Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc đạn hạ sốt cho trẻ
Lượt xem: 346 Ngày đăng: 20/10/2020
yduoctuetinh.net – Các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải như: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi. Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, thông thường cha mẹ có thể xử trí hạ sốt cho trẻ bằng các loại thuốc không kê đơn. Với các trường hợp nôn trớ hay trẻ không hợp tác thì thuốc hạ sốt đường đặt trực tràng, thuốc đạn chính là một sự lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và hiểu rõ tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc đạn hạ sốt cho trẻ nên trẻ có thể gặp phải những tác dụng này khi dùng thuốc.
Khi nào dùng thuốc đạn, thuốc hạ sốt cho trẻ?
Thông thường, khi trẻ bị sốt, cha mẹ có thể xử trí hạ sốt cho trẻ bằng một số thuốc đường uống không cần kê đơn như paracetamol (acetaminophen) (biệt dược: Efferalgan, Panadol, Hapacol,…) hay ibuprofen (biệt dược: Brufen,…). Tuy nhiên, với trường hợp trẻ nôn trớ, hoặc không hợp tác (trẻ quấy khóc, không muốn uống thuốc, không thích mùi vị thuốc), thuốc hạ sốt đường đặt trực tràng (hậu môn) hay thuốc đạn sẽ là một lựa chọn mà nhiều cha mẹ cân nhắc.
Các bước sử dụng thuốc đạn đặt trực tràng
Các bước sử dụng thuốc đạn đặt trực tràng như sau:
- Bước 1: Rửa sạch tay để chuẩn bị đặt thuốc.
- Bước 2: Nếu thể chất viên đạn quá mềm, có thể đặt viên thuốc trong tủ lạnh vài phút để làm rắn trở lại.
- Bước 3: Tháo vỏ thuốc.
- Bước 4: Trước khi đặt thuốc, làm ẩm vùng hậu môn bằng nước sạch (hoặc bôi gel thân nước như K-Y Jelly).
- Bước 5: Đặt trẻ nằm nghiêng, chân dưới duỗi thẳng chân trên co lên hướng vào bụng.
- Bước 6: Đặt đầu nhọn của viên đạn hướng vào trực tràng, đẩy thuốc vào sâu 1 đốt ngón tay người lớn.
- Bước 7: Giữ trẻ nằm yên 5 phút để tránh thuốc rơi ra ngoài.
- Bước 8: Rửa lại tay bằng xà phòng.
Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc đạn hạ sốt cho trẻ
Trực tràng có diện tích hấp thu nhỏ, lượng dịch ít, do đó đặt thuốc tại vị trí này có thể gây kích ứng, khiến trẻ có cảm giác ngứa hậu môn, mót đại tiện, hoặc có hiện tượng són phân. Trường hợp thao tác đặt thuốc của cha mẹ quá mạnh, gây tổn thương vùng hậu môn sẽ khiến trẻ đau rát, thậm chí chảy máu, dễ nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, một số trường hợp sau không nên sử dụng thuốc đạn hạ sốt cho trẻ bao gồm: trẻ đang bị tiêu chảy, hoặc đang có các tổn thương – nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng (nứt kẽ hậu môn, chảy máu,…).
Để hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra, khi sử dụng thuốc đạn, thuốc đặt hậu môn cho trẻ, phụ huynh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, cha mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Một số lưu ý khác
Không dùng thuốc đạn hạ sốt để cho trẻ uống.
Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng.
BTV-KD
(Theo trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec)