Logo

Món ăn- bài thuốc bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe

Lượt xem: 206 Ngày đăng: 15/07/2021

Một số món ăn, bài thuốc cũng có tác dụng tốt giúp cân bằng các rối loạn về Âm dương, khí huyết, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh.

Nhiều vị thuốc sử dụng dưới dạng món ăn, bài thuốc cũng có tác dụng tốt giúp cân bằng các rối loạn về Âm dương, khí huyết, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh.

Theo đông y, kỷ tử có vị ngọt, tính bình và được quy vào kinh Can, Phế, Thận. Kỷ tử có nhiều tác dụng với sức khỏe như:

– Ích tinh, bổ huyết, trị can thận âm hư.

– Ích khí, tư thận, nhuận phế, sinh tân.

– An thần, minh mục.

– Bổ gân cốt, hư lao, trừ phong.

Một số món ăn bài thuốc có kỷ tử

  1. Cháo gà, hoài sơn, kỷ tử

Nguyên liệu: Thịt gà, gạo, củ mài, kỉ tử, hành lá, gia vị…

Thịt gà sau khi rửa với nước sạch, để ráo, cho vào nồi nước đun sôi lửa lớn. Sau khi sôi cho gạo vo sạch vào nồi, hãm nhỏ lửa đun cho tới khi cháo chín.

Củ mài rửa sạch, gọt vỏ, cắt khúc vừa ăn cho vào đun cùng tới khi chín củ mài, thêm gia vị sao cho vừa ăn. Tắt lửa, cho kỷ tử và hành lá thái nhỏ vào.

  1. Chè ngân nhĩ, kỷ tử

Nguyên liệu: Ngân nhĩ (Mộc nhĩ trắng): 20g, kỷ tử 15g, đường phèn vừa đủ.

Ngâm ngân nhĩ nở, rửa sạch, xé nhỏ. Kỷ tử rửa sạch.

Cho tất cả nguyên liệu vào nồi đun nhỏ lửa khoảng 20 phút rồi cho đường phèn vào nấu cho đến khi đường tan hết.

Cho vào ngăn mát sẽ ăn ngon hơn.

  1. Hữu quy hoàn

Nguyên liệu: Đỗ trọng 80g, đương quy 80g, hoài sơn 80g, kỷ tử 80g, lộc giác giao 80g, nhục quế 20g, phụ tử (chế) 20g, sơn thù 40g, thỏ ty tử 80g, thục địa 160g. Tất cả tán bột, làm thành viên hoàn 9g/ viên. Ngày uống 3 viên chia 3 lần.

Tác dụng: Ôn bổ thận dương, ích tinh dưỡng huyết. Chữa Thận dương không đủ, mệnh môn hỏa suy, người già bệnh lâu xuất hiện chứng khí khiếp thần suy, sợ rét chân tay lạnh, dương suy, hoạt tinh, lưng gối đau mỏi.

  1. Món ăn bài thuốc có đại táo

Theo đông y, đại táo vị ngọt, tính ấm; đi vào 2 kinh Tỳ và Vị. Tác dụng bổ tỳ, ích khí, điều hòa dinh vệ, dưỡng vị sinh tân dịch, hòa giải các vị thuốc khác. Thường được sử dụng để chữa tỳ hư sinh tiết tả, các bệnh do dinh vệ không điều hòa.

  1. Yến chưng với đại táo, hạt sen   

Nguyên liệu: Tổ yến đã tinh chế: 3-5g, hạt sen: 100g, đại táo: 50g, đường phèn vừa đủ.

Lấy tổ yến đã chuẩn bị ngâm trong nước ấm khoảng 20-30 phút cho yến nở ra đều và mềm. Kiểm tra thấy yến được thì vớt ra để ráo nước

Chưng yến với táo đỏ hạt sen.

Hạt sen khô rửa sạch ngâm nước khoảng 1h. Vớt ra cho vào nồi đun với 1 ít nước cho hạt sen mềm. Khi hạt sen mềm, cho đại táo vào cùng và đun tiếp, để lửa riu riu cho hỗn hợp chín đều và quện vào nhau.

Yến đã làm sạch và để ráo nước cho vào chén chưng có nắp, hấp cách thủy trong khoảng 30- 45 phút. Cho đường phèn vừa đủ, chưng thêm khoảng 10 phút.

Cho hỗn hợp yến đường phèn với hạt sen táo đỏ vào đun thêm khoảng 5 phút.

  1. Nhân sâm dưỡng vinh thang

Nguyên liệu:  Đương qui 12g, thục địa 16g, bạch thược 12g, đảng sâm 16g, bạch truật 12g, bạch linh 10g, cam thảo 4g, hoàng kỳ 12g, nhục quế 4g, xuyên khung 8g, đại táo 3 quả, viễn trí 6g, sinh khương 3 lát, ngũ vị 8g, vỏ quýt 8g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang

Tác dụng: Bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần.

Chữa các chứng: Phế tỳ khí hư, tâm tỳ dương hư, khí huyết lưỡng hư: Mệt mỏi suy nhược, tứ chi vô lực, mình mẩy đau nhức, ăn uống kém nhạt miệng, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, hay quên.

  1. Quy tỳ thang

Nguyên liệu: Đảng sâm 12g, đại táo 3 quả, hoàng kỳ  12g, bạch truật 12g, phục thần 12g, chích cam thảo 4g, toan táo nhân 12g, viễn chí 6g, đương quy 12g, mộc hương 8g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.

Tác dụng: Dưỡng tâm, kiện tỳ, bổ khí an thần. Điều trị chứng tâm và tỳ đều hư, hồi hộp, mất ngủ, hay quên, ăn kém, mệt mỏi, kinh nguyệt không đều, rong huyết, xuất huyết dưới da, cơ thể suy nhược, thần kinh suy nhược.

  1. Món ăn bài thuốc có đương quy:

Theo đông y, đương quy vị ngọt cay, tính ấm; vào kinh tâm, can và tỳ… có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh chỉ thống, nhuận tràng thông tiện.

  1. Đuôi bò hầm đương quy

Nguyên liệu: Đuôi bò 1 cái; đương quy tươi 200 gam; gia vị vừa đủ, hành lá, ớt.

Chế biến: Rửa sạch đương quy, cắt lát. Đuôi bò cạo bỏ lông, rửa sạch, chặt đoạn nhỏ, nấu đến khi đuôi bò gần mềm thì cho đương quy vào hầm đến khi đương quy chín nhừ, nêm gia vị.

Công dụng: Thích hợp với người mắc chứng liệt dương, thận hư đau lưng, kèm theo lưng gối mỏi mệt, sức khỏe yếu, sợ lạnh.

  • Thịt dê hầm đương quy, sinh khương

Nguyên liệu: Thịt dê 200g, Đương quy 20g, Gừng tươi 15g

Chế biến: Thịt dê làm sạch thái lát, gừng cạo vỏ ngoài đập giập, nấu với đương quy thái lát và một lượng nước thích hợp. Khi thịt chín nhừ, vớt bỏ bã thuốc, thêm gia vị, hạt tiêu.

Tác dụng: Ích tinh dưỡng huyết, tán hàn chỉ thống. Dùng cho người thể trạng suy nhược, chóng mặt mệt mỏi, phụ nữ sau sinh đẻ huyết hư thiếu máu.

  • Đương quy bổ huyết thang

Nguyên liệu: Đương quy 8g, hoàng kỳ 40g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.

Tác dụng: Bổ khí sinh huyết.

Bài này chủ yếu trị chứng huyết hư do lao lực, nội thương vinh huyết bị hư tổn, nguyên khí kém suy.

St- yhocdantoc