Logo

Quy trình chụp cộng hưởng từ sọ não không tiêm thuốc đối quang từ

Lượt xem: 496 Ngày đăng: 13/05/2020

I. ĐẠI CƯƠNG

Chụp cộng hưởng từ sọ não là một kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh lý thần kinh, Nhờ có cộng hưởng từ mà ngày nay có thể chẩn đoán sớm và chẩn đoán đúng được nhiều bệnh mà trước kia khó khăn hoặc không chẩn đoán được. Trong nhiều bệnh lý, chẳng hạn như nhồi máu giai đoạn sớm, nhồi máu hố sau… CHT có ưu thế so với cắt lớp vi tính trong chẩn đoán bệnh lý thần kinh.

II. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH

1. Chỉ định

– Nghi ngờ các bệnh lý nội sọ: u não trong trục, ngoài trục

– Viêm não, màng não

– Dị dạng mạch máu não như thông động tĩnh mạch, dị dạng tĩnh mạch (bất thường phát triển tĩnh mạch), phình mạch não, các thông động mạch màng cứng xoang hang, thông động tĩnh mạch cảnh

– Dị dạng bẩm sinh: lạc chỗ chất xám, bệnh não chẻ, teo não di chứng, bệnh cuộn não nhỏ, cuộn não dày..

– Động kinh

– Xơ cứng đa ổ

– Teo não, sa sút trí tuệ

– Thoái hóa nhu mô não

– Bệnh lý tăng áp lực nội sọ, giãn não thất

– Đột quỵ: Nhồi máu não, chảy máu não các giai đoạn. Nhồi máu động mạch, nhồi máu tĩnh mạch

– Theo dõi sau điều trị.

2. Chống chỉ định

– Người bệnh có trong người máy tạo nhịp tim (chống chỉ định tuyệt đối)

– Trong người có kim loại có từ tính (chống chỉ định tương đối)

– Người sợ ánh sáng, sợ nằm một mình

– Không có khả năng nằm yên.

III. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

– Bác sỹ chuyên khoa

– Kỹ thuật viên điện quang

– Điều dưỡng

2. Phương tiện

– Máy chụp mạch cộng hưởng từ

– Phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh

3. Thuốc

Thuốc an thần

4. Người bệnh

– Không cần nhịn ăn.

– Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp tốt với thầy thuốc.

– Kiểm tra các chống chỉ định

– Hướng dẫn người bệnh thay quần áo của phòng chụp CHT và tháo bỏ các vật dụng chống chỉ định.

– Có giấy yêu cầu chụp của bác sỹ lâm sàng với chẩn đoán rõ ràng hoặc có hồ sơ bệnh án đầy đủ (nếu cần)

IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Tư thế đặt người bệnh

– Người bệnh được nằm ngửa trên bàn chụp

– Di chuyển bàn chụp vào khoang máy

2. Kỹ thuật

– Chụp định vị (scout view).

– Lựa chọn các chuỗi xung chẩn đoán phù hợp với mục đích thăm khám.

– Làm các chuỗi xung thông thường: T1, T2, Flair cho tất cả đối tượng.

Hướng cắt bao gồm cắt ngang (axial), đứng ngang (coronal) và đứng dọc (sagital).

– Lựa chọn các chuỗi xung đặc biệt cho các bệnh lý đặc biệt cần tìm kiếm.

Ví dụ xung T2* hoặc SWI để tìm các tổn thương có chảy máu, chuỗi xung IR tìm các tổn thương liên quan đến chất xám, chuỗi xung khuếch tán (diffusion) cho các tổn thương liên quan đến nhồi máu não, u não, áp xe não…

– Tiến hành cho chạy từng xung và XỬ TRÍ hình ảnh thu được trên màn hình trạm làm việc, lựa chọn các ảnh cần thiết bộc lộ bệnh lý để in phim.

– Bác sỹ đọc tổn thương, mô tả trên máy tính kết nối nội bộ và in kết quả.

V. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ

– Hình ảnh hiển thị được rõ các cấu trúc giải phẫu trong vùng thăm khám

– Phát hiện được tổn thương nếu có

VI. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

– Sợ hãi, kích động: động viên, an ủi người bệnh

– Quá lo lắng, sợ hãi: có thể cho thuốc an thần với sự theo dõi của bác sỹ gây mê.