Logo

Nguy cơ mắc bệnh gout do uống nhiều trà sữa trân châu

Lượt xem: 194 Ngày đăng: 12/07/2021

Trà sữa trân châu chứa nhiều đường và calo, do đó, những tín đồ của loại đồ uống này cần đề phòng nguy cơ mắc bệnh gout.

Tiến sĩ Victor Seah, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Parkway East, Singapore, cho biết: “Tôi thấy trung bình bốn hoặc năm người bị bệnh gout đến khám mỗi tháng”. Những bệnh nhân này đều uống trà sữa trân châu thường xuyên.

Bệnh gout là tình trạng đau đớn dữ dội tại các khớp. Nguyên nhân của bệnh là do nồng độ axit uric trong máu tăng cao.

Thông thường, axit uric được thận lọc và thải ra ngoài dưới dạng nước tiểu. Nhưng khi nồng độ quá cao, axit uric có thể tích tụ và hình thành các tinh thể hình cây kim ở các khớp, đặc biệt là ngón chân cái, gây viêm và đau đớn.

Triệu chứng thường bắt đầu với cảm giác ngứa ran, nhanh chóng tiến triển thành cơn đau dữ dội. Tiến sĩ Seah cho biết: “Một số bệnh nhân mô tả cảm giác như bị nhiều mũi kim chọc vào. Người bệnh đau thường xuyên, ngay cả khi nghỉ ngơi”.

“Bệnh gout thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái, đôi khi là mắt cá chân, đầu gối, thậm chí cả cổ tay và khuỷu tay”, ông nói thêm.

Các triệu chứng khác bao gồm nóng, sưng và đau tại một số khớp. Khớp ngón chân cái, đầu gối hoặc mắt cá chân thường bị ảnh hưởng nhất. Cơn đau khởi phát đột ngột, thường về đêm. Người bệnh có thể bị sốt.

Theo ông Seah, bệnh gout nếu không được kiểm soát có thể gây biến dạng khớp, tổn thương sụn, viêm khớp, đau mãn tính và cứng khớp. Ngoài ra, các tinh thể axit uric có thể đọng trong da và các mô mềm, gây ra các cục u đau đớn, vết lở loét có nguy cơ nhiễm trùng và làm hỏng da.

“Bệnh gout không được kiểm soát cũng có thể gây ra sỏi thận. Trong trường hợp nặng có thể gây suy thận”, ông Seah nói.

Ảnh: Timeout

Ảnh: Timeout

Thực phẩm và đồ uống có thể là tác nhân gây bệnh gout vì chúng chứa glutamate. Theo chuyên gia dinh dưỡng Jaclyn Reutens, đồng thời là người sáng lập Trung tâm tư vấn dinh dưỡng và thể thao Aptima, glutamate khi được tiêu hóa sẽ hình thành purin, sau đó bị phá vỡ, trở thành axit uric.

Đường fructose (gây hại cho sức khỏe) có trong trân châu, đường, siro, mật ong, hương liệu trái cây, trái cây tươi và nước ép trái cây cũng có thể làm tăng mức purine trong cơ thể.

“Ước tính, một cốc trà sữa trân châu cỡ vừa đến lớn chứa từ 15g đến 42g đường sucrose, trong đó có tới 7,5g đến 21g đường fructose”, theo Reutens.

Hậu quả của bệnh có thể rất nặng nề, như trường hợp một thanh niên 18 tuổi yêu thích trà sữa đến từ Quảng Đông, Trung Quốc. Lượng tinh thể axit uric trong ngón tay và bàn chân của người này nhiều đến mức các bộ phận gần như “hóa đá”.

Bệnh nhân không thể đi lại hoặc sử dụng tay do những cơn đau và tình trạng viêm khớp nghiêm trọng, theo bác sĩ chuyên khoa thấp khớp Zheng Shaoling của Bệnh viện Quảng Đông Số 2. Cậu thiếu niên được xuất viện khoảng một tuần sau đó. Song, thật khó tin rằng tất cả rắc rối đó bắt nguồn từ việc uống ít nhất một cốc trà sữa mỗi ngày.

Tuy nhiên, tác động của thực phẩm đến mỗi người không giống nhau. Do đó, nguy cơ mắc bệnh gout cũng khác nhau, ông Seah giải thích.

Một yếu tố khác cần lưu ý là lượng nước. Bà Reutens khuyến cáo: “Uống nhiều nước có thể làm loãng các tinh thể axit uric, giúp việc đào thải dễ dàng hơn. Bạn nên uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày. Nếu uống trà sữa, hãy uống thêm hai cốc nước”.

Ông Seah nói: “Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc bệnh gout, hãy ngừng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có nhiều purin. Uống nhiều nước để tăng đào thải axit uric. Chườm đá vùng khớp bị sưng để giảm sưng, đau”.

Theo ông, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc chống viêm, cùng với thuốc tăng đào thải axit uric và giảm sản xuất axit uric trong cơ thể. Để giảm thiểu nguy cơ, bạn nên uống trà sữa một lần một tuần.

“Tiêu thụ quá nhiều trà sữa trân châu có thể gây tăng cân. Khi uống, bạn nên yêu cầu giảm đường và trân châu”, bà Reutens nói.

Nguồn: VNEXPRESS (Theo CNA Lifestyle)