Logo

QUY TRÌNH KỸ THUẬT GÂY NÔN CHO NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC QUA ĐƯỜNG TIÊU HÓA

Lượt xem: 105 Ngày đăng: 12/08/2021

I. ĐẠI CƯƠNG

-Gây nôn là dùng kích thích cơ học vào vùng hầu họng hoặc dùng hóa chất để người bệnh nôn hết các chất trong dạ dày, cả thức ăn, đồ uống và chất độc.

-Gây nôn là một biện pháp loại bỏ chất độc hữu hiệu, làm càng sớm càng tốt sau khi ăn, uống phải chất độc ( 1-30 phút). Cần gây nôn ngay tại địa điểm ăn uống phải chất độc hoặc tại cơ sở y tế ban đầu

.II. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh ăn, uống phải chất độc trong vòng 1-2 giờ mà không tự nôn được, hoàn toàn tỉnh táo và hợp tác3

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh có rối loạn ý thức
  • Biết chắc chất độc ấy sẽ gây co giật hoặc đã có co giật, chất ăn mòn
  • Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, người già lẫn lộn, người bệnh không hợp tác
  • Người bệnh đang khó thở, đang có cơn tăng huyết áp hoặc bệnh lý nặng

Người bệnh có tổn thương hầu họng, miệng, mặt

IV. CHUẨN BỊ

  1. Người thực hiện

Nếu thực hiện tại bệnh viện: 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng; đội mũ, đeo khẩu trang, rửa tay.

  1. Phương tiện
  • Ống thông nhựa mềm ( ống thông dạ dày, ống thông hút đờm)
  • Chậu nhựa hoặc bô để hứng chất nôn
  • Khăn lau mặt
  • Gạc
  • Găng tay sạch
  • Khẩu trang phẫu thuật
  • Mũ phẫu thuật
  • Đèn soi( đèn gù, đèn pin hoặc đèn khám tai mũi họng)
  1. Người bệnh
  • Người bệnh được giải thích để hợp tác
  • Hồ sơ bệnh án: Ghi rõ tình trạng người bệnh, chỉ định

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  1. Gây nôn bằng cơ học
  • Người bệnh ngồi đầu cúi về phía trước hoặc nằm nghiênh
  • Bảo người bệnh há miệng, tháo răng giả ( nếu có)
  • Dùng ống thông nhựa mồm ngoáy vào thành sau họng để kích thích thành sau họng cho người bệnh nôn. Có thể lặp lại 3-5 lần.
  • Sauk hi gây nôn, lau miệng mũi cho người bệnh
  • Sauk hi gây nôn, cho người bệnh uống than hoạt hoặc rửa dạ dày tùy từng trường hợp ngộ độc. Nếu gây nôn tại nơi xảy ra ngộ độc thì sau đó nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
  1. Gây nôn bằng thuốc : Siro Ipeca hiện nay không còn dùng

VI. THEO DÕI

  • Màu, mùi vị, số lượng của chất nôn. Cần mang mẫu chất nôn tới bệnh viện để xét nghiệm nếu gây nôn ngoài bệnh viện.
  • Ý thức và toàn trạng của người bệnh: mạch, huyết áp, nhịp thở..
  • Theo dõi dấu hiệu sặc vào phổi, khó thở ở người bệnh có tiền sử hen phế quản, bệnh tim mạch…

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Sặc vào phổi: Đưa ngay tới bệnh viện để được khám, chụp X quang tim phổi để đánh giá mức độ và điều trị.
  • Tổn thương thành sau họng: chảy máu, đau họng… cho tới cơ sở tế để khám đánh giá và điều trị.
  • Phòng tránh:
  • Không cố kích thích nếu thấy người bệnh có dấu hiệu sặc hoặc ho nhiều, co giật hoặc ý thức xấu đi.
  • Không ngoáy ống thông quá mạnh gây tổn thương thành sau họng.
  • Không đứng, ngồi đối diện với người bệnh để tránh nôn vào người.

Theo Quyết định về việc ban hành tài liệu” Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hồi sức- Cấp cứu và Chống độc” Bộ Y Tế Số : 1904/ QĐ- BYT