Logo

Những điều cần biết về ung thư buồng trứng

Lượt xem: 124 Ngày đăng: 28/12/2020

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư sinh dục thường gặp nhất ở nữ giới, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung.

ThS.BS Lê Trí Chinh, Trưởng Khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K cho biết: Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư đường sinh dục thường gặp nhất ở phụ nữ. Trên toàn thế giới thì ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp thứ hai sau ung thư cổ tử cung, và cũng là ung thư đường sinh dục gây tử vong cao thứ hai sau ung thư cổ tử cung. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 trường hợp phụ nữ được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Hầu hết các trường hợp xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.

Ung thư buồng trứng là khi một hoặc cả hai buồng trứng xuất hiện các tế bào bất thường, các tế bào này phát triển không tuân theo nhu cầu của cơ thể và kiểm soát của cơ thể, chúng tạo thành các khối u ác tính. Các tế bào ung thư này còn có thể xâm lấn và phá hủy các mô, cơ quan xung quanh. Không chỉ vậy, chúng có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại các cơ quan đó. Các thể ung thư buồng trứng bao gồm:

– Ung thư biểu mô buồng trứng. Đây cũng là loại ung thư hay gặp nhất hiện nay.

– Ung thư tế bào mầm.

– Ung thư mô đệm.

Theo ThS.BS Lê Trí Chinh, bệnh ung thư buồng trứng hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Nhưng các nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng:

– Phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh hoặc sinh đẻ ít.

– Kinh nguyệt không đều.

– Phụ nữ dùng thuốc kích thích rụng trứng.

– Dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh.

– Người mắc bệnh ung thư vú.

– Yếu tố di truyền: Những phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái đã mắc ung thư buồn trứng, ung thư vú hay ung thư đại trực tràng thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng gấp 2 đến 4 lần.

Chị em phụ nữ thường coi nhẹ hoặc hiểu nhầm những dấu hiệu của ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh nhẹ khác. Hãy luôn chú ý và cảnh giác khi nhận thấy các dấu hiệu sau vì chúng rất có thể là các triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng:

– Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới.

– Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.

– Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang.

– Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ.

– Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.

– Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.

– Đau khi quan hệ tình dục.

Để phát hiện sớm bệnh, chị em phụ nữ cần làm những xét nghiệm chuyên biệt sau để có phương án điều trị phù hợp. Cụ thể:

– Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm HE4, CA 125, CA15-3 và CA72-4 trong máu sẽ giúp đưa ra kết luận về ung thư buồng trứng. Cụ thể: giá trị chẩn đoán của HE4 ở giai đoạn sớm là 62-83%, giai đoạn muộn là 75-93%. Giá trị chẩn đoán của CA125 ở giai đoạn sớm là 50%, giai đoạn muộn là 92%. Trong khi giá trị chẩn đoán của CA15-3 chỉ đạt 50 – 56% và CA72-4 chỉ đạt 63-71% thì sự kết hợp các dấu ấn này có thể làm độ nhạy chẩn đoán tăng lên.

– Siêu âm: Phương pháp siêu âm chủ yếu được dùng để phát hiện ra ung thư nhưng không thể nhận định được đó là ung thư lành tính hay ác tính. Phương pháp này sử dụng các sóng âm thanh để có được hình ảnh của buồng trứng và phát hiện các biểu hiện phát triển bất thường trong buồng trứng.

– Chụp MRI hay chụp CT: Hình thức kiểm tra bằng chụp MRI hay chụp CT sẽ cho thấy hình ảnh chụp ở các góc nên các bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ ảnh hưởng của khối u trong buồng trứng.

– Sinh thiết: Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm trên mô bệnh phẩm để thấy được sự tăng trưởng của toàn bộ khối u như thế nào, từ đó có cách thức điều trị phù hợp hơn.

Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh. Do đó, để phát hiện và có hướng điều trị kịp thời, bạn nên quan tâm đến sức khỏe của mình và thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Cũng theo ThS.BS Lê Trí Chinh, đối với bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng, đặc biệt là ung thư buồng trứng giai đoạn đầu , phẫu thuật luôn là liệu pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu. Khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ tối đa các tế bào ung thư, lượng tế bào ung thư còn sót lại có thể được điều trị bằng hóa trị hay xạ trị. Thông thường, bệnh nhân sẽ phải cắt buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung, cắt mạc nối, và các hạch ở ổ bụng. Nhưng nếu bệnh nhân muốn có con, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn các bộ phận chưa bị tế bào ung thư xâm lấn.

Tùy vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định mổ hở hoặc mổ nội soi. Phương pháp mổ nội soi có nhiều ưu điểm như xâm lấn tối thiểu, mang tính thẩm mỹ cao, rút ngắn thời gian nằm viện và bệnh nhân mau chóng hồi phục. Phẫu thuật có thể gây ra các cơn đau ngắn và khiến bệnh nhân đi tiêu, đi tiểu khó khăn.

Hóa trị liệu là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc có thể được đưa vào cơ thể thông qua tiêm tĩnh mạch, uống hoặc đưa trực tiếp vào ổ bụng nhờ một ống thông. Hóa trị liệu thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư buồng trứng ở giai đoạn tiến triển hoặc giúp loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Sau khi sử dụng thuốc, bác sĩ có thể cho bệnh nhân kiểm tra mẫu mô và dịch để đánh giá đáp ứng với thuốc.

Thuốc không chỉ tác động đến các tế bào ung thư mà còn gây ảnh hưởng đến các tế bào bình thường. Các tác dụng phụ của phương pháp hóa trị có thể bao gồm: nôn, buồn nôn, rụng tóc, chán ăn, sạm da, mệt mỏi… Một số thuốc điều trị ung thư buồng trứng có thể gây tổn thương đến thận, do đó bệnh nhân cần truyền nhiều dịch để bảo vệ thận.

Xạ trị là dùng tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia phóng xạ có thể xuất phát từ một máy bên ngoài cơ thể hoặc dung dịch phóng xạ được đưa vào ổ bụng bệnh nhân. Tia xạ có thể ảnh hưởng đến cả tế bào ung thư và tế bào bình thường. Phương pháp này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như: chán ăn, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy… Tác dụng phụ thường phụ thuộc vào liều lượng và vùng cơ thể bị chiếu xạ.

Nguồn: VTV NEWS