Logo

Những bài thuốc trừ thấp

Lượt xem: 1.514 Ngày đăng: 08/05/2020

Bài thuốc trừ thấp gồm những vị thuốc hóa thấp, lợi thấp, hoặc táo thấp có tác dụng hóa thấp, lợi thủy, thông lâm, tả trọc. Dùng trị các chứng thủy thấp ứ đọng trong cơ thể sinh ra thủy thũng, lâm trọc, đàm ẩm, tiết tả, thấp ôn, lung bế (tiểu tiện không thông).

Lúc vận dụng bài thuốc trừ thấp cần chú ý vị trí của bệnh: trên, dưới, ngoài, trong, tính chất hàn nhiệt, hư thực, khí huyết tạng phủ.

Nếu thấp tà ở phần ngoài và trên chú ý phát để trừ thấp.

Nếu thấp ở dưới và trong thì ôn dương hành khí để hóa thấp hoặc dùng thuốc ngọt nhạt để lợi thấp.

Đối với hàn thấp thì dùng phép ôn táo.

Đối với thấp nhiệt dùng phép thanh lợi, trường hợp thủy thấp ứ đọng thực chứng, dùng công trục, nếu hư chứng cần phò chính.

Bài thuốc trừ thấp phần lớn dễ làm tổn thương tân dịch nên không dùng kéo dài, đối với cơ thể âm hư cần thận trọng lúc dùng.

A. PHƯƠNG HƯƠNG HÓA THẤP

Bài thuốc Phương hương hóa thấp thường bao gồm các vị thuốc: phương hương hóa trọc, ôn đắng táo thấp như: Hoắc hương, Bạch đậu khấu, Thương truật, Trần bì …, dùng cho các chứng: tỳ vị vận hóa kém, thấp thịnh ở trong, gây nên bụng đầy đau, ợ hơi, ợ chua, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, ăn ít, người mệt.

Bài thuốc thường dùng có: Hoắc hương chính khí tán, Bình vị tán.

B. THANH NHIỆT HÓA THẤP

Là những bài thuốc dùng chữa các chứng thấp nhiệt đều nặng, thường gồm các vị thuốc thanh nhiệt lợi thấp và thanh nhiệt táo thấp kết hợp.

C. LỢI THỦY THẨM THẤP

Những bài thuốc Lợi thủy thẩm thấp có tác dụng thông lợi tiểu tiện.

Thường gồm các vị thuốc có tính vị ngọt nhạt mà hàn, có tác dụng lợi tiểu tiện để chữa các chứng phù, đái gắt, sạn đường tiết niệu, tiêu chảy.

Thuốc lợi tiểu thường có rất nhiều, dùng các vị Bạch linh, Trư linh, Trạch tả, Thông thảo, Ý dĩ, Đăng tâm, Xa tiền, Đông qua bì, Râu ngô, Hoạt thạch.

D. ÔN DƯƠNG HÓA THẤP

Bài thuốc Ôn dương hóa thấp là những bài thuốc chữa các chứng phù thũng đàm ẩm do tỳ thận dương hư, chức năng vận hóa bài tiết suy giảm sinh ra thủy thấp ứ trệ trong cơ thể, thường gồm các vị thuốc ôn dương lợi thủy hành khí tạo thành.

 

E. TRỪ PHONG THẤP

Bài thuốc Trừ phong thấp chủ yếu dùng để chữa các chứng phong thấp nhiệt tý hoặc hàn tý.

Triệu chứng chủ yếu là đau nhức mình mẩy, lưng gối nhức mỏi, cơ khớp tê dại hoặc sưng nóng đỏ đau, hoạt động khó khăn.

Thuốc trừ phong thấp như Độc hoạt, Tang ký sinh, Khương hoạt, Tần giao, Phòng phong …, thường dùng chung với thuốc dưỡng huyết, theo nguyên tắc điều trị của Y học cổ truyền là “Trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt”.

 

PHƯƠNG HƯƠNG HÓA THẤP

Bài thuốc Phương hương hóa thấp thường bao gồm các vị thuốc: phương hương hóa trọc, ôn đắng táo thấp như: Hoắc hương, Bạch đậu khấu, Thương truật, Trần bì …

Dùng cho các chứng: tỳ vị vận hóa kém, thấp thịnh ở trong, gây nên bụng đầy đau, ợ hơi, ợ chua, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, ăn ít, người mệt.

Bài thuốc thường dùng có:

        Hoắc hương chính khí tán

        Bình vị tán.

HOẮC HƯƠNG CHÍNH KHÍ TÁN
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Hoắc hương 12g

Cát cánh 8 – 12g

Phục linh 8 – 12g

Hậu phác (Khương chế) 6 – 10g

Tô diệp 8 – 12g

Bạch truật 8 – 12g

Bán hạ khúc 8 – 12g

Bạch chỉ 8 – 12g

Đại phúc bì 8 – 12g

Trần bì 6 – 12g

Chích thảo 4g

Cách chế và dùng: Tán bột mịn, mỗi lần uống 6 – 12g với nước Gừng và Đại táo. Có thể dùng thuốc thang.

Tác dụng: Giải biểu, hòa trung, lý khí hóa thấp.

Giải thích bài thuốc:

Hoắc hương tác dụng phương hương hóa thấp, lý khí hòa trung kiêm giải biểu là chủ dược.

Tô diệp, Bạch chỉ: giải biểu, tán hàn, hóa thấp.

Hậu phác, Đại phúc bì: trừ thấp, tiêu trệ.

Bán hạ khúc, Trần bì: lý khí hòa vị, giáng nghịch, chỉ ẩu.

Cát cánh: tuyên phế, thông lợi thấp trệ.

Linh, Truật, Thảo, Táo: ích khí kiện tỳ, giúp vận hóa, lợi thấp.

Tác dụng lâm sàng:

1.     Là bài thuốc được dùng trong trường hợp ngoại cảm, sốt sợ rét, đau đầu, bụng ngực đầy tức đau kèm theo nôn tiêu chảy.

2.     Trên lâm sàng thường dùng chữa bệnh viêm đường ruột cấp có triệu chứng biểu hàn nội thấp. Trường hợp làm thuốc thang sắc uống, nếu chứng biểu nặng gia Tô diệp để sơ tán biểu phong, trường hợp thực tích bụng đầy tức bỏ Táo, Cam thảo, Thần khúc, Kê nội kim để tiêu thực, nếu thấp nặng, Mộc thông, Trạch tả để lợi thấp. 

BÌNH VỊ TÁN
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Thương truật 6 – 12g

Cam thảo (sao) 4g

Hậu phác 4 – 12g

Trần bì 4 – 12g

Cách dùng: Các thuốc tán bột mịn mỗi lần uống 6 – 12g với nước sắc gừng 2 lát, Táo 2 quả.

Có thể dùng làm thuốc thang sắc uống, theo nguyên phương, lượng gia giảm.

Tác dụng: Kiện tỳ táo thấp, hành khí đạo trệ.

Giải thích bài thuốc:

Thương truật: kiện tỳ, táo thấp là chủ dược.

Hậu phác: trừ thấp, giảm đầy hơi.

Trần bì: lý khí, hóa trệ.

Khương, Táo, Cam thảo: điều hòa tỳ vị.

Ứng dụng lâm sàng:

                1-Trên lâm sàng dùng chữa chứng tỳ vị thấp trệ có triệu chứng đầy    bụng, mồm nhạt, nôn, buồn nôn, chân tay mệt mỏi, đại tiện lỏng,  rêu lưỡi trắng nhớt dày.

2.     Trường hợp thấp nhiệt nặng gia Hoàng cầm, Hoàng liên, nếu thực tích bụng đầy, đại tiện táo kết gia Đại phúc bì, La bạc tử, Chỉ xác để hạ khí thông tiện.

3.     Trường hợp bên trong thấp trệ, thêm ngoại cảm, triệu chứng có nôn bụng đầy, sốt sợ lạnh, gia Hoắc hương, Chế Bán hạ để giải biểu hóa trọc gọi là bài “Bất hoán kim chính tán” (Hòa tễ cục phương).

4.     Trường hợp sốt rét (thấp ngược) mình mẩy nặng đau, mạch nhu, lạnh nhiều nóng ít, dùng bài này hợp “Tiểu Sài hồ thang” để trị gọi là bài “Sài bình thang” (Nội kinh thập di phương luận). Bài này gia Tang bạch bì gọi là bài “Đối kim ẩm tử” trị chứng tỳ vị thấp, người nặng da phù.

Trên lâm sàng có báo cáo dùng bài này trị viêm dạ dày mạn tính, đau dạ dày cơ năng, bụng đầy ăn kém, rêu lưỡi trắng dày.

Chú ý:

Bài thuốc vị đắng cay, ôn táo dễ tổn thương tân dịch, âm huyết, nên dùng thận trọng đối với phụ nữ có thai. 

TAM NHÂN THANG
(Ôn bệnh điều biện)

Thành phần:

Hạnh nhân 8 – 12g

Bạch đậu khấu 6 – 8g

Hoạt thạch phi 12 – 24g

Ý dĩ nhân 12 – 24g

Bạch thông thảo 4 – 8g

Chế Bán hạ 6 – 12g

Cách dùng: sắc nước uống chia 3 lần/ ngày.

Tác dụng: Tuyên thông khí cơ, thanh lợi thấp nhiệt.

Giải thích bài thuốc:

Hạnh nhân vị cay đắng khai thông phế khí.

Bạch đậu khấu: vị cay đắng hóa thấp lợi tỳ.

Ý dĩ nhân: ngọt nhạt, thanh lợi thấp nhiệt ở hạ tiêu đều là chủ dược.

Bán hạ, Hậu phác: trừ thấp, tiêu trệ.

Thông thảo, Hoạt thạch, Trúc diệp: thanh lợi thấp nhiệt.

Các vị thuốc hợp lại thành một bài thuốc có tác dụng sơ lợi khí cơ, tuyên thông tam tiêu, thấp nhiệt tiêu tán, bệnh ắt phải khỏi.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Là một bài thuốc chữa thấp ôn, bệnh ở phần khí, thấp nặng hơn nhiệt.

2.     Trường hợp thấp nhiệt đều nặng gia Liên kiều, Hoàng cầm để thanh nhiệt, nếu còn triệu chứng biểu như sợ lạnh, gia Hương nhu, Thạch cao để giải biểu; có hàn nhiệt vãng lai gia Thảo quả, Thanh cao để thoái hàn nhiệt.

Một số báo cáo lâm sàng cho biết sử dụng bài thuốc gia giảm chữa các chứng thương hàn, viêm ruột dạ dày, viêm thận có kết quả tốt.

 

THANH NHIỆT HÓA THẤP

Là những bài thuốc dùng chữa các chứng thấp nhiệt đều nặng.

Thường gồm các vị thuốc thanh nhiệt lợi thấp và thanh nhiệt táo thấp kết hợp. 

NHÂN TRẦN CAO THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Nhân trần cao 12 – 24g

Chi tử 8 – 16g

Đại hoàng 4 – 8g

Cách dùng: sắc nước uống chia 3 lần/ngày.

Tác dụng: Thanh nhiệt lợi thấp.

Giải thích bài thuốc:

Nhân trần: thanh can đởm uất nhiệt, lợi thấp thoái hoàng, thuốc chuyên trị hoàng đản là chủ dược.

Chi tử: thanh lợi thấp nhiệt ở tam tiêu.

Đại hoàng: tả uất nhiệt.

Nhân trần phối hợp với Chi tử cho thấp nhiệt ra bằng đường tiểu, Nhân trần hợp với Đại hoàng làm cho thấp nhiệt ra bằng đường đại tiện.

Vì thế mà bài thuốc chữa Hoàng đản rất tốt.

Ứng dụng lâm sàng:

Là bài thuốc chủ yếu trị chứng Hoàng đản. Nhưng Hoàng đản có “Âm hoàng và “Dương hoàng.

Dương hoàng là do thấp nhiệt mà âm hoàng là do hàn thấp. Vị Nhân trần dùng trị Dương hoàng thì phối hợp với Chi tử, Hoàng bá. Nếu trị Âm hoàng thì phối hợp với Phụ tử, Can khương.

2.     Bài thuốc trị viêm gan virus cấp là chủ yếu, nếu là viêm hoặc sỏi túi mật, bệnh xoắn trùng gây nên chứng vàng da thì tùy chứng sử dụng có gia giảm.

3.     Trường hợp sốt sợ lạnh, đau đầu, gia Sài hồ, Hoàng cầm để hòa giải thoái nhiệt; nếu táo bón gia thêm Chỉ thực hoặc tăng lượng Đại hoàng để tả nhiệt thông tiện; nếu tiểu tiện đỏ, ít thêm Xa tiền thảo, Kim tiền thảo, Trạch tả, Hoạt thạch để tăng tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu; nếu sườn bụng đầy đau gia Uất kim, Chỉ xác, Xuyên luyện tử để sơ can chỉ thống.

4.     Trường hợp sốt nặng gia Hoàng bá, Long đởm thảo để tăng tác dụng thanh nhiệt.

5.     Trong bài thuốc, nếu táo bón dùng Đại hoàng để công hạ thì cho vào sau; nếu dùng thanh uất nhiệt thì cùng sắc chung.

Phụ phương

CHI TỬ BÁ BÌ THANG

(Thương hàn luận)

Thành phần:

Chi tử 8 – 12g

Chích thảo 3 – 4g

Hoàng bá 8 – 12g

Cách dùng: sắc nước uống.

Chủ trị: chứng hoàng đản nhiệt nặng hơn thấp.

(Có sách Y tông kim giám viết: trong bài Chi tử bá bì thang không phải là Cam thảo mà là Nhân trần, tất có sự nhầm lầm?). 

BÁT CHÍNH TÁN
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Mộc thông

Cù mạch

Xa tiền tử

Biển súc

Hoạt thạch

Chích thảo

Sơn Chi tử

Đại hoàng

(Lượng bằng nhau).

Cách dùng: Tán bột mịn, mỗi lần uống 8 – 12g với nước sắc Đăng tâm, có thể làm thuốc thang sắc uống.

Tác dụng: Thanh nhiệt tả hỏa, lợi tiểu thông lâm.

Giải thích bài thuốc: Bài thuốc chủ trị chứng lâm do thấp nhiệt nên trong bài:

Cù mạch: có tác dụng lợi thủy thông lâm, thanh nhiệt lương huyết.

Mộc thông: lợi thủy, giáng hỏa là chủ dược.

Biển súc, Xa tiền tử, Hoạt thạch, Đăng tâm: thanh nhiệt lợi thấp thông lâm.

Chi tử, Đại hoàng: thanh nhiệt tả hỏa.

Cam thảo điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Là bài thuốc chính trị các chứng nhiệt lâm, thạch lâm, các chứng lâm sàng: tiểu gắt, ít, đau, tiểu nhiều lần, bụng dưới đầy, mồm táo, họng khô, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch sác có lực.

2.     Trên lâm sàng dùng bài thuốc chữa các bệnh viêm bàng quang, viêm niệu đạo, sỏi đường tiết niệu, sỏi đường niệu có hội chứng thấp nhiệt, chứng thực. Trường hợp tiểu máu gia Tiểu kế, Hạn liên thảo, Bạch mao căn để lương huyết chỉ huyết; nếu sạn tiết niệu gây đau gia Hải kim sa, Kim tiền thảo, Kê nội kim để thông lâm hóa thạch; tiêu lỏng bỏ Đại hoàng.

3.     Có thể dùng chữa các bệnh viêm cầu thận cấp, viêm thận bể thận cấp có hội chứng thấp nhiệt để thanh nhiệt, lợi tiểu tiêu phù.

4.     Bài thuốc có chỉ định chính là chứng lâm thực nhiệt; nếu chứng lâm để lâu ngày cơ thể hư cần thận trọng chú ý mặt phò chính và gia giảm cho thích hợp. 

TUYÊN TÝ THANG
(Ôn bệnh điều biện)

Thành phần:

Mộc Phòng kỷ 10 – 20g

Liên kiều 8 – 12g

Chế Bán hạ 8 – 12g

Hạnh nhân 8 – 16g

Chi tử 8 – 12g

Xích tiểu đậu 12 – 24g

-108-

Hoạt thạch 12 – 20g

Ý dĩ nhân 12 – 20g

Tàm sa 8 – 12g

Cách dùng: sắc nước uống chia 3 lần trong ngày.

Tác dụng: Thanh lợi thấp nhiệt, tuyên thông kinh lạc.

Giải thích bài thuốc: Bài thuốc chữa chứng thấp nhiệt uất bế tại kinh lạc.

Mộc Phòng kỷ thanh nhiệt lợi thấp, thông lạc chỉ thống là chủ dược.

Tàm sa, Ý dĩ nhân: hành tý trừ thấp, thông lợi quan tiết.

Liên kiều, Chi tử, Hoạt thạch, Xích tiểu đậu: thanh nhiệt lợi thấp tăng thêm tác dụng thanh nhiệt lợi thấp của chủ dược, án hạ táo thấp hóa trọc.

Hạnh nhân: tuyên phế lợi khí đều được dùng làm sứ dược theo nguyên tắc: “Phế chủ khí, khí hóa tắc thấp hóa”.

Các vị hợp thành một bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tuyên tý, chỉ thống.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc thường dùng được chữa chứng thấp nhiệt tý biểu hiện các khớp đau sưng nóng, co duỗi khó khăn, tiểu tiện vàng ít, chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt.

2.     Nếu đau nhiều gia Khương hoàng, Hải đồng bì, Tang chi để tăng thông lạc chỉ thống.

3.     Có tác giả dùng bài Tuyên tý thang hợp Nhị diệu tán chữa thấp khớp cấp các khớp sưng nóng đỏ đau có kết quả tốt. 

NHỊ DIỆU TÁN
(Đan Khê tâm pháp)

        Thành phần:

Hoàng bá (sao)

Thương truật (ngâm nước gạo sao)

Lượng bằng nhau.

Cách dùng: Thuốc tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 8 – 12g với nước sôi để nguội hoặc làm thuốc thang, tùy tình hình bệnh lý có gia giảm kết hợp với các vị thuốc khác.

Tác dụng: Thanh nhiệt táo thấp.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc dùng để chữa chứng thấp nhiệt ở hạ tiêu.

Hoàng bá: đắng hàn, thanh nhiệt.

Thương truật: đắng ôn táo thấp.

Hai vị hợp lại có tác dụng thanh nhiệt táo thấp rất tốt.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc dùng để chữa chứng thấp, gối, cẳng chân, bàn chân sưng đau nóng đỏ hoặc chứng thấp sang lở, chứng bạch đới âm đạo nóng đỏ, kết hợp với các vị thuốc thanh nhiệt giải độc như Kim ngân hoa, Thổ phục linh, Ngư tinh thảo, Hạ khô thảo.

2.     Đối với chứng cước khí do thấp nhiệt tụ ở hạ tiêu gia Ngưu tất, Xích tiểu đậu, Ý dĩ nhân, Mộc qua để kiện tỳ thông lợi kinh mạch.

3.     Trường hợp lưng gối đau nhiều gia Ngưu tất, Mộc qua, Ngũ gia bì, Thiên niên kiện, Tần giao để tư cân trừ thấp, thông mạch chỉ thống.

4.     Trường hợp bệnh đới hạ do thấp nhiệt khí hư ra nhiều màu vàng đặc ngứa gia Kim ngân hoa, Thổ phục linh, Hạ khô thảo, Khiếm thực, Bạch chỉ, Xà sàng tử để tăng tác dụng thanh nhiệt, giải độc táo thấp chỉ dưỡng.

5.     Bài thuốc gia:

Ngưu tất gọi là TAM DIỆU HOÀN (Y học chính truyền).

Binh lang gọi là bài TAM DIỆU TÁN (Y tông kim giám) dùng ngoài đắp chàm lở, có tác dụng thanh nhiệt táo thấp giảm ngứa.

 

LỢI THỦY THẨM THẤP

Những bài thuốc Lợi thủy thẩm thấp có tác dụng thông lợi tiểu tiện.

Thường gồm các vị thuốc có tính vị ngọt nhạt mà hàn, có tác dụng lợi tiểu tiện để chữa các chứng phù, đái gắt, sạn đường tiết niệu, tiêu chảy.

Thuốc lợi tiểu thường có rất nhiều, dùng các vị Bạch linh, Trư linh, Trạch tả, Thông thảo, Ý dĩ, Đăng tâm, Xa tiền, Đông qua bì, Râu ngô, Hoạt thạch. 

NGŨ LINH TÁN
(Thương hàn luận)

        Thành phần:

Trư linh 12 – 18g

Bạch linh 12 – 18g

Trạch tả 12 – 20g

Bạch truật 12 – 18g

Quế chi 4 – 8g

Cách dùng: Các vị tán bột mịn, mỗi lần uống 6 – 12g, ngày 2 lần với nước sôi ấm. Có thể sắc thuốc thang uống, có gia giảm tùy chứng.

Tác dụng: Thông dương lợi thủy, kiện tỳ trừ thấp.

Giải thích bài thuốc:

Bạch linh, Trư linh, Trạch tả: tính vị ngọt, hơi hàn có tác dụng thẩm thấp lợi tiểu là chủ dược.

Bạch truật: kiện tỳ, táo thấp.

Quế chi: cay ôn, giúp bàng quang khí hóa, giúp cho các vị thuốc tăng tác dụng lợi tiểu.

Ứng dụng lâm sàng:

Trên lâm sàng thường dùng để trị các chứng tiểu tiện không thông lợi gây nên phù, tùy tình hình bệnh lý mà gia gỉam:

1.     Trường hợp do tỳ vị tổn thương, đại tiện lỏng, tiểu tiện ít, lúc dùng bỏ Quế chi là bài TỨ LINH TÁN (Minh y chỉ trản).

2.     Nếu phù nặng, gia Tang bạch bì, Trần bì, Đại phúc bì để tăng tác dụng hành khí lợi thủy tiêu phù.

3.     Lúc trị thấp nhiệt, hoàng đản, tiểu tiện ít, thấp thắng gia thêm Nhân trần cao gọi là NHÂN TRẦN NGŨ LINH TÁN (Kim quỹ yếu lược).

4.     Trường hợp thực, bụng đầy, đau, tiêu chảy, tiểu tiện ít, dùng bài này kết hợp với bài Bình vị tán gọi là bài VỊ LINH THANG (Đơn Khê tâm pháp). 

NGŨ BÌ ẨM
(Trung tàng kinh)

         Thành phần:

Tang bạch bì

Trần quất bì

Sinh khương bì

Đại phúc bì

Bạch linh bì

(Lượng bằng nhau).

Cách dùng: Chế thành bột mịn, mỗi lần uống 8 – 12g với nước sôi để nguội.

Có thể sắc thuốc thang uống, liều lượng tùy chứng gia giảm.

Tác dụng: Kiện tỳ hóa thấp, lý khí tiêu phù.

Giải thích bài thuốc:

Trần bì: lý khí, kiện tỳ.

Bạch linh bì: thẩm thấp, kiện tỳ đều là chủ dược.

Tang bạch bì: thông giáng phế khí làm cho thủy đạo được thông điều.

Đại phúc bì: hành khí tiêu đầy, hóa thấp.

Vỏ Gừng (Sinh khương bì) tiêu tán thủy khí.

Cả 5 vị thuốc đều dùng vỏ nên gọi là Ngũ bì ẩm.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Trường hợp ngoại cảm phong tà, phù từ thắt lưng trở lên gia thêm Tô diệp, Kinh giới, Bạch chỉ để khu phong tán thấp. Nếu thấp nhiệt ở dưới phù từ thắt lưng trở xuống nặng gia Trạch tả, Xa tiền tử, Phòng kỷ để thanh lợi thấp nhiệt. Nếu trường vị tích trệ, đại tiện không thông, gia Đại hoàng, Chỉ thực để đạo trệ thông tiện; bụng đầy tức gia La bạc tử, Hậu phác, Mạch nha để hành khí tiêu trệ. Trường hợp cơ thể suy nhược, gia Đảng sâm, Bạch truật để bổ khí, kiện tỳ. Nếu hàn thấp nặng, thận dương hư gia Can khương, Phụ tử, Nhục quế để bổ dương khu hàn.

2.     Trường hợp phù ở phụ nữ có thai là do tỳ hư thấp nặng, bỏ Tang bì gia Bạch truật để kiện tỳ trừ thấp an thai, tiêu phù có tên là TOÀN SINH BẠCH TRUẬT TÁN (Phụ nhân lương phương).

3.     Trên lâm sàng bài thuốc dùng có kết quả đối với các bệnh nhân viêm cầu thận cấp mạn, phù do suy tim. Trường hợp phù nặng cần kết hợp với bài Ngũ linh tán, nếu kiêm phế nhiệt hợp với bài Tả bạch tán.

4.     Sách Ma khoa hoạt nhân toàn thư có bài Ngũ bì ẩm dùng vị Ngũ gia bì thay Tang bạch bì có tác dụng lợi thủy thấp thông kinh lạc dùng trị sưng phù trong bệnh phong thấp.

5.     Sách Hòa tễ cục phương có bài Ngũ bì ẩm dùng Ngũ gia bì, Địa cốt bì thay Tang bạch bì, Trần bì dùng trong trường hợp sưng đau khớp lâu ngày có hư nhiệt (Địa cốt bì trừ hư nhiệt). 

PHÒNG KỶ HOÀNG KỲ THANG
(Kim quỹ yếu lược)

        Thành phần:

Phòng kỷ 8 – 12g

Hoàng kỳ 12 – 24g

Cam thảo (sao) 4g

Bạch truật 8 – 12g

Sinh khương 2 – 3 lát

Đại táo 2 – 3 quả

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Bổ khí, kiện tỳ lợi thủy, tiêu phù.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc dùng trị phong thủy, thấp tý thuộc chứng biểu hư thấp nặng nên phép chữa là bổ khí, cố biểu, kiện tỳ, lợi thấp.

Trong bài:

Phòng kỷ: khu lợi thấp thông tý.

Hoàng kỳ: ích khí cố biểu, cả hai đều là chủ dược.

Bạch truật: kiện tỳ trừ thấp tăng thêm tác dụng lợi thủy.

Cam thảo: kiện tỳ hòa trung.

Gừng, Táo: điều hòa vinh vệ.

Các vị thuốc hợp lại phát huy tốt tác dụng bổ khí kiện tỳ, lợi tiểu, tiêu phù.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc chủ trị chứng phong thủy có triệu chứng ra mồ hôi, sợ gió, toàn thân phù nặng nề, tiểu ít, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch phù và chứng thấp tý, chân tay nặng tê dại.

2.     Trường hợp kèm đau bụng gia Bạch thược, Chế Hương phụ; khó thở gia Tế tân, Ma hoàng để tán hàn giáng khí bình suyễn. Tức nặng bụng, ngực gia Trần bì, Chỉ xác, Tô diệp. Phù nặng phần lưng chân nhiều gia Phục linh, Thương truật.

 

ÔN DƯƠNG HÓA THẤP

Bài thuốc Ôn dương hóa thấp là những bài thuốc chữa các chứng phù thũng đàm ẩm do tỳ thận dương hư, chức năng vận hóa bài tiết suy giảm sinh ra thủy thấp ứ trệ trong cơ thể

Thường gồm các vị thuốc ôn dương lợi thủy hành khí tạo thành. 

LINH QUẾ TRUẬT CAM THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Bạch linh 12 – 16g

Quế chi 8 – 10g

Bạch truật 12g

Chích thảo 4 – 6g

Cách dùng: sắc nước uống chia 3 lần trong ngày.

Tác dụng: Kiện tỳ thẩm thấp, ôn hóa đàm ẩm.

Giải thích bài thuốc:

Bạch linh: kiện tỳ, thẩm thấp, lợi thủy là chủ dược.

Quế chi: thông dương, ôn hóa thủy ẩm.

Bạch truật: kiện tỳ táo thấp.

Cam thảo: bổ tỳ ích khí, điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chủ trị chứng đàm ẩm, có triệu chứng lâm sàng: ngực sườn đau, chóng mặt hồi hộp hoặc ho, khó thở, rêu lưỡi trắng, mạch hoạt huyền, hoạt, hoặc trầm khẩn.

1.     Trường hợp nôn ra đàm nước gia Khương Bán hạ để ôn hóa hàn đàm, giáng nghịch chỉ ẩu; đờm nhiều gia Trần bì lý khí hóa đàm; nếu tỳ hư gia Đảng sâm ích khí bổ tỳ.

2.     Trường hợp thấp tả do tỳ dương hư kết hợp với Bình vị tán để tán thấp chỉ tả. 

THỰC TỲ ẨM
(Tế sinh phương)

Thành phần:

Phục linh 12 – 16g

Can khương 4 – 8g

Thảo quả 8 – 12g

Chế Phụ tử 4 – 12g

Hậu phác 4 – 8g

Mộc hương 4 – 8g

Đại phúc bì 4 – 8g

Bạch truật 8 – 12g

Binh lang 4 – 12g

Mộc qua 8 – 12g

Chích thảo 4g

Sinh khương 3 lát

Đại táo 3 quả

Cách dùng: sắc nước uống chia 2 lần trong ngày.

Tác dụng: Ôn dương kiện tỳ, hành khí lợi thủy.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc có tác dụng ôn tỳ dương là chính nên có tên là THỰC TỲ ẨM.

Trong bài:

Bạch truật, Phụ tử, Can khương, Cam thảo: ôn dương, kiện tỳ, trừ hàn thấp đều là chủ dược.

Hậu phác, Binh lang, Thảo quả, Mộc hương, Đại phúc bì: các vị thuốc đều có tác dụng hành khí lợi thủy làm cho tiêu trướng đầy ở ngực bụng giảm, phù nề toàn thân.

Khương, Táo: tăng tác dụng kiện tỳ.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chủ yếu chữa chứng phù do tỳ thận dương hư, hàn thấp ứ trệ, phù toàn thân phần dưới nhiều hơn kèm theo bụng đầy trướng, chân tay lạnh, tiêu lỏng, tiểu trong, rêu lưỡi dày nhuận, mạch trầm trì.

Trên lâm sàng có thể dùng bài thuốc chữa viêm thận mạn, phù do suy tim thuộc chứng tỳ thận dương hư, có phối hợp với Ngũ linh tán. 

TỲ GIẢI PHÂN THANH ẨM
(Đan Khê tâm pháp)

Thành phần:

Xuyên Tỳ giải

Ô dược

Ích trí nhân

Thạch xương bồ

(Lượng bằng nhau).

(Có bài thêm: Phục linh, Cam thảo).

Cách dùng: Tán bột mịn, mỗi lần uống 8 – 12g, cho tý muối sắc nước uống nóng. Nếu dùng thuốc thang sắc uống tùy tình hình bệnh mà gia giảm.

Tác dụng: Ôn thận lợi thấp, phân thanh khử trọc.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc chủ trị chứng cao lâm (đái nhiều lần nước tiểu đục có chất nhờn).

Trong bài:

Xuyên Tỳ: giải lợi thấp, trị tiểu đục là chủ dược.

Ích trí nhân: ôn thận dương, làm giảm bớt lần tiểu tiện.

Ô dược: ôn thận hóa khí.

Thạch xương bồ: hóa trọc, thông khiếu.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Nếu có triệu chứng tỳ hư gia Đảng sâm, Bạch truật, Phục linh, Chích thảo để kiện tỳ lợi thủy.

2.     Trường hợp phụ nữ hàn thấp khí hư ra nhiều, gia Thục Phụ tử, Nhục quế, Thỏ ty tử, Thương truật, Phục linh.

3.     Có bài khác cũng có tên Tỳ giải phân thanh ẩm nhưng bỏ Ích trí nhân, Ô dược gia Hoàng bá, Phục linh, Bạch truật, Liên tử tâm, Xa tiền tử tác dụng chủ yếu là thanh lợi thấp nhiệt cần chú ý phân biệt.

4.     Có báo cáo lâm sàng dùng bài này gia Lục vị địa hoàng hoàn bỏ Ô dược gia Hoàng bá trị viêm tuyến tiền liệt thuộc thể thận âm hư có kết quả tốt. Nếu thuộc thận dương hư gia Bát vị.

 

TRỪ PHONG THẤP

Bài thuốc Trừ phong thấp chủ yếu dùng để chữa các chứng phong thấp nhiệt tý hoặc hàn tý.

Triệu chứng chủ yếu là đau nhức mình mẩy, lưng gối nhức mỏi, cơ khớp tê dại hoặc sưng nóng đỏ đau, hoạt động khó khăn.

Thuốc trừ phong thấp như Độc hoạt, Tang ký sinh, Khương hoạt, Tần giao, Phòng phong ….

Thường dùng chung với thuốc dưỡng huyết, theo nguyên tắc điều trị của Y học cổ truyền là “Trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt”. 

ĐỘC HOẠT KÝ SINH THANG
(Thiên kim phương)

Thành phần:

Độc hoạt 8 – 12g

Phòng phong 8 – 12g

Bạch thược 12 – 16g

Đỗ trọng 12 – 16g

Phục linh 12 – 16g

Tang ký sinh 12 – 24g

Tế tân 4 – 8g

Xuyên khung 6 – 12g

Ngưu tất 12 – 16g

Chích thảo 4g

Tần giao 8 – 12g

Đương qui 12 – 16g

Địa hoàng 16 – 24g

Đảng sâm 12 – 16g

Quế tâm 4g

Cách dùng: Sắc nước uống chia 2 lần trong ngày.

Tác dụng: Trừ phong thấp, giảm đau, dưỡng can thận, bổ khí huyết.

Giải thích bài thuốc:

Độc hoạt, Tang ký sinh: khu phong trừ thấp, dưỡng huyết hòa vinh, hoạt lạc thông tý là chủ dược.

Ngưu tất, Đỗ trọng, Thục địa: bổ ích can thận, cường cân tráng cốt.

Xuyên khung, Đương qui, Thược dược: bổ huyết, hoạt huyết.

Đảng sâm, Phục linh, Cam thảo: ích khí kiện tỳ đều có tác dụng trợ lực trừ phong thấp.

Quế tâm: ôn Can kinh.

Tần giao, Phòng phong: phát tán phong hàn thấp.

Các vị thuốc hợp lại thành một bài thuốc có tác dụng vừa trị tiêu, vừa trị bản, vừa phò chính khu tà, là một phương thường dùng đối với chứng phong hàn thấp tý.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Trường hợp chứng hàn tý lâu ngày, dùng bài thuốc cần gia thêm Xuyên ô, Thiên niên kiện, Bạch hoa xà để thông kinh lạc, trừ hàn thấp.

2.     Trường hợp viêm khớp mạn tính đau lưng, đau khớp lâu ngày, đau thần kinh tọa thuộc chứng thận hư, khí huyết bất túc dùng bài này gia giảm có kết quả tốt.

Phụ phương:

TAM TÝ THANG

(Phụ nhân lương phương)

Tức bài Độc hoạt ký sinh thang bỏ Tang ký sinh gia Hoàng kỳ, Tục đoạn, Gừng tươi sắc nước uống.

Có tác dụng ích Can thận, bổ khí huyết, trừ phong thấp. 

QUYÊN TÝ THANG
(Bách nhất uyển phương)

Thành phần:

Khương hoạt 15 – 20g

Khương hoàng 15 – 20g

Đương qui (tẩm rượu) 15 – 20g

Hoàng kỳ (mật sao) 15 – 20g

Xích thược 15 – 20g         -117-

Phòng phong 15 – 20g

Chích thảo 4g

Cách dùng: Tất cả tán bột, mỗi lần uống 12 – 16g sắc với nước Gừng tươi.

Tác dụng: Ích khí hoạt huyết, khu phong trừ thấp.  

TIÊU PHONG TÁN
(Y tôn Kim giám)

        Thành phần:

Kinh giới 4g

Phòng phong 4g

Đương qui 4g

Sinh địa 4g

Khổ sâm 4g

Thương truật (sao) 4g

Thuyền thoái 4g

Hồ Ma nhân 4g

Ngưu bàng tử (sao) 4g

Tri mẫu 4g

Thạch cao (nung) 4g

Cam thảo sống 2g

Mộc thông 2g

Cách dùng: sắc nước uống lúc bụng đói.

Tác dụng: Sơ phong tiêu sưng, thanh nhiệt trừ thấp.

Giải thích bài thuốc:

Kinh giới, Phòng phong, Ngưu bàng tử, Thuyền thoái: giải phong thấp ở biểu là chủ dược.

Thương truật: vị cay, tính đắng ôn, tán phong trừ thấp.

Khổ sâm: đắng hàn, thanh nhiệt táo thấp.

Mộc thông: thanh lợi thấp nhiệt.

Thạch cao, Tri mẫu: thanh nhiệt tả hỏa.

Đương qui: hòa vinh, hoạt huyết.

Sinh địa: thanh nhiệt lương huyết.

Hồ ma nhân: dưỡng huyết nhuận táo.

Cam thảo: giải nhiệt, hòa trung.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc dùng trong các trường hợp thấp chẩn, phong chẩn ngứa chảy nước, rêu lưỡi trắng hoặc vàng, mạch phù có lực.

2.     Trường hợp phong độc thịnh gia Ngân hoa, Liên kiều để sơ phong thanh nhiệt giải độc. Huyết nhiệt thịnh gia Xích thược, Tử thảo thanh nhiệt lương huyết. Thấp nhiệt thịnh gia Địa phụ tử, Xa tiền tử để thanh nhiệt lợi thấp.

3.     Bài này có thể dùng để chữa các chứng sang lở ở đầu, chàm lở ngứa nhiều có kết quả tốt, thường dùng kết hợp với thuốc bôi ngoài có tác dụng thanh nhiệt giải độc trừ thấp.

TRƯỚC TÝ THANG
(Y học tâm ngộ)

Thành phần:

Khương hoạt 12g

Độc hoạt 12g

Quế chi 8 – 12g

Xuyên khung 8 – 12g

Hải phong đằng 40g

Tần giao 12g

Chích thảo 6g

Nhũ hương 4 – 8g

Đương quy 12g

Tang chi 40g

Mộc hương 6 – 8g

Cách dùng: sắc nước uống chia 2 lần trong ngày.

Tác dụng: Khu phong trừ thấp, chữa bệnh tý.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc chủ trị chứng phong hàn thấp tý, chân tay mình mẩy đau, khớp xương đau nhức hoặc tê sưng.

Trong bài:

Khương hoạt, Độc hoạt, Hải phong đằng, Tang chi, Tần giao, Quế chi có tác dụng khu phong, trừ hàn thấp là chủ dược.

Phụ thêm: Đương qui, Xuyên khung, Nhũ hương, Mộc hương có tác dụng hoạt huyết lý khí để giảm đau.

Cam thảo: điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc này chủ yếu chữa chứng đau thấp do hàn thấp tý.

1.     Nếu thuộc phong tý (đau các khớp di chuyển) gia Phòng phong.

2.     Nếu thiên về hàn tý nặng (đau nhức nhiều) gia Chế Phụ tử.

3.     Nếu thiên về thấp nặng (các khớp sưng phù, chân tay nặng nề) gia Phòng kỷ, Thương truật, Ý dĩ nhân.

4.     Nếu chi trên đau nhiều gia Uy linh tiên; nếu chi dưới đau nhiều gia Ngưu tất, Tục đoạn 

Ý DĨ NHÂN THANG

Thành phần:

Ma hoàng 4g

Đương qui 4g

Bạch truật 4g

Ý dĩ nhân (8 – 10g)

Quế chi 3g

Thược dược 3g

Cam thảo 2g.

Công dụng: Trị đau khớp, đau cơ.

Theo Chẩn liệu y điển: thuốc được dùng trong trường hợp bệnh thấp khớp đã bước sang giai đoạn bán cấp và giai đoạn mạn tính. Thuốc cũng được dùng trị thấp khớp và viêm khớp và cũng được ứng dụng trị viêm khớp dạng lao, thấp cơ, cước khí.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc này thường được dùng trong trường hợp bệnh thấp khớp đã sang giai đoạn bán cấp và mạn tính.

Thuốc dùng cho những người bệnh trạng nặng hơn trong các bài Ma hoàng gia Truật thang, Ma hạnh cam thang.