Logo

Hướng dẫn sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai an toàn nhất

Lượt xem: 357 Ngày đăng: 09/05/2020

Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng thuốc cho các chị em phụ nữ đang mang thai để không gây ảnh hưởng đến thai nhi

1. Ảnh hưởng của thuốc đối với thai nhi

Khi người mẹ mang thai dùng thuốc, hầu hết các thuốc đều qua được nhau thai ở mức độ khác nhau và xâm nhập vào vòng tuần hoàn của thai nhi.

Tác dụng có hại của thuốc đối với thai nhi khi dùng cho người mẹ phụ thuộc vào các yếu tố như: Bản chất và cơ chế gây tác dụng có hại của thuốc; liều lượng và thời gian dùng thuốc của người mẹ; khả năng vận chuyển thuốc từ mẹ vào thai nhi; khả năng thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể mẹ và thai nhi; đặc điểm di truyền của thai nhi và giai đoạn phát triển của thai khi người mẹ dùng thuốc. Ảnh hưởng của thuốc lên thai nhi tùy thuộc thời điểm dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.

1.1. Thời điểm dùng thuốc trong thai kỳ và ảnh hưởng của thuốc

Kể từ lúc trứng được thụ tinh, thai kỳ sẽ kéo dài trong 38 tuần, và được chia ra làm 3 giai đoạn: Tiền phôi, phôi và thai.

  • Thời kỳ tiền phôi (hay pha phân đoạn)

Kéo dài 17 ngày sau khi trứng được thụ tinh, thường không nhạy cảm với các yếu tố có hại vì các tế bào chưa bắt đầu biệt hóa. Độc tính của thuốc đối với thai nhi tuân theo quy luật “tất cả hoặc không có gi”, tức là phôi bào chết hoặc tiếp tục phát triển hoàn toàn bình thường. Chính vì vậy các bất thường về hình thái của thai hiếm khi xảy ra trừ trường hợp thời gian bán thải của thuốc kéo dài và thuốc còn tiếp tục ảnh hưởng tới thời kỳ phôi.

  • Thời kỳ phôi

Từ ngày thứ 18 đến ngày thứ 56, hầu hết các cơ quan của cơ thể được hình thành trong thời kỳ này. Sự tạo hình xảy ra rất nhanh, các tế bào đang nhân lên rất mạnh, nên độ nhạy cảm với độc tính của thuốc là lớn nhất.

Dùng thuốc trong giai đoạn này có thể gây ra những bất thường nặng nề về hình thái cho đứa trẻ. Mỗi cơ quan có một giai đoạn nhất định nhạy cảm nhất với độc tính của thuốc.

Cơ quan Thời kỳ nhạy cảm cao (tuần tuổi của phôi) Thời kỳ ít nhạy cảm hơn (tuần tuổi của thai)
TKTƯ 3 – 5 6 – lúc sinh
Tim 3 – 6 6 – 8
Tay 4 – 7 8
Chân 4 – 7 8
Mắt 4 – 8 8 – lúc sinh
Răng 6 – 8 9 – 16
Vòm miệng 6 – 9 9 – 12
Tai 4 – 10 10 – 17
Bộ phận sinh dục ngoài 7 – 12 12 – lúc sinh
  • Thời kỳ thai

Từ tuần 8 – 9 trở đi, kéo dài tới lúc sinh. Trong thời kỳ này, các bộ phận trong cơ thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Thai ít nhạy cảm hơn với các chất độc. Các chất có hại cho thai nhi thường chỉ làm giảm tính hoàn thiện về cấu trúc và chức năng của các cơ quan. Các bộ phận của cơ thể thai nhi còn nguy cơ cao là hệ thần kinh trung ương, mắt, răng, tai và bộ phận sinh dục ngoài.

1.2. Ảnh hưởng của thuốc dùng cho phụ nữ có thai đối với trẻ sau khi sinh

Trẻ sơ sinh có thể phải chịu tác dụng bất lợi của thuốc dùng cho người mẹ khi mang thai. Do khả năng thải trừ thuốc của trẻ sơ sinh rất kém, một số thuốc có thể bị tích lũy đáng kể và gây độc cho trẻ. Vì vậy Dược sĩ lưu ý phải đặc biệt chú ý tới một số thuốc khi dùng cho phụ nữ có thai gần ngày sinh.

2. Phân loại mức độ an toàn của thuốc đối với phụ nữ có thai

 

Loại A

Các nghiên cứu có kiểm soát cho thấy không có nguy cơ đối với bào thai.

Các nghiên cứu có kiểm soát với số lượng đủ lớn trên phụ nữ có thai chứng minh là không làm tăng nguy cơ thai bất thường khi dùng cho người mẹ mang thai tại bất cứ thời điểm nào của thai kỳ.

Loại B

Không có bằng chứng về nguy cơ đối với bào thai người. Thuốc có nguy cơ gây tác hại cho bào thai trên động vật nhưng các nghiên cứu có kiểm soát và đủ lớn không chứng minh được nguy cơ khi dùng trên người; hoặc thuốc không có nguy cơ trên động vật nhưng chưa đủ nghiên cứu tin cậy để chứng minh an toàn cho người.

Loại C

Có nguy cơ cho bào thai. Nghiên cứu trên người chưa đủ nhưng nghiên cứu trên động vật chứng minh có nguy cơ gây tổn hại hoặc khuyết tật cho bào thai; hoặc chưa có nghiên cứu trên động vật và nghiên cứu trên người.

Loại D

Chắc chắn có nguy cơ cho bào thai. Các dữ liệu nghiên cứu hoặc dữ liệu sau khi thuốc đã được lưu hành trên thị trường cho thấy thuốc có nguy cơ gây tác hại cho bào thai, tuy nhiên lợi ích điều trị vượt trội nguy cơ rủi ro.

Thuốc được chấp nhận để điều trị trong những trường hợp bệnh nặng đe dọa tính mạng người mẹ và không thể tìm được thuốc thay thế an toàn hơn.

Loại X

Chống chỉ định cho phụ nữ có thai. Tất cả mọi nghiên cứu trên động vật, trên người, các dữ liệu thu thập sau khi thuốc lưu hành trên thị trường đều khẳng định tác hại cho bào thai của thuốc và lợi ích điều trị không vượt trội nguy cơ rủi ro.

Ví dụ: Cùng một nhóm thuốc trị loét dạ dày tá tràng nhưng các antacid được xếp loại A, cimetidin, famotidin được xếp loại B, pantoprazol được xếp loại C,  còn misoprostol được xếp loại X.

3. Nguyên tắc trong sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai

 

– Hạn chế tối đa dùng thuốc, nên lựa chọn các phương pháp điều trị không dùng thuốc.

Tránh không dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ.

– Dùng thuốc với liều thấp nhất có hiệu quả, thời gian ngắn nhất.

– Lựa chọn thuốc đã được chứng minh là an toàn, tránh dùng những thuốc chưa được sử dụng rộng rãi cho phụ nữ có thai.