Logo

QUY TRÌNH KỸ THUẬT HỒI SINH TIM PHỔI NÂNG CAO

Lượt xem: 124 Ngày đăng: 17/08/2021

I. ĐẠI CƯƠNG

Hồi sinh tim phổi nâng cao bao gồm hồi sinh tim phổi cơ bản (ép tim hiệu quả, sốc điện đúng chỉ định sớm), đặt đường truyền tĩnh mạch, dùng thuốc như adrenalin, thuốc chống loạn nhịp tim (lidocain, amiodaron, magnesulphat), hô hấp nâng cao qua mặt nạ thanh quản, qua nội khí quản…hỗ trợ Người bệnh để duy trì tưới máu não, tưới máu vành, sớm thiết lập và duy trì được tuần hoàn tự nhiên, tránh di chứng thần kinh nặng nề.

Trước đây, hồi sinh tim phổi cơ bản (HSTPCB) thường bị gián đoạn để đặt nội khí quản, để đặt đường truyền tĩnh mạch…Từ năm 2010, hiệp hội tim mạch Mỹ khuyến cáo không nên gián đoạn HSTPCB vì bất cứ lý do gì, ngay cả sốc điện cũng nên được thực hiện sau 2 phút HSTPCB. Theo một số nghiên cứu hầu hết các trường hợp HSTPCB trước và trong bệnh viện đều không phù hợp vì thời gian gián đoạn ép tim quá nhiều, ép tim quá nông hoặc quá chậm.

II. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh được chẩn đoán ngừng tuần hoàn, dựa vào 3 dấu hiệu: mất ý thức đột ngột, ngừng thở và mất mạch cảnh.

III. CHUẨN BỊ

  1. Người bệnh
  • Nằm ngửa trên nền cứng
  • Monitor theo dõi
  • Hút đờm dãi
  • Gọi người hỗ trợ
  1. Chuẩn bị kíp cấp cứu NTH
  • 1 bác sĩ có kinh nghiệm chỉ huy chung
  • 2 bác sĩ thực hành
  • 3 điều dường: 1 phương tiện, dụng cụ, 1 thực hiện y lệnh, 1 chạy ngoài
  1. Phương tiện, dụng cụ
  • Tủ cấp cứu NTH lưu động có đầy đủ trang thiết bị cần thiết
  • Máy sốc điện : Monophasic hoặc Biphasic để chế độ monitor theo dõi
  • Thuốc thiết yếu: Adrenalin, Amiodaronr, Magne sulfate, Lidocaine
  • Monitor theo dõi

 

IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  1. Các bước làm ngay
  • Ép tim ngoài lồng ngực 100 lần /phút
  • Bóp bóng qua mask oxy liều cao 6-8l/phút
  • Tốc độ 30 lần ép tim/ 2 lần bóp bóng
  1. Đánh giá khả năng sốc điện
    • Không có chỉ định sốc điện: Vô tâm thu hoặc vô mạch
  • Adrenaline 1mg tĩnh mạch mỗi 3 đến 5 phút
  • Đặt mặt nạ thanh quản hoặc đặt nội khí quản
    • Có chỉ định sốc điện: Rung thất, Nhịp nhanh thất
  • Sốc điện ( Monophasic: 360 J, BiPhasic: 150-200 J)
  • Ép tim ngoài lồng ngực trong vòng 2 phút, trước khi đánh giá lại nhịp tim
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch: NaCl 0,9%
  • Adreanline 1mg tĩnh mạch mỗi 3-5 phút trươc khi sốc điện lần 3
  • Nếu nhịp nhanh thất hoặc rung thất bền bỉ, trước khi sốc lần 3: Amiodarone (Cordarone) 300 mg tĩnh mạch chậm trong 20ml NaCl 0,9% có thể nhắc lại liều 150 mg. Hoặc Lidocain (1-1,5mg/kg với liều đầu tiên, sau đó 0,5mg – 0,75 mg/kg TM, tối đa là 3 liều hay đã đạt tới tổng liều 3mg/kg).
  • Magnesulphat 2 g tiêm tĩnh mạch nếu xoắn đỉnh
  • Đặt mặt nạ thanh quản hoặc nội khí quản
  1. Tìm và xử trí nguyên nhân
  • Tràn khí màng phổi dưới áp lực: Mở màng phổi
  • Mất thể tích: Truyền dịch nhiều
  • Hạ nhiệt độ: Sưởi ấm và tiếp tục hồi sức
  • Tắc động mạch phổi cấp: Tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối
  • Nhồi máu cơ tim: Tái tưới máu mạch vành
  • Ngộ độc: Thuốc kháng độc
  1. Một số điểm lưu ý trong khi tiến hành HSTP
  • Ép tim mạnh và nhanh (100 lần/phút)
  • Bảo đảm lồng ngực nở ra hoàn toàn giữa các lần ép tim
  • Giảm thiểu tới mức độ tối đa việc gián đoạn ép tim ngoài lồng ngực
  • Một chu kỳ hồi sinh tim phổi cơ bản bao gồm: 30 lần ép tim sau đó 2 lần thông khí. 5 chu kỳ hồi sinh tim phổi =2 phút
  • Tránh tăng thông khí khi tiến hành cấp cứu, bóp bóng 6-8 lần/phút
  • Xác định đúng vị trí và cố định tốt mặt nạ thanh quản hoặc ống nội khí quản
  • Thay đổi người ép tim 2 phút/ lần cùng lúc khi tiến hành kiểm tra lại mạch
  • Tìm kiếm và xử trí các yếu tố có thể điều trị được tham gia gây ngừng tuần hoàn.

 

Theo Quyết định về việc ban hành tài liệu” Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hồi sức- Cấp cứu và Chống độc” Bộ Y Tế Số : 1904/ QĐ- BYT