Logo

Dùng thuốc giảm đau, coi chừng loét dạ dày – tá tràng

Lượt xem: 362 Ngày đăng: 02/02/2021

Các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) nằm trong số các thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Các thuốc này có hiệu quả tốt và đã được sử dụng từ lâu trong thực hành lâm sàng, nhưng có nguy cơ gây loét dạ dày – tá tràng, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Do phổ biến, cũng như các độc tính gây ra cho đường tiêu hóa, thuốc cần được cân nhắc khi sử dụng, đặc biệt là trên những đối tượng có nguy cơ cao bị loét dạ dày – tá tràng…

Trên thực tế, các thuốc NSAID như: aspirin, diclofenac, indomethacin, piroxicam… được dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, tác dụng phụ thường gặp do nhóm thuốc này gây ra là ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày và đường tiêu hóa trên của người bệnh, bao gồm: Loét dạ dày – tá tràng và các biến chứng phức tạp của nó, nghiêm trọng nhất có thể kể đến xuất huyết tiêu hóa và thậm chí bị thủng đường tiêu hóa. Có đến 25% người dùng NSAID lâu dài sẽ phát triển thành bệnh loét đường tiêu hóa và 2-4% sẽ chảy máu hoặc thủng đường tiêu hóa.

Hàng năm tại các bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp bị đau bụng, loét dạ dày, chảy máu dạ dày… do dùng thuốc giảm đau NSAID. Đặc biệt ở nhóm người có tuổi, bị các bệnh như đau đầu, đau lưng, đau khớp… thường hay tự ý dùng các thuốc giảm đau trong thời gian dài. Do các bệnh lý gây đau không được điều trị dứt điểm, bệnh nhân càng lạm dụng thuốc giảm đau gây những tác dụng phụ lên đường tiêu hóa. Ngoài ra, một số trường hợp dùng lần đầu cũng có thể bị. Vì các NSAID đều có đặc tính chung là các dẫn chất acid có độ tan kém. Các dẫn chất này khi ở trong môi trường acid của dạ dày lại rất khó tan, sẽ kết tụ thành từng đám trong dạ dày, tinh thể acid trong dạ dày sẽ kích thích trực tiếp gây loét.

Các yếu tố nguy cơ

Sử dụng kéo dài NSAID bao gồm cả aspirin liều thấp có liên quan đến tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ như tiền sử loét dạ dày – tá tràng, tuổi cao, sử dụng đồng thời corticosteroid và các thuốc chống đông, sử dụng NSAID liều cao và kéo dài là những đối tượng có nguy có cao nhất gặp độc tính nghiêm trọng trên tiêu hóa.

Yếu tố nguy cơ gây các biến chứng đường tiêu hóa bao gồm: Có tiền sử gặp biến cố trên đường tiêu hóa, đặc biệt biến cố có biến chứng; trên 65 tuổi; bệnh nhân có sử dụng thuốc chống đông máu, các NSAID khác bao gồm sử dụng aspirin liều thấp, hoặc NSAID liều cao; các rối loạn khiến cơ thể suy nhược mạn, đặc biệt các bệnh tim mạch; liều thấp aspirin cũng là yếu tố nguy cơ gây các biến chứng đường tiêu hóa;  Nhiễm  khuẩn H. pylori làm tăng nguy cơ gặp biến chứng đường tiêu hóa khi sử dụng NSAID.

Cần làm gì để sử dụng thuốc an toàn?

Quyết định dùng NSAID hay không cũng như sử dụng loại NSAID nào là do đánh giá và quyết định của bác sĩ. Nếu bác sĩ nhận thấy người bệnh có dấu hiệu viêm, đồng thời không có chống chỉ định, sẽ được kê toa dùng NSAID. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại NSAID nào tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nguy cơ về đường tiêu hóa. Để dùng thuốc an toàn, người bệnh cần lưu ý:

Không được tự ý dùng thuốc điều trị bệnh: Đối với các tình trạng đau và viêm, như viêm khớp, phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp.

Trao đổi với bác sĩ đầy đủ về các bệnh lý của bản thân trong lần khám ban đầu: Chẳng hạn như có tiền sử từng bị viêm loét dạ dày, có bệnh lý nền khác kèm theo, cũng như các thói quen sinh hoạt hoặc công việc và các loại thuốc khác đang sử dụng.

Khi được kê đơn, cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý tăng liều, giảm liều hoặc ngưng thuốc, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và gây tác dụng không mong muốn. Bên cạnh đó, nếu sau khi dùng hết đợt thuốc của bác sĩ chỉ định mà vẫn không hết đau, cần quay lại bác sĩ để kiểm tra và không nên tự mua thuốc uống thêm. Lúc này, bác sĩ sẽ khám và đánh giá để tìm thêm nguyên nhân gây bệnh.

Sau khi uống thuốc, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì khác thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, lên cơn hen suyễn hoặc đau bụng dữ dội, đau không giảm, nôn ói… bệnh nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được xử trí.

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống