Logo

Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ

Lượt xem: 283 Ngày đăng: 07/11/2020

  1. Đại cương

1.1. Định nghĩa

Hội nghị toàn quốc về tự kỷ ở Mỹ (1999) đã đưa ra định nghĩa về tự kỷ như sau:

“Tự kỷ là một dạng bệnh trong nhóm Rối loạn phát triển lan tỏa, ảnh hưởng đến nhiều mặt của sự phát triển nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội”.

Tỷ lệ mắc tự kỷ: Tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ thay đổi theo thời gian: theo Lotter (1966) là 0,5%o; theo Baird và cộng sự (1999) là 3%o, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh của Mỹ (2007) là 6,6%o (1/150 trẻ sơ sinh sống) và (2009) là 9,1%o (1/110 trẻ sơ sinh sống) và năm 2011 là 1/88; theoYoung Shin Kim và cộng sự (2011) là 2,6% (1/38 trẻ từ 7-12 tuổi tại Hàn Quốc).

Việt nam chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ mắc tự kỷ. Tuy nhiên số liệu của Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy số trẻ đến khám và chẩn đoán tự kỷ tăng nhanh trong khoảng 10 năm gần đây. Nghiên cứu sàng lọc từ kỷ ở trẻ 18-24 tháng tuổi tại Thái bình (N.T.H Giang và T.T.T. Hà, 2011) cho thấy tỷ lệ mắc tự kỷ là 4,6/ 1000 trẻ sơ sinh sống.

Tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ theo giới tính: Nam/ Nữ = 4,3/ 1

1.2. Nguyên nhân

Các nhà khoa học đã phát hiện có 3 nhóm nguyên nhân gây tự kỷ: 1) Tổn thương não; 2) Yếu tố di truyền và 3) Yếu tố môi trường.

  1. Phát hiện sớm

2.1. Dấu hiệu nhận biết sớm ở trẻ trên 12 tháng

Khiếm khuyết về các kỹ năng giao tiếp và xã hội:

  • Đáp ứng với âm thanh: Mất/ không đáp ứng với âm thanh
    · Giao tiếp không lời: Không có/ giảm kỹ năng giao tiếp không lời (Giao tiếp bằng mắt, cử chỉ tay chân, biểu lộ nét mặt khi vui buồn, gật lắc đầu..). Giao tiếp bằng mắt bất thường (có thể quay đi, tránh không nhìn chăm chăm, ánh mắt đờ đẫn trống vắng hoặc tránh không nhìn khi giao tiếp)
    · Giao tiếp bằng lời nói: Không hoặc ít phát ra âm thanh, không cười thành tiếng. Không nói, chậm nói, nói kém, nói sõi nhưng ít khởi xướng nói, gặp người lạ không nói…
    · Xã hội và chơi: Hoạt động theo nhóm giảm; Khó tham gia vào các trò chơi; Kỹ năng chơi nghèo nàn, rập khuôn, thờ ơ. Trẻ mê say một số đồ chơi, một số hoạt động khác thường (lánh sáng đèn quảng cáo, âm thanh của chương trình quảng cáo trên TV và âm nhạc).
    · Hành vi bất thường: Tự đánh mình, đánh người khác, cử động khác thường tay chân (vẫy tay, vê xoắn tay, khi đi kiễng chân,…), tự kích thích mình (hét lên, vẩy tay, chạy vòng tròn, sờ bộ phận sinh dục,…).

2.2. Năm dấu hiệu cờ đỏ phát hiện sớm tự kỷ (Mỹ)

Viện Hàn lâm thần kinh học của Mỹ và Hướng dẫn thực hành của Hiệp hội Thần kinh Trẻ em về sàng lọc và chẩn đoán tự kỷ (Filipek PA, 2000) đã khuyến cáo và đưa ra các dấu hiệu cờ đỏ báo động tự kỷ như sau:
– Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng,
– Không biết nói từ đơn khi 16 tháng,

– Không biết đáp lại khi được gọi tên,

– Không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng,

– Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.

Với các trẻ có các biểu hiện trên, gia đình nên đưa trẻ đến khám và đánh giá tại phòng khám khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung Ương để nhận được tư vấn và các biện pháp điều trị.

2.3. Các Test đánh giá tại Bệnh viện Nhi Trung ương

– Denver

– Bộ câu hỏi đánh giá theo tuổi và giai đoạn (ASQ)

– Bảng kiểm sàng lọc tự kỷ có sử đổi (M- CHAT 23)

– Đánh giá tự kỷ theo tiêu chuẩn DSM IV

– Thang cho điểm tự kỷ ở trẻ em (CARS)

BTV-KD

(Theo Bệnh viện Nhi Trung ương)