Thầy giáo, bác sĩ Đinh Huỳnh Linh: “Ước thời gian một ngày có nhiều hơn 24 tiếng”
Lượt xem: 446 Ngày đăng: 27/02/2019
“Nhiều khi muốn có thời gian nghỉ ngơi để chợp mắt sau những ca mổ nguy hiểm nhưng cứ nghĩ đến số ca bệnh đang chờ đợi từng phút, từng ngày ngoài hành lang bệnh viện chờ các bác sỹ giải cứu, tôi lại phải cố gắng vực lại tinh thần vì bệnh nhân…những lúc như vậy cũng chỉ ước thời gian một ngày có nhiều hơn 24 tiếng”.
Đó là tâm sự của ThS. Bác sỹ Đinh Huỳnh Linh đang công tác tại Viện Tim mạch Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai.
ThS. Bác sỹ Đinh Huỳnh Linh, từng đỗ thủ khoa đầu vào Đại học Y Hà Nội năm 2000, đúng tròn 6 năm sau cũng là thủ khoa đầu ra chuyên ngành Bác sỹ Đa khoa cùng nhiều công trình nghiên cứu, bài báo được công bố trong lĩnh vực tim mạch trên cách tạp chí y học trong nước và quốc tế.
Sự cần cù của Thủ khoa
Trong hơn 12 năm đi làm, bác sỹ Đinh Huỳnh Linh không ngừng nghiên cứu và tìm ra các phương pháp phẫu thuật tiên tiến mới trong chuyên khoa tim mạch, mở ra đường sống cho bệnh nhân trên cả nước.
Cho đến nay, tổng số 4 công trình nghiên cứu về phẫu thuật tim mạch đã được bác sỹ Đinh Huỳnh Linh cùng các vị giáo sư đầu ngành công bố trên các trang tạp chí y khoa quốc tế và được đưa vào sử dụng rộng rãi trong cả nước.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào “nghiệp Y” bác sỹ trẻ Đinh Huỳnh Linh chia sẻ, tôi không phải một người thông minh hay sáng tạo nhưng đổi lại điểm mạnh của tôi là đức tính cần cù, cẩn thận và kỷ luật bản thân cao nên đây cũng là tốt chất phù hợp với ngành Y.
“Ngay sau khi tốt nghiệp thủ khoa Đại học Y Hà Nội, tôi không lựa chọn con đường du học ra nước ngoài, thay vào đó tôi tiếp tục theo học Bác sỹ Nội trú để viết tiếp ước mơ chữa bệnh cứu người của mình. Và sau hơn 12 năm đi làm thì tôi tin đây là quyết định đúng đắn nhất của mình, gần như tôi sinh ra để cống hiến cho việc cứu người”.
Đam mê là vậy, nhưng cũng khó tránh khỏi được những căng thẳng trong công việc, bác sỹ Đinh Huỳnh Linh chia sẻ, áp lực lớn nhất không phải từ bệnh nhân hay công việc, đó là thời gian làm việc.
Một ngày tôi phải làm việc liên tục trong phòng thủ thuật từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm, chưa kể các ngày trực của mình.
Nhiều khi muốn có thời gian nghỉ ngơi để chợp mắt sau những ca mổ nguy hiểm nhưng cứ nghĩ đến số ca bệnh đang chờ đợi từng phút, từng ngày ngoài hành lang bệnh viện chờ các bác sỹ giải cứu, tôi lại phải cố gắng vực lại tinh thần vì bệnh nhân. Thú thật những lúc như vậy cũng chỉ ước thời gian một ngày có nhiều hơn 24 tiếng để có thể khám chữa bệnh và nghiên cứu được nhiều tài liệu hơn nữa.
Áp lực là vậy nhưng rồi cũng thành thói quen, tôi thường tự nhủ với bản thân, thế hệ các thầy đi trước, những bác sỹ, giáo sư đầu ngành cũng trải qua quãng thời gian dài làm việc liên tục như vậy thì mình lại có thêm động lực để bước tiếp.
Trách nhiệm cứu người
Ngoài giờ đi làm, bác sỹ Linh tham gia giảng dạy và nghiên cứu cùng các bạn sinh viên trường Đại học Y Hà Nội về bộ môn tim mạch. Bệnh viện chính là giảng đường của anh, thông thường 1 tuần sẽ giảng từ 3-4 buổi tùy thời gian biểu.
Đối với vị bác sỹ trẻ này, việc khám chữa bệnh và nghiên cứu các phương pháp phẫu thuật cải tiến mỗi ngày là niềm vui, là cuộc sống, bởi khi đó thấy mình có ích cho xã hội rất nhiều.
Để làm được việc đó, bác sỹ Đinh Huỳnh Linh luôn xây dựng thời gian biểu cho mình hàng tuần, hàng tháng để làm sao thời gian dạy cho sinh viên; khám chữa bệnh không bị chồng chéo làm cuộc sống luôn luôn trong tầm kiểm soát. “Làm việc không ngăn nắp, không đúng thời hạn thì không bao giờ thành công trong nghiên cứu khoa học”.
Sở hữu rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhưng bác sỹ Đinh Huỳnh Linh cho rằng như vậy không bao giờ là đủ, sự tiến triển của Y học liên tục, dù đây là ngành có lịch sử lâu đời hàng nghìn năm nhưng cho tới thời điểm hiện tại, nó cũng không ngừng hoàn thiện và nâng lên một tầm cao mới mỗi ngày.
Đơn cử như chuyên khoa tim mạch tôi đang phụ trách, gần như các kĩ thuật khám chữa bệnh thay đổi theo từng năm một, cho nên dù có là người làm lâu năm trong nghề mà không đọc nhiều sách, cật nhật kiến thức mỗi ngày thì ngay lật tức sẽ bị bỏ lại phía sau.
Theo quan điểm của bác sỹ Đinh Huỳnh Linh, “mỗi bác sỹ luôn luôn phải tự đào tạo lại chính mình mỗi ngày bằng cách đọc sách, trao đổi cùng đồng nghiệp và tham gia vào các nghiên cứu quốc tế. Dù thời gian rất eo hẹp nên phải tranh thủ từng tí một mỗi lúc nghỉ ngơi đều là thời điểm lí tưởng để đọc sách cập nhật kiến thức thường xuyên. Hãy nhớ điều đúng ngày hôm nay nhưng ngày mai đã không còn là tuyệt đối nữa”.
“Điều tôi luôn đau đáu và tự nhủ là “không bao giờ được làm điều gì có hại cho người bệnh”. Lí giải về điều này, bác sỹ Linh giải thích, chưa có một nghề nghiệp nào trong xã hội được người dân hoàn toàn tin tưởng và giao mạng sống của mình như nghề bác sỹ. Khi các bác sỹ khoác áo blouse lên người là đồng nghĩa với trách nhiệm cứu người, cho nên trong bất cứ trường hợp nào, nếu chỉ cần có rủi ro cho bệnh nhân là tôi sẽ không mạo hiểm.
Truyền lửa nghề cho thế hệ đi sau
Tự ý thức được trọng trách vừa là bác sỹ, vừa là thầy giáo trên giảng đường, hai nghề cao quý nhất trong xã hội, bác sỹ Đinh Huỳnh Linh luôn là người truyền lửa yêu “nghiệp Y” cho sinh viên của mình.
“Đối với học trò, tôi luôn quan niệm, bản thân người thầy là tấm gương phản chiếu hành động cho sinh viên. Khi tôi ân cần, nhẹ nhàng và giải thích cặn kẽ với bệnh nhân, thì sinh viên sẽ học theo; ngược lại, nếu tôi cáu gắt với bệnh nhân và người nhà, các em sẽ tự nghĩ họ có quyền được làm vậy, bắt chước hành động của tôi, điều đó rất nguy hiểm cho y đức của các bạn trẻ sau này”, bác sỹ Linh tâm sự.
Không ít các bạn sinh viên hiện nay đang bị mệt mỏi trước guồng quay công việc, để nó lấn át hết niềm yêu thích khi xuất phát. Cho nên ngoài việc truyền dạy kiến thức và lòng yêu nghề tôi luôn giúp các bạn tự tìm ra điều thú vị trong công việc, để các bạn thấy thực sự đam mê nghiên cứu và khám chữa bệnh.
“Tôi quan niệm, chính bản thân người thầy phải biết xây dựng lại tình yêu và niềm tự hào nghề nghiệp cho sinh viên, chỉ cho các bạn thấy ca bệnh này thú vị ở đâu, xem biểu hiện của bệnh nhân ra sao, khó khăn như thế nào, hướng giải quyết tốt nhất ở đâu… điều đó sẽ xóa đi được áp lực và cách truyền lửa tốt nhất cho học trò của mình.
Sinh viên ngành Y là một trong những sinh viên chăm chỉ và vất vả nhất, bởi thực tế công việc đã đưa các bạn trẻ vào khuôn phép. Trong 6 năm học, khối lượng kiến thức, công việc rất nhiều, thời gian biểu sáng học lâm sàng ở bệnh viện, chiều lên giảng đường, tối phải tự học trên thư viện, gần như hoạt động 15 tiếng một ngày.
“Nhiều khi nhìn sinh viên của mình vất vả tôi cũng thương các em, nhưng không vì thế mà nuông chiều, càng nghiêm túc trong việc giảng dạy kiến thức lâm sàng cho các em bao nhiêu thì sẽ giảm được rủi ro nghề nghiệp cho các em sau này bấy nhiêu”, bác sỹ Đinh Huỳnh Linh -một người thầy luôn nghiêm khắc chia sẻ.
Hà Cường
(Dantri)