Logo

Dự kiến thi THPT quốc gia trên máy tính: Phải tránh năng lực “đánh lỗ”

Lượt xem: 471 Ngày đăng: 28/09/2019

Dân trí Với dự kiến phương án thi THPT quốc gia trên máy tính thí điểm từ 2021 – 2025 mà Bộ GD&ĐT đưa ra, nhiều chuyên gia ủng hộ việc áp dụng công nghệ này, tuy nhiên, cần phải có sự đánh giá lại giữa thi tự luận và trắc nghiệm trong việc phát triển năng lực phẩm chất người học, tránh nặng lực “đánh lỗ”.

Dự kiến thi THPT quốc gia trên máy tính: Phải tránh năng lực đánh lỗ - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần thí điểm thi trên máy tính ở quy môn nhỏ trong năm 2020

Theo Bộ GD&ĐT, kết quả tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia theo lộ trình 2015 – 2020 đến năm 2019 đã tạo tiền đề về cơ bản cho đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020 theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Kết quả này làm cơ sở để xây dựng để triển khai Phương án đổi mới thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau 2020 là ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học Đo lường và Đánh giá trong giáo dục;

Áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế hàng đầu (ACT, ETS,…), từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo đó, lộ trình từ năm 2021-2025 vẫn tiếp tục tổ chức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính.

Dưới đây là các ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục về lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia 2021 – 2025 trên máy tính tại cuộc họp Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Dự kiến thi THPT quốc gia trên máy tính: Phải tránh năng lực đánh lỗ - 2

Nhấn để phóng to ảnh

GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới: Cải tiến nội dung đề thi theo hướng đánh giá được năng lực của học sinh như thi PISA

Việc thi cử là yếu tố quyết định việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng ta xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực phẩm chất người học. Nếu chương trình hiện hành chỉ tập trung trả lời câu hỏi học xong học sinh biết được gì thì chương trình mới yêu cầu học sinh học xong phải làm được những gì, tức là phải nhấn mạnh đến năng lực thực tiễn.

Nếu vẫn thi như hiện nay, theo số đông như thế này thì chúng ta chỉ ra được đề kiểm tra kiến thức là chủ yếu, trong khi đó học sinh phải làm nhiều việc mới đánh giá năng lực thực tiễn được.

Tiếp tục thi như hiện nay, tôi e rằng giáo viên sẽ cắt bớt chương trình, sẽ tranh thủ mọi thời gian để luyện thi theo cách ra đề. Họ không có thời gian để cho học sinh thực hành, làm các bài tập trải nghiệm, nghiên cứu…

Một vấn đề khác nữa là hiện nay các trường ĐH vẫn dựa cả vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, dù chúng ta vẫn nói mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT. Nhưng các trường ĐH do “lười”, nên dùng luôn kết quả thi có sẵn của Bộ, làm hạn chế hiệu quả có tính định hướng nghề nghiệp của chương trình giáo dục cấp THPT.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới buộc phải thực hiện thành công và muốn như vậy thì phải đổi mới thi cử.

Do vậy, tôi đề nghị, cải tiến nội dung đề thi theo hướng đánh giá được năng lực của học sinh như cách thức thi PISA. Tuy nhiên, nếu chỉ thi trên giấy thì rất khó đánh giá năng lực, ví dụ như môn ngoại ngữ, nếu chỉ thi trên giấy thì chỉ đánh giá được một vài năng lực thôi, còn nghe nói là không kiểm tra được.

Bên cạnh đó, cần phải thay đổi cách tổ chức kỳ thi. Phương án nào cũng có cái hay và cái dở. Tuy nhiên tôi cho rằng, nên giao cho trường vì trách nhiệm giao cho ai thì người đó phải lo, còn nếu Bộ lo cả thì các tỉnh lại đẩy hết lên Bộ, Sở lo cả thì các trường lại đẩy hết lên Sở… Vì vậy, giao cho trường thì các hiệu trưởng không thể buông lỏng trách nhiệm được.

Tuy nhiên, cũng có vấn đề khó là việc từng trường thi thì liệu bằng cấp có được quốc tế công nhận không?.. Trong tình hình của nước ta hiện nay đặt vấn đề này là khó.

Một vấn đề đặc biệt lưu ý, ngoài cải tiến nội dung đề thi, tránh kiểm tra kiến thức đơn thuần, phải có một cái “chốt” là nhà trường. Ngoài việc giao cho họ quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông thì cần cho thêm họ một quyền nữa là thông qua hồ sơ học tập của học sinh trong cả quá trình và các hoạt động giáo dục… để sàng lọc học sinh đủ điều kiện để dự thi tốt nghiệp THPT, nếu không đủ điều kiện này thì không được thi.

Dự kiến thi THPT quốc gia trên máy tính: Phải tránh năng lực đánh lỗ - 3

Nhấn để phóng to ảnh

PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Phải khẩn trương triển khai thi trên máy tính

Đã thi thì có áp lực. Tôi ủng hộ hoàn toàn việc áp dụng CNTT vào thi THPT quốc gia nhưng phải thật sự khẩn trương, bắt đầu ngay từ bây giờ thì sẽ muộn. Tuy nhiên, cần thí điểm ở một số nơi đủ điều kiện, học sinh đã được làm quen. Sau đó, ngành giáo dục tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, trước khi mở rộng.

Tôi nghĩ các trường đại học sử dụng kết quả thi để tuyển sinh không phải vì “lười” mà vì dựa trên kỳ thi hiện nay, với các kiến thức mà đề thi đánh giá đã đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu tuyển sinh của trường.

Năng lực của thí sinh với các trường ĐH thì chỉ cần là năng lực tiếp thu, tư duy, học và nghiên cứu, chứ không phải năng lực để làm một việc hay một nghề nào đó cụ thể. Chúng tôi cần kiểm tra các em có khả năng tư duy, kỹ năng tính toán, khả năng tiếp thu không…,đó là những yếu tố cần để các em học tiếp.

Về đề thi, nếu cải tiến được đề thi toán thì đáp ứng được rất tốt yêu cầu của các trường đại học để làm sao tăng khả năng tư duy cho các em và các thầy cô dạy toán sẽ rất đồng tình.

Dự kiến thi THPT quốc gia trên máy tính: Phải tránh năng lực đánh lỗ - 4

Nhấn để phóng to ảnh

TS Quách Tuấn Ngọc

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT: Phải có sự đánh giá lại giữa thi tự luận và trắc nghiệm

Chúng ta hạn chế nói là kỳ thi đánh giá năng lực như môn ngoại ngữ chẳng hạn, không thể nói thi như thế là đánh giá năng lực. Chỉ là 4 ô chọn 1. Chấm hết. Vậy năng lực đó là năng lực đánh lỗ. Còn nói, hiểu, diễn đạt là không thể kiểm tra năng lực được.

Chúng ta phải có một sự đánh giá lại giữa thi tự luận và trắc nghiệm, ưu khuyết ra sao. Không thể đưa môn Văn ra làm trắc nghiệm được. Cần đánh giá lại việc thi trắc nghiệm môn Toán. Môn toán là tư duy toán học nên rất cần thiết cho học sinh. Chúng ta cứ làm theo trắc nghiệm, nó máy móc quá.

Còn về việc tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính, hiện nay theo tôi vướng nhất là khâu cơ chế chính sách, cần có sự bàn bạc tháo gỡ. Còn đến năm 2025 Việt Nam phổ cập 5G rồi thì chuyện thi trên máy tính rất đơn giản.

Dự kiến thi THPT quốc gia trên máy tính: Phải tránh năng lực đánh lỗ - 5

Nhấn để phóng to ảnh

GS Nguyễn Văn Minh

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trường Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Phải đánh giá, thử nghiệm ngân hàng đề thi

Bàn về kỳ thi, thứ nhất chúng ta phải xem xét tác động xã hội của nó như thế nào, tác động với phụ huynh thế nào, với người học thế nào, và tác động để chúng ta có một nguồn nhân lực trong tương ra sao. Và đặc biệt hơn nữa là tác động để đổi mới giáo dục, bởi vì thi cử không bao giờ tách rời với giáo dục cả.

Có lẽ chúng ta cần làm rõ những luận cứ, trong đó luận cứ về mặt khoa học đấy là tự luận thế nào, trắc nghiệm thế nào, và tác động của công nghệ thế nào, ưu nhược điểm để chúng ta nói rằng vì sao chúng ta phải thay đổi để xã hội đồng thuận.

Bên cạnh đó, cần nói rõ tác động của kỳ thi đối với chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu nói rằng chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp cận phẩm chất và năng lực, thì việc chuẩn bị cho ngân hàng đề thế nào đáp ứng cho vấn đề đó.

Cần phải có giải trình và chuẩn bị rất kỹ các điều kiện để đảm bảo tính khả thi như hình thức tổ chức ra sao? ngân hàng đề thi? hạ tầng? các chế tài? Việc đặt ra lộ trình, có thí điểm, có rút kinh nghiệm, đánh giá nghiêm túc rồi sau đó mới triển khai đại trà.

Tôi xin nhắc lại, chúng ta ở thời đại 4.0 nhưng chúng ta đang ở đất nước Việt Nam. Điều này là điều không thể thoát ly được. Những điểm đầu của Tổ quốc không thể đòi hỏi như ở Hà Nội được. Không thể lấy công nghệ thay thế mọi yếu tố khác.

Khi làm ngân hàng đề thi, phải có đánh giá, thử nghiệm ở những đối tượng vừa phải để xem phù hợp không chứ không phải nói có ngân hàng đề rồi cứ thế đem ra mà làm. Cho nên, tôi nghĩ rất cân nhắc chuyện đề thi. Còn muốn hay không muốn vẫn phải đưa công nghệ vào thi, điều này là điều đương nhiên.

Nhật Hồng (ghi)