Logo

Những bài thuốc khu hàn

Lượt xem: 763 Ngày đăng: 08/05/2020

Thuốc Khu hàn là những bài thuốc gồm các vị có tính vị ngọt, ấm, cay, nóng hợp thành có tác dụng ôn trung, tán hàn hoặc hồi dương cứu nghịch, ôn kinh tán hàn. Dùng để trị các chứng tỳ vị hư hàn, thận dương suy kiệt, chứng vong dương dục thóat hoặc hàn ngưng tại kinh mạch, là những bài thuốc chữa chứng lý hàn.

Chứng hàn bao gồm: biểu hàn và lý hàn.

Điều trị chứng biểu hàn là những bài thuốc tân ôn giải biểu.

Điều trị chứng lý hàn gồm những bài thuốc:

        Ôn trung khu hàn

        Hồi dương cứu nghịch

        Ôn kinh tán hàn.

 

ÔN TRUNG KHU HÀN

 

Bài thuốc Ôn trung khu hàn dùng để chữa những chứng tỳ vị hư hàn, biểu hiện chủ yếu có các triệu chứng: chân tay mệt mỏi, da mát lạnh, hoặc bụng đau tiêu chảy khi gặp lạnh, chán ăn hoặc buồn nôn, nôn, miệng nhạt không khát, lưỡi nhợt rêu trắng nhuận, mạch trầm tế hoặc trì hoạt.

Những vị thuốc ôn trung khu hàn thường dùng như: Can khương, Ngô thù, Hồ tiêu và những thuốc kiện tỳ bổ khí như Đảng sâm, Bạch truật, Chích thảo hợp thành những bài thuốc ôn trung khu hàn.

Giới thiệu 2 bài thuốc chính là:

Lý trung hoàn

Ngô thù du thang. 

LÝ TRUNG HOÀN
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Đảng sâm 120g             

Can khương 120g

Chích thảo 120g

Bạch truật 120g

Cách dùng: Tất cả tán bột mịn, dùng mật luyện thành hoàn, mỗi lần uống 8 – 16g, ngày uống 3 lần. Có thể sắc thuốc thang uống.

Tác dụng: ôn trung khu hàn, bổ ích tỳ vị.

Giải thích bài thuốc:

Can khương: khu hàn hồi phục tỳ dương là chủ dược.

Đảng sâm: bổ khí, kiện tỳ.

Bạch truật: kiện tỳ táo thấp

Chích thảo: bổ tỳ hòa trung và điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chữa các chứng tỳ vị hư hàn, có những triệu chứng bụng đau tiêu lỏng, nôn mửa hoặc bụng đầy, ăn ít, lưỡi nhợt rêu trắng, mạch trầm tế hoặc trì hoãn. Nếu hàn chứng rõ dùng tăng lượng Can khương, tỳ hư rõ tăng lượng Đảng sâm.

1.     Trường hợp tiêu chảy nhiều lần, Bạch truật sao khử thổ để tăng tác dụng sáp tràng chỉ tả.

2.     Trường hợp hư hàn nặng, sắc mặt tái nhợt, chân tay lạnh gia Thục Phụ tử để tăng cường ôn dương khử hàn, có tên gọi là bài Phụ tử Lý trung thang (Hòa tễ cục phương) hoặc gia Nhục quế gọi là bài Phụ quế lý trung hoàn.

3.     Trường hợp kiết lỵ mạn tính thuộc thể tỳ vị hư hàn dùng bài thuốc gia Hương liên hoàn để lý khí hóa trệ.

4.     Trường hợp viêm ruột mạn tính, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng, thuộc thể tỳ vị hư hàn có thể dùng bài thuốc này gia giảm.

5.     Trường hợp bệnh lóet dạ dày tá tràng, phân có máu và phụ nữ xuất huyết tử cung cơ năng thuộc thể tỳ vị hư hàn dùng bài thuốc này gia A giao, Ngãi diệp, Địa du, Hoa hòe để tăng thêm tác dụng chỉ huyết.

6.     Trường hợp chứng tỳ vị hư hàn do sán lãi đau bụng hoặc nôn ra lãi đũa dùng bài thuốc gia thêm Hồ tiêu, Ô mai, Phục linh bỏ Cam thảo gọi là bài Lý trung an hồi thang (Vạn bệnh hồi xuân).

7.     Trường hợp tỳ vị dương hư, tỳ vị kém vận hóa sinh ra đàm thấp ảnh hưởng đến phế gây ho đờm nhiều, loãng hoặc nôn ra nước trong, có thể gia Chế bán hạ, Bạch linh để táo thấp hóa đờm gọi là bài Lý trung hóa đàm hoàn thêm Tô tử có tác dụng giáng khí, định suyễn gọi là bài Lý trung giáng đàm hoàn dùng trị đàm suyễn.

8.     Trường hợp ợ hơi do hư hàn gia thêm Đinh hương, Bạch khấu nhân gọi là bài Đinh khấu lý trung hoàn.

 Phụ phương

QUẾ CHI NHÂN SÂM THANG

(Thương hàn luận)

tức là bài Lý trung thang gia Quế chi.

Tác dụng: ôn trung và giải biểu, tán hàn.

Dùng chữa các chứng tỳ vị hư hàn có kiêm ngoại cảm phong hàn.

 

HẬU PHÁC ÔN TRUNG THANG

(Nội ngoại thương biện hoặc luận)

Gồm có các vị: Khương chế, Hậu phác, Trần bì, Chích Cam thảo, Phục linh, Thảo đậu khấu, Mộc hương, Can khương.

Thuốc dùng dạng bột hoặc sắc nước uống.

Tác dụng: ôn trung, hành khí, táo thấp, trừ mãn.

Chủ trị: các chứng tỳ vị hàn thấp, bụng đầy đau. 

NGÔ THÙ DU THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Ngô thù du 8 – 12g

Gừng 16 – 24g

Đảng sâm 12 – 16g

Đại táo 4 quả

Cách dùng: sắc nước uống chia 3 lần trong ngày.

Tác dụng: ấm can vị, giáng nghịch, chỉ ẩu.

Giải thích:

Ngô thù du có tác dụng làm ấm can vị tán hàn, giáng trọc là chủ dược.

Sinh khương: ấm vị, chỉ ẩu.

Đảng sâm, Đại táo bổ tỳ khí, tính ngọt làm bớt cay táo của Can khương và Ngô thù du.

Ứng dụng lâm sàng:

1.     Trường hợp viêm dạ dày mạn tính thuộc chứng hư hàn kiêm thủy ẩm (có tiếng óc ách trong bụng), chứng đau đầu cơ năng, hội chứng rối loạn tiền đình thuộc can vị hư hàn dùng bài này có kết quả.

2.     Trường hợp đau bụng do hư hàn kèm nôn hoặc chứng nôn nặng ở người phụ nữ có thai thuốc tỳ vị hư hàn dùng bài này gia thêm Bán hạ chế, Sa nhân, Trần bì có tác dụng giáng nghịch chỉ ẩu, trường hợp bụng đau, mồm đắng gia Bạch thược để hòa can.

TIỂU KIẾN TRUNG THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Bạch thược 12 – 16g

Chích thảo 3 – 6g

Quế chi 6 – 8g

Sinh khương 8 – 12g

Đường phèn 20 – 40g

Đại táo 4 quả

Cách dùng: sắc nước bỏ bã, cho đường phèn vào uống nóng.

Tác dụng: ôn trung, bổ hư, chỉ thống.

Giải thích bài thuốc:

Đường phèn có tác dụng bổ trung, Quế chi ôn trung tán hàn.

Hai vị hợp lại có tác dụng ôn trung bổ hư tán hàn là chủ dược.

Bạch thược: hòa can, liễm âm.

Cam thảo: điều trung, ích khí.

Sinh khương, Đại táo điều hòa vinh vệ.

Các vị thuốc hợp lại có tác dụng là cho cơ thể âm dương vinh vệ, điều hòa chức năng tỳ vị được hồi phục, khí huyết đầy đủ.

Ứng dụng lâm sàng

Bài thuốc có tính vị ngọt ấm dùng trị các chứng hư lao thuộc về âm dương đều hư, dương hư nặng hơn.

1.     Nếu chứng khí hư nặng như ra mồ hôi, khó thở, người mệt mỏi, gia Hoàng kỳ gọi là Hoàng kỳ gọi là bài HOÀNG KỲ KIẾN TRUNG THANG (Kim quỹ yếu lược) .

2.     Phụ nữ sau đẻ hư nhược, bụng đau, khí kém hoặc bụng dưới đau, không muốn ăn dùng bài thuốc gia thêm Đương quy gọi là bài ĐƯƠNG QUY KIẾN TRUNG THANG (Thiên kim dược phương).

3.     Bài thuốc này gia giảm điều trị các chứng viêm loét hành tá tràng, suy nhược thần kinh có kết quả nhất định. Trường hợp sốt do rối loạn cơ năng, âm dương mất điều hòa sinh hư nhiệt trong bệnh đa bạch cầu, khí huyết đều hư, sốt kéo dài, bài thuốc này có tác dụng “Cam ôn trừ nhiệt”.

Phụ phương

ĐẠI KIẾN TRUNG THANG

(Kim quỹ yếu lược)

Thành phần:

          Xuyên tiêu

          Can khương

          Nhân sâm

          Đường phèn.

Sắc nước bỏ bã, gia đường phèn uống nóng.

Tác dụng ôn trung bổ hư, giáng nghịch, chỉ thống.

Chủ trị các chứng trung tiêu hư hàn, bụng đau, nôn, không thích ăn, có lãi đũa, có hiệu quả tốt.

 

HỒI DƯƠNG CỨU NGHỊCH

Bài thuốc Hồi dương cứu nghịch dùng chữa các chứng dương khí suy yếu, nội hàn thịnh, có các triệu chứng chân tay quyết lạnh, tiêu lỏng nước trong, lưỡi nhạt rêu trắng nhuận, mạch trầm vi hoặc trì nhược.

Bài thuốc có tác dụng ôn thận trừ hàn, ích khí cố thóat để hồi dương cứu nghịch.

Các vị thuốc như Phụ tử, Can khương, Nhục quế phối hợp với Nhân sâm, Chích thảo.

Những bài thuốc thường dùng có:

Tứ nghịch thang

Sâm phụ thang

Ôn dương lợi thủy thang

Hắc tích tán (đơn) …

TỨ NGHỊCH THANG
(Thương hàn luận)

 

Thành phần:

Thục Phụ tử 10 – 20g

Chích thảo 4 – 8g

Can khương 8 – 12g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Hồi dương cứu nghịch.

        Giải thích bài thuốc:

Thục Phụ tử tính vị cay, đại nhiệt, ôn phát dương phát dương khí, khu tán hàn tà là chủ dược.

Can khương ôn trung tán hàn hợp với Phụ tử gia tăng tác dụng hồi dương.

Chích thảo ôn dưỡng dương khí làm giảm bớt tính cay nóng của Khương, Phụ.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc trị các chứng bệnh ở Thiếu âm dương khí suy kiệt âm hàn nội thịnh sinh ra chân tay quyết lạnh, nằm co sợ lạnh, tinh thần mỏi mệt thích nằm hoặc đại tiện lỏng nước trong, bụng đau lạnh, miệng nhạt không khát, lưỡi tái rêu trắng, mạch trầm vi khó bắt hoặc do chứng dùng thuốc phát hãn quá mạnh gây nên chứng vong dương, bệnh tùy nặng nhẹ mà sử dụng bài thuốc có gia giảm.

1.     Trường hợp chân tay quyết lạnh do chứng tiêu chảy nặng do mất nước âm dịch suy vong nên dùng bài thuốc gia thêm Nhân sâm gọi là bài TỨ NGHỊCH NHÂN SÂM THANG để hồi dương cứu âm.

2.     Trường hợp bệnh Thiếu âm tả lỵ, chân tay quyết lạnh, mạch vi khó bắt, dùng bài Tứ nghịch thang bội Can khương gọi là bài THÔNG MẠCH TỨ NGHỊCH THANG (Thương hàn luận) để ôn lý, thông dương mạnh hơn.

3.     Trường hợp bệnh thiếu âm hạ lợi, chân tay quyết nghịch, mặt đỏ, mạch vi là chứng âm hàn thịnh ở dưới, bức hư xông lên có thể dùng Tứ nghịch thang gia Thông bạch bỏ Cam thảo gọi là bài BẠCH THÔNG THANG (Thông hàn luận) để thông dương phục mạch.

4.     Trường hợp hạ lợi không cầm, mặt đỏ, nôn khan, bứt rứt chân tay, quyết nghịch, mạch không bắt được dùng Bạch thông thang gia thêm nước tiểu người, nước mật heo gọi là bài BẠCH THÔNG GIA CHƯ ĐẢM THANG (Thương hàn luận).

SÂM PHỤ THANG
(Phụ nhân lương phương)

Thành phần:

Nhân sâm 8 – 16g

Thục Phụ tử 4 – 12g

Cách dùng: Nhân sâm sắc riêng hợp với nước sắc Phụ tử, uống.

Tác dụng: Hồi dương, ích khí cố thoát.

Giải thích bài thuốc:

Nhân sâm: đại bổ nguyên khí là chủ dược.

Phụ tử: ôn tráng chân dương.

Hai vị phối hợp có tác dụng đại bổ nguyên khí, hồi dương cố thóat.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc thường dùng trong cấp cứu những trường hợp nguyên khí suy thoát, chân tay quyết lạnh, ra mồ hôi, thở yếu, mạch nhỏ khó bắt như trong trường hợp suy tim, choáng, trụy tim mạch, huyết áp hạ.

Hoặc trong trường hợp sau sanh mất máu nhiều dùng bài này để hồi dương ích khí cứu thoát.

Trường hợp bệnh nặng có thể gia tăng lượng dùng mỗi ngày, có thể uống 2 thang. 

HỒI DƯƠNG CẤP CỨU THANG
(Thương hàn lục thư)

Thành phần:

Thục phụ tử 8 – 12g

Can khương 4 – 6g

Nhục quế 4g

Nhân sâm 8g

Bạch truật 8 – 12g

Phục linh 8 – 12g

Trần bì 4 – 8g

Chích thảo 3 – 6g

Ngũ vị tử 4g

Chế bán hạ 6 – 12g

Xạ hương 3 ly (Xung phục)

Gừng 3 lát

Cách dùng: sắc uống.

Ghi chú:

1.     Trường hợp nôn, đờm rãi hoặc bụng dưới đau gia Ngô thù sao muối.

2.     Không bắt mạch được gia 1 thìa Mật heo.

3.     Tiêu lỏng không cầm gia Thăng ma, Hoàng kỳ.

4.     Nôn không cầm gia nước Gừng.

Tác dụng: của bài thuốc chủ yếu là hồi dương cứu nghịch ích khí, sinh mạch.

Chủ trị: các chứng âm hàn thịnh dương khí suy, chân tay quyết lạnh, bụng đau thổ tả, không khát, đầu ngón tay và môi tím tái, lưỡi nhợt, rêu

trắng hoạt, mạch trầm, trì vô lực, hoặc không bắt được mạch.

 

KỲ PHỤ THANG

(Ngụy thị gia tàng phương)

Tức là bài Sâm phụ thang bỏ Nhân sâm gia Hoàng kỳ.

Tác dụng: bổ khí, trợ dương, cố biểu.

Chủ trị: chứng dương hư tự hãn.

 

TRUẬT PHỤ THANG

(Y tôn kim giám)

Tức là bài Sâm phụ thang bỏ Nhân sâm gia Bạch truật.

Tác dụng: ôn tỳ dương, khu hàn, táo thấp.

Chủ trị: chứng hàn thấp làm cho cơ thể nhức mỏi. 

CHÂN VŨ THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Thục Phụ tử 8 – 12g

Phục linh 8 – 12g

Sinh khương 8 – 12g

Bạch truật 8 – 12g

Bạch thược 12 – 16g

Cách dùng: sắc nước uống, chia làm 2 – 3 lần trong ngày.

Tác dụng: Ôn dương, lợi thủy.

Giải thích bài thuốc:

Phụ tử có tác dụng ôn thận tráng dương, khu hàn là chủ dược.

Bạch linh, Bạch truật: kiện tỳ, lợi thủy.

Sinh khương: ôn tán thủy khí, tăng thêm tác dụng của Linh Truật.

Thược dược có tác dụng hòa vinh, chỉ thống, tính toan hàn, liễm âm, điều hòa được tính cay nóng của các vị thuốc trên.

Ứng dụng lâm sàng:

Trên lâm sàng bài thuốc dùng để chữa các bệnh có hội chứng tỳ thận dương hư, thủy khí đình trệ, tiểu tiện không thông, người nặng nề, tay chân phù hoặc bụng đau sợ lạnh, tiêu chảy, lưỡi nhợt rêu trắng, mạch trầm nhược hoặc trầm hoạt.

1.     Cũng có thể dùng được cho chứng tỳ thận dương hư, ngoại cảm phong hàn, người sốt sợ lạnh, váng đầu, tim hồi hộp, dùng phép hãn không kết quả.

2.     Trường hợp ho gia Ngũ vị tử, liễm phế khí gia Tế tân, để tán hàn gia Can khương để ôn phế.

3.     Bài thuốc gia giảm trên lâm sàng thường dùng để chữa các chứng thận hư nhiễm mỡ, viêm cầu thận mạn, phù do suy tim, viêm đại tràng mạn tính, lao ruột có hội chứng tỳ thận dương hư. 

PHỤ TỬ THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Thục Phụ tử 8 – 12g

Bạch linh 8 – 12g

Đảng sâm 8 – 16g

Bạch truật 8 – 16g

Bạch thược 8 – 12g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Ôn trung trợ dương, khu hàn hóa thấp.

Chủ trị: Chứng dương hư hàn thấp, các khớp đau nhức, chân tay lạnh, rêu lưỡi trắng hoạt, mạch trầm vi vô lực.

 

ÔN KINH TÁN HÀN

Những bài thuốc Ôn kinh tán hàn dùng để trị các chứng dương hư, hàn tà xâm phạm kinh mạch, gây nên các chứng tê thấp, bụng đau, âm thư do dương khí kém, kinh mạch cảm thụ hàn tà, huyết dịch ngưng trệ làm cho chân tay quyết lạnh tê đau hoặc gây nên âm thư.

Những bài thuốc thường dùng có:

Đương quy tứ nghịch thang

Hoàng kỳ Quế chi ngũ vật thang

Dương hòa thang. 

ĐƯƠNG QUY TỨ NGHỊCH THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Đương qui 8 – 12g

Bạch thược 8 – 12g

Quế chi 8 – 12g

Mộc thông 6 – 8g

Tế tân 4 – 8g

Chích Cam thảo 4 – 8g

Đại táo 3 quả

Cách dùng: sắc nước uống, ngày 3 lần.

Tác dụng: Ôn kinh, tán hàn, dưỡng huyết, thông mạch.

Giải thích bài thuốc:

Đương qui, Thược dược có tác dụng điều dưỡng can huyết là chủ dược.

Quế chi, Tế tân: ôn kinh tán hàn.

Chích thảo, Đại táo có tác dụng bổ trung kiện tỳ ích khí sinh huyết.

Mộc thông hợp với các vị thuốc để thông huyết mạch.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc dùng trị các bệnh chứng huyết hư, hàn tà xâm nhập kinh lạc gây nên chứng tý thống, phụ nữ kinh nguyệt không đều có các chứng đau kinh do huyết hư hàn.

1.     Bài thuốc dùng để chữa chứng sa ruột, đau bụng dưới, chân lạnh, mạch trầm huyền, có thể gia thêm các vị Ô dược, Tiểu hồi, Lương khương, Mộc hương để ấm tỳ, dưỡng huyết, ôn kinh, tán hàn.

2.     Trường hợp viêm dạ dày thể hư hàn có nôn, đau bụng, có thể dùng bài thuốc gia thêm Ngô thù du, Sinh khương, gọi là bài ĐƯƠNG QUY TỨ NGHỊCH gia NGÔ THÙ DU, SINH KHƯƠNG THANG (Thương hàn luận) có tác dụng ôn trung, giáng nghịch. 

HOÀNG KỲ QUẾ CHI NGŨ VẬT THANG
(Kim quỹ yếu lược)

         Thành phần:

Hoàng kỳ 12 – 16g

Quế chi 8 – 12g

Bạch thược 12 – 16g

Sinh khương 12 – 16g

Đại táo 3 – 5quả

Cách dùng: sắc nước uống, chia 3 lần trong ngày.

Tác dụng: Ích khí, ôn trung, hòa vinh, thông tý.

Giải thích bài thuốc:

Hoàng kỳ có tác dụng ích khí, cố biểu là chủ dược.

Quế chi: ôn kinh thông dương giúp Hoàng kỳ đạt biểu mà vận hành khí.

Thược dược: dưỡng huyết hòa vinh.

Sinh khương: ôn kinh tán hàn ở biểu.

Khương, Táo cùng dùng để điều hòa vinh vệ.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc dùng chữa chứng Huyết tý thường có triệu chứng da tê rần, mạch vi hoặc sáp, khẩn.

1.     Trường hợp huyết tý chứng lâu ngày gân co rút, tê dại nặng gia Địa long, Toàn yết, Bạch cương tằm để thông lạc trừ phong. Trường hợp huyết tý kèm theo huyết ứ, đau nhiều gia Đào nhân, Hồng hoa, Đơn sâm để hoạt huyết tiêu ứ.

2.     Trường hợp di chứng trúng phong, tay chân liệt, cảm giác tê dại có thể dùng bài này để trị. Trường hợp huyết hư gia Đương quy, Hà thủ ô để bổ huyết.

Nếu khí hư gia lượng Hoàng kỳ thêm Đảng sâm để bổ khí. Nếu gân cơ teo yếu gia Mộc qua, Đỗ trọng, Ngưu tất.

Nếu Dương hư gia Phụ tử. 

QUẾ CHI PHỤ TỬ THANG
(Kim quỹ yếu lược)

Thành phần:

Quế chi 8 – 16g

Phụ tư chế 8 – 12g

Sinh khương 8 – 12g

Chích thảo 4 – 8g

Đại táo 2 – 5 quả

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: thông dương, trục thấp.

Chủ trị: chứng phong hàn thấp, cơ thể đau khó chuyển động, không nôn, không khát, mạch hư sáp. 

DƯƠNG HÒA THANG
(Ngoại khoa toàn sinh tập)

Thành phần:

Thục địa 20 – 40g

Lộc giác giao 12 – 16g

Bạch giới tử 6 – 8g

Bào khương 2g

Cam thảo 4g

Nhục quế 4 – 6g

Ma hoàng 2g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: ôn dương, bổ huyết, tán hàn, thông mạch.

Giải thích bài thuốc:

Thục địa dùng lượng cao, đại bổ âm huyết là chủ dược.

Lộc giác giao hợp với Thục địa sinh tinh bổ huyết, phối hợp với Nhục quế, Bào khương ôn dương tán hàn thông huyết mạch.

Bạch giới tử hợp với Khương quế có tác dụng tán hàn, ngưng hóa đờm trệ và giảm bớt tính nê trệ củaThục địa, Lộc giác giao.

Cam thảo: giải độc, điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc này dùng để trị các chứng âm thư, lưu chú, hạc tất phong thuộc chứng âm hàn.

1.     Trường hợp khí hư gia thêm các vị thuốc bổ khí như Đảng sâm, Hoàng kỳ mới có hiệu quả tốt. Không dùng trong trường hợp chứng nhọt lở, sưng đau đỏ hoặc âm hư có nội nhiệt hoặc chứng âm thư đã lỡ lóet.

2.     Trên lâm sàng có nhiều báo cáo dùng bài thuốc này chữa các chứng lao xương, lao màng bụng, lao hạch, viêm tắc động mạch, áp xe sâu kéo dài có hội chứng hư hàn, thường có phối hợp thuốc gia giảm.