Logo

Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh an toàn và hiệu quả

Lượt xem: 322 Ngày đăng: 08/05/2020

Sử dụng kháng sinh một cách an toàn, hiệu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế việc đề kháng kháng sinh đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam cũng như các nước trên giới.

1. Thuốc kháng sinh là gì? 

Kháng sinh là những chất được chiết xuất từ các vi sinh vật, nấm, được tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu. Nó tác dụng lên vi khuẩn ở cấp độ phân tử. Kháng sinh thường tác động lên một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình phát triển của vi khuẩn.

2. Phân loại kháng sinh

Phân loại căn cứ vào tác dụng điều trị

  • Kháng sinh kháng khuẩn
  • Kháng sinh trị nấm
  • Kháng sinh chống ung thư

Kháng sinh kháng khuẩn được sử dụng rộng rãi với số lượng rất nhiều so với các nhóm kháng sinh khác.

Phân loại kháng sinh kháng khuẩn theo cơ chế tác dụng:

  • Ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn.
  • Làm rối loạn chức năng màng bào tương.
  • Ức chế quá trình tổng hợp protein.
  • Ức chế quá trình tổng hợp acid nucleic.

3. Nguyên tắc sử dụng kháng sinh

3.1. Chỉ được dùng kháng sinh khi mắc các bệnh do vi khuẩn gây ra 

  • Các bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm và kết quả thăm khám để quyết định có cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh hay không.
  • Không dùng kháng sinh cho những bệnh do virus gây ra như cúm, sởi… hoặc do cơ thể suy nhược, thiếu máu, dị ứng, bướu cổ…

3.2. Lựa chọn đúng kháng sinh và liều lượng

Lựa chọn kháng sinh phụ thuộc vào hai yếu tố: người bệnh và vi khuẩn gây bệnh.

Về người bệnh: cần xem xét các yếu tố liên quan như sau: lứa tuổi, tiền sử dị ứng, chức năng gan – thận, tình trạng suy giảm miễn dịch… Đặc biệt, cần lưu ý tới phụ nữ có thai, đang cho con bú để cân nhắc lợi ích/nguy cơ khi sử dụng kháng sinh.

Lựa chọn đúng kháng sinh và liều lượng

Về vi khuẩn: loại vi khuẩn, vị trí nhiễm khuẩn và độ nhạy với kháng sinh của vi khuẩn.

Liều dùng của kháng sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:

  • tuổi người bệnh
  • cân nặng
  • chức năng gan – thận
  • mức độ nặng của bệnh

Do đặc điểm khác nhau về dược động học, liều lượng thuốc kháng sinh dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già sẽ khác nhau và có hướng dẫn riêng.

Với những kháng sinh có độc tính cao, phạm vi điều trị hẹp (aminoglycoside, polypeptide), phải đảm bảo nồng độ thuốc trong máu theo khuyến cáo để tránh độc tính, phải luôn giám sát nồng độ thuốc trong máu.

Sử dụng kháng sinh điều trị dựa theo kinh nghiệm

Sử dụng kháng sinh điều trị dựa theo kinh nghiệm theo kinh nghiệm cho các trường hợp bệnh nhân nặng. Nếu không nhanh chóng, bệnh nhân có thể tử vong.

Việc lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm sẽ dựa vào 2 yếu tố là vị trí nhiễm khuẩn và tiền sử bệnh. Các kháng sinh phổ rộng sẽ được bác sĩ chỉ định trong trường hợp chưa rõ loại vi khuẩn gây bệnh hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm nhiều loại vi khuẩn cùng lúc.

Nếu không có bằng chứng về vi khuẩn sau 48 giờ điều trị, cần phải đánh giá lại lâm sàng trước khi quyết định tiếp tục sử dụng kháng sinh.

Lựa chọn kháng sinh dựa vào độ nhạy cảm của vi khuẩn

Kết quả xét nghiệm về vi khuẩn học và kết quả kháng sinh đồ sẽ định hướng cho việc lựa chọn kháng phù hợp, có hiệu quả điều trị.

3.3. Lựa chọn đường đưa thuốc

Căn cứ vào vị trí nhiễm khuẩn và mức độ nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh ở dạng tiêm hay dạng uống.

Kháng sinh đường uống thường được sử dụng cho các nhiễm khuẩn nhẹ, có thể điều trị ngoại trú. Do có ưu thế về kinh tế, kháng sinh đường uống cũng được cân nhắc sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn nặng.

Đối với bệnh nhân nhập viện, ban đầu cần sử dụng kháng sinh đường tiêm, sau đó nên chuyển qua đường uống nếu có thể

Đối với bệnh nhân nhập viện, ban đầu cần sử dụng kháng sinh đường tiêm, sau đó nên chuyển qua đường uống nếu có thể

Đối với bệnh nhân nhập viện, ban đầu cần sử dụng kháng sinh đường tiêm, sau đó nên chuyển qua đường uống nếu có thể. Tuy nhiên, với các kháng sinh như Amyloglycoside, Vancomycine, Amphotericin B gần như không hấp thu qua đường tiêu hóa, vì vậy cần dùng đường tĩnh mạch để đạt hiệu quả điều trị. Ngoài ra, kháng sinh đường tiêm còn được chỉ định trong trường hợp như: cần nồng độ kháng sinh trong máu cao như trường hợp viêm màng não, màng trong tim, xương khớp nặng…

Hạn chế sử dụng kháng sinh tại chỗ. Việc sử dụng kháng sinh tại chỗ có thể gây dị ứng hoặc hiện tượng kháng kháng sinh. Chỉ nên dùng kháng sinh tại chỗ trong trường hợp nhiễm khuẩn ở mắt.  Nên dùng thuốc sát khuẩn đối với những nhiễm khuẩn ngoài da.

3.4. Lựa chọn thời gian dùng kháng sinh

Độ dài điều trị phụ thuộc vào tình trạng nhiễm khuẫn, vị trí nhiễm khuẩn và sức đề kháng của người bệnh. Các trường hợp nhiễm khuẩn thông thường, dùng kháng sinh từ 7-10 ngày.

Với các trường hợp nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn ở các tổ chức mà kháng sinh khó thâm nhập (viêm màng não, viêm màng trong tim…), bệnh lao thì thời gian dùng kháng sinh dài hơn, trong nhiều tháng. Hạn chế điều trị kéo dài để tránh sự kháng thuốc, tăng tỷ lệ xuất hiện tác dụng không mong muốn.

3.5. Số lần dùng thuốc

Việc chia liều kháng sinh dùng trong ngày dựa trên dược lực học và dược động học của thuốc. Ba đặc tính quan trọng để quyết định việc chia liều kháng sinh:

  • tác dụng diệt khuẩn của kháng sinh phụ thuộc nồng độ (amyloglycoside, Daptomycine)
  • thời gian (glycopeptide, macrolide, clindamycine, linezonid)
  • thuốc có tác dụng hậu kháng sinh PAE (Aminoglycoside, Fluroquinolone)

3.6. Sử dụng kháng sinh dự phòng hợp lý

Chỉ nên dùng kháng sinh dự phòng khi:

  • Phòng bội nhiễm do can thiệp thủ thuật, phẫu thuật nha khoa
  • Trong vùng có dịch bệnh

Sử dụng kháng sinh dự phòng bừa bãi có thể dẫn tới bội nhiễm và kháng thuốc, do đó chỉ sử dụng hạn chế trong các trường hợp lợi ích đem lại vượt trội hơn so với nguy cơ.

3.7. Phối hợp kháng sinh khi thật cần thiết

  • Nhiễm khuẩn thông thường, nên sử dụng kháng sinh đặc hiệu cho loại vi khuẩn đang nhiễm.
  • Tuy nhiên, phối hợp kháng sinh cần thiết cho một số ít trường hợp như điều trị lao, phòng, viêm màng trong tim, Brucellosis. Ngoài ra, có thể phối hợp kháng sinh cho những trường hợp như: bệnh nặng mà không chuẩn đoán được vi sinh hoặc không chờ được kết quả xét nghiệm, người suy giảm sức đề kháng, nhiễm nhiều loại vi khuẩn khác nhau.

4. Tác dụng không mong muốn và độc tính khi sử dụng kháng sinh

Tất cả các kháng sinh đều có thể gây ra tác dụng không mong muốn, do đó cần cân nhắc nguy cơ/lợi tích trước khi quyết định sử dụng. Nếu lạm dụng kháng sinh sẽ gây ra các vấn đề  nghiêm trọng về sức khỏe.

Dị ứng kháng sinh

Dị ứng kháng sinh (Ảnh: Internet)

Phản ứng quá mẫn, dị ứng với kháng sinh hoặc chất chuyển hóa của nó xảy ra khá thường xuyên. Ví dụ: Penicillin khá an toàn, nhưng có thể gây ra phản ứng quá mẫn nghiệm trọng, từ nổi mần đay tới sốc phản vệ.

Gây độc trên các tế bào cơ thể

Nồng độ kháng sinh cao có thể gây độc trực tiếp lên tế bào cơ thể. Ví dụ: Vancomycine gây độc tính trên thận và tai.

Suy giảm chức năng gan – thận

Gan và thận là 2 cơ quan chính thải trừ thuốc, do đó sự suy giảm chức năng 2 cơ quan này dẫn tới giảm khả năng thải trừ kháng sinh, kéo dài thời gian lưu thuốc trong cơ thể, làm tăng nồng độ dẫn tới tăng độc tính. Do đó, thận trọng khi kê đơn kháng sinh cho người cao tuổi, người suy giảm chức năng gan – thận. Cần hiệu chỉnh liều lượng và khoảng cách dùng thuốc ở những bệnh nhân suy giảm chức năng gan – thận.