Logo

Những bài thuốc bổ

Lượt xem: 1.697 Ngày đăng: 08/05/2020

Những bài thuốc bổ là những bài thuốc gồm các vị thuốc có tác dụng bồi dưỡng cường tráng cơ thể, tức là chữa những chứng hư gồm có âm hư, dương hư, khí hư, huyết hư. Do đó, những bài thuốc được chia thành các loại: Bổ khí, Bổ huyết, Bổ âm và Bổ dương.

A. BỔ KHÍ

Bài thuốc Bổ khí là những bài thuốc chữa hội chứng khí hư biểu hiện chủ yếu là Phế khí hư (ho, khó thở, cơ thể mệt mỏi, tiếng nói nhỏ, sắc mặt tái nhợt) hoặc Tỳ khí hư (chân tay mệt mỏi, ăn kém, rối loạn tiêu hóa hoặc sa các tạng phủ như sa tử cung, sa dạ dày, thoát vị bẹn).

B. BỔ HUYẾT

Bài thuốc Bổ huyết là những bài thuốc dùng chữa chứng huyết hư, biểu hiện lâm sàng là sắc mặt vàng bủng, môi lưỡi nhợt, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp mất ngủ, kinh nguyệt ít, sắc nhợt. Bài thuốc gồm các vị thuốc bổ huyết như: Thục địa, Đương quy, Bạch thược, Hà thủ ô, Tang thầm, Kỷ tử …

Trên lâm sàng thường để tăng cường tác dụng bổ huyết có phối hợp thêm các vị thuốc bổ khí như : Đảng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật cũng có khi dùng thêm thuốc hoạt huyết như Xuyên khung, Đơn sâm, Ngưu tất.

C. BỔ KHÍ HUYẾT

Bài thuốc Bổ khí huyết là những bài thuốc có tác dụng bổ khí và bổ huyết chữa các chứng khí huyết đều hư, thường gồm các vị thuốc bổ khí như: Nhân sâm, Đảng sâm, Bạch truật, Chích thảo, Hoàng kỳ và bổ huyết như: Hà thủ ô, Đương qui, Thục địa, Tang thầm, Kỷ tử .

D. BỔ ÂM

Bài thuốc bổ âm là những bài thuốc gồm các vị thuốc ngọt mát để dưỡng âm như: Địa hoàng, Mạch môn, Sa sâm, Quy bản, Kỷ tử … để chữa các chứng âm hư (chủ yếu là Can thận âm hư) triệu chứng lâm sàng thường là sốt chiều, người gầy, da nóng, má hồng, lòng bàn tay bàn chân nóng, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, khát nước, họng khô, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.                    -186-

E. BỔ DƯƠNG

Bài thuốc Bổ dương dùng chữa chứng dương hư mà chủ yếu là trị thận dương hư, biểu hiện lâm sàng thường là lưng gối nhức mỏi, chân yếu lưng lạnh hoặc ho suyễn lâu ngày, ù tai, liệt dương, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần hoặc tiêu chảy kéo dài, rêu lưỡi trắng, mạch trầm, trì, nhược.

Bài thuốc thường gồm các vị thuốc tính vị ngọt nóng như: Phụ tử, Quế nhục, Đỗ trọng, Lộc nhung, Nhục thung dung, Dâm dương hoắc, Sơn thù, Hoài sơn, Ba kích thiên, Ích trí nhân …

 

BỔ KHÍ

Bài thuốc Bổ khí là những bài thuốc chữa hội chứng khí hư biểu hiện chủ yếu là Phế khí hư (ho, khó thở, cơ thể mệt mỏi, tiếng nói nhỏ, sắc mặt tái nhợt) hoặc Tỳ khí hư (chân tay mệt mỏi, ăn kém, rối loạn tiêu hóa hoặc sa các tạng phủ như sa tử cung, sa dạ dày, thoát vị bẹn). 

TỨ QUÂN TỬ THANG
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Nhân sâm hoặc Đảng sâm 8 – 12g

Phục linh 12g

Bạch truật 8 – 12g

Chích thảo 4 – 8g

Cách dùng: Tán bột mịn, mỗi lần uống 8 – 12g, sắc nước uống. Có thể làm thuốc thang.

Tác dụng: Ích khí, kiện tỳ, dưỡng vị.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc này còn có tên gọi là “Tứ vị thang”, “Kiện tỳ ích khí thang”.

Đây là bài thuốc thường dùng chữa chứng tỳ vị khí hư , trong bài:

Nhân sâm hoặc Đảng sâm tính ngọt ôn kiện tỳ, ích khí dưỡng vị là chủ dược.

Bạch truật vị đắng ôn kiện tỳ táo thấp.

Phục linh: ngọt, nhạt hợp với Bạch truật để kiện tỳ thẩm thấp, tăng cường chức năng vận hóa của tỳ vị.

Cam thảo: ngọt ôn, bổ trung hòa vị.

Các vị thuốc hợp lại tính dược ngọt ôn có tác dụng ích khí kiện tỳ dưỡng vị.

Ứng dụng lâm sàng:

Đây là bài thuốc để bổ trung khí, kiện tỳ vị, nhiều bài thuốc chữa những rối loạn tiêu hóa biểu hiện tỳ khí hư nhược đều dùng bài thuốc này gia giảm.

1.     Trường hợp Tỳ vị hư nhược kiêm có khí trệ như: ợ hơi, vùng thượng vị đầy tức gia thêm Trần bì để lý khí hóa trệ gọi là bài DỊ CÔNG TÁN (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) thường dùng chữa chứng rối loạn tiêu hóa, ăn kém, đầy bụng kết quả tốt.

2.     Trường hợp Tỳ vị khí hư có đàm thấp triệu chứng là ho đàm, nhiều đàm trắng trong, khó thở, thường gặp trong bệnh viêm phế quản mạn gia thêm: Trần bì, Bán hạ chế để lý khí hóa đàm gọi là bài LỤC QUÂN TỬ THANG (Y học chính truyền). Trường hợp viêm phế quản mạn tính gia thêm Tử uyển, Khoản đông hoa, Bạch tiền, Bối mẫu để giáng khí hóa đàm chỉ khái.

3.     Trường hợp Tỳ vị khí hư kiêm hàn thấp, triệu chứng bụng đầy đau, ợ hơi hoặc nôn, tiêu chảy, rêu lưỡi trắng, dày nhớt gia Trần bì, Chế Bán hạ, Mộc hương, Sa nhân để hành khí chỉ thống, giáng nghịch hóa đàm, gọi là bài: HƯƠNG SA LỤC QUÂN TỬ THANG (Hòa tễ cục phương). Trên lâm sàng thường dùng chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng thể hư hàn có hội chứng hàn thấp trệ ở trung tiêu có kết quả tốt. 

SÂM LINH BẠCH TRUẬT TÁN
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Đảng sâm 80g

Bạch linh 80g

Bạch truật 80g

Sơn dược 80g

Chích Cam thảo 80g

Sao Biển đậu 40g

Liên nhục 40g

Ý dĩ nhân 40g

Sa nhân 40g

Cát cánh 40g

(có bài dùng Trần bì hoặc gia thêm Đại táo)

Cách dùng: Tất cả tán bột mịn, mỗi lần uống 8 – 12g với nước sôi nguội hoặc làm thuốc thang sắc nước uống.

Tác dụng: Bổ khí kiện tỳ, thẩm thấp hòa vị, lý khí hóa đàm.

Chủ trị: Dùng chữa các bệnh rối loạn tiêu hóa kéo dài, viêm đại tràng

mạn tính, ăn kém tiêu chảy hoặc trường hợp viêm cầu thận mạn thuộc

thể tỳ hư hoặc trường hợp lao phổi, ho đàm nhiều, chán ăn, cơ thể mệt mỏi thuộc thể tỳ phế khí hư, dùng bài thuốc này đều có kết quả tốt. 

CỐM BỔTỲ
(Khoa Nhi Viện Đông y Hà Nội)

Thành phần:

Bạch biển đậu sao 200g

Ý dĩ nhân sao 200g

Hoài sơn sao 200g

Đảng sâm sao 200g

Cốc nha 100g

Liên nhục (bỏ tim) 100g

Nhục khấu 30g

Trần bì 30g

Sa nhân 30g

Cách dùng: Trần bì, Sa nhân, Nhục khấu sắc nước, các vị khác tán bột mịn, hòa nước thuốc cùng ít mật đường, làm thành dạng cốm.

Tác dụng: Chủ yếu là kiện tỳ, hành khí, tiêu thực.

Chữa trị: Trẻ em suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa kéo dài có kết quả tốt. 

ĐIỀU BỒ TỲ PHẾ PHƯƠNG
(Hải thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần: Là bài “Tứ quân tử thang gia giảm” gồm các vị:

Nhân sâm hoặc Đảng sâm 8g

Bạch truật (sao vàng) 8 – 12g

Phục linh (tẩm sữa) 8 – 12g

Chích thảo (tẩm mật sao) 3g

Thục địa (nướng cho thơm) 4 – 6g

Liên tử (bỏ vỏ ruột sao thơm) 4 – 8g

Gừng nướng 3 lát

Đại táo 2 quả

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Kiện tỳ khí, dưỡng tỳ âm.

Chữa trị: Chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, suy dinh dưỡng có kết quả tốt.

BỔ TRUNG ÍCH KHÍ THANG
Thành phần:

Hoàng kỳ 20g

Chích thảo 4g

Thăng ma 4 – 6g

Đảng sâm 12 – 16g

Đương quy 12g

Sài hồ 6 – 10g

Bạch truật 12g

Trần bì 4 – 6g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Điều bổ tỳ vị, thăng dương ích khí.

Giải thích bài thuốc:

Là bài thuốc chủ yếu chữa tỳ vị khí hư hạ hãm, sinh ra triệu chứng sa nội tạng như sa dạ dày, sa tử cung, sa trực tràng hoặc chứng tỳ khí hư không nhiếp thống được huyết gây chứng rong kinh ở phụ nữ hoặc kiết lỵ kéo dài.

Trong bài:

Hoàng kỳ: bổ trung ích khí, thăng dương cố biểu là chủ dược.

Đảng sâm, Bạch truật, Chích thảo: ích khí bổ tỳ kiện vị.

Trần bì: lý khí hóa trệ.

Thăng ma, Sài hồ hợp với Sâm Kỳ để ích khí thăng đề.

Đương quy: bổ huyết hòa vinh.

Các vị thuốc hợp lại thành bài thuốc có tác dụng bổ trung ích khí, thăng dương cố biểu làm cho tỳ vị được cường tráng, trung khí được đầy đủ.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Trên lâm sàng bài thuốc có thể dùng để chữa cơ thể vốn hư nhược dễ bị cảm mạo, mệt mỏi ra mồ hôi.

2.     Những trường hợp khí hư hạ hãm gây nên các chứng sa nội tạng như sa tử cung, sa thận, sa dạ dày, thoát vị bẹn hoặc sụp mi; dùng bài thuốc gia thêm Chỉ xác hoặc Chỉ thực có kết quả tốt.

3.     Trường hợp bệnh đường ruột mạn tính, rối loạn tiêu hóa kéo dài, cơ thể hư nhược có thể dùng bài này có hiệu quả tốt.

4.     Trường hợp do khí huyết hư nhược gây nên sốt kéo dài cũng có thể dùng bài thuốc này có kết quả, gọi là phép chữa “Cam ôn trừ đại nhiệt”.

SINH MẠCH TÁN
(Nội ngoại thương biện hoặc luận)

Thành phần:

Nhân sâm (hoặc Đảng sâm) 12g

Mạch môn 12g

Ngũ vị tử 8g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Ích khí liễm hãn, dưỡng âm sinh tân.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc này chủ yếu chữa chứng thương thử nhiệt, tân khí đều bị tổn thương nên dùng phép “Ích khí sinh tân” để chữa.

Trong bài:

Nhân sâm hoặc Đảng sâm có tác dụng bổ ích khí sinh tân là chủ dược.

Mạch môn: dưỡng âm sinh tân đồng thời có tác dụng thanh phế.

Ngũ vị tử có tác dụng liễm phế chỉ hãn hợp với Mạch môn tăng thêm tác dụng sinh tân.

Ba vị thuốc hợp lại, trong đó dùng 1 bổ, 1 thanh, 1 liễm nên có tác dụng ích khí liễm hãn, dưỡng âm sinh tân tốt.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc chữa chứng cảm nắng mùa hè ra mồ hôi nhiều, mồm khát, mệt mỏi hoặc trong trường hợp thời kỳ hồi phục bệnh, nhiễm khí âm hư nhược đều dùng có kết quả tốt.

2.     Trường hợp các bệnh viêm phế quản mạn, lao phổi có hội chứng khí âm bất túc dùng bài thuốc này có kết quả tốt cần gia thêm các vị Bách bộ, A giao, Khoản đông hoa, Tử uyển để nhuận phế chỉ khái.

3.     Trường hợp bệnh suy nhược thần kinh, người bứt rứt khó ngủ dùng bài thuốc này gia thêm Toan táo nhân, Bá tử nhân để dưỡng tâm an thần.

  

BỔ HUYẾT

 

Bài thuốc Bổ huyết là những bài thuốc dùng chữa chứng huyết hư, biểu hiện lâm sàng là sắc mặt vàng bủng, môi lưỡi nhợt, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp mất ngủ, kinh nguyệt ít, sắc nhợt. Bài thuốc gồm các vị thuốc bổ huyết như: Thục địa, Đương quy, Bạch thược, Hà thủ ô, Tang thầm, Kỷ tử …

Trên lâm sàng thường để tăng cường tác dụng bổ huyết có phối hợp thêm các vị thuốc bổ khí như : Đảng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật cũng có khi dùng thêm thuốc hoạt huyết như Xuyên khung, Đơn sâm, Ngưu tất. 

TỨ VẬT THANG
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Thục địa hoàng 12 – 24g

Bạch thược 12 – 16g

Đương quy 12 – 16g

Xuyên khung 6 – 8g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Bổ huyết điều huyết, hoạt huyết điều kinh.

Giải thích bài thuốc:

Theo sách cổ đây là bài thuốc chuyên về điều huyết can kinh, trị chứng huyết hư huyết ứ sinh ra đau kinh, kinh nguyệt không đều.

Trong bài:

Thục địa: tư thận, bổ huyết, dưỡng bào cung là chủ dược.

Đương quy: bổ dưỡng can huyết, hoạt huyết điều kinh.

Bạch thược: dưỡng huyết, hòa can.

Xuyên khung: hoạt huyết, hành khí, sơ thông kinh mạch.

Các vị thuốc cùng dùng thành một bài thuốc có tác dụng bổ huyết điều huyết, trị các chứng huyết hư huyết trệ.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc được dùng nhiều chữa các chứng bệnh phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau kinh, tắt kinh cùng nhiều bệnh khác có hội chứng huyết hư.

2.     Trường hợp huyết hư kiêm khí hư gia Đảng sâm, Hoàng kỳ để bổ khí sinh huyết.

3.     Trường hợp có ứ huyết gia thêm Đào nhân, Hồng hoa (là bài Đào hồng Tứ vật) để hoạt huyết khu ứ.

4.     Trường hợp huyết có hàn gia Nhục quế, Bào khương để ôn dưỡng huyết mạch.

5.     Nếu huyết hư sinh nội nhiệt gia Liên kiều, Hoàng cầm, Đơn bì dùng Sinh địa thay Thục địa để thanh nhiệt lương huyết.

6.     Trường hợp huyết hư có chảy máu bỏ Xuyên khung gia A giao, Hoa hòe, Tông lư than để chỉ huyết.

7.     Trường hợp huyết hư trệ, đau kinh gia Hương phụ chế, Uất kim

để hành khí giải uất, điều kinh chỉ thống.

8.     Trường hợp huyết hư đau đầu, váng đầu gia Bạch chỉ, Cao bản để khu phong chỉ thống.

9.     Trên lâm sàng có báo cáo dùng Tứ vật thang để chữa chứng mày đay, có kết quả tốt. 

GIAO NGÃI THANG
(Kim quỹ yếu lược)

Thành phần:

Xuyên khung 8 – 12g

Đương qui 8 – 12g

Bạch thược 12 – 16g

Can địa hoàng 12 – 16g

A giao 8 – 12g

Ngãi diệp 8 – 12g

Cam thảo 4 – 6g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Bổ huyết điều kinh, an thai, trị băng lậu.

Chủ trị: Thường dùng chữa các chứng huyết hư hàn trệ, bụng dưới đau, kinh nguyệt kéo dài lượng nhiều, động thai, băng lậu sau đẻ, ra huyết kéo dài.

Đây là một bài thuốc gồm bài Tứ vật gia A giao, Ngãi diệp, Cam thảo.

Chủ yếu trị chứng băng lậu và động thai. 

ĐƯƠNG QUY BỔ HUYẾT THANG
(Nội ngoại thương biện hoặc luận)

Thành phần:

Hoàng kỳ 20 – 40g

Đương qui 12 – 16g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Bổ khí, sinh huyết.

Giải thích bài thuốc:

Bài này chủ yếu trị chứng huyết hư do lao lực, nội thương vinh huyết bị hư tổn, nguyên khí kém suy.

Trong bài:

Hoàng kỳ: đại bổ tỳ phế nguyên khí để sinh huyết là chủ dược.

Đương quY: bổ huyết hòa vinh.

Hai vị thuốc phối hợp là bổ khí sinh huyết, khí tráng cường thì huyết đầy đủ.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Trên lâm sàng thường dùng bài thuốc này chữa chứng khí hư sinh ra huyết hư.

2.     Trường hợp xuất huyết nhiều gia Long cốt, Sơn thù, A giao để tăng cường cố sáp chỉ huyết.

3.     Trên lâm sàng thường được dùng chữa các chứng khí huyết hư nhược do rong kinh, băng lậu, mất máu nhiều hoặc xuất huyết nổi ban dị ứng 

QUY TỲ THANG
(Tế sinh phương)

Thành phần:

Nhân sâm (Đảng sâm) 12g

Phục thần 12g

Toan táo nhân sao 12 – 20g

Viễn chí 4 – 6g

Hoàng kỳ 12g

Mộc hương 4g

Bạch truật 12g

Long nhãn nhục 12g

Đương qui 8 – 12g

Chích thảo 4g

Sinh khương 3 lát

Đại táo 2 – 3 quả

Cách dùng: sắc nước uống.

Có thể hòa với mật làm thành hoàn, mỗi lần uống 8 – 12g.

Tác dụng: Kiện tỳ dưỡng tâm, ích khí bổ huyết.

Giải thích bài thuốc:

Bài này gồm 2 bài “Tứ quân tử thang” và “Đương qui bổ huyết thang” gia Long nhãn nhục, Toan táo nhân, Viễn chí, Mộc hương, Đại táo là một bài thuốc thường dùng để trị chứng tâm tỳ hư tổn.

Trong bài:

Sâm, Linh, Truật, Thảo (Tứ quân): bổ khí, kiện tỳ để sinh huyết là chủ dược.

Đương qui, Hoàng kỳ: bổ khí sinh huyết.

Long nhãn, Táo nhân, Viễn chí: dưỡng tâm an thần.

Mộc hương: lý khí ôn tỳ.

Sinh khương, Đại táo: điều hòa vinh vệ.

Các vị thuốc hợp lại có tác dụng ích khí kiện tỳ bổ huyết dưỡng tâm.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc này chủ yếu trị các bệnh suy nhược có hội chứng bệnh lý tâm tỳ lưỡng hư, khí huyết bất túc sinh ra các triệu chứng mất ngủ, chán ăn, hay quên, tim hồi hộp, cơ thể mỏi mệt, sắc mặt vàng bủng, môi lưỡi nhợt, mạch yếu thường gặp trong các chứng suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh.

2.     Trường hợp xuất huyết trong bệnh loét dạ dày tá tràng có hội chứng khí huyết bất túc có thể dùng bài này để chữa; bỏ các vị Mộc hương, Viễn chí gia A giao, Địa du, Trắc bá diệp, Hoa hòe để tăng cường tác dụng chỉ huyết.

3.     Trường hợp phụ nữ kinh kéo dài hoặc sanh nhiều cơ thể suy nhược hoặc sau khi mắc bệnh lâu, thời kỳ hồi phục ăn ngủ không ngon, cơ thể hư nhược đều có thể dùng bài này để chữa có kết quả tốt.

DƯỠNG VINH QUY TỲ THANG
(Hải thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Thục địa 20 – 30g

Táo nhân 4g

Phục linh 6g

Ngưu tất 8g

Mạch môn ( sao với gạo) 8g

Bạch truật 12g

Bạch thược 4 – 8g

Ngũ vị tử 6 – 8g

Nhục quế 3 – 4g

Tác dụng: Chữa tất cả các chứng lao thương phát sốt ho, thổ huyết, hâm hấp sốt, biếng ăn, mỏi mệt, mạch thốn, hồng xích, nhược.

Đây là bài thuốc chủ yếu chữa khí huyết hư tổn. 

ĐẠI BỔ TÂM TỲ KHÍ HUYẾT PHƯƠNG
(Hải thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Táo nhân

Đương quy                         

Bạch truật

Bạch thược

Phục thần

Nhân sâm

Viễn chí

Nhục quế

Ngũ vị

(Tác giả không ghi liều lượng).

Cách dùng: sắc nước uống khi còn ấm.

Chủ trị: Chứng nguyên khí đại hư, đột nhiên ngã lăn ra, sinh ra chứng thoát nên uống bài này cùng với Bát vị hoàn để vừa bổ thủy hỏa để sinh khí, vừa bổ âm để sinh huyết.

BỔ KHÍ HUYẾT

Bài thuốc Bổ khí huyết là những bài thuốc có tác dụng bổ khí và bổ huyết chữa các chứng khí huyết đều hư, thường gồm các vị thuốc bổ khí như: Nhân sâm, Đảng sâm, Bạch truật, Chích thảo, Hoàng kỳ và bổ huyết như: Hà thủ ô, Đương quy, Thục địa, Tang thầm, Kỷ tử … 

BÁT TRÂN THANG
(Chính thể loại yếu)

Thành phần:

Đương quy (tẩm rượu) 12g

Bạch thược 12g

Bạch linh 12g

Xuyên khung 6 – 8g

Đại táo 2 quả

Đảng sâm 12g

Bạch truật (sao) 12g

Thục địa 12g

Chích thảo 2 – 4g

Sinh khương 2 – 3 lát

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Ích khí bổ huyết.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc gồm 2 bài: “Tứ vật” và “Tứ quân” hợp lại thành một bài thuốc

có tác dụng song bổ khí huyết.

Trong bài:

Tứ quân bổ khí.

Tứ vật bổ huyết.

Sinh khương, Đại táo để điều hòa vinh vệ.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài thuốc được dùng để chữa chứng bệnh lâu ngày làm cho cơ thể suy nhược có hội chứng bệnh lý khí hư và huyết hư.

2.     Bài này gia thêm 2 vị Hoàng kỳ và Nhục quế gọi là bài THẬP TOÀN ĐẠI BỒ THANG (Y học phát minh), trị chứng khí huyết hư thiên về hư hàn.

3.     Bài này bỏ Xuyên khung gia Hoàng kỳ, Nhục quế, Ngũ vị tử, Viễn chí, Trần bì, Khương, Táo gọi là bài NHÂN SÂM DƯỠNG DINH THANG (Hòa tễ cục phương). Trị bệnh giống như bài THẬP TOÀN ĐẠI BỔ có thêm tác dụng dưỡng tâm an thần. 

THẬP TOÀN BỔ CHÍNH THANG
(Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Nhân sâm 6g

Chích Hoàng kỳ 8g

Bạch linh 10g

Đỗ trọng sống 4g

Táo nhân 8g

Đương quy 4 – 8g

Bạch thược 8g

Bạch truật 8g

Tục đoạn 8g

Ngưu tất 8g

Nhục quế 3g

Đại táo 2 quả

Cách dùng: sắc uống.

Chủ trị: Các chứng tâm tỳ dương hư, khí huyết 5 tạng đều tổn thương, tự ra mồ hôi, sợ lạnh, mình nóng, lưng đau.

1.     Nếu tâm nhiệt gia Đăng tâm, tâm huyết hư gia Thục địa.

2.     Trường hợp ngoại cảm bỏ Sâm thêm Sài hồ, Gừng sống.

3.     Khí trệ thêm Mộc hương, ho thêm Sâm, Kỳ, Mạch môn.

4.     Bài này là bài Thập toàn đại bổ bỏ Xuyên khung, Thục địa, Cam thảo gia Táo nhân, Đỗ trọng, Ngưu tất, Tục đoạn. 

TƯ BỔ KHÍ HUYẾT PHƯƠNG
(Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Thục địa 16g

Táo nhân 16g

Nhân sâm 12g

Ngưu tất 12g

Mạch môn 12g

Đương quy 6 – 12g

Nhục quế 2 – 3g

Ngũ vị 3g

Đại táo 2 quả

Gừng sống 3 lát

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Bổ khí huyết. 

TUẤN BỔ TINH HUYẾT CAO
(Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Thục địa 12g

Nhân sâm 4g

Câu kỷ tử 4g

Lộc giao 4g

Nhục quế (bỏ vỏ, tán bột) 80g

Cách chế và dùng: Thục địa, Nhân sâm, Câu kỷ mỗi vị đều nấu riêng thành cao rồi đổ lẫn vào trong nồi đất đun sôi gia thêm 1 cân mật ong khuấy đều, cuối cùng cho bột Nhục quế vào hòa đều, rồi đổ vào lọ sành bịt kín để dùng.

Mỗi lần uống vài muỗng trước khi bụng đói, ngậm tan nuốt dần.

Tác dụng: Bồi bổ tinh huyết hư tổn.

Chữa trị: Các chứng ngũ lao (tâm, can, tỳ, phế, thận).

THẤT BẢO MỸ NHIỆM ĐƠN
(Thiệu Ứng Tiết)

Thành phần:

Hà thủ ô 300g

Đương quy (rửa với rượu) 300g

Phá cố chỉ 160g

Bạch linh 300g

Ngưu tất 300g

Câu kỷ tử (tẩm rượu) 300g

Thỏ ty tử (tẩm rượu sao) 300g

Cách dùng:

         Hà thủ ô trộn với đậu đen, 9 lần chưng, 9 lần phơi.

         Bạch linh trộn với sữa, sao.

         Ngưu tất tẩm rượu chưng chung với Hà thủ ô ở lần thứ 7 về sau.

         Phá cố chỉ trộn với Mè đen sao qua.

Tất cả đều sao tán nhỏ, luyện mật làm hoàn, làm thuốc tể 10g/1 hoàn. Mỗi lần uống 2 hoàn trước khi đi ngủ.

Tác dụng: Bổ thận tráng dương, ích tinh bổ khí huyết.

Giải thích bài thuốc:

Theo sách Trung quốc đời Minh niên hiệu Gia Tĩnh (1521 – 1556) có vị thầy thuốc tên Thiệu Ứng Tiết đem dâng Vua bài thuốc này, Vua trước vốn bất lực uống thuốc rồi sinh liên tục được 2 Hoàng tử cho nên được truyền bá khắp dân gian.

Trong bài:

         Hà thủ ô bổ khí ích tinh huyết là chủ dược.

         Bạch phục linh giao tâm thận kiện tỳ trừ thấp.

         Ngưu tất bổ ích can thận làm mạnh gân cốt, hoạt huyết.

         Câu kỷ tử tư can thận ích tinh huyết.

         Thổ ty tử bổ ích can thận trợ dương ích tinh.

         Phá cố chỉ bổ thận tráng dương.

Các vị hợp lại thành một bài thuốc có tác dụng bổ thận tráng dương, ích bổ khí huyết rất tốt.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc được dùng chữa các chứng khí huyết bất túc sau khi mắc bệnh lâu ngày.

1.     Trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, chân tay tê dại, phụ nữ băng huyết, đới hạ, khí huyết hư nhược, nam giới suy sinh dục không có con, di tinh, hoạt tinh đều dùng có hiệu quả.

2.     Có báo cáo dùng chữa chứng tiêu khát có kết quả tốt. 

CHÍCH CAM THẢO THANG

PHỤC MẠCH THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Chích Cam thảo 12 – 16g

A giao 8 – 12g

Mạch môn 8 – 12g

Quế chi 6 – 12g

Gừng tươi 12g

Đại táo 6 – 8 quả

Đảng sâm 8 – 12g

Sinh địa 16 – 20g

Ma nhân 6 – 12g

Cách dùng: sắc nước uống, theo sách Cổ cho thêm 1/2 rượu để sắc.

Tác dụng: Ích khí bổ huyết, tư âm phục mạch.

Giải thích bài thuốc:

         Chích Cam thảo: tính ngọt ôn, ích khí bổ trung, sinh khí huyết để hồi phục huyết mạch là chủ dược.

         Đảng sâm, Đại táo: bổ khí, ích vị, kiện tỳ để sinh khí huyết.

         Sinh địa, A giao, Mạch môn, Ma nhân: bổ tâm huyết dưỡng tâm âm để dưỡng đầy huyết mạch.

         Quế chi hợp với Chích thảo để bổ tâm dương hợp với Sinh khương để thông huyết mạch, dùng rượu nấu để tăng tác dụng thông mạch.

Ứng dụng lâm sàng:

Trên lâm sàng bài thuốc chủ yếu dùng chữa chứng khí huyết hư, biểu hiện mạch kết hoặc mạch đại, tim đập mạnh khó thở, lưỡi bóng ít rêu hoặc chứng hư lao phế nuy có triệu chứng khó thở, ho, cơ thể gầy yếu, ra mồ hôi, mất ngủ, họng khô, đại tiện táo, mạch sác nhược.

1.     Trường hợp đại tiện lỏng bỏ Ma nhân gia Toan táo nhân để dưỡng tâm an thần.

2.     Trường hợp tim hồi hộp nặng gia Long cốt, Chu sa để dưỡng tâm an thần.

3.     Trên lâm sàng bài thuốc còn được dùng để chữa các chứng thấp tim, hẹp van tim, nhịp tim không đều, ngoại tâm thu khó thở do tim suy có kết quả nhất định.

Phụ phương

PHỤC MẠCH THANG gia giảm

(Ôn bệnh điều biện)

Thành phần:

Chích Cam thảo 20g

Can địa hoàng 20g

Bạch thược 20g

Mạch môn 16g

A giao 12g

Ma nhân 12g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Tư âm thoái nhiệt, nhuận táo.

Chủ trị: Chữa các chứng hư nhiệt. 

THÁI SƠN BÀNG THẠCH TÁN

Thành phần:

Nhân sâm (Đảng sâm) 12g

Chích Hoàng kỳ 12g

Đương qui 12g

Xuyên Tục đoạn 12g

Hoàng cầm 12g

Bạch thược (sao rượu) 12g

Bạch truật (sao) 12g

Thục địa 20g

Xuyên khung 4g

Chích Cam thảo 2g

Sa nhân 2g

Gạo nếp 1 nắm.

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Bổ khí kiện tỳ, dưỡng huyết an thai.

Giải thích bài thuốc:

Bài này do bài “Bát trân thang” bỏ Phục linh gia Hoàng kỳ, Tục đoạn, Sa nhân, Hoàng cầm, Gạo nếp mà thành bài thuốc dưỡng huyết an thai thường dùng.

Trong bài ” Bát trân thang ” bỏ Phục linh gia:

         Hoàng kỳ: song bổ khí huyết để dưỡng thai.

         Tục đoạn: bổ ích can thận.

         Sa nhân: điều khí.

         Gạo nếp: bổ dưỡng tỳ vị.

         Hoàng cầm dùng chung với Bạch truật theo cổ nhân có tác dụng an thai.

Ứng dụng lâm sàng:

Trên lâm sàng thường dùng bài thuốc để dưỡng thai tùy tình hình cụ thể có thể gia giảm liều lượng.

1.     Trường hợp thai động kèm theo mất ngủ, tim hồi hộp gia Toan táo nhân sao, Long nhãn nhục để dưỡng tâm, an thần. Lưng đau nhiều gia Đỗ trọng, Thỏ ty tử để bổ Can thận.

2.     Trường hợp âm đạo ra huyết có triệu chứng dọa sẩy thai gia A giao, Ngãi diệp để chỉ huyết an thai.

3.     Bài thuốc có thể dùng ngừa sẩy thai đối với những người có tiền sử dọa sẩy, hoặc có mang cơ thể suy nhược. Cách 3 – 5 ngày uống 1 thang liền trong 3 – 4 tháng đầu trong thời kỳ thai nghén.

4.     Theo báo cáo lâm sàng một số tác giả dùng bài thuốc theo liều lượng sau đây chữa sẩy thai nhiều lần có kết quả tốt: Đảng sâm 12g, Bạch truật 12g, Đương qui 6g, Bạch thược 8g, Xuyên khung 12g, Thục địa 12g, Chích Hoàng kỳ 12g, Xuyên Tục đoạn 12g, Hoàng cầm 6g, Sa nhân 3g (cho sau), Chích thảo 2g và Gạo nếp 12g. Sắc uống nóng.

 

BỔ ÂM

Bài thuốc bổ âm là những bài thuốc gồm các vị thuốc ngọt mát để dưỡng âm như: Địa hoàng, Mạch môn, Sa sâm, Quy bản, Kỷ tử … để chữa các chứng âm hư (chủ yếu là Can thận âm hư) triệu chứng lâm sàng thường là sốt chiều, người gầy, da nóng, má hồng, lòng bàn tay bàn chân nóng, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, khát nước, họng khô, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác. 

LỤC VỊ ĐỊA HOÀNG HOÀN
(Tiểu nhi dược chứng trực quyết)

Thành phần:

Thục địa 20 – 32g

Sơn thù 10 – 16g

Trạch tả 8 – 12g

Hoài sơn 10 – 16g

Phục linh 8 – 12g

Đơn bì 8 – 12g

Cách dùng: Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 8 – 12g, ngày 2 – 3 lần với nước sôi nguội hoặc cho tý muối. Có thể làm thang sắc uống.

Tác dụng: Tư bổ can thận.

Giải thích bài thuốc: Bài thuốc chủ yếu Tư bổ thận âm.

Trong bài:

         Thục địa: tư thận, dưỡng tinh là chủ dược.

         Sơn thù: dưỡng can sáp tinh.

         Sơn dược: bổ tỳ cố tinh.

         Trạch tả: thanh tả thận hỏa, giảm bớt tính nê trệ của Thục địa.

         Đơn bì: thanh can hỏa, giảm bớt tính ôn của Sơn thù.

         Bạch linh: kiện tỳ, trừ thấp giúp Hoài sơn kiện tỳ.

Sáu vị thuốc hợp lại vừa bổ vừa tả giúp cho tác dụng bổ tốt hơn là một bài thuốc chủ yếu tư bổ Can thận.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc được dùng nhiều trên lâm sàng để chữa bệnh mạn tính như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, lao phổi, lao thận, bệnh tiểu đường, viêm thận mạn tính, cường tuyến giáp, huyết áp cao, xơ mỡ mạch máu, phòng tai biến mạch máu não ở người có tuổi (bài thuốc có tác dụng giảm cholesterol trong máu) hoặc ở những bệnh xuất huyết tử cung cơ năng, có hội chứng Can thận âm hư đều có thể gia giảm dùng kết quả tốt.

1.     Những bệnh về mắt như viêm thần kinh thị, viêm võng mạc trung tâm, teo thần kinh thị gia thêm Đương quy, Sài hồ, Cúc hoa, Ngũ vị tử để chữa có kết quả nhất định.

2.     Bài này gia Tri mẫu, Hoàng bá gọi là bài “TRI BÁ ĐỊA HOÀNG HOÀN” (Y tông kim giám) có tác dụng tư âm giáng hỏa mạnh hơn, dùng trong những trường hợp bệnh lao, sốt kéo dài, ra mồ hôi trộm có tác dụng tốt.

3.     Nếu gia thêm Kỷ tử, Cúc hoa gọi là “KỶ CÚC ĐỊA HOÀNG HOÀN” (Y cấp). Tác dụng chủ yếu tư bổ Can thận, làm sáng mắt, tăng thị lực, dùng trong trường hợp âm hư can hỏa vượng sinh ra hoa mắt, mờ mắt, đau đầu chóng mặt, trong trường hợp suy nhược thần kinh, cao huyết áp có kết quả tốt.

4.     Nếu gia Ngũ vị tử, Mạch đông gọi là bài “MẠCH VỊ ĐỊA HOÀNG HOÀN” cũng gọi là BÁT TIÊN TRƯỜNG THỌ HOÀN (Y cấp) dùng chữa chứng Phế thận âm hư, ho ra máu, sốt đêm, ra mồ hôi như trường hợp lao phổi.

5.     Nếu gia thêm Đương quy, Bạch thược, Câu kỷ tử, Cúc hoa, Bạch tật lê, Thạch quyết minh gọi là bài: “MINH MỤC ĐỊA HOÀNG HOÀN” có tác dụng tư bổ can thận, tiêu tán phong nhiệt, làm sáng mắt. Chữa các chứng mắt khô, mờ mắt, quáng gà, chứng huyết áp cao thể âm hư hỏa vượng.

Chú ý: Không dùng bài Lục vị trong trường hợp rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. 

TẢ QUY HOÀN
(Cảnh Nhạc toàn thư)

Thành phần:

Là bài Lục vị bỏ Bạch linh, Trạch tả, Đơn bì gia:

Thỏ ty tử

Câu kỷ tử

Xuyên Ngưu tất

Lộc giao

Quy giao.

Tác dụng: Tư bổ Can thận.

Chữa chứng: Can thận tinh huyết suy kém, lưng đau chân yếu, chóng mặt ù tai, ra mồ hôi trộm, mồm họng khô.

Nếu bài Lục vị bỏ Trạch tả, Đơn bì gia Câu kỷ tử, Chích thảo có tên là TẢ QUY ẨM (Cảnh Nhạc toàn thư).

Có tác dụng như Tả quy hoàn nhưng kém hơn.

TIẾP TỤC VÔ ÂM PHƯƠNG

(Hải thượng Y tôn tâm lĩnh)

Tức bài Lục vị địa hoàng hoàn gia Mạch môn, Ngũ vị tử cũng là bài “MẠCH VỊ ĐỊA HOÀNG HOÀN”. 

ĐẠI BỔ ÂM HOÀN
(Đan Khê tâm pháp)

Thành phần:

Hoàng bá sao 16g

Thục địa (chưng rượu) 24g

Tri mẫu (rượu sao) 16g

Quy bản (tẩm giấm nướng) 24g

Cách dùng: Tất cả tán bột mịn hòa với nước tủy xương sống lợn đun chín, luyện mật, làm hoàn theo tỷ lệ trên, làm nhiều ít tùy ý. Mỗi lần uống 8 – 12g, vào sáng tối 2 lần. Có thể làm thang sắc uống.

Tác dụng: Tư âm giáng hỏa.

Giải thích bài thuốc:

Là bài thuốc chủ yếu để tư thận âm, giáng hư hỏa, chữa chứng âm hư nội nhiệt.

Trong bài:

         Hoàng bá: đắng hàn tả thanh hỏa.

         Tri mẫu: thanh hư nhiệt.

         Thục địa: tư bổ thận âm.

         Qui bản: tư âm tiềm dương, thêm tủy sống heo để bổ tinh giảm bớt tính táo và đắng của Tri mẫu, Hoàng bá.

Các vị cùng dùng có tác dụng tư âm giáng hỏa.

Ứng dụng lâm sàng:

Trên lâm sàng bài thuốc chủ yếu trị các chứng âm hư nội nhiệt biểu hiện sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay bàn chân nóng. Nếu nhiệt thương phế lạc làm cho ho ra máu. Nếu hư nhiệt ảnh hưởng đến tỳ vị sinh ra chứng tiêu khát.

1.     Trường hợp ra mồ hôi trộm nhiều gia Mẫu lệ, Lá dâu, Phù tiểu mạch, Rễ lúa nếp để dưỡng âm liễm hãn.

2.     Trường hợp bệnh lao ho ra máu gia Tiên hạc thảo, Trắc bá diệp, Cỏ nhọ nồi, A giao để dưỡng âm, chỉ khái, cầm máu.

3.     Trường hợp khát nước uống nước nhiều gia Thạch hộc, Thiên hoa phấn, Sa sâm để dưỡng vị âm chỉ khát.

Chú ý: Bài thuốc không nên dùng đối với bệnh nhân tỳ vị hư nhược, ăn kém, tiêu lỏng. 

TƯ THẬN HOÀN

THÔNG QUAN HOÀN
(Lam thất bí tàng)

Thành phần:

Tri mẫu 40g

Hoàng bá 40g

Quế nhục 2g

Cách dùng: Tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 8 – 12g, ngày 2 lần lúc bụng đói với nước sôi ấm.

Tác dụng: Thanh nhiệt ở hạ tiêu.

Chủ trị: Chứng bàng quang nhiệt, tiểu khó, bụng dưới đầy trướng.

Bài thuốc chủ yếu là giáng hỏa để giúp bàng quang khí hóa lợi thủy được tốt hơn. 

TƯ ÂM GIÁNG HỎA PHƯƠNG
(Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Thục địa 40g

Sinh địa 40g

Đan sâm 20g

Thiên môn 12g

Ngưu tất 12g

Ngũ vị 6g

Cách dùng: Trước hết dùng 20g Thạch hộc đổ 2 bát nước sắc lấy còn 1,2 bát; sau đó cho các vị thuốc vào sắc còn 1 bát uống lúc còn ấm.

Chủ trị: Các chứng âm hư dương lấn, thủy suy hỏa bốc, mạch hồng, sác, người gầy, da khô, khát nước, thổ huyết, nục huyết. 

NHẤT QUÁN TIỄN
(Liễu Châu y thoại)

Thành phần:

Bắc sa sâm 12g

Đương qui 12g

Câu kỷ tử 24g

Mạch đông 12g

Sinh địa 14 – 60g

Xuyên luyện tử 6g

Cách dùng: sắc nước uống.

Liều lượng tùy tình hình bệnh gia giảm.

Tác dụng: Dưỡng âm sơ can.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc này tác dụng chủ yếu là tư dưỡng can âm, sơ can lý khí. Trong bài:

         Sinh địa: tư dưỡng Can thận là chủ dược.

         Bắc Sa sâm, Mạch môn, Kỷ tử đều có tác dụng hỗ trợ tư can dưỡng âm.

  Đương quy: dưỡng huyết, hòa can.

         Xuyên luyện tử: sơ can, tán nhiệt.

Các vị thuốc dùng chung hợp thành một bài thuốc có tác dụng dưỡng can thận âm, sơ can lý khí.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chữa Can thận âm hư, can khí uất gây nên ngực sườn đau tức, mồm đắng, ợ chua, họng khô, lưỡi đỏ khô.

1.     Trường hợp mồm đắng họng khô gia Hoàng liên, Hoàng cầm, Thiên hoa phấn để thanh nhiệt. Nếu đại tiện táo bón gia Qua lâu nhân, Hỏa ma nhân để thông tiện. Nếu có hư nhiệt ra mồ hôi trộm nhiều gia Địa cốt bì, Mẫu lệ, Lá dâu để thoái hư nhiệt, chỉ hãn.

2.     Trường hợp âm hư nặng, lưỡi đỏ khô hoặc nổi gai đỏ gia Thạch hộc để dưỡng vị âm .

3.     Trường hợp đàm nhiều gia Qua lâu, Bối mẫu để khu đàm, nếu bụng đau gia Bạch thược, Chế Hương phụ, Cam thảo để hòa can, lý khí, chỉ thống.

4.     Trường hợp gan to có khối u cứng gia Miết giáp để nhuyễn kiên, tán kết.

5.     Bài thuốc thường được ứng dụng chữa chứng viêm gan mãn có kết quả nhất định thường được dùng thêm các vị Đương quy, Đơn sâm, Bạch thược để sơ can hòa huyết. Nếu tiêu hóa kém bụng đầy hơi thì gia Sa nhân, Mộc hương, Kê nội kim để hành khí tiêu thực. Trường hợp mất ngủ gia Bá tử nhân, Toan táo nhân sao, Ngũ vị tử để dưỡng tâm an thần. 

NHỊ CHÍ HOÀN
(Lục khoa chuẩn thằng)

Thành phần:

Hạn liên thảo

Nữ trinh tử

(Lượng bằng nhau).

Cách dùng: Luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 12g, có thể làm thuốc thang sắc uống.

Tác dụng: Ích can thận, bổ âm huyết.

Ứng dụng lâm sàng:

Chủ trị: Thường dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, cao huyết áp có hội chứng bệnh lý can thận âm hư, mồm đắng, họng khô, mất ngủ, chóng mặt, hoa mắt, di mộng tinh.

BỔ ÂM LIỄM DƯƠNG PHƯƠNG
(Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Nhân sâm

Thục địa

Mạch môn

Ngưu tất

Đan sâm

Phục thần

Bạch thược

Viễn chí

Thán khương

(Nguyên phương không ghi liều lượng).

Cách dùng: các vị sắc nước uống.

Chủ trị: Âm vong bên trong, dương thoát ra ngoài.

Biểu hiện mặt đỏ mê man không biết gì, miệng hay nói nhảm, tay chân vật vã, mạch hồng đại. 

LAO KHÁI CAO TƯ PHƯƠNG
(Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Thục địa 400g

Ý dĩ 240g

Ngưu tất 120g

Địa cốt bì 80g

Khoản đông hoa 80g

Sinh địa 200g

Đan sâm 120g

Mạch môn 160g

Tử uyển 80g

Thán khương 24g

Mật ong (nấu riêng) 240g

Cách chế và dùng: Các vị thuốc sắc 2 nước, lọc bỏ bã, cô thành cao, cho thêm bột mịn Phục linh 80g, bột Xuyên Bối mẫu 88g trộn với cao trên, luyện với mật ong thành cao.

Chủ trị: Chứng lao phổi.            

TOÀN CHÂN NHẤT KHÍ THANG

(Còn gọi CỨU ÂM THANG)
(Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Thục địa 16 – 24g

Bạch truật sao 12 – 20g

Nhân sâm 8g

Mạch môn 12g

Ngũ vị tử 24g

Ngưu tất 8 – 12g

Phụ tử chế 4 – 8g

Cách dùng: các vị sắc nước uống lúc còn ấm.

Tác dụng: Ích khí tư âm, giáng hỏa.

Chủ trị: Các chứng trúng phong, bệnh nặng, âm hư phát nhiệt, thổ huyết, ho, các chứng hư lao nặng.

Cách gia giảm:

         Trường hợp đại tiện lỏng, dùng Thục địa sao khô.

         Người khô héo, bội Thục địa.

         Phế nhiệt tăng liều Mạch môn.

         Tỳ hư tăng Bạch truật.

         Dương hư bồi Phụ tử.

         Nguyên khí hư bồi Nhân sâm.

         Gân cốt yếu gia Đỗ trọng sống 12g. 

HÀ XA ĐẠI TẠO HOÀN
(Ngô Cầu phương)

Thành phần:

Tử hà xa 1 bộ

Qui bản 80g

Thục địa 100g

Nhân sâm (Đảng sâm) 40g

Mạch môn 48g

Thiên môn 48g

Bạch linh 48g

Ngưu tất 48g

Đỗ trọng 60g

Hoàng bá 60g

Cách chế và dùng: Các vị thuốc tán nhỏ, luyện mật, làm hoàn, mỗi ngày dùng 12 – 16g, chia 2 lần, uống với nước muối nhạt.

Tác dụng: Đại bổ âm dương khí huyết.

Giải thích bài thuốc:

         Bài này lấy Tử hà xa (nhau thai) đại bổ nguyên khí, dưỡng tinh huyết là chủ dược.

         Quy bản, Thục địa, Thiên môn, Mạch môn: bổ âm huyết.

         Nhân sâm: ích khí, sinh tân.

         Đỗ trọng, Ngưu tất: bổ can thận, mạnh gân cốt.

         Hoàng bá: thanh nhiệt.

         Bạch linh: kiện tỳ, trừ thấp.

Các vị hợp lại thành một bài thuốc có tác dụng bồi bổ khí âm, dưỡng tinh huyết là một bài thuốc tăng cường sức khỏe toàn diện đối với những người hư nhược nhưng thiên về âm huyết là chính, nên gọi là “Hà xa đại tạo hoàn”.

Ứng dụng lâm sàng:

Trên lâm sàng thường dùng chữa các chứng hư nhược khí huyết hư, cơ thể hao tổn do mắc bệnh mạn tính lâu ngày, người gầy mòn do nóng, tự ra mồ hôi hoặc ra mồ hôi trộm, người già suy nhược. 

TĂNG DỊCH THANG
(Ôn bệnh điều biện)

Thành phần:

Huyền sâm 40g

Mạch môn 32g

Sinh địa 32g

Cách dùng: Liều lượng trên theo nguyên phương, sắc nước uống.

Tác dụng: Sinh tân nhuận táo, tăng dịch, nhuận tràng.

Giải thích bài thuốc:

         Huyền sâm: tăng dịch, lương huyết.

         Mạch môn: tư âm, dưỡng vị.

         Sinh địa: lương huyết thanh nhiệt để sinh tân dịch.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trên lâm sàng bài này được dùng để chữa bệnh viêm nhiễm thời kỳ hồi phục do nhiệt làm hao tổn tân dịch, người nóng,miệngkhát,da khô, đại tiện táo bón, dùng để nhuận tràng thông tiện, gọi là phép lấy thuốc bổ dùng làm thuốc tả.

2.     Trường hợp đại tiện táo bón nặng có thể gia thêm Mang tiêu, Đại hoàng là Tăng dịch thừa khí thang.

3.     Bài này có thể dùng chữa chứng âm hư, vị nhiệt, mồm môi lở loét, họng khô khát nước.

 

BỔ DƯƠNG

 

Bài thuốc Bổ dương dùng chữa chứng dương hư mà chủ yếu là trị thận dương hư, biểu hiện lâm sàng thường là lưng gối nhức mỏi, chân yếu lưng lạnh hoặc ho suyễn lâu ngày, ù tai, liệt dương, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần hoặc tiêu chảy kéo dài, rêu lưỡi trắng, mạch trầm, trì, nhược.

Bài thuốc thường gồm các vị thuốc tính vị ngọt nóng như: Phụ tử, Quế nhục, Đỗ trọng, Lộc nhung, Nhục thung dung, Dâm dương hoắc, Sơn thù, Hoài sơn, Ba kích thiên, Ích trí nhân … 

THẬN KHÍ HOÀN
(Kim quỹ yếu lược)

Thành phần:

Can địa hoàng 16 – 32g

Sơn thù 8 – 16g

Bạch linh 8 – 12g

Sơn dược 8 – 16g

Trạch tả 8 – 12g

Đơn bì 8 – 12g

Phụ tử chế 4g

Quế chi 2 – 4g

Cách dùng: Theo tỷ lệ trên, tất cả tán bột mịn, trộn đều, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 8 – 12g, ngày 1 – 2 lần, với nước sôi nóng hoặc gia thêm tý muối.

Có thể làm thuốc thang sắc uống.

Tác dụng: Ôn bổ thận dương.

Giải thích bài thuốc:

Đây là bài thuốc chính chữa chứng thận dương hư.

Trong bài:

 Phụ tử, Quế chi: ôn bổ thận dương là chủ dược.

         Thêm bài “Lục vị” tư bổ thận âm để điều hòa âm dương làm cho thận khí được sung túc thì các triệu chứng do thận dương hư gây nên như đau lưng, gối mỏi, phía nửa người dưới lạnh, tiểu tiện nhiều lần hoặc tiểu són, hoặc chứng hoạt tinh, di niệu tự khỏi.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Bài này chủ yếu chữa các chứng bệnh mạn tính, viêm thận mạn, suy nhược thần kinh, bệnh béo phì, liệt dương, tiểu đêm, người già suy nhược có hội chứng thận dương hư.

2.     Bài thuốc này gia thêm Ngưu tất, Xa tiền tử gọi là “TẾ SINH THẬN KHÍ HOÀN” (Tế sinh phương) có tác dụng lợi niệu, tiêu phù, dùng chữa chứng thận dương hư, cơ thể nặng nề phù thũng, tiểu tiện ít.

3.     Chú ý: Bài thuốc không dùng đối với những trường hợp có hội chứng thận âm bất túc như đau lưng, mỏi gối, người nóng ra mồ hôi trộm, mạch tế sác. 

HỮU QUY HOÀN
(Cảnh Nhạc toàn thư)

Thành phần:

Thục địa 32g

Sơn dược sao 16g

Sơn thù 12g

Câu kỷ tử 16g

Đỗ trọng (tẩm gừng sao) 16g

Thỏ ty tử 16g

Thục Phụ tử 8 – 14g

Nhục quế 8 – 16g

Đương quy (*) 12g

Lộc giác giao 16g

(*) Trường hợp Tiêu chảy không dùng.

Cách dùng: Theo tỷ lệ trên tất cả tán bột mịn luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 4 – 8g, có thể làm thuốc thang sắc uống.

Tác dụng: Ôn thận tráng dương, bổ tinh huyết.

Chủ trị: Các chứng thận dương bất túc, mệnh môn hỏa suy, lão suy.

Lâm sàng biểu hiện các triệu chứng: sợ lạnh, chân lạnh, hoạt tinh, liệt dương, chân đau, gối mỏi.

 HẬU THIÊN BÁT VỊ PHƯƠNG
(Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Bố chính sâm 40g

Bạch truật (tẩm mật sao) 20g

Chích thảo 4g

Mạch môn 4g

Hoàng kỳ (tẩm mật sao) 8g

Ngũ vị (tẩm mật sao) 4g

Liên nhục (sao) 6g

Phụ tử 2g

Cách dùng: gia Đại táo, Gừng nướng sắc nước uống.

Chủ trị: Các chứng dương khí hậu thiên hư tổn, hình thể gầy xanh hoặc béo bệu, hơi thở ngắn, mỏi mệt, ăn không biết ngon, rất sợ gió lạnh, hoặc tiêu lỏng hoặc tỳ hư không liễm được hỏa, phát sốt, phiền khát.

Chú ý: Khi dùng bài thuốc nếu trúng hàn đau bụng tiêu lỏng gia Đậu khấu, Can khương.

  *  Nếu dương hư hạ hãm gia Thăng ma (tẩm rượu sao).

  *  Nếu ngoại cảm lúc nóng lúc lạnh gia Sài hồ, Bán hạ.

  *  Nếu bụng đầy hơi gia Trầm hương.

  *  Nếu đàm nhiều gia Trần bì, Bán hạ.

  *  Nếu ra mồ hôi nhiều gia Ma hoàng căn.

  *  Nếu vị hư nôn mửa bỏ Đại táo gia Bán hạ chế.

TƯ BỔ TRĨ DƯƠNG PHƯƠNG
(Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh)

Thành phần:

Thục địa 8g

Sơn dược 4g

Sơn thù 4g

Mẫu đơn 3g

Phục linh 4g

Ngũ vị 2g

Ngưu tất 4g

Đỗ trọng (dùng sống) 4g

Trạch tả 3g

Đại phụ tử 1g

Nhục quế (bỏ vỏ) 1g

Cách dùng: Liều lượng y nguyên phương, theo liều lượng trên tỷ lệ của bài thuốc làm thuốc hoàn hoặc thuốc thang sắc uống.

Tác dụng: Chữa các chứng trẻ con ngoài giả nhiệt trong thực hàn, bệnh mệnh môn hỏa suy, có tác dụng bổ mệnh môn hỏa lại kiêm tử bổ phần âm làm cho đầy đủ tinh huyết.

Theo tác giả, trị trẻ con “Tiên thiên” yếu đuối thì phương thuốc này rất hay giữ cho trẻ con được mạnh khỏe sống lâu.