thuốc chữa cảm cúm, sốt nhẹ, nhức đầu: Hành 15g, (cả củ, rễ, lá) rửa sạch giã nhỏ. Tía tô 20g rửa sạch thái thật nhỏ.

Cả hai cho vào cháo loãng nóng quấy đều cho bệnh nhân ăn. Ăn xong đắp chăn kín cho ra mồ hôi. (đây còn được mệnh danh là bài thuốc chữa bệnh cảm của Thị Nở)

Thuốc chữa cảm sốt nhức đầu: Hành củ 30g, gừng tươi 20g, chè búp (khô) 8g, tía tô 6g. Sắc thuốc xong, cho bệnh nhân uống làm 2 lần trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

7. Cam thảo đất

Nguyên lý dược liệu: Cam thảo đất có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, dùng để thanh nhiệt, chữa cảm cúm, ho, viêm họng.

Chữa cảm cúm sợ gió, có mồ hôi, nặng đầu, ho: Bạc hà 8g, kinh giới 8g, lá tre 16g, kim ngân 16g, cam thảo đất 12g.

8. Cỏ mần trầu

Nguyên lý dược liệu: Cỏ mần trầu, có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, chữa cảm nắng, sốt nóng cảm cúm.

Chữa cảm cúm: Cỏ mần trầu 10g, cam thảo nam 8g, kim ngân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Sắc thuốc xong, cho bệnh nhân uống làm hai lần trong ngày, uống khi thuốc đã nguội.