Từ việc … không giống sách vở
Thông thường khi nói đến bệnh hô hấp ở trẻ em là nhiều người nghĩ rằng đây là bệnh của mùa mưa, mùa lạnh và khi chuyển mùa. Thật thế, đây là những mùa mà trẻ rất dễ mắc các bệnh hô hấp vì là lúc thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan đúng như trong các sách vở y khoa chuyên ngành đã ghi rõ.
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm nhiều năm, chúng tôi lại nhận thấy khi thời tiết trở nên quá nóng bức, số trẻ mắc bệnh hô hấp lại có xu hướng gia tăng đôi chút. Tuy không đến mức như đỉnh điểm đáng lo ngại nhưng cũng khiến các bậc cha mẹ phải quan tâm.
Tại sao trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp khi trời nóng? Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng một phần cũng xuất phát từ việc sử dụng quạt, máy điều hòa không đúng cách.
Nguyên tác chung để phòng ngừa bệnh hô hấp cho trẻ
– Nuôi dưỡng trẻ tốt, dinh dưỡng đầy đủ
– Bú sữa mẹ hoàn toàn khi trẻ dưới 4 tháng tuổi và càng lâu càng tốt: sẽ giúp trẻ giảm được nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp, viêm phổi, giảm độ nặng khi mắc bệnh viêm tiểu phế quản và giảm cả nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
– Chủng ngừa đầy đủ: tiêm chủng mở rộng và tự nguyện (phòng cúm, phế cầu – đặc biệt khi trẻ có bệnh mãn tính như hen suyễn)
– Uống Vitamin A và các nguyên tố vi lượng khác (sắt, kẽm, …) theo hướng dẫn
– Tránh khói thuốc lá : khói thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp và tăng nguy cơ viêm phổi, viêm tai giữa, tăng độ nặng và biến chứng lâu dài khi trẻ bị viêm tiểu phế quản.
– Tránh nơi ô nhiễm, khói bụi. Tránh nấu bếp bằng than, củi.
– Tránh cho trẻ (nhất là trẻ nhỏ) gần gũi người đang cảm ho.
– Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ – một biện pháp đơn giản, đã được chứng minh hiệu quả trong giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp.
Tại sao cần sử dụng quạt máy, máy lạnh cho hợp lý?
Khi thời tiết quá nóng bức, việc sử dụng các phương tiện làm mát (như quạt máy, máy lạnh chẳng hạn ) là một việc cần thiết. Tuy nhiên, nếu sử dụng không phù hợp sẽ ảnh hưởng không ít đến sức khoẻ của trẻ: gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, bệnh dị ứng đường hô hấp (viêm mũi xoang dị ứng và đặc biệt là hen suyễn). Đó là do khả năng thích nghi của cơ thể trẻ với những thay đổi nhiệt độ bên ngoài còn kém, sức đề kháng lại hạn chế và trẻ thường thụ động, chưa có đủ ý thức về tác hại này nên cũng chưa có ý thức tự bảo vệ.
Lời khuyên khi sử dụng máy lạnh cho trẻ:
1/ Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột đối với trẻ:
Không nên cho trẻ vào ngay phòng máy lạnh (nhất là phòng có nhiệt độ thấp) khi ở ngoài trời nắng về hay khi vừa chạy nhảy, vận động nhiều.
Nên lau khô mồ hôi cho trẻ, ngồi nghỉ ở nhiệt độ phòng bình thường khoảng vài phút rồi mới nên vào phòng máy lạnh.
Nên tạo một “không gian đệm” trước cửa phòng, để cơ thể trẻ không bị tác hại bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ra vào phòng máy lạnh. Khi ra ngoài, nên mở rộng cửa, đứng lại khoảng vài phút để trẻ dễ thích ứng.
2/ Lắp đặt máy lạnh hoặc điều chỉnh chỗ ngủ sao cho luồng không khí lạnh không phả trực tiếp vào người trẻ. Nên chọn loại máy lạnh “2 cục” (với dàn nóng và lạnh riêng biệt nhau).
3/ Nhiệt độ bao nhiêu là vừa?
Theo nhiều chuyên gia, nhiệt độ thích hợp nhất là thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 8-10ºC.
Chênh lệch nhiệt độ này nên càng ít càng tốt nếu trẻ càng nhỏ. Nhiệt độ trung bình khoảng 24-26ºC là vừa phải, nhưng nếu có trẻ nhỏ thì khoảng 27ºC là thích hợp hơn, không để trẻ trước máy lạnh quá lâu (quá 4 giờ liên tục): nên cho trẻ ra ngoài nhiệt độ bình thường khoảng 2-3 giờ một lần. Nhưng cũng nên hạn chế ra vào phòng máy lạnh thường xuyên để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
5/ Sử dụng máy lạnh khi ngủ: Tránh luồng gió máy lạnh thổi thẳng vào nơi nằm ngủ của trẻ, không để nhiệt độ thấp kéo dài liên tục trong đêm. Nên cài đặt máy lạnh ở chế độ mặc định từng giai đoạn cho phù hợp (“chế độ đêm”).
6/ Cần làm vệ sinh máy lạnh định kỳ, thường xuyên vệ sinh phòng để tránh các loại các loại nấm mốc, mầm bệnh thường dễ cư trú bên trong máy lạnh bẩn, phòng kín thiếu ngăn nắp, vệ sinh.
Lời khuyên khi dùng quạt cho trẻ
Nói chung nên ít dùng quạt điện cho trẻ em nếu có thể. Quạt điện chủ yếu chỉ dùng để điều tiết khí lưu thông trong phòng, qua đó gián tiếp làm mát cho trẻ hơn là trực tiếp thổi gió đến trẻ.
Khi mồ hôi ra nhiều, không nên bật quạt ngay, mà nên lau mồ hôi, nghỉ vài phút rồi mới dùng quạt.
Không bật số cao. Trong căn phòng tương đối thoáng gió thì chỉ nên mở quạt số nhỏ cho gió thổi nhẹ.
Không nên để quạt quạt thẳng vào người, thổi lâu vào một vị trí cố định trên cơ thể mà nên dùng quạt xoay chiều, thổi gió lệch sang phía khác.
Cần lưu ý là không nên dùng quạt hơi nước hay quạt phun sương nhất là dùng kéo dài và trong phòng kín để tránh tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp.
Trường Cao Đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội