Logo

Những bài thuốc trừ phong

Lượt xem: 564 Ngày đăng: 08/05/2020

Bài thuốc Trị phong gồm có 2 loại: Sơ tán ngoại phong và Bình tức nội phong.

1- NGOẠI PHONG: là chỉ những hội chứng bệnh lý do cảm thụ phong tà tại kinh lạc, cơ nhục, gân cốt các khớp gây nên.

     Triệu chứng thường thấy là: chân tay tê dại, kinh mạch đau giật, co duỗi khó khăn hoặc mồm mắt méo xệch. Cùng với chứng uốn ván gây

nên cấm khẩu, chân tay co cứng, lưng đòn gánh.

2- NỘI PHONG: thường do thận thủy bất túc, vinh huyết hư kém hoặc nhiệt thịnh thương âm, can phong nội động, khí huyết nghịch loạn gây nên đột quỵ, bất tỉnh nhân sự, mồm mắt méo xệch, bán thân bất toại, hoặc co giật chân tay.

Đối với ngoại phong thì phải sơ tán.

Đối với nội phong thì phải bình can tức phong.

 

SƠ TÁN NGOẠI PHONG

 

Những bài thuốc Sơ tán ngoại phong thường gồm các vị thuốc ôn táo như: Xuyên khung, Khương hoạt, Độc hoạt, Phòng phong, Bạch chỉ, Kinh giới, Bạch phụ tử, Nam tinh .

Những bài thuốc thường dùng có:

Xuyên khung trà điều tán.

Ngọc chân tán.

Tiểu hoạt lạc đơn. 

XUYÊN KHUNG TRÀ ĐIỀU TÁN
(Hòa tễ cục phương)

        Thành phần:

Xuyên khung 8g

Bạc hà 20 – 32g

Tế tân 4 – 6g

Cam thảo 4 – 6g

Khương hoạt 6 – 8g

Phòng phong 6 – 8g

Kinh giới 8 – 16g

Bạch chỉ 8 – 12g

Cách dùng: Thuốc tán bột mịn, mỗi lần uống 6 – 8g với nước trà, ngày uống 2 lần. Có thể dùng thuốc thang sắc uống

Tác dụng: Khu phong tán hàn, trị đau đầu.

Giải thích bài thuốc:

Là bài thuốc sơ tán phong hàn, trị đau đầu là chính.

Trong bài:

Xuyên khung chuyên trị đau đầu kinh Thiếu dương (hai bên đầu, gáy đau). Khương hoạt chuyên trị đau đầu kinh Thái dương (đau ở gáu và trước trán). Bạch chỉ chuyên trị đau đầu kinh Dương minh (đau vùng trước lông mày và trán) đều là chủ dược.

Tế tân, Bạc hà, Kinh giới, Phòng phong: sơ tán phong tà ở trên trợ giúp các thuốc trên phát huy tác dụng.

Cam thảo: hòa trung, ích khí, điều hòa các vị thuốc.

Trà diệp tính đắng hàn điều hòa bớt tính ôn táo các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc có nhiều vị tân ôn, sơ phong tán hàn có chỉ định tốt với bệnh ngoại cảm đau đầu. Thiên về phong hàn thường gia thêm các vị Gừng tươi, Tô diệp để tăng thêm tác dụng khu phong hàn trị đau đầu. Có thể sử dụng chữa chứng viêm mũi mạn tính gây đau đầu, trị chứng đau nửa đầu có kết quả nhất định.

2.     Chú ý: Trường hợp đau đầu lâu ngày khí huyết hư hoặc do can thận bất túc không nên dùng. 

TIỂU HOẠT LẠC ĐƠN
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Chế Xuyên ô 240g

Chế Thảo ô 240g

Địa long 240g

Chế Nam tinh 240g

Nhũ hương 88g

Một dược 88g

Cách dùng: Tán bột mịn, dùng rượu để làm hoàn, mỗi hoàn nặng 4g, mỗi lần uống một hoàn. Ngày uống 1 – 2 lần lúc đói với rượu.

Tác dụng: Ôn kinh hoạt lạc, khu phong trừ thấp, trừ đờm trục ứ.

Giải thích bài thuốc:

Xuyên ô, Thảo ô: thông kinh hoạt lạc, ôn tán phong hàn thấp là chủ dược.

Nam tinh: táo thấp, hoạt lạc, khu phong.

Nhũ hương, Một dược: thông ứ, hoạt lạc, chỉ thống.

Địa long: thông kinh hoạt lạc, thêm rượu lâu năm có tác dụng dẫn rượu vào nơi bị bệnh.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chủ trị chứng phong thấp tý thống lâu ngày chân tay tê dại,

kinh lạc có đàm thấp, huyết ứ lâu ngày gây đau.

1.     Trường hợp phong nặng phối hợp uống bài “Đại Tần giao thang”. Nếu thiên về can thận khí huyết bất túc, phối hợp uống với bài “Độc hoạt ký sinh thang”.

2.     Lúc sử dụng cần chú ý: Bệnh lâu ngày âm hư nội nhiệt hoặc phụ nữ có thai đều không nên dùng.

3.     Bài này vốn tên HOẠT LẠC ĐƠN nhưng trong sách Thánh huệ phương có bài ĐẠI HOẠT LẠC ĐƠN nên gọi là “Tiểu hoạt lạc đơn” để phân biệt.

4.     Trường hợp tai biến mạch máu não để lại di chứng bán thân bất toại mà cơ thể khỏe, dùng bài này có kết quả tốt. 

TIÊM CHÍNH TÁN
(Dương thị gia tàng phương)

Thành phần:

Bạch phụ tử

Bạch cương tàm

Toàn yết

(Lượng bằng nhau).

Cách dùng: Toàn yết khử độc, tất cả tán bột mịn, mỗi lần uống 4g với rượu nóng, có thể làm thuốc thang sắc nước uống, tùy tình hình bệnh gia giảm với các vị thuốc khác cho phù hợp.

Tác dụng: Khu phong, hóa đàm.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc trị chứng phong đàm ứ trệ ở phần đầu mặt, cho nên trong bài thuốc:

Bạch phụ tử chuyên trị phong ở đầu mặt.

Cương tàm trị phong ở kinh lạc.

Toàn yết trị phong chống co giật.

Ba vị thuốc đều là chủ dược chuyên trị chứng trúng phong, mồm mắt méo xệch, uống với rượu nóng giúp các vị thuốc phát huy tác dụng ở đầu mặt.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc này được dùng để trị chứng liệt thần kinh mặt (thần kinh VII) gây nên mồm mắt méo xệch. Gia thêm Ngô công tác dụng càng tốt.

1.     Bài thuốc tính dược cay táo dùng trong trường hợp phong đàm thiên về hàn thấp, nếu khí hư huyết ứ hoặc do Can phong nội động, sinh liệt dây thần kinh mặt VII (liệt trung ương) không nên dùng.

2.     Lúc dùng chú ý liều lượng không nên quá nhiều vì các vị thuốc đều có độc.

3.     Có kinh nghiệm dùng bài “Gia vị Tiêm chính tán”, thành phần: Sinh Xuyên ô, Sinh Thảo ô, Sinh Bán hạ, Uy linh tiên, Toàn yết, Bạch cập, Trần bì, Bạch cương tàm. Tán thành bột, mỗi lần uống 20g trộn với nước Gừng đắp ngoài chữa liệt dây thần kinh mặt ngoại biên, kết quả khá tốt. 

CHỈ KINH TÁN
(Bài thuốc kinh nghiệm)

Thành phần:

Ngô công

Toàn yết

(Lượng bằng nhau).

Cách dùng: Tán bột mịn mỗi lần uống 1 – 4g, có tác dụng chống co giật.

Chủ trị: Dùng trong trường hợp chân tay co giật, lưng đòn gánh trong bệnh uốn ván, bệnh viêm não thường dùng kết hợp với các thuốc thanh nhiệt giải độc.

Đối với những trường hợp đau đầu lâu ngày, đau nhức khớp xương có tác dụng giảm đau.

 

BÌNH TỨC NỘI PHONG

 

Những bài thuốc trị nội phong thường gồm các vị thuốc Thanh nhiệt bình can tức phong như: Linh dương giác, Câu đằng, Thạch quyết minh, Mẫu lệ, Cúc hoa, Tang diệp, Thiên ma, Bạch thược, Đại giả thạch, Long xỉ, Từ thạch và những vị thuốc Dưỡng âm tiềm dương như Sinh địa, A giao, Kê tử hoàng.

Những bài thuốc thường dùng có:

Linh giác Câu đằng thang.

Trấn can tức phong thang.

Đại định phong châu.

Địa hoàng ẩm tử.  

LINH GIÁC CÂU ĐẰNG THANG
(Thông tục thương hàn luận)

Thành phần:

Linh dương giác (sắc trước) 2g

Câu đằng 12g

Tang diệp 8 – 12g

Xuyên Bối mẫu 8 – 16g

Trúc nhự 12 – 20g

Sinh địa 12 – 20g

Cúc hoa 8 – 12g

Bạch thược 8 – 12g

Phục thần 8 – 12g

Cam thảo 3 – 4g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Bình can tức phong, thanh nhiệt chỉ kinh.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc chủ trị chứng can kinh nhiệt thịnh, nhiệt cực sinh phong.

Trong bài:

Linh dương giác, Câu đằng: thanh nhiệt lương can, tức phong, chỉ kinh là chủ dược.

Tang diệp, Cúc hoa tăng thêm tác dụng thanh nhiệt tức phong.

Bạch thược, Sinh địa, Cam thảo: dưỡng âm tăng dịch để bình can.

Bối mẫu, Trúc nhự để thanh nhiệt hóa đàm để thanh nhiệt hóa đàm ( vì nhiệt đốt tân dịch sinh đàm).

Phục thần để định tâm an thần.

Cam thảo điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài này trên lâm sàng dùng chữa các bệnh viêm nhiễm, sốt cao, chân tay co giật hoặc chứng sản giật.

1.     Trường hợp sốt cao co giật hôn mê phối hợp với các bài Tử tuyết đơn, An cung ngưu hoàng hoàn, Chí bảo đơn để thanh nhiệt khai khiếu.

2.     Trường hợp sốt cao tổn thương tân dịch hoặc bệnh nhân vốn Can âm bất túc đều thuộc chứng âm hư dương thịnh, cần gia thêm các vị tư âm tăng dịch như Huyền sâm, Mạch môn, Thạch hộc, A giao.

3.     Trường hợp huyết áp cao, đau đầu hoa mắt thuộc chứng âm hư dương thịnh gia Hoài Ngưu tất, Bạch tật lê.

 

THIÊN MA CÂU ĐẰNG ẨM
(Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa)

Thành phần:

Thiên ma 8 – 12g

Câu đằng 12 – 16g

Thạch quyết minh (sắc trước) 20 – 30g

Chi tử 8 – 12g

Hoàng cầm 8 – 12g

Xuyên Ngưu tất 12 – 16g

Ích mẫu thảo 12 – 16g

Tang ký sinh 20 -30g

Dạ đằng giao 12 – 20g

Bạch linh 12 – 20g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Bình can tức phong, tư âm thanh nhiệt.

Trên lâm sàng thường được dùng để chữa chứng huyết cao, đau đầu, ù tai, hoa mắt, mất ngủ hoặc bán thân bất tọa, lưỡi đỏ, mạch huyền sác.

Bài này cũng như bài Linh giác câu đằng thang đều có tác dụng bình can tức phong, nhưng bài Thiên ma câu đằng ẩm có tác dụng thanh nhiệt mạnh hơn, đồng thời dưỡng huyết an thần, còn bài Linh giác câu đằng thang thiên về chống co giật đồng thời có tác dụng hóa đàm thông lạc. 

ĐẠI ĐỊNH PHONG CHÂU
(Ôn bệnh điều biện)

Thành phần:

Bạch thược 12 – 24g

Sinh Qui bản 12 – 24g

Ma nhân 6 – 12g

Sinh Mẫu lệ 12 – 16g

Chích thảo 8 – 12g

Sinh Miết giáp 12 – 16g

A giao 8 – 12g

Can địa hoàng 12 – 20g

Ngũ vị tử 6 – 8g

Mạch môn 12 – 24g

Kê tử hoàng 2 quả

Cách dùng: sắc nước bỏ bã, cho A giao tan đều, cho Kê tử hoàng trộn đều uống nóng.

Tác dụng: Tư âm, tăng dịch tức phong.

Giải thích bài thuốc:

Kê tử hoàng, A giao: tư âm, tăng dịch để trừ nội phong là chủ dược.

Địa hoàng, Mạch môn, Bạch thược: tư âm nhuận gan.

Qui bản, Miết giáp, Mẫu lệ :dục âm tiềm dương.

Chích thảo, Ngũ vị tử: chua ngọt sinh âm.

Ma nhân: dưỡng âm nhuận táo.

Các vị thuốc hợp lại cùng dùng có tác dụng tư dưỡng âm dịch, nhuận gan tức phong.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc chữa chứng nhiệt thịnh thương âm, hư phong nội động. Nếu khí hư có thể gia Nhân sâm. Tự ra mồ hôi gia Long cốt, Nhân sâm, Tiểu mạch. Tim hồi hộp khó ngủ gia Phục thần, Nhân sâm, Tiểu mạch.

2.     Trường hợp viêm não sốt kéo dài, bệnh nhân mệt mỏi, mạch khí hư nhược lưỡi đỏ thẫm rêu ít, dùng bài thuốc này điều trị. Nếu có đờm nhiều gia Thiên trúc hoàng, Bối mẫu để thanh hóa nhiệt đờm. Có triệu chứng sốt nhẹ kéo dài dùng Sinh địa thay Can địa hoàng, Bạch vi, Sa sâm, Ngũ vị tử. 

A GIAO KÊ HOÀNG THANG
(Thông tục thương hàn luận)

Thành phần:

A giao 8 – 12g

Sinh Bạch thược 12g

Thạch quyết minh 16 – 20g

Câu đằng 6 – 8g

Đại Sinh địa 12 – 16g

Chích thảo 3 – 4g

Phục thần mộc 12 – 16g

Kê tử hoàng 2 quả

Lạc thạch đằng 12g

Sinh Mẫu lệ 12 – 16g

Cách dùng: sắc và uống như bài trên.

Tác dụng: nhuận gan tức phong tư âm.

Chủ trị: Chứng sốt lâu ngày, chân âm bị tổn thương gây nên huyết hư sinh phong, chân tay run giật, gân cơ co cứng hoặc váng đầu, chóng mặt, chất lưỡi đỏ thẫm, rêu ít, mạch tế sác. 

ĐỊA HOÀNG ẨM TỬ
(Tuyên minh luận)

Thành phần:

Can địa hoàng

Ba kích thiên (bỏ tâm)

Sơn thù

Thạch hộc

Nhục thung dung (tẩm rượu sao)

Phụ tử chế

Ngũ vị tử

Nhục quế

Bạch phục linh

Mạch môn (bỏ tâm)

 Xương bồ

Viễn chí (bỏ tâm)

(Các vị lượng bằng nhau).

Cách dùng: Tất cả tán bột sắc với nước Sinh khương 5 lát, Đại táo 10 quả, Bạc hà 5 – 7 lá. Uống mỗi lần 8 – 12g (bột), có thể dùng thuốc thang sắc uống tùy chứng bệnh gia giảm.

Tác dụng: Tư thận âm, bổ thận dương, an thần khai khiếu.

Giải thích bài thuốc:

Can địa hoàng, Sơn thù du: bổ ích thận âm là chủ dược.

Ba kích, Nhục thung dung, Nhục quế, Phụ tử chế: ôn thận tráng dương, phối hợp với chủ dược làm cho nguyên dương được ôn dưỡng.

Nhục quế: dẫn hỏa quy nguyên.

Thạch hộc, Mạch môn, Ngũ vị tử: tư bổ âm dịch.

Bạch linh, Xương bồ, Viễn chí: giao thông tâm thận, khai khiếu hóa đờm.

Bạc hà: lợi yết.

Khương, Táo: hòa vinh vệ.

Tác dụng chung của bài thuốc là một mặt ôn bổ hạ nguyên nhiếp nạp phù dương, mặt khác có tác dụng khai khiếu hóa đờm, tuyên thông tâm phế khí.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc này chuyên dùng chữa trúng phong không nói được, hai chân suy yếu. Hiện nay có thể dùng chữa những bệnh như tai biến mạch máu não, xơ cứng động mạch, có hội chứng bệnh lý thận âm, thận dương đều hư.

2.     Trường hợp chân yếu thiên về thận âm hư các khớp xương nóng gia Tang chi, Địa cốt bì, Miết giáp để thoái hư nhiệt. Nếu thiên về thận dương hư, lưng gối đều có cảm giác lạnh, gia Dâm dương hoắc, Thỏ ty tử, Tiên mao để làm ấm thận dương. Nếu có khí hư gia Hoàng kỳ, Đảng sâm để bổ khí.

3.     Nếu chỉ có chân yếu liệt có thể bỏ Thạch xương bồ, Viễn chí, Bạc hà.

4.     Trường hợp chỉ có âm hư đờm hỏa thịnh bỏ các loại thuốc ôn táo như Quế, Phụ gia Bối mẫu, Trúc lịch, Đởm tinh, Thiên trúc hoàng để thanh nhiệt hóa đờm.