Logo

Điều trị học

Lượt xem: 449 Ngày đăng: 08/05/2020

NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ CỦA ĐÔNG Y

Sau khi dùng Tứ chẩn, Bát cương để phân tích và quy nạp được bệnh, cần đề ra phương hướng điều trị cho thích hợp. Để cho việc điều trị đạt hiệu quả cao, cần tuân theo 1 số nguyên tắc chính yếu sau :

 NGUYÊN TẮC CHUNG

a) Những bệnh khác nhau, nhưng quá trình bệnh lý diễn biến giống nhau, có thể tạm điều trị giống nhau.

b) Những bệnh giống nhau mà cơ chế bệnh lý khác nhau, thì phải chữa khác nhau.

c) Những cổ phương và những phác đồ trị liệu tuy rất nhiều, nhưng khi đem áp dụng, cần phải hết sức linh hoạt. Phương là phỏng theo chứ không bắt buộc phải theo đúng hoàn toàn. Cần linh hoạt thay đổi và tùy nghi ứng biến cho phù hợp với từng trạng thái, diễn biến của bệnh.

d) Những nguyên tắc được người xưa đúc kết lại, là những kim chỉ nam cần thiết, do đó cần nghiên cứu và đem ra áp dụng cho thích hợp.

 TIÊU BẢN (Ngọn Gốc)

Tiêu là ngọn triệu chứng của bệnh.

Bản là gốc của bệnh, nguyên nhân gây bệnh.

Tiêu và bản tuy đối lập nhưng luôn có quan hệ nhân quả với nhau. Bệnh trước là gốc, bệnh mới là ngọn.

Thí dụ : 1 người bị lao phổi lâu năm (gốc) thình lình bị ói ra máu (ngọn). Bệnh chứng này do bệnh phổi gây nên ho ra máu.

Do đó, trong 1 hội chứng bệnh, cần tìm cho ra ngọn, gốc của bệnh thì mới dễ dàng trong việc quyết định cách trị liệu.

a) Tìm Gốc Bệnh

Gốc bệnh là những nguyên nhân gây bệnh, bao gồm những nguyên nhân bên ngoài (tự nhiên, xã hội, tà khí…) và những thay đổi bên trong cơ thể gọi là nội nhân (thất tình…).

Thí dụ : Chứng âm hư hỏa vượng.

Nguyên nhân gây bệnh là do âm hư làm cho hỏa vượng lên. Nếu chỉ lo tả Hỏa (tức là chữa ở Tiêu, ở triệu chứng bệnh), thì bệnh tuy có thể giảm

nhưng sẽ trở lại ngay. Nếu bổ âm (tức chữa ở bản, ở nguồn gốc gây bệnh) thì mới khỏi dứt.

Đào sâu vào Ngũ hành ta thấy : 1 hành bệnh (có sự xáo trộn), có thể do nhiều nguyên nhân.

Thí dụ : Hỏa vượng có thể do :

– Hỏa khí bên ngoài kích thích làm hỏa bên trong cơ thể vượng lên.

– Mộc vượng quá làm Hỏa vượng theo.

– Thủy khí suy không khắc được Hỏa làm hỏa bùng lên…

Do đó, cần tìm ra gốc (nguyên nhân gây bệnh) thì việc trị liệu mới có hiệu quả.

b) Cấp Trị Ngọn

Những bệnh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, cần phải chữa những triệu chứng nào cần thiết nhất.

Thí dụ : Người bệnh đau bao tử đã lâu, nay nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa, cần cấp thời làm cho cầm máu (chữa triệu chứng bằng tiêu) nếu không kịp, máu ra nhiều quá, có thể nguy đến tính mạng.

c) Hoãn Trị Gốc

Đối với bệnh mãn tính, lúc chưa phát bệnh, phải chữa vào gốc bệnh. Thí dụ: khi không có cơn hen, phải lo chữa Phế (vì Phế chủ khí) và chữa Thận (vì Thận nạp khí) để khỏi tái phát vì hen là do Thận hư không nạp được khí và Phế không chủ được khí làm khí nghịch lên.

d) Trị Cả Gốc Lẫn Ngọn

Có nhiều bệnh cùng lúc có thể vừa điều trị cả gốc lẫn ngọn. Phương pháp này thường được áp dụng trong cách “Bổ chính khu tả”.

Thí dụ : Bệnh lao phổi do Phế âm hư, có các triệu chứng ho, hâm hấp sốt, ra mồ hôi trộm… thì vừa bổ Phế âm (chữa gốc bệnh) vừa trị ho, sinh tân dịch, cầm mồ hôi (chữa ngọn)…

CHỮA BỆNH CÓ BỒ TẢ

Dựa vào nguyên tắc “Hư thì Bổ, Thực thì Tả” và “Hư bổ mẫu, Thực tả

Tử”. Trong quá trình diễn tiến bệnh tật, luôn có sự đấu tranh giữa Tà khí (nguyên nhân gây bệnh) và Chính khí (sức đề kháng của cơ thể), và có thể xảy ra hiện tượng : Tà khí mạnh làm cho chính khí suy hoặc chính khí suy, tà khí nhân cơ hội đó xâm nhập vào. Trong trường hợp này cần bổ chính và khu tà nhưng chú trọng đến bổ chính hơn.

a) Tả

– Nếu tà khí mạnh, là thực chứng, cần áp dụng tả pháp (Thực tắc tả).

– Nếu tà khí quá mạnh, cần rút bớt tà khí đó bằng cách cho tà khí chuyển qua tạng hoặc phủ, kinh lạc có liên hệ mẫu tử với nó, theo nguyên tắc “Thực tả Tử”.

Thí dụ : tà khí ở Tâm mạnh, tả ở Thổ (vì tâm sinh thổ) để rút bớt tà khí từ tạng mẹ sang tạng con.

b) Bổ

– Nếu chính khí suy, cần áp dụng phép Bổ theo nguyên tắc : “Hư tắc Bổ”.

– Nếu chính khí quá suy, không thể tự phục hồi được, cần mượn sức từ tạng phủ có liên hệ mẫu tử với nó để bổ cho tạng phủ đó.

Thí dụ : tạng Phế bệnh, Phế hư lao, quá suy kém, cần bổ ở Tỳ, vì Tỳ thổ sinh Phế kim để Tỳ bổ lại cho Phế theo nguyên tắc “Hư bổ mẫu”.

CHỮA BỆNH PHẢI CÓ ĐÓNG MỞ

Nguyên tắc này gọi là “Bình Nam bổ Bắc”.

Thí dụ : chứng “Âm hư sinh nội nhiệt” (ức chế giảm, hưng phấn tăng), cần cho thuốc bổ âm (nâng cao ức chế) mặt khác phải cho dùng thuốc Thanh hư nhiệt (hạ hưng phấn).

CHÍNH TRỊ, TÒNG TRỊ

a) Chính trị : Còn gọi là nghịch trị, là cách chữa ngược lại với trạng thái bệnh.

Thí dụ : Bệnh âm chứng thì dùng dương được, bệnh Hàn thì dùng nhiệt chữa…

b) Tòng trị : Còn gọi là phản trị, chữa thuận theo triệu chứng bệnh.

Thí dụ : Âm hư thì phải bổ âm, Dương hư thì phải bổ dương…

CHỮA BỆNH CHO PHÙ HỢP VỚI CON NGƯỜI

Tùy theo mùa, thời tiết, phong tục tập quán, hoàn cảnh nghề nghiệp, trạng thái bệnh…, của người bệnh mà đề ra hướng chữa trị cho thích hợp.

a) Chữa Bệnh Hợp Thời Tiết (Nhân thời nghi trị)

Mỗi mùa đều có thể gây nên 1 loại và chứng bệnh khác nhau.

Về mùa lạnh, không nên dùng nhiều thuốc vị đắng (khổ).

Mùa hè nắng nóng, dễ làm Hỏa khí vượng, tránh dùng thuốc và thức ăn cay nóng…

b) Chữa Bệnh Hợp Địa Phương (Nhân địa thế nghi)

Mỗi địa phương, tùy theo vị trí địa dư, có thể gây nên nhiều chứng bệnh khác nhau, cần phải nắm vững.

Thí dụ : Miền đồng lầy, ẩm thấp nhiều… khi chữa cần chú ý về phương diện kiện tỳ, trừ thấp.

c) Chữa Bệnh Theo Thể Trạng (Nhân chi thị trị)

Người béo, mập, gầy ốm đều có cách chữa khác nhau. Người khỏe mạnh, liều lượng thuốc phải mạnh hơn người yếu…

d) Theo Tính Năng Của Thuốc

Thuốc có Hàn, nhiệt, ôn, lương, quy kinh khác nhau, do đó dùng thuốc cũng khác nhau.

Dương thịnh thực nhiệt, dùng thuốc Hàn, lương, Biểu thực thì phát tán.

Muốn cho thuốc vào Can thì phải tìm thuốc có vị chua hoặc tẩm giấm…

e) Theo Diễn Tiến Bệnh

Giai đoạn đầu, lúc tà khí còn ở ngoài (phần biểu, vệ) thì phải dùng cách Tả (phát hãn) để đưa tà khí còn ở bên ngoài ra.

Giai đoạn toàn phát lúc tà và chính khí giao tranh quyết liệt với nhau,

bên trong cơ thể thì phải vừa bổ vừa tả (vừa nâng cao chính khí vừa trừ tà khí).

Tới giai đoạn phục hồi của bệnh, tà khí suy thì chính khí cũng bị hao mòn, phải dùng phép bổ để bồi dưỡng chính khí, phục hồi lại sức khỏe đã bị giảm sút trong quá trình bệnh.

f) Theo Liều Lượng Của Thuốc

Cách thức chữa trị, phải tuân theo sự quy định liều lượng; ít quá không đủ sức để đẩy lui tà khí nhưng mạnh quá lại gây tổn hại cho cơ thể. Ngoài ra còn cần lưu ý về liều lượng của 1 số thuốc độc, 1 số thuốc cấm dùng cho phụ nữ có thai, cho trẻ em, những huyệt cấm châm, cấm cứu…

ĐIỀU TRỊ HỌC

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Người xưa, trong quá trình vận dụng trị liệu trên lâm sàng, đã đề ra 1 số phương pháp điều trị chính yếu gọi là Bát Pháp (8 cách trị bệnh).

BÁT PHÁP

Bát Pháp là 8 cách chữa bệnh gồm : Hãn (làm cho ra mồ hôi), Thổ (làm cho nôn ra), Hạ (làm cho xổ), Thanh (làm cho mát), Ôn (làm cho ấm), Tiêu (làm cho tiêu mòn), Hòa (làm cho điều hòa cơ thể), Bổ (làm cho bổ).

Tùy theo bệnh tật đã được xác định, chẩn đoán (ở đâu, nguyên nhân nào, thuộc hội chứng gì…), chọn dùng cách này hay cách khác hoặc phối hợp 2, 3 cách với nhau để chữa trị.

Về thuốc, mỗi phương pháp của Bát Pháp đều có bài thuốc đặc hiệu có công dụng cao (do công lao thừa kế của hàng ngàn năm kinh nghiệm của người xưa). Nhưng về mặt châm cứu, còn nhiều phức tạp trong việc áp dụng cách thức thủ thuật châm… Tuy nhiên, trong mỗi phương pháp châm cứu, vẫn có thể đạt được kết quả tốt nếu thực hiện đúng quy tắc thao tác và chọn huyệt.

HÃN PHÁP (làm cho ra mồ hôi)

a) Đại cương : 1 bệnh sốt, khi ra được mồ hôi, sốt tự lui, do đó người xưa đã vận dụng và tạo ra Hãn Pháp để chữa bệnh. Mục đích làm ta mồ

hôi để tà khí theo mồ hôi thoát ra ngoài.

b) Áp dụng lâm sàng : Thường dùng chữa bệnh ở Biểu, tà khí còn ở phần Biểu.

Theo cách nhìn của YHCT, Hãn pháp không chỉ dùng để làm cho ra mồ hôi mà hễ muốn khu trục Biểu tà, làm cho khí huyết lưu thông đều có thể dùng Hãn pháp, do đó không nên nhìn 1 cách hạn hẹp rằng Hãn pháp chỉ dùng để làm cho ra mồ hôi.

Trên lâm sàng có thể dùng nhiều cách : Thuốc uống, châm cứu, xông…

a) Thuốc :

– Dùng thuốc Tân ôn ( cay ấm) để ra mồ hôi, dùng trong chứng Biểu Hàn.

– Dùng thuốc Tân Lương (cay mát), trong chứng Biểu Nhiệt.

b) Châm cứu :

Thường dùng huyệt Hợp cốc (Đtr.4) và Phong môn (Bq.12) khi tà còn ở Biểu.

+ Nếu do Hàn tà, châm sâu, tả mạnh, vê kim cho tới khi thấy ra mồ hôi ở trán thì lưu kim. Hoặc dùng phương pháp “Thiêu sơn hỏa”.

+ Nếu do nhiệt, châm nông, tả mạnh như trên hoặc châm 1-2 kim theo thủ thuật “Thiêu sơn hỏa” để giải biểu, khi đã ra mồ hôi ở trán, dùng thủ thuật “Thấu nhiên lương” để thanh nhiệt.

c) Ngoại khoa :

Trong dân gian thường dùng nồi xông hoặc cháo giải cảm, có hiệu quả phát hãn rất cao và an toàn.

Nồi xông cũng được dùng trong chứng Phù (thủy thũng) mãn tính để thúc đẩy bài trừ chất nước.

c) Chỉ định

– Chỉ dùng chữa bệnh mà tà khí còn ở Biểu.

– Thiên ‘Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận’ ghi : “Tà khí còn ở bì mao thời làm cho hãn phát tán đi” và “mình nóng như than đốt, nên phát hãn”.

d) Chống chỉ định (Contre Indication) :

– Người mất nhiều tân dịch (tiêu chảy, nôn nhiều), mất nhiều máu, không được dùng.

– Khi Biểu tà đã giải, cần ngưng ngay.

– Mùa hè nóng nực, không nên làm cho ra mồ hôi nhiều quá.

– Không nên cùng lúc cho uống nhiều loại thuốc phát hãn, đắp nhiều chăn, làm cho mồ hôi tiết ra nhiều quá, hại đến nguyên khí, gây vong dương.

– Cần nắm 4 không : không hoãn, không cấp, không nhiều, không ít.

Vì Hoãn và Cấp không thể đẩy lui được tà khí ra, nhiều quá thì gây vong dương, ít quá thì tà khí ra không hết, không hết bệnh.

– Người hư yếu, khi muốn phát hãn, luôn luôn phải bổ thêm.

Chú ý : Cần linh hoạt khi áp dụng phép hãn : “Phát hãn làm cho các lỗ chân lông nở ra, tà khí theo mồ hôi mà ra, do đó nên dùng những vị thuốc nào chỉ làm cho tà khí theo chân lông ra dần dần, mà không làm tổn thương trung khí và tân dịch.

Thí dụ : Trong sách “Thương Hàn Luận”, Trương Trọng Cảnh dùng bài “Ma Hoàng Quế Chi”, nhiều người dùng các loại Bạc hà, Kinh giới và thêm các vị Táo như Khương hoạt, Độc hoạt, Bạch chỉ… để phát hãn. Việc cho thêm thuốc Táo, tuy cũng có tác dụng phát hãn nhưng chỉ để chữa Hàn thấp chứ không thể chữa được Thương hàn ôn bệnh. Vì phong hỏa đốt bên trong, ngoài lại dùng thuốc Táo, thì mồ hôi không thể ra được thì tà khí không có chỗ dựa để ra. Tà khí đã không ra còn dùng thuốc Táo làm rối loạn chính khí, tổn thương tân dịch, sinh ra biến chứng.

Do đó cần cẩn thận khi dùng thuốc.

THANH PHÁP (Làm Cho Mát)

a) Đại cương : Có những chứng nóng lâu ngày, quá nóng, phải dùng thuốc mát mới làm hạ được, vì thế người xưa đề ra Thanh pháp.

b) Áp dụng : Dùng để chữa những bệnh ôn nhiệt xâm nhập vào cơ thể làm khô ráo tân dịch.

– Thuốc : Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh và vị trí của Nhiệt tà mà dùng thuốc:

+ Thanh lương (Thanh nhiệt, Lương huyết), dùng thuốc vị cay, tính mát, để thanh, nhiệt như : Thạch cao, Lá tre, Tri mẫu… dùng trong trường hợp sốt cao.

+ Dùng thuốc vị đắng, tính lạnh để tả hỏa như Hoàng Liên…

+ Dùng thuốc có tác dụng lương huyết để giải nhiệt như : Sinh địa, Huyền sâm… loại thuốc này còn được gọi là thuốc “Tư dưỡng” vì ngoài tác dụng thanh huyết, hạ nhiệt, còn có tác dụng bổ dưỡng.

– Châm cứu :

Thường dùng các Tỉnh huyệt, châm kim nông và lưu kim ít, tả mạnh hoặc châm nặn máu. Thường dùng nhất là huyệt Thập tuyên khi đang sốt cao.

Ngoài ra có thể dùng 1 số huyệt kích thích mạnh : Hợp cốc (Đtr.4), Khúc trì (Đtr.11), Dũng tuyền (Th.1), Ấn đường, Đại chùy (Đc.14) hoặc tả các Hỏa huyệt hoặc bổ các Thủy huyệt, hoặc dùng thủ thuật “Thấu thiên lương”.

c) Chống chỉ định :

– Chứng chân hàn giả nhiệt, không được dùng.

– Người thể chất hư hàn, phụ nữ mới sinh, không được dùng.

ÔN PHÁP (Làm Ấm)

a) Đại cương : Khi dùng các thuốc cay, nóng thường gây kích thích, làm ấm người… Người xưa qua kinh nghiệm điều trị hàn chứng đã dùng Ôn pháp, do đó, Ôn pháp bắt nguồn từ việc chữa hàn chứng.

b) Áp dụng lâm sàng : Ôn pháp được dùng để :

– Chữa những bệnh Hàn chứng.

– Chứng bệnh do dương khí suy.

Trên lâm sàng thường được chỉ định dùng trong :

1.- Hồi dương cứu nghịch : Để cấp cứu những bệnh do hán tà trúng

thẳng vào lý (bụng đau do lạnh, ngất, trụy mạch).

Về thuốc : Dùng các vị thuốc tính nóng, mạnh như bài Tứ Nghịch Thang (Phụ tử, Can khương, Cam thảo) hoặc Sâm Phụ Thang (Nhân sâm, Phụ tử).

Châm cứu : Thường dùng cứu hơn châm. Cứu huyệt Thần khuyết (có thể cứu bằng điếu ngải, nhưng tốt nhất, dùng muối rang nóng, bọc vào khăn, chườm lên huyệt Thần khuyết), cho đến khi tay chân ấm.

2.- Ôn dương Trừ hàn : Khôi phục lại sức hưng phấn để khu trục hàn tà (trị hàn tà xâm nhập vào kinh lạc làm chân tay sưng đau nhức… ban ngày nặng, ban đêm nhẹ hoặc ngược lại).

Về thuốc : Dùng các vị thuốc ấm, thường dùng bài “Lý Trung Thang” (Nhân sâm, Bạch truật, Cam thảo, Can khương).

Châm cứu : Cứu hoặc châm sâu, lưu kim lâu hoặc dùng thủ thuật “Thiêu sơn hỏa”, huyệt thường dùng : Quan nguyên (Nh.4), Khí hải (Nh.6), Túc tam lý (Vi.36), hoặc bổ các hỏa huyệt của các kinh bệnh.

– Chú ý : Chỉ được dùng khi bệnh thuộc Thực hàn, do đó cần đề phòng hiện tượng giả hàn mà bệnh là Thực nhiệt (chân nhiệt giả hàn).

THỒ PHÁP (làm cho nôn)

a) Đại cương : Trong thực tế, khi ăn phải thức ăn độc hoặc không thích hợp, cơ thể tạo ra phản ứng tống độc chất ra ngoài bằng nôn mửa. Kinh nghiệm cho thấy : khi nôn ra được thì nhẹ, vì thế người xưa đã đề ra Thổ pháp, vận dụng hiện tượng trên trong chữa bệnh.

b) Áp dụng :

+ Thường dùng trong những ngộ độc thức ăn cấp, độc còn ở bao tử. Thiên “Âm Dương Ưùng Tượng Đại Luận” (TVấn 5) ghi : “Bệnh ở trên cao, nhân cái cao ấy mà làm cho nó vọt ra”, ý nói là khi bệnh còn ở phần trên hông, ngực, bao tử, dùng thổ pháp để đẩy ra.

+ Hoặc đờm dãi làm nghẽn đường hô hấp.

– Về thuốc :

– Dùng những vị thuốc có mùi tanh, vị đắng : Cuống dưa đá (Qua đế tán), muối ăn, Thường sơn…

– Hoặc có thể ngoáy, móc họng cho gây nôn.

– Châm cứu : Thường dùng huyệt Nội quan (Tb.6), Trung quản (Nh.12), Thiên đột (Nh.22).

Châm tả Nội quan sao cho cảm giác lên đến nách. Châm tả tiếp huyệt Trung quản, dùng ngón tay vuốt từ kim lên ngực nhiều lần cho cảm giác đi lên ngực. Dùng ngón tay ấn và day mạnh huyệt Thiên đột cho buồn nôn. Khi đã buồn nôn nhiều, rút kim ở huyệt Trung quản ra cho nôn. Nếu nôn chưa được, hỗ trợ bằng cách ngoáy họng.

Chú ý : Người suy nhược, già yếu, có thai hoặc mới sinh, hư suyễn và bệnh phổi, không nên cho nôn.

HẠ PHÁP (làm cho hạ, gây đi thông tiện)

a) Đại cương : Độc khí ở trong người gây khó chịu, hễ đẩy ra ngoài được thì thấy dễ chịu, người xưa theo cách đó chế ra phép hạ.

b) Áp dụng : Được dùng trong các trường hợp bệnh tà ở trường vị như táo bón, huyết ứ, đờm, nước ngưng kết, nóng quá, để tà khí theo phân ra ngoài.

– Về thuốc : có thể dùng Đại hoàng, Mang tiêu, vỏ cây đại, Ba đậu… có thể chia ra :

+ Hàn hạ : dùng thuốc hàn để xổ : Đại hoàng.

+ Ôn hạ : dùng thuốc ôn để xổ : Ba đậu.

– Châm cứu : dùng các huyệt Thiên xu (Vi.20), Túc tam lý (Vi.36), Tam âm giao (Ty.6).

Lần lượt châm Thiên xu, Túc tam lý rồi Tam âm giao, tất cả châm tả. Nếu do nhiệt kết, châm nông, lưu kim ít, hoặc dùng thủ thuật “Thấu thiên lương”.

Nếu do hàn ngưng, châm sâu, lưu kim lâu, hoặc dùng thủ thuật “Thiêu sơn hỏa”.

Cũng có thể kích thích mạnh huyệt Hiệp cốc và Chi câu (Ttu6).

– Chú ý :

– Không hạ khi tà còn ở Biểu, hoặc đã vào Lý mà chưa kết tụ.

– Không hạ đối với người yếu, người có thai, sau khi đẻ, sau khi mất máu.

– Khi xổ, cần chú ý đến bệnh tình để xác định mức độ xổ nhẹ hoặc mạnh.

HÒA PHÁP (Điều Hòa Cơ Thể)

a) Đại cương : Mục đích để điều hòa cơ thể, phù chính khu tà. Phạm vi sử dụng rộng rãi hơn các phương pháp khác. Những bệnh không cần làm cho ra mồ hôi, làm nôn, làm đi đại tiện, bổ hay tả đều có thể dùng phép Hòa. Là 1 cách giải nhiệt nhưng không làm ra mồ hôi.

b) Áp dụng : Dùng để chữa :

+ Các bệnh ở phần Bán biểu bán lý.

+ Bệnh do Can thực mà Tỳ vị hư.

+ Bệnh nóng trên lạnh dưới hoặc ngược lại.

– Về thuốc : thường dùng bài “Tiểu Sài Hồ” (Sài hồ, Nhân sâm, Cam thảo, Hoàng cầm, Đại táo, Bán hạ, Sinh khương).

– Về châm cứu : chọn huyệt châm tùy theo bệnh :

+ Bệnh ở bán biểu bán lý, dùng kinh đởm (Dương lăng tuyền – Đ.34) và kinh Tam tiêu (Chi câu – Ttu. 6), cả 2 cùng thuộc kinh Thiếu dương.

+ Bệnh do Can thực mà Tỳ vị hư : Bình can (huyệt Thái xung – C.3), kiện tỳ (huyệt Túc tam lý – Vi.36), Nội quan (Tb.6), châm bình bổ bình tả.

Ngoài ra, nếu bệnh thuộc nhiệt thì châm nông, lưu kim ít, nếu bệnh thuộc hàn thì châm sâu và lưu kim lâu.

– Chú ý :

+ Không dùng Hòa pháp khi tà khí đang còn ở Biểu hoặc đã vào lý.

+ Không dùng trong trường hợp có hiện tượng khát nước, nói mê, táo bón.

TIÊU PHÁP (Làm Cho Tiêu)

a) Đại cương : Có 1 số trường hợp không thể nào làm cho ra được như

các vật cứng, vật kết lại hoặc do cơ thể quá yếu, không thể đẩy ra ngay 1 lúc, cần phải làm cho nó mòn hoặc tiêu dần, do đó người xưa đề ra tiêu pháp để chữa bệnh. Phép tiêu tương tự như phép hạ nhưng không mãnh liệt và gấp rút như phép hạ, mà nó làm tiêu dần dần, nên thường được dùng trong các bệnh mãn tính.

b) Áp dụng : Vì đối tượng để tiêu không giống nhau, nên phải tùy từng trường hợp mà áp dụng :

– Tiêu thức ăn : dùng Sơn tra, Mạch nha… huyệt Túc tam lý (Vi.36), Trung quản (Nh.12), Mai hoa…

– Tiêu đàm dùng Bán hạ, Trần bì… huyệt Phong long (Vi.40)…

– Thông khí dùng Chỉ xác, Hương phụ… huyệt Chiên trung (Nh.17), Khí hải (Nh.6)…

– Hành huyết dùng Hồng hoa, Nga truật… huyệt Cách du (Bq.17), Huyết hải (Ty.10)…

– Làm tiêu thủy dùng Mộc thông, Mã đề… huyệt Thuỷ phân (Nh.9), Trung cực (Nh.3)…

Cách châm :

+ Bệnh có Tích kết, phải châm sâu, châm tả và lưu kim lâu.

+ Nếu có ứ trệ ở lạc mạch thì châm nặn máu để khử ứ, giảm đau.

+ Nếu kèm hàn chứng có thể dùng “Thiêu sơn hỏa”.

+ Nếu kèm thêm nhiệt chứng, dùng thủ thuật “Thấu thiên lương”.

– Chú ý :

+ Người bệnh quá suy yếu không được dùng phép tiêu.

+ Có trường hợp chỉ dùng phép tiêu, có trường hợp như yếu quá, phải vừa tiêu vừa bổ.

BỒ PHÁP

a) Đại cương : Mục đích để làm cho những phần tử của cơ thể bị suy yếu mạnh lên. Có tác dụng phù chính khu tà, hồi phục chính khí.

b) Áp dụng : Thường nhằm vào 4 loại chính : Âm – Dương, Khí – huyết.

1.- Bổ âm : Thường dùng bài Lục Vị Địa Hoàng (Thục địa, Hoài sơn, Bạch linh, Sơn thù, Đơn bì, Trạch tả).

Hoặc dùng huyệt Thận du (Bq.23), Tam âm giao (Ty.6) hoặc bổ các Thủy huyệt.

2.- Bổ dương : thường dùng bài Bát Vị Địa Hoàng (tức bài Lục Vị, thêm Quế và Phụ tử).

Hoặc dùng huyệt Mệnh môn (Đc.4), Quan nguyên (Nh.4)… hoặc bổ các hỏa huyệt.

3.- Bổ huyết : thường dùng bài Tứ Vật Thang (Thục địa, Xuyên khung, Đương quy, Bạch thược) hoặc bài Quy Tỳ Thang (Đảng sâm, Bạch truật, Phục linh, Cam thảo, Hoàng kỳ, Mộc hương, Đương quy, Nhãn nhục, Táo nhân, Viễn chí).

Hoặc dùng các huyệt : Cách du (C.17), Huyết hải (Ty.10), Cao hoang (Bq.43), hoặc bổ Tâm (Tâm chủ huyết) bổ Can (Can tàng huyết) bổ Thận (Thận sinh huyết)…

4.- Bổ khí : Thường dùng bài Tứ Quân Tử (Nhân sâm, Bạch truật, Bạch linh, Cam thảo) hoặc Bổ Trung Ích Khí (Bạch truật, Đương quy, Hoàng kỳ, Nhân sâm, Sài hồ, Thăng ma, Trần bì, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo).

Hoặc huyệt Khí hải (Nh.6), Chiên trung (Nh.17), Túc tam lý (Vi.36) và chú trọng bổ Phế (vì Phế chủ khí) và Thận (vì Thận nạp khí). Dùng châm bổ hoặc dùng thủ thuật “Thiêu sơn hỏa”.

c) Cách thức Bổ : có thể bổ bằng 2 cách :

– Bổ trực tiếp vào tạng phủ bệnh, theo nguyên tắc : “Hư tắc bổ”.

Thí dụ : Tạng Can bệnh, bổ vào tạng Can.

– Bổ gián tiếp theo nguyên lý tương sinh của Ngũ hành : theo nguyên tắc “Hư bổ mẫu”.

Thí dụ : bổ Thổ để sinh kim (Phế hư bổ tỳ).

d) Chú ý :

– Bổ tùy mức độ hư nhiều ít mà dùng bổ mạnh hoặc bổ từ từ.

– Nếu không có hư, không dùng phép bổ.

– Khi bệnh tà còn mạnh, chính khí không suy, phải công tà trước (khu tà) rồi bổ sau (phù chính).

– Khi tà khí còn, chính khí quá suy thì phải vừa công vừa bổ để nâng sức chống đỡ của cơ thể.

TÓM KẾT VỀ BÁT PHÁP

Để việc chữa trị có kết quả phải xác định đúng cách chữa bệnh. Tuy nhiên, con người là 1 sinh vật, luôn có sự thay đổi, do đó sự diễn biến về bệnh tật cũng luôn thay đổi, phải dựa trên từng giai đoạn diễn tiến của bệnh mà linh hoạt sử dụng các cách chữa bệnh. Mặt khác, cũng cần chú ý đến tình trạng bệnh ở thể cấp hoặc mãn tính, ở Biểu hoặc lý, triệu chứng thực hoặc hư, thuộc thật hoặc giả… để xác định và thay đổi gia giảm phép chữa cho kịp thời.

CÁC CÁCH CHỮA KHÁC

Để hổ trợ không 8 phép chữa bệnh trên, YHCT còn có 1 số phương pháp chữa ngoài như :

1.- Xông : đặc biệt hay dùng trong các trường hợp cảm.

2.- Rửa : nhất là các vết thương phần mềm.

3.- Xoa bóp.

4.- Đắp thuốc.

5.- Dán cao.

6.- Thổi vào miệng mũi, tai, họng…

7.- Ngậm, xúc miệng.

8.- Thông, bơm, hoặc đặt vào âm đạo, hậu môn…

Ngoài ra, trong dân gian còn phổ biến khá nhiều cách chữa bệnh độc đáo và hiệu quả cao như : Chích lể, giác, cạo gió, đánh gió, khêu… Những phương pháp này gắn bó với đời sống của dân tộc, trải qua hàng ngàn năm, cần thừa kế và phát huy để tiếp tục sự nghiệp y học mà cha ông chúng ta để lại, đây là những vốn liếng rất qúy báu của dân tộc ta.