Logo

Độc tính của corticosteroid đường uống ngắn ngày ở trẻ em

Lượt xem: 484 Ngày đăng: 08/05/2020

Corticosteroid đường uống ngắn ngày thường được sử dụng ở trẻ em do đặc tính nổi bật là kháng viêm và làm giảm phản ứng miễn dịch. Tuy vậy, corticosteroid được biết là có liên quan đến nhiều phản ứng bất lợi (adverse drug reactions – ADR), được biết là có liên quan đến liều thuốc, cách dùng thuốc và thời gian sử dụng thuốc. Một số ADR do corticosteroid gây ra đã được nhận thấy rõ và chứng minh bằng tài liệu trong thông tin tóm tắt đặc tính của sản phẩm. Tuy vậy, độc tính của corticosteroid đường uống sử dụng ngắn ngày và những nguy cơ liên quan chưa được đánh giá một cách tổng quát và rõ ràng. Tháng 01/2016 Tiến sĩ Fahad Aljebab và cộng sự đã công bố kết quả tổng quan hệ thống xác định các độc tính có liên quan đến corticosteroid đường uống ngắn ngày để nhận biết các ADR thường gặp và nghiêm trọng nhất trên Archives of Diseases in Childhood.

Tổng quan hệ thống gồm 38 nghiên cứu trong đó có 22 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát (randomized controlled trials – RCT), 5 nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu và các báo cáo loạt ca, báo cáo từng ca trên tổng số 3200 bệnh nhân trẻ em trong độ tuổi từ 28 ngày đến 18 tuổi, sử dụng corticosteroid trong thời gian ngắn – dưới 14 ngày với 850 báo cáo ADR. Trong các nghiên cứu này, corticosteroid được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau như hen suyễn, viêm phế quản, bệnh bạch hầu thanh quản, suy thận cấp, viêm mũi dị ứng, sốt xuất huyết, co thắt ở trẻ em, hội chứng thận hư, bệnh bạch cầu cấp tính, giảm tiểu cầu vô căn cấp, ban xuất huyết và hội chứng lupus ban đỏ hệ thống. Prednisolone và dexamethason là những thuốc thường được sử dụng nhất. Nguồn tài liệu tìm kiếm từ EMBASE, MEDLINE, International Pharmaceutical Abstracts, CINAHL, Cochrane Libraryvà PubMed cho đến tháng 12/2013.

Kết quả cho thấy, ba phản ứng bất lợi thường gặp nhất là nôn ói, thay đổi hành vi và rối loạn giấc ngủ, với tỷ lệ mắc phải tương ứng là 5,4%, 4,7%, và 4,3%.

– Nôn ói là phản ứng phụ thường gặp nhất và cũng là lý do thường gặp nhất cho việc ngưng điều trị corticosteroid đường uống.

– Thay đổi tính tình, rối loạn hành vi là phản ứng bất lợi thứ hai thường thấy. Thay đổi tính tình (lo âu, hiếu động thái quá và hành vi hung hăng) thường gặp hơn khi sử dụng liều cao (2mg/kg/ngày hoặc 60mg/m2/ngày) corticosteroid đường uống hơn là sử dụng liều thấp (1 mg/kg/ngày). Ở bệnh nhân người lớn, thay đổi tính tình, hành vi ít khi xảy ra rõ rệt ở liều prednisolon dưới 20mg/ngày khi so sánh với bệnh nhân sử dụng 60mg/ngày.

– Các phản ứng phụ khác có thể gặp là buồn nôn (1.9%), tăng cảm giác thèm ăn (1.7%), đau bụng dưới (1.3%), đỏ mặt, phù mặt (1.1%), nhiễm trùng (0.9%), và ho (0.2%). Ngoài ra còn có các triệu chứng dạ dày ruột, ban đỏ, lơ mơ, kích thích họng, tiêu chảy, tiểu nhiều với tỷ lệ chưa xác định.

– Trong đó, tác dụng phụ nghiêm trọng nhất liên quan đến việc sử dụng corticosteroid đường uống ngắn ngày là nhiễm trùng do ức chế hệ miễn dịch. 5 nghiên cứu RCT báo cáo rằng 20 trẻ em mắc phải nhiễm trùng trong thời gian điều trị (tỷ lệ 0.9%). 3 trường hợp được báo cáo mắc phải Varicella zoster, 1 trong số đó đã tử vong và 2 bệnh nhân còn lại được chuyển đến ICU với biến chứng nghiêm trọng.

– Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra có 144/369 bệnh nhân (39%) có tình trạng tăng huyết áp (định nghĩa tăng huyết áp là huyết áp tâm trương > 85mmHg hoặc huyết áp trung bình tăng 3 – 7 mmHg). Nguyên nhân là do corticosteroid làm tăng huyết áp do tăng sức cản mạch ngoại biên, tăng thể tích dịch nội bào và tăng co bóp cơ tim. Tuy vậy, đa số không cần thuốc hạ áp hay ngưng dùng thuốc. Hai bệnh nhân bị co thắt trẻ em sử dụng corticosteroid có tăng huyết áp trên 120/90 mmHg và nhận được thuốc lợi tiểu mà không cần ngưng thuốc

– Có 21/75 bệnh nhân tăng cân (một nghiên cứu định nghĩa tăng cân là tăng hơn 500g so với trước khi điều trị).

– Hiện tượng ức chế trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận cũng là một phản ứng bất lợi nghiêm trọng khác có thể xảy ra khi sử dụng corticosteroid đường uống. Sự ức chế này có thể dẫn đến cơn stress cấp tính hoặc sự chậm phát triển tuyến thượng thận. Trong 4 nghiên cứu, 43/53 trẻ em (81%) cho thấy sự ức chế trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (hypothalamic – pituitary – adrenal: HPA). Một báo cáo loạt ca cho thấy 3/11 trẻ em sử dụng prednisolon trong 5 ngày (2mg/kg/ngày) xảy ra tình trạng ức chế trục HPA thoáng qua có ý nghĩa. Tất cả trẻ em đã quay lại mức tiết cortisol nội sinh bình thường trong vòng 10 – 12 ngày sau khi ngưng dùng corticosteroid. Trong khi đó, nghiên cứu ở người lớn cho rằng, với 1 liều cao prenisolon đường uống (50mg/ngày) trong 5 ngày sẽ không ức chế trục HPA. Ngoài ra, phân tích tổng hợp chéo 3 RCT cho thấy ức chế trục HPA có liên quan đến corticosteroid đường uống so với corticosteroid dạng hít khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nguy cơ này lớn hơn ở prednisolon dùng đường uống hơn là với budesonid dạng hít, fluticason dạng khí dung, beclomethason đưa vào mũi.

Bên cạnh đó, có 44 bệnh nhân ngưng điều trị vì ADR, chiếm 1,4%. Nôn ói là lý do hàng đầu, xảy ra 36 trẻ em (35 trẻ em sử dụng prednisolon và 1 sử dụng dexamethasone). Thay đổi hành vi là lý do thứ 2 ngừng thuốc (xảy ra ở 4 trẻ)

Như vậy, bài tổng quan hệ thống này đã cho thấy ADR nghiêm trọng nhất có liên quan đến corticosteroid đường uống ngắn ngày là nhiễm trùng, được báo cáo với tỷ lệ 1%. ADR thường gặp nhất là nôn ói, thay đổi hành vi và rối loạn giấc ngủ. Kết quả của nghiên cứu này có thể giúp các nhà điều trị, bệnh nhân và gia đình cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích khi dùng corticosteroid ngắn ngày và thận trọng theo dõi những rủi ro có thể xảy ra.