yduoctuetinh.net – Hàng năm, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vẫn ghi nhận rải rác liên tục các ca ngộ độc rượu methanol, đặc biệt vào những đợt cao điểm như mùa đông, cuối năm, dịp lễ tết… Gần đây, bệnh nhân P.V.T (nam, 39 tuổi) được đưa vào Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do tăng huyết áp, nhìn mờ.
Qua khai thác tiền sử được biết: Cách vào viện 4 ngày, bệnh nhân về quê có uống rượu tại đám cưới ở nhà họ hàng. Sau đó, bệnh nhân di chuyển về Hà Nội và tiếp tục uống rượu.
Ngày hôm sau, bệnh nhân thấy buồn nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng. Đến ngày thứ 4, xuất hiện nhìn mờ cả 2 mắt, đi khám tại phòng khám có tình trạng mắt phải mờ hơn mắt trái, mắt phải mất thị trường màu đỏ và màu xanh lá cây, mạch nhanh, tăng huyết áp.
Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ nhanh chóng nhận thấy tình trạng bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc rượu methanol, đã làm xét nghiệm độc chất (gửi Bệnh viện Bạch Mai). Ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm độc chất, dựa vào triệu chứng lâm sàng cùng với tình trạng toan chuyển hóa nặng (pH 7,2) bệnh nhân đã được truyền natribi carbonat, tiến hành lọc máu IHD, truyền acid folinic.
Xét nghiệm trước lọc máu có nồng độ methanol là 36 mg/dl. Ngay sau 1 lần lọc máu tình trạng bệnh nhân ổn định, hết tình trạng toan chuyển hóa.
Bệnh nhân được chụp sọ mạch thấy có tổn thương hoại tử nhân bèo, trên soi đáy mắt có mờ bờ gai thị mắt phải, tuy nhiên, thị lực bệnh nhân có cải thiện. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, được ra viện, hẹn tái khám lại chuyên khoa mắt.
Theo các bác sĩ, methanol là một loại cồn công nghiệp – sản phẩm cuối của nhiều quy trình sản xuất, từ hiện tượng tự chuyển hóa của nhiều loại quả (số lượng ít), từ phân hủy rác. Methanol có nhiều cộng dụng khác nhau (làm sơn, lau chùi véc ni, dung môi…), nhưng không uống được.
Bản thân methanol không độc nhưng các chất chuyển hóa của nó rất độc. Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa (nồng độ đỉnh đạt được sau 30 – 90 phút), có thể hấp thu qua da và đường hô hấp. Phần lớn được chuyển hóa qua gan nhưng chậm hơn so với ethanol và ethylen glycol, giải thích cho hiện tượng nhiễm độc xuất hiện chậm.
Ngộ độc methanol có thể để lại một số di chứng về thị lực và thần kinh trung ương nếu như phát hiện bệnh muộn hoặc nồng độ trong huyết tương quá lớn.
BTV-KD
(Theo VTV News)