Quy trình chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ
Lượt xem: 388 Ngày đăng: 13/05/2020
I. ĐẠI CƯƠNG
Chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ là một kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh lý thần kinh. Thông thường kỹ thuật này thực hiện sau chụp sọ não không tiêm thuốc đối quang từ và phát hiện có tổn thương cần đánh giá thêm bằng tiêm thuốc.
II. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
1. Chỉ định
– Nghi ngờ các bệnh lý nội sọ: U não (bao gồm tất cả các loại u não)
– Viêm não, màng não, áp xe não…
– Dị dạng mạch máu não.
– Động kinh…
– Đột quỵ: Nhồi máu não, chảy máu não các giai đoạn. Nhồi máu động mạch, nhồi máu tĩnh mạch, đặc biệt có thể tiêm thuốc trong trường hợp sử dụng chuỗi xung tưới máu (yêu cầu riêng)…
2. Chống chỉ định
– Người bệnh có trong người máy tạo nhịp tim (chống chỉ định tuyệt đối)
– Trong người có kim loại có từ tính (chống chỉ định tương đối)
– Người sợ ánh sáng, sợ nằm một mình
– Không có khả năng nằm yên
– Suy gan, suy thận.
III. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
– Bác sỹ chuyên khoa
– Kỹ thuật viên điện quang
– Điều dưỡng
2. Phương tiện
– Máy chụp mạch cộng hưởng từ
– Phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh
3. Thuốc
– Thuốc an thần
– Thuốc đối quang từ
– Thuốc sát trùng da, niêm mạc.
4. Vật tư y tế thông thường
– Kim luồn chọc tĩnh mạch 18G
– Bơm tiêm 10ml
– Nước cất hoặc nước muối sinh lý
– Găng tay, bông, gạc, băng dính vô trùng.
– Hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang.
5. Người bệnh
– Không cần nhịn ăn.
– Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp tốt với thầy thuốc.
– Kiểm tra các chống chỉ định
– Hướng dẫn người bệnh thay quần áo của phòng chụp CHT và tháo bỏ các vật dụng chống chỉ định.
– Có giấy yêu cầu chụp của bác sỹ lâm sàng với chẩn đoán rõ ràng hoặc có hồ sơ bệnh án đầy đủ (nếu cần)
IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Đặt người bệnh
– Người bệnh được nằm ngửa trên bàn chụp
– Di chuyển ban chụp vào khoang máy
2. Kỹ thuật
– Đặt scout-view (topo)
– Lựa chọn các chuỗi xung chẩn đoán phù hợp với mục đích thăm khám. – Làm các chuỗi xung thông thường: T1, T2, Flair cho tất cả đối tượng. Hướng cắt bao gồm cắt ngang (cắt ngang), đứng ngang (đứng ngang) và đứng dọc (đứng dọc).
– Lựa chọn các chuỗi xung đặc biệt cho các bệnh lý đặc biệt cần tìm kiếm. Ví dụ xung T2* để tìm các tổn thương có chảy máu, chuỗi xung IR tìm các tổn thương liên quan đến chất xám, Chuỗi xung diffusion cho các tổn thương liên quan đến nhồi máu não, u não, áp xe não…
– Tiến hành cho chạy từng xung và xử trí hình ảnh thu được trên màn hình trạm làm việc, lựa chọn các ảnh cần thiết bộc lộ bệnh lý để in film.
– Tiến hành định vị xung chạy cho quá trình tiêm thuốc (có thể xung T1 cắt 3 hướng hoặc cắt 3D), sau đó tiêm tĩnh mạch bằng tay hoặc bằng máy thuốc đối quang từ (10ml), cho chạy các xung đã lựa chọn.
– Bác sỹ đọc tổn thương, mô tả trên máy tính kết nối nội bộ và in kết quả.
V. NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ
– Hình ảnh hiển thị được rõ các cấu trúc giải phẫu trong vùng thăm khám
– Phát hiện được tổn thương và đánh giá tính chất ngấm thuốc nếu có
VI. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Sợ hãi, kích động: Động viên, an ủi người bệnh
– Quá lo lắng, sợ hãi: có thể cho thuốc an thần với sự theo dõi của bác sỹ gây mê
– Tai biến liên quan đến thuốc đối quang từ: xem thêm quy trình Chẩn đoán và xử trí tai biến thuốc đối quang.