Logo

Những bài thuốc giải biểu

Lượt xem: 963 Ngày đăng: 08/05/2020

Những bài thuốc Giải biểu thường có vị cay ôn hoặc cay lương thường dùng để chữa hội chứng bệnh lý biểu gặp trong các bệnh nhiễm ở giai đoạn sơ khởi.

     Tùy theo tính chất mà thuốc được chia làm 2 loại:

        Tân ôn giải biểu.

        Tân lương giải biểu.

Những bài thuốc Tân ôn giải biểu có tác dụng phát tán phong hàn.

Chữa những chứng biểu ngoại cảm phong hàn thường có triệu chứng: sốt rét, gai rét, đau đầu, nhức mỏi tay chân, có hoặc không có mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn hoặc phù hoãn.

Những vị thuốc thường dùng có: Ma hoàng, Quế chi, Kinh giới, Tía tô, Tế tân, Phòng phong, Bạch chỉ, Khương hoạt, Hương nhu, Thông bạch, Gừng tươi …

Những bài thuốc thường dùng có:

Ma hoàng thang

Quế chi thang

Thông xị thang

Kinh phòng bại độc tán

Hương tô tán

Đại thanh long thang

Tiểu thanh long thang.

     Những bài thuốc Tân lương giải biểu có tác dụng sơ tán phong nhiệt.

Thường dùng chữa các bệnh ngoại cảm phong nhiệt, giai đoạn đầu của bệnh nhiễm, có các triệu chứng như sốt, đau đầu, hơi sợ gió lạnh hoặc mồm khát, đau họng ho, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, mạch phù sác.

Những vị thuốc thường dùng có: Bạc hà, Ngưu bàng tử, Tang diệp, Cúc hoa, Cát căn, Thăng ma …

Những bài thuốc thường dùng có:

Tang cúc ẩm

Ngân kiều tán

Ma hạnh – Thạch cam thang

Sài cát giải cơ thang

Thăng ma – Cát căn thang …

     Những bài thuốc Phò chính giải biểu có tác dụng vừa nâng cao chính khí, vừa giải biểu “đuổi tà khí”.

Thường sử dụng đối với những người mà cơ thể suy yếu lại mắc bệnh ngoại cảm. Những bài thuốc như:

Ma hoàng phụ tử tế tân thang

Ma hoàng phụ tử cam thảo thang

Tái tạo tán

Nhân sâm Bại độc tán

Sâm tô ẩm.

 

TÂN ÔN GIẢI BIỂU

 

Những bài thuốc Tân ôn giải biểu có tác dụng phát tán phong hàn.

Chữa những chứng biểu ngoại cảm phong hàn thường có triệu chứng: sốt rét, gai rét, đau đầu, nhức mỏi tay chân, có hoặc không có mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn hoặc phù hoãn.

Những vị thuốc thường dùng có: Ma hoàng, Quế chi, Kinh giới, Tía tô, Tế tân, Phòng phong, Bạch chỉ, Khương hoạt, Hương nhu, Thông bạch, Gừng tươi …

      Những bài thuốc thường dùng có:

Ma hoàng thang

Quế chi thang

Thông xị thang

Kinh phòng bại độc tán

Hương tô tán

Đại thanh long thang

Tiểu thanh long thang.

MA HOÀNG THANG
(Thương hàn luận)

            Thành phần:

Ma hoàng  12g

Quế chi       8g

Hạnh nhân 12g

Chích thảo  4g

Cách dùng: Sắc uống ngày 3 lần, uống lúc thuốc nóng khi ra mồ hôi là được, không cần uống tiếp.

Tác dụng: Phát hãn, giải biểu, tuyên phế, bình suyễn.

Giải thích bài thuốc: Trong bài thuốc vị:

Ma hoàng là chủ dược có tác dụng phát hãn, giải biểu, tán phong hàn, tuyên phế, định suyễn.

Quế chi phát hãn giải cơ, ôn thông kinh lạc làm tăng thêm tác dụng phát hãn của Ma hoàng và chứng đau nhức mình mẩy.

Hạnh nhân tuyên phế, giáng khí giúp Ma hoàng tăng thêm tác dụng định suyễn.

Chích thảo tác dụng điều hòa các vị thuốc làm giảm tính cay táo của Quế chi và làm giảm tác dụng phát tán của Ma hoàng.

Ứng dụng lâm sàng: Thường dùng trong các trường hợp sau:

1.     Đối với chứng ngoại cảm phong hàn, nghẹt mũi, ho hen, khó thở nhiều đàm có thể bỏ Quế chi gọi là bài Tam ảo thang (Hòa tể cục phương).

2.     Trường hợp ngoại cảm, phong hàn thấp, sợ lạnh không ra mồ hôi, nhức mỏi cơ xương, gia Bạch truật để trừ thấp gọi là bài Ma hoàng gia Truật thang (Kim quỹ yếu lược).

3.     Trên lâm sàng thường hay dùng bài Ma hoàng thang gia giảm để trị các chứng cảm mạo, cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, hội chứng biểu thực, bài thuốc còn có tác dụng cả đối với những bệnh viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, lên cơn ho suyễn lúc cảm lạnh.

Chú ý lúc sử dụng: Bài thuốc có tác dụng phát hãn mạnh nên chỉ dùng trong trường hợp ngoại cảm phong hàn biểu thực, chứng không ra mồ hôi, đối với chứng biểu hư ra mồ hôi nhiều, ngoại cảm phong nhiệt, cơ thể hư nhược, bệnh sản phụ mới sanh, người bị bệnh mất nước, mất máu nhiều đều không nên dùng.

Tài liệu tham khảo: Theo thử nghiệm kháng khuẩn các vị thuốc Ma hoàng, Quế chi, Cam thảo đều có tác dụng ức chế mạnh đối với virus cúm (theo Phương tể học). 

QUẾ CHI THANG

Thành phần:

Quế chi                         12g

Bạch thược                   12g

Chích Cam thảo             6g

Sinh khương     12g

Đại táo              4 quả

Cách dùng: Uống lúc thuốc còn nóng hoặc là sau khi uống thuốc ăn cháo nóng về mùa đông, uống thuốc xong trùm chăn cho ra mồ hôi vừa phải.

Tác dụng: Giải cơ, phát hãn giải biểu, điều hòa dinh vệ.

Giải thích bài thuốc: Trong bài thuốc:

Quế chi là chủ dược có tác dụng giải cơ biểu và thông dương khí.

Bạch thược liễm âm hòa vinh giúp cho Quế chi không làm tổn thương chân âm. Hai vị thuốc cùng dùng một tán, một thu điều hòa vinh vệ.

Những vị thuốc khác như Sinh khương, Đại táo, Chích Cam thảo đều có tác dụng điều hòa.

Ứng dụng lâm sàng: Bài thuốc này ngoài việc dùng chữa biểu chứng ngoại cảm phong hàn, biểu hư còn có thể dùng trong những trường hợp sau:

1.     Nếu bệnh nhân kiêm ho suyễn gia Hậu phác, Hạnh nhân để bình suyễn chỉ khái gọi là bài QUẾ CHI GIA HẬU PHÁC HẠNH NHÂN THANG (Thương hàn luận).

2.     Những trường hợp sau khi mắc bệnh, sau khi sanh mà có lúc hơi hàn có lúc hơi nhiệt, mạch hoãn ra mồ hôi có thể dùng Quế chi thang để điều trị.

3.     Trường hợp phụ nữ có thai nôn nặng, khí huyết không điều hòa có thể dùng điều trị có kết quả tốt.

4.     Trường hợp cảm phong hàn, hàn thấp, đau nhức mình mẩy có thể gia thêm các vị Uy linh tiên, Tục đoạn, Phòng phong, Khương hoạt, Ngũ gia bì, có thể có tác dụng tăng cường trừ phong thấp giảm đau.

5.     Trường hợp chứng đã dùng Quế chi thang, có thêm chứng cứng gáy, đau lưng gia Cát căn gọi là Quế chi gia Cát căn thang (Thương hàn luận).

6.     Trường hợp di tinh, chóng mặt, đạo hãn, tự hãn gia Long cốt, Mẫu lệ để vừa điều hòa âm dương vừa cố sáp gọi là bài QUẾ CHI MẪU LỆ LONG CỐT THANG (Kim quỹ yếu lược).

Chú ý lúc sử dụng: Không dùng bài thuốc trong những trường hợp sau: Ngoại cảm phong hàn biểu thực chứng.

Trường hợp bệnh nhiễm thời kỳ đầu sốt rét ra mồ hôi mà khát nước, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch sác không dùng.

Tài liệu tham khảo: Theo một số báo cáo lâm sàng bài Quế chi thang

gia giảm như sau: Cát căn 20 – 40g, Ma hoàng 6g, Bạch thược 12g,

Phòng phong 12g, Sài hồ 6g, Cam thảo 4g, Đại táo 6 quả. Sắc uống có thể chữa chứng cứng gáy tốt (Torticolis). Theo tài liệu, vị thuốc Cát căn có tác dụng giãn mạch tăng cường lưu lượng máu chống co thắt, làm giảm đau. 

THÔNG XỊ THANG
(Cửu hậu phương)

             Thành phần:

Thông bạch (cả rễ) 5 củ

Đạm đậu xị                      12g

Cách dùng: sắc uống ngày 2 – 3 lần, uống lúc nóng.

Tác dụng: Thông dương, giải biểu.

Giải thích bài thuốc:

Thông bạch là chủ dược có tác dụng tân ôn thông dương khí, sơ đạt cơ biểu, phát tán phong hàn.

Đạm đậu xị cay ngọt hổ trợ tuyên tán giải biểu.

Bài thuốc, tính dược bình tân ôn mà không táo dùng trong trường hợp phong hàn biểu chứng nhẹ.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Trường hợp cảm phong hàn nặng, sợ lạnh, không có mồ hôi, đau đầu nhiều, có thể gia thêm Khương hoạt, Kinh giới, Phòng phong, Bạc hà.

2.     Trường hợp sợ lạnh nhiều, gáy lưng đau, mạch khẩn, không ra mồ hôi, có thể gia thêm Ma hoàng, Cát căn để tăng cường phát hãn, giải cơ gọi là bài HOẠT NHÂN THÔNG KHÍ THANG (Loại chứng hoạt nhân thư).

3.     Trường hợp bệnh nhiễm thời kỳ đầu, sốt hơi sợ lạnh và gió, mồm khô, khát gia Cát cánh, Bạc hà, Liên kiều, Chi tử, Cam thảo, Trúc diệp để giải nhiệt gọi là bài THÔNG XỊ CÁT CÁNH THANG (Thông tục thương hàn luận).

Hoạt nhân thông khí thang và Thông xị cát cánh thang đều là bài Thông xị thang gia vị nhưng bài trước tác dụng chủ yếu là giải biểu tán hàn, bài sau là giải biểu thanh nhiệt. 

CỬU VỊ KHƯƠNG HOẠT THANG
(Thử sự nan tri)

Thành phần:

Khương hoạt     6g

Phòng phong     6g

Xuyên khung      4g

Sinh địa                        4g

Cam thảo                      4g

Thương truật     6g

Tế tân               2g

Bạch chỉ                       4g

Hoàng cầm                    4g

Cách dùng: Gia Sinh khương 2 lát, Thông bạch 3 cọng, sắc uống.

Tác dụng: Phát hãn, trừ thấp, thanh lý nhiệt.

Dùng trong các chứng ngoại cảm phong hàn thấp, sốt sợ lạnh, đau đầu, cơ thể nhức mỏi, mồm đắng hơi khát, không ra mồ hôi, rêu lưỡi trắng trơn, mạch phù khẩn.

Giải thích bài thuốc:

Khương hoạt là chủ dược có tác dụng phát tán phong hàn, trừ phong thấp.

Phòng phong, Thương truật phối hợp tăng thêm tác dụng trừ phong thấp, chỉ thống.

Tế tân, Xuyên khung, Bạch chỉ trừ phong, tán hàn, hành khí, hoạt huyết, chữa được đau đầu, mình.

Sinh địa, Hoàng cầm thanh lý nhiệt, giảm bớt tính cay ôn táo của các vị thuốc.

Cam thảo có tác dụng điều hòa thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc này chỉ dùng cho các chứng cảm mạo 4 mùa có tác dụng khu hàn, thanh nhiệt, giảm đau, nhức mình mẩy.

1.     Nếu thấp tà nhẹ, mình mẩy đau ít bỏ Thương truật, Tế tân.

2.     Nếu thấp nặng ngực đầy tức bỏ Sinh địa gia Chỉ xác, Hậu phác để hành khí hóa thấp.

3.     Nếu mình mẩy chân tay đau nhiều tăng lượng Khương hoạt và trên lâm sàng sử dụng có kết quả với nhiều bệnh cảm cúm, thấp khớp cấp có những triệu chứng sốt, sợ lạnh, đau đầu không có mồ hôi, chân tay mình mẩy đau, mồm đắng hơi khát nước.

Chú ý lúc sử dụng: Bài thuốc có nhiều vị cay ôn táo nên không dùng cho những trường hợp có triệu chứng âm hư. 

HƯƠNG TÔ TÁN
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Hương phụ  160 g

Tô diệp 160 g

Trần bì 80 g

Chích thảo         40 g

Cách dùng: Tán bột mịn làm thuốc tán mỗi lần sắc 12g uống. Có thể dùng làm thuốc thang với liều lượng giảm bớt.

Tác dụng: Phát hãn, giải biểu lý khí hòa trung.

Chữa chứng ngoại cảm phong hàn, kiêm khí trệ có các triệu chứng người nóng, sợ lạnh, đau đầu, ngực bụng đầy tức, chán ăn, không ra mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

Giải thích bài thuốc:

Tô diệp: tính cay ôn thơm có tác dụng giải biểu, lý khí điều trung là chủ dược.

Hương phụ:  lý khí, giải uất trệ.

Trần bì: lý khí, giảm đau tức bụng ngực.

Cam thảo: điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

     Bài thuốc chữa có hiệu quả chứng cảm mạo thể tiêu hóa.

1.     Nếu phong hàn nặng, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong gia Thông bạch, Sinh khương.

2.     Đau đầu gia Mạn kinh tử, Bạch tật lê để sơ phong chỉ thống.

3.     Nếu khí nghịch ho và đàm nhiều gia Tô tử, Bán hạ để giáng khí hóa đàm.

4.     Trong bài thuốc các vị thuốc Tô diệp, Hương phụ, Trần bì đều có tác dụng lý khí giải uất dùng tốt cho chứng đau bụng do khí trệ: nếu đau bụng đầy tức gia Hậu phác, Chỉ xác; thức ăn không tiêu gia Kê nội kim, Thần khúc để tiêu thực đạo trệ.

Chú ý lúc sử dụng: Bài thuốc tính dược ôn nên dùng thận trọng đối với cơ thể âm hư.

ĐẠI THANH LONG THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Ma hoàng          16 g

Chích thảo         8 g

Thạch cao         32 g

Đại táo  4 quả

Quế chi             8 g

Hạnh nhân         8 g

Sinh khương 8 g

Cách dùng: Thạch cao sắc trước, thuốc sắc chia 3 lần, uống trong ngày, ra mồ hôi nhiều ngưng dùng thuốc.

Tác dụng: Phát hãn, giải biểu, thanh nhiệt, trừ phiền.

Trị các chứng ngoại cảm phong hàn biểu thực kiêm lý nhiệt chứng thường thấy sốt sợ lạnh, đầu nặng, mình đau không ra mồ hôi, khó chịu, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng, mạch phù khẩn có lực.

Giải thích bài thuốc: Bài thuốc được tạo thành trên cơ sở bài Ma hoàng thang gia tăng lượng Ma hoàng và Cam thảo, có thêm Thạch cao, Gừng và Táo.

Tăng lượng Ma hoàng để tăng tác dụng phát hãn và giải biểu.

Thạch cao: thanh nhiệt trừ phiền.

Thêm lượng Cam thảo để điều hòa trung khí.

Thêm Khương, Táo để điều hòa vinh vệ.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc được sử dụng chủ yếu đối với chứng sốt sợ lạnh, không ra mồ hôi, bứt rứt khó chịu mà mạch phù khẩn có lực.

Bài thuốc cũng có thể dùng trong các trường hợp vốn cơ thể đàm ẩm, ho suyễn do cảm thụ ngoại tà gây nên, chân tay phù sốt, sợ lạnh không ra mồ hôi, bứt rứt khó chịu.

Chú ý lúc sử dụng:

Bài thuốc tác dụng phát hãn mạnh dễ thương âm dương nên không dùng được với những người hư nhược. 

VIỆT TỲ THANG
(Kim quỹ yếu lược)

Thành phần:

Ma hoàng      12 g

Sinh Khương 12 g

Chích thảo      6 g

Thạch cao     24 g

Đại táo        4 quả

Cách dùng: Sắc uống chia 3 lần trong ngày.

Tác dụng: Sơ tán thủy thấp, tuyên phế, thanh nhiệt.

Dùng cho người bệnh có triệu chứng phù từ thắt lưng trở lên, mặt và mắt sưng phù nặng kèm theo ra mồ hôi, sợ gió, hơi sốt, mồm khát gặp trong bệnh viêm cầu thận cấp, phù. 

TIỂU THANH LONG THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Ma hoàng                      12 g

Quế chi                         12 g

Bán hạ              12 g

Tế tân                 6 g

Bạch thược                   12 g

Can khương      12 g

Chích thảo                     12 g

Ngũ vị tử 6g

Cách dùng: Sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Tác dụng: Giải biểu, tán hàn, ôn phế, hóa ẩm.

Dùng trong các trường hợp ngoại cảm phong hàn bên trong thủy thấp, đờm ẩm ứ trệ có triệu chứng sợ lạnh, phát sốt không ra mồ hôi, ho suyễn, đờm trắng loãng; nặng thì khó thở không nằm được hoặc chân, mặt phù, miệng không khát, rêu lưỡi trắng, nhuận, mạch phù, khẩn.

Giải thích bài thuốc:

Ma hoàng, Quế chi có tác dụng phát hãn, giải biểu, tuyên phế, bình suyễn.

Bạch thược hợp Quế chi để điều hòa vinh vệ.

Can khương, Tế tân vừa có tác dụng phát tán phong hàn, vừa ôn hóa đờm ẩm.

Bán hạ trị táo thấp, hóa đờm.

Ngũ vị tử liễm phế, chỉ khái.

Cam thảo làm giảm bớt tính cay nóng của Ma hoàng, Quế chi, Can khương.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc được dùng nhiều để chữa các chứng viêm phế quản mạn tính, hen phế quản có các triệu chứng ho khó thở, đàm loãng trắng, rêu lưỡi trắng hoạt.

1.     Trường hợp có chứng nhiệt, bệnh nhân bứt rứt gia Thạch cao gọi là bài: TIỂU THANH LONG GIA THẠCH CAO THANG (Kim quỹ yếu lược).

2.     Bệnh nhân khát nhiều bỏ Bán hạ gia Thiên hoa phấn, Sinh địa để thanh nhiệt sinh tân. 

XẠ CAN MA HOÀNG THANG
(Kim quỹ yếu lược)

Thành phần:

Xạ can              12 g

Ma hoàng                      12 g

Tử uyển                        12 g

Khoản đông hoa             12 g

Sinh khương     12 g

Bán hạ              12 g

Tế tân               4 g

Ngũ vị tử                       6 g

Đại táo              3 quả

Cách dùng: Sắc nước chia 3 lần uống trong ngày.

Tác dụng: Ôn phế hóa đàm, chỉ khái, định suyễn.

Được dùng có kết quả trong các bệnh viêm phế quản mạn tính, hen phế quản thể hàn. 

KINH PHÒNG BẠI ĐỘC TÁN
(Nhiếp sinh chứng diệu phương)

        Thành phần:

Kinh giới       12g

Độc hoạt       12g

Khương hoạt 12g – 30g

Sài hồ           12g

Xuyên khung   8g

Tiền hồ           8g

Kiết cánh        8g

Chỉ xác           8g

Phục linh      12g

Cam thảo       4g

Cách dùng: Nguyên là bài thuốc tán, mỗi lần uống 5 – 20g thêm Gừng tươi 3 – 5 lát, Bạc hà 4g sắc uống chia uống 2 lần trong ngày.

Bài thuốc có thể dùng dạng thuốc thang sắc uống.

Tác dụng: Phát tán, phong hàn, giải nhiệt, chỉ thống.

Chữa bệnh ngoại cảm, chứng biểu hàn.

Giải thích bài thuốc:

Khương hoạt, Kinh giới, Phòng phong: tác dụng tân ôn, giải biểu, phát tán phong hàn.

Độc hoạt: ôn thông kinh lạc.

Xuyên khung: hoạt huyết khu phong chữa đau đầu, nhức cơ bắp.

Sài hồ: giải cơ thanh nhiệt.

Bạc hà: sơ tán phong nhiệt.

Tiền hồ, Kiết cánh: thanh tuyên phế khí.

Chỉ xác: khoan trung lý khí.

Phục linh lợi thấp.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Đối chứng biểu hàn trong các bệnh cảm viêm đường hô hấp trên có thể dùng cả bài không cần dùng gia giảm có kết quả tốt.

2.     Nếu ngoại cảm biểu hàn mà cơ bắp đau không rõ rệt bớt Độc hoạt.

3.     Nếu biểu hàn kiêm lý nhiệt rõ như họng sưng đau, đỏ, đầu lưỡi đỏ, miệng khô thì bỏ Độc hoạt, Xuyên khung thêm Kim ngân hoa, Liên kiều, Ngưu bàng tử, Lô căn, Trúc diệp để thanh nhiệt giải biểu.

4.     Đối với trẻ em cảm viêm đường hô hấp trên, sốt cao có thể thêm Thuyền thoái, Câu đằng, Chu sa, Đăng tâm. 

HƯƠNG NHU ẨM
(Hòa lợi cục phương)

Thành phần:

Hương nhu     4 – 12g

Bạch biển đậu     12g

Hậu phác         4 – 8g

Cách dùng: Sắc uống 2 lần, nếu dễ nôn pha thêm Gừng tươi 3 lát, sắc uống.                                     

Tác dụng: Phát hãn, giải biểu, giải thử, hóa thấp hòa trung.

Thường dùng trong mùa hè, chữa chứng biểu, phong hàn thử thấp, sốt lạnh thấp nhiệt, đầu không ra mồ hôi, mạch phù hoặc nhu, buồn nôn hoặc nôn hoặc đau bụng đi tả, rêu lưỡi nhờn.

Giải thích bài thuốc:

Hương nhu là chủ dược, tính tân ôn, có tác dụng phát hãn, giải biểu đồng thời lợi thấp, giải thử.

Hương nhu và Hậu phác phối hợp với Bạch biển đậu có tác dụng kiện tỳ, hòa trung.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc có tác dụng chữa bệnh thử thấp. Thường dùng bài thuốc gia giảm để chữa các bệnh viêm đại tràng cấp, tiêu chảy, kiết lỵ.

2.     Nếu bệnh nhân sốt cao, khát nước, rêu lưỡi vàng bỏ Bạch biển đậu gia Hoàng liên, Hậu phác.

3.     Nếu bụng đầy đau gia Mộc hương, Sa nhân, Hoắc hương, Chỉ xác.

  

TÂN LƯƠNG GIẢI BIỂU

 

Những bài thuốc Tân lương giải biểu có tác dụng sơ tán phong nhiệt.

Thường dùng chữa các bệnh ngoại cảm phong nhiệt, giai đoạn đầu của bệnh nhiễm, có các triệu chứng như sốt, đau đầu, hơi sợ gió lạnh hoặc mồm khát, đau họng ho, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, mạch phù sác.

Những vị thuốc thường dùng có: Bạc hà, Ngưu bàng tử, Tang diệp, Cúc hoa, Cát căn, Thăng ma …

Những bài thuốc thường dùng có:

Tang cúc ẩm

Ngân kiều tán

Ma hạnh – Thạch cam thang

Sài cát giải cơ thang

Thăng ma – Cát căn thang … 

TANG CÚC ẨM
(Ôn bệnh điều biện)

Thành phần:

Tang diệp     12g

-16-

Cúc hoa       12g

Hạnh nhân   12g

Liên kiều 6 – 12g

Cát cánh 8 – 12g

Lô căn    8 – 12g

Bạc hà      2 – 4g

Cam thảo  2 – 4g

Cách dùng: Sắc uống, mỗi ngày 1 – 2 thang.

Tác dụng: Sơ phong, thanh nhiệt, tuyên phế, chỉ khái.

Giải thích bài thuốc:

Tang diệp, Cúc hoa là chủ dược có tác dụng sơ tán phong nhiệt ở thượng tiêu.

Bạc hà phụ vào và gia tăng tác dụng của 2 vị trên.

Hạnh nhân, Cát cánh: tuyên phế chỉ khái.

Liên kiều: tính đắng, hàn, thanh nhiệt, giải độc.

Lô căn: tính ngọt hàn, thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khái.

Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc hợp với Cát căn thành bài Cát căn thang có tác dụng tuyên phế, chỉ khái, lợi yết hầu.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc thường được dùng trị bệnh đường hô hấp trên, cảm cúm, viêm phế quản thực chứng phong nhiệt ảnh hưởng đến phế gây nên ho, sốt.

1.     Nếu ho đờm nhiều gia thêm Qua lâu nhân, Bối mẫu để thanh phế hóa đờm.

2.     Nếu đờm nhiều, vàng đặc, lưỡi đỏ rêu vàng thêm Hoàng cầm, Đông qua nhân để thanh nhiệt, hóa đờm.

3.     Nếu trong đờm có máu gia Bạch mao căn, Thuyên thảo để lương huyết chỉ huyết.

4.     Nếu mồm khát gia Thiên hoa phấn, Thạch hộc để thanh nhiệt, sinh tân.

5.     Nếu sốt cao khó thở gia Sinh Thạch cao, Tri mẫu để thanh phế vị.

6.     Bài thuốc này gia Bạch tật lê, Quyết minh tử, Hạ khô thảo trị viêm màng tiếp hợp, đau mắt đỏ có kết quả tốt.

7.     Gia Ngưu bàng tử, Thổ ngưu tất, Liên kiều trị Viêm amygdal cấp.

NGÂN KIỀU TÁN
(Ôn bệnh điều biện)

Thành phần:

Liên kiều                       8 – 12g

Cát cánh                       6 – 12g

Trúc diệp                       6 – 8g

Kinh giới tuệ      4 – 6g

Đạm đậu xị                    8 – 12g

Ngưu bàng tử    8 – 12g

Kim ngân hoa    8 – 12g

Bạc hà              8 – 12g

Cam thảo                      2 – 4g

Cách dùng: Sắc uống, ngày 1 thang.

Tác dụng: Tân lương, thấu biểu, thanh nhiệt, giải độc.

Giải thích bài thuốc:

Kim ngân hoa, Liên kiều là chủ dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tân lương thấu biểu.

Bạc hà, Kinh giới, Đạm đậu xị có tác dụng hỗ trợ.

Cát cánh, Ngưu bàng tử, Cam thảo: tuyên phế hóa đờm.

Trúc diệp: thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khái.

Các vị là một bài thuốc tốt dùng thanh nhiệt, giải độc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc được dùng nhiều đối với những bệnh ôn sơ khởi như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm, viêm phế quản cấp, ho gà, viêm amygdal cấp.

Tùy theo tình hình bệnh lý:

1.     Nếu đau đầu không có mồ hôi có thể tăng lượng Kinh giới, Bạc hà thêm Bạch tật lê, Mạn kinh tử.

2.     Nếu sốt cao có mồ hôi gia lượng Kim ngân hoa, Liên kiều giảm lượng Kinh giới, Bạc hà.

3.     Nếu có chứng kiêm thấp như ngực tức nôn, gia Hoắc hương, Bội lan để hóa thấp.

4.     Nếu ho đờm đặc gia Hạnh nhân, Bối mẫu.

5.     Nếu sốt cao gia Chi tử, Hoàng cầm để thanh lý nhiệt.

6.     Nếu khát nhiều gia Thiên hoa phấn.

7.     Nếu viêm họng đau sưng gia Mã bột, Huyền sâm, Bản lam căn

                     để thanh nhiệt, giải độc.

8.     Nếu có nhọt sưng tấy gia Bồ công anh, Đại thanh diệp để tiêu tán sang độc. 

MA HẠNH THẠCH CAM THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Ma hoàng   8 – 12g

Chích thảo   2 – 4g

Hạnh nhân  6 – 12g

Thạch cao  8 – 12g (sắc trước).

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 – 2 thang.

Tác dụng: Tuyên phế, thanh nhiệt, giáng khí, bình suyễn.

Giải thích bài thuốc:

Tác dụng phát hãn, tuyên phế, trọng dụng Thạch cao để hỗ trợ Ma hoàng chỉ khái, bình suyễn.

Cam thảo: điều hòa các vị thuốc.

Trong bài thuốc 4 vị thuốc phối hợp có thể vừa giải biểu, vừa tuyên thông phế khí, vừa thanh lý nhiệt, cho nên có tác dụng tốt đối với bệnh hen suyễn có sốt.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Nếu suyễn ra mồ hôi tức phế nhiệt nặng, lượng Thạch cao tăng gấp 5 lần lượng Ma hoàng.

2.     Nếu suyễn mà không có mồ hôi là triệu chứng nhiệt bế tại phế dùng lượng Thạch cao tăng gấp 3 lần Ma hoàng.

3.     Trường hợp bệnh sởi, sốt cao, khát nước, bứt rứt, ho khó thở (có khả năng biến chứng viêm phổi), sởi có mọc hay chưa đều có thể sử dụng bài thuốc tốt nhưng lượng Ma hoàng tùy tình hình mà gia giảm và gia thêm những thuốc giải độc.

Bài thuốc thường dùng có hiệu quả với các bệnh viêm phế quản cấp, viêm phổi thùy, phổi đốm.

1.     Nếu đờm nhiều khó thở gia Đình lịch tử, Tang bạch bì, Tỳ bà diệp để túc giáng phế khí.

2.     Nếu ho nhiều, đờm vàng đặc gia Qua lâu bì, Bối mẫu để thanh nhiệt hóa đờm.

3.     Nếu ho suyễn sốt cao, khát nước ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng tăng lượng Thạch cao, thêm Tri mẫu, Hoàng cầm, Qua lâu nhân để thanh tả phế vị nhiệt.

Tài liệu tham khảo:

Theo tài liệu nước ngoài (Trung quốc) bài “Ma hạnh thạch cam thang” gia Địa long khô trị viêm xoang mũi mạn có kết quả tốt. Bài thuốc được dùng:
Ma hoàng sống  8g

Sinh thạch cao 80g

Hạnh nhân         8g

Sinh Cam thảo   4g

Địa long khô      7 con

(Theo báo Trung y dược Phúc kiến).

Bài thuốc có thể dùng để chữa viêm phổi trẻ em có kết quả, sử dụng thuốc cao có gia thêm các vị Mạch môn, Thiên hoa phấn, Bạch mao căn, Kim ngân hoa, Trắc bá diệp, Ngưu bàng tử, Xuyên bối mẫu. Chế thành Ma hạnh hợp tễ (Trung y dược tạp chí, Thượng hải 1959). 

SÀI CÁT GIẢI CƠ THANG
(Thương hàn lục thư)

Thành phần:

Sài hồ           6 – 12g

Cát căn         8 – 16g

Cam thảo        2 – 4g

Khương hoạt   4 – 6g

Bạch chỉ         4 – 6g

Bạch thược   4 – 12g

Cát cánh       4 – 12g

Hoàng cầm    4 – 12g

Thạch cao     8 – 12g (sắc trước).

Cách dùng: Gia thêm Gừng tươi 3 lát, Đại táo 2 quả sắc uống.

Tác dụng: Giải cơ, thanh nhiệt.

Giải thích bài thuốc:

Cát căn, Sài hồ có tác dụng giải cơ, thanh nhiệt là chủ dược.

Khương hoạt, Bạch chỉ giải biểu, tán hàn, giảm đau.

Hoàng cầm, Thạch cao thanh lý nhiệt, đều là thuốc hỗ trợ Bạch thược.

Cam thảo hòa vinh vệ.

Cát cánh khai thông phế khí.

Gừng tươi, Đại táo điều hòa vinh vệ.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Trường hợp không có đau đầu và sợ lạnh bỏ Khương hoạt, Bạch chỉ.

2.     Nếu có khát nước, rêu lưỡi khô gia Thiên hoa phấn, Sinh địa để thanh nhiệt sinh tân.

3.     Nếu ho có đờm đặc gia Qua lâu bì để thanh nhiệt hóa đờm.

Bài thuốc được dùng có kết quả đối với các bệnh cảm cúm, cảm sốt đau đầu, đau mình mẩy. 

THĂNG MA CÁT CĂN THANG
(Tiểu nhi phương luận)

Thành phần:

Thăng ma      6 – 10g

Thược dược 8 – 12g

Cát căn         8 – 16g

Chích thảo      2 – 4g

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang. Theo cổ phương các vị thuốc lượng đều bằng nhau, tán bột, hoặc sắc uống.

Tác dụng: Giải cơ, thấu chẩn.

Dùng trong trường hợp bệnh sởi, trẻ em khó mọc hoặc mọc không đều, phát sốt, sợ gió, ho, mắt đỏ, chảy nước mắt, lưỡi đỏ, rêu trắng, mạch phù sác.

Giải thích bài thuốc:

Cát căn có tác dụng thanh nhiệt, giải cơ, thấu chẩn là chủ dược.

Thăng ma là thuốc hỗ trợ có tác dụng thăng dương thấu biểu hợp với Cát căn làm tăng tác dụng thấu chẩn giải độc.

Thược dược hòa vinh thanh nhiệt, giải độc.

Cam thảo điều hòa các vị thuốc có giải độc, hợp với Thược dược có tác dụng điều lý huyết phận, hợp với Thăng ma tăng tác dụng giải độc thấu chẩn.

Bốn vị hợp lại làm cho bài thuốc có tác dụng giải cơ, thấu chẩn, hòa vinh, giải độc.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Đối với bệnh sởi mới phát có thể gia Bạc hà, Kinh giới, Thuyền thoái, Ngưu bàng tử, Kim ngân hoa để tăng cường giải độc, thấu chẩn.

2.     Nếu bệnh nhi họng đau đỏ gia Cát cánh, Huyền sâm, Mã bột để thanh lợi yết hầu.              

3.     Nếu sởi chưa mọc hoặc sởi sắc đỏ thẫm dùng Xích thược thay cho Bạch thược gia Huyền sâm, Đơn bì, Tử thảo, Đại thanh diệp để lương huyết giải độc.

4.     Trường hợp bệnh nhân sởi sốt cao, đau đầu có thể tămg cường thêm các thuốc thanh nhiệt, giải độc như: Hoàng cầm, Sinh địa, Liên kiều, Thiên hoa phấn, Trúc diệp.

 PHÒ CHÍNH GIẢI BIỂU

 Những bài thuốc Phò chính giải biểu có tác dụng vừa nâng cao chính khí, vừa giải biểu “đuổi tà khí”.

Thường sử dụng đối với những người mà cơ thể suy yếu lại mắc bệnh ngoại cảm.

Những bài thuốc như:

Ma hoàng phụ tử tế tân thang

Ma hoàng phụ tử cam thảo thang

Tái tạo tán

Nhân sâm Bại độc tán

Sâm tô ẩm.

MA HOÀNG PHỤ TỬ TẾ TÂN THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Ma hoàng     6 – 8g

Tế tân          4 – 8g

Thục phụ tử 4 – 8g

Cách dùng: sắc nước uống chia 3 lần trong 1 ngày.

Tác dụng: Trợ dương, giải biểu.

Dùng cho bệnh nhân vốn cơ thể dương hư mắc bệnh ngoại cảm phong hàn.

Giải thích bài thuốc:

Ma hoàng có tác dụng tán hàn, giải biểu là chủ dược.

Phụ tử ôn kinh trợ dương, phò chính, khu tà.

Tế tân vừa giúp Ma hoàng giải biểu, vừa giúp Phụ tử ôn kinh, tán hàn.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc được dùng trong các trường hợp viêm phế quản mạn tính. Hen phế quản thể hàn thường kết hợp với bài Nhị trần thang để vừa ôn kinh tán hàn, vừa hóa đờm, định suyễn.

PHỤ PHƯƠNG

MA HOÀNG PHỤ TỬ CAM THẢO THANG

(Thương hàn luận)

Bài này là bài trên bỏ Tế tân gia Chích Cam thảo cũng có tác dụng trợ dương, giải biểu.

Trị chứng dương hư, cảm mạo phong hàn nhưng tác dụng tán hàn ít hơn.

TÁI TẠO TÁN
(Thương hàn lục thư)

Thành phần:

Hoàng kỳ      8g

Nhân sâm     4g

Quế chi        4g

Thược dược 4g

Cam thảo      2g

Thục Phụ tử  4g

Tế tân           4g

Khương hoạt 4g

Phòng phong 4g

Xuyên khung 4g

Gừng nướng  4g

Đại táo          2g

Cách dùng: sắc uống.

Tác dụng: Bài thuốc có tác dụng trợ dương, ích khí, giải biểu.

Dùng để trị chứng dương hư, khí kém, mắc bệnh ngoại cảm phong hàn, thường có các triệu chứng đau đầu, sốt, sợ lạnh, chân tay mát, không có mồ hôi, mệt mỏi, buồn ngủ, sắc mặt tái nhợt, tiếng nói nhỏ, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm, vô lực hoặc phù, đại vô lực. 

NHÂN SÂM BẠI ĐỘC TÁN
(Tiểu nhi dược chứng trực huyết)

Thành phần:

Sài hồ         6 – 12g

Phục linh     6 – 12g

Đảng sâm    6 – 12g

Tiền hồ        6 – 12g

Cát cánh      4 – 12g

Xuyên khung  4 – 8g

Chỉ xác          4 – 6g

Khương hoạt  4 – 6g

Độc hoạt        4 – 8g

Cam thảo       2 – 4g

Cách dùng: Thang thuốc cho vào Gừng tươi 3 lát, Bạc hà 4g, sắc uống ngày 1 – 2 thang.

Theo cổ phương, các vị lượng thuốc bằng nhau làm thuốc tán, mỗi lần uống 8g.

Tác dụng: Ích khí giải biểu, tán phong trừ thấp.

Chủ trị những bệnh nhân chính khí suy, mắc bệnh ngoại cảm phong hàn thấp có những triệu chứng: sốt, sợ lạnh, không có mồ hôi, đầu gáy đau cứng, chân tay nhức mỏi, ngực đầy tức, mũi nghẹt, nói khàn, ho có đờm, rêu lưỡi dày nhớt, mạch phù.

Giải thích bài thuốc:

Khương hoạt, Độc hoạt có tác dụng giải biểu, tán phong hàn thấp.

Xuyên khung phối hợp với Độc hoạt, Khương hoạt trị đau đầu, đau mình mẩy.

Đảng sâm: ích khí, kiện tỳ.

Bạch linh: trừ thấp, hóa đờm.

Tiền hồ, Cát cánh, Chỉ xác: lý khí, làm giảm tức ngực, chỉ khái, hóa đờm.

Sài hồ, Bạc hà, Sinh khương: giải biểu.

Cam thảo điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Chữa bệnh kiết lỵ mới bắt đầu có biểu chứng như sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau chân tay, rêu lưỡi trắng nhợt.

2.     Những bệnh nhân cơ thể khỏe có thể bỏ Đảng sâm gia Kinh giới, Phòng phong gọi là bài KINH PHÒNG BẠI ĐỘC TÁN (Y học chính truyện).

     Bài này có thể trị chứng ung nhọt mới bắt đầu có biểu chứng.

3.     Bài này bỏ Đảng sâm gia Kim ngân hoa, Liên kiều gọi là bài NGÂN KIỀU BẠI ĐỘC TÁN (Y phương tập giải) dùng để trị ung nhọt mới bắt đầu sưng đỏ, đau mà có biểu chứng.

SÂM TÔ ẨM
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Đảng sâm 30g

Tô diệp     30g

Cát căn     30g

Tiền hồ      30g

Bán hạ       30g (tẩm Gừng sao)

Bạch linh    30g

Trần bì       20g

Cam thảo    20g

Cát cánh     20g

Chỉ xác       20g (Mạch sao)

Mộc hương 20g

Cách dùng: Các vị trên tán bột, mỗi lần uống 8 – 12g gia Gừng tươi 7 lát, Táo 1 quả sắc nước uống. Có thể dùng thuốc thang.

Tác dụng: Chữa bệnh nhân khí hư, ngoại cảm phong hàn, bên trong có đờm thấp có triệu chứng sốt, sợ lạnh, đau đầu, mũi nghẹt, ho nhiều đờm, ngực sườn đầy tức, rêu lưỡi trắng, mạch nhược.