Logo

Lõm ngực bẩm sinh: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

Lượt xem: 61 Ngày đăng: 03/11/2021

Lõm ngực bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh của lồng ngực, do sự phát triển không bình thường của xương ức và các sụn sườn làm lồng ngực lõm sâu xuống thành hố. Lõm ngực nếu không điều trị thì tùy theo mức độ sẽ gây các vấn đề do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim phổi ảnh hưởng đến hoạt động thể lực.

Đa số các trường hợp người bệnh mắc lõm ngực bẩm sinh thường diễn tiến nặng dần và nặng lên nhanh trong giai đoạn dậy thì. Ngoài ra, tâm lý mặc cảm với hình thức dị dạng của mình khi trẻ lớn cũng có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ khiến trẻ thiếu tự tin, chậm phát triển. Làm thế nào giải quyết vấn đề này? Dấu hiệu nhận biết lõm ngực bẩm sinh và có nên phẫu thuật không? ThS.BS. Ngô Gia Khánh – Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có những chia sẻ về vấn đề này.

PV: Bác sĩ có thể chia sẻ cách nhận biết và phân loại lõm ngực?

ThS.BS. Ngô Gia Khánh: Chúng ta có thể phân loại lõm ngực theo 2 cách: Mức độ lõm hoặc thể lõm. Thứ nhất, theo mức độ lõm: Đặt một thước thẳng ngang qua lồng ngực. Đo khoảng cách từ điểm lõm nhất tới thước (A). Nếu A ≤ 1cm là lõm nhẹ; A từ 1.5 – 2.5cm là lõm trung bình; A ≥ 3cm là lõm nặng. Thứ hai, phân loại theo thể lõm ngực thì có 3 loại sau:

  • Ngực lõm đồng lâm: vị trị lõm ở chính giữa so với xương ức. Loại này mổ thường cho kết quả tốt.
  • Ngực lõm lệch tâm: vị trị lõm lệch sang một bên so với xương ức. Loại này kết quả mổ thường không tốt bằng loại đồng tâm.
  • Lồng ngực dẹt/hẹp/phẳng: lồng ngực hẹp theo chiều trước sau. Loại này khi mổ thường phải đặt nhiều hơn một thanh đỡ.

PV: Khi nào bệnh lõm ngực phải điều trị, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Ngô Gia Khánh: Khi người bệnh có các triệu chứng: Đau ngực, khó thở, nhanh mệt khi gắng sức. Cảm giác mất tự tin về hình dáng gây hạn chế đến giao tiếp, hòa nhập các hoạt động xã hội.

Hoặc khi chỉ số Haller > 3,2. Chỉ số này được đo trên phim chụp cắt lớp lồng ngực.

Tuổi phẫu thuật tốt nhất là trẻ từ 6-18 tuổi. Với trẻ nhỏ hơn 6 tuổi thường thiếu hợp tác dễ gây di lệch thanh đỡ. Với người lớn trên 18 tuổi khung lồng ngực đã cốt hóa nên hiệu quả không cao.

PV: Bác sĩ có thể cho biết về kỹ thuật Phẫu thuật Nuss kết hợp nội soi lồng ngực?

ThS.BS. Ngô Gia Khánh: Phẫu thuật Nuss được Donald Nuss thực hiện đầu tiên từ năm 1987 đến nay và đã được phổ biến khắp thế giới trong điều trị ngực lõm bẩm sinh. Đây là một phẫu thuật ít xâm lấn, mất rất ít máu và thời gian hồi phục ngắn.

Ca mổ sẽ diễn ra như sau: Bác sỹ sẽ rạch hai đường rạch ngắn khoảng 2-3 cm ở hai bên lồng ngực, dưới hướng dẫn của nội soi lồng ngực tách mặt sau xương ức, luồn một thanh đỡ kim loại ở vị trí tương ứng xương ức bị lõm và nâng lên vị trí đã xác định trước.

PV: Những biến chứng nào có thể xảy ra sau mổ, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Ngô Gia Khánh: Người bệnh thường đau nhất trong 3 ngày đầu sau mổ. Sau đó giảm dần và khoảng 2 tháng sau sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, cũng có những nguy cơ biến chứng sau mổ như:

  • Nhiễm trùng vết mổ: ít gặp, biểu hiện sưng nóng đỏ đau tại ví trí luồn thanh nâng, có thể có sốt. Xử trí bằng cách thay băng sạch sẽ, dùng kháng sinh.
  • Tràn khí, tràn máu: ít gặp, biểu hiện đau ngực, khó thở. Xử trí bằng cách có thể phải đặt dẫn lưu màng phổi.
  • Dị ứng thanh đỡ: tỷ lệ gặp 2-3%, do cơ thể không thích ứng được với thanh đỡ, biểu hiện thường sau mổ một tháng vết mổ lồi lên, có thể vỡ rỉ dịch ra ngoài, vết mổ không liền. Xử trí bằng điều trị ít hiệu quả thường phải phẫu thuật lấy thanh ra.
  • Thủng tim, thủng phổi, thủng cơ hoành: hiếm gặp, đã có một vài trường hợp trên thế giới được báo cáo.

Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu bất thường hoặc đau tăng lên, người bệnh hoặc gia đình của người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ.

PV: Vậy để tránh những biến chứng, người bệnh cần chú ý những vấn đề gì sau mổ, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Ngô Gia Khánh: Người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường sau mổ 7-10 ngày.Trong 2 tháng đầu cần tránh các hoạt động thể lực mạnh vì thanh đỡ có khả năng bị di lệch.

Tránh các môn thể thao mang tính đối kháng như bóng đá, các môn võ… nên tập các môn thể thao giúp phát triển cơ ngực như bơi lội.

Nếu mổ trước 18 tuổi thường để khoảng 2 năm thì người bệnh có thể rút thanh. Sau 18 tuổi thường phải để lâu hơn tầm 3 – 4 năm.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!