Logo

Dây thìa canh lá to – Dược liệu vàng cho người tiểu đường

Lượt xem: 346 Ngày đăng: 14/11/2020

yduoctuetinh.net – Dây thìa canh lá to (DTCLT) (Gymnema latifolium Wall. ex Wight) họ Thiên lý (Asclepiadaceae), là loại cây dây leo, toàn thân có nhựa mủ màu vàng tươi. Lá non có lông dày, mềm; lá bánh tẻ ráp do lông cứng, nhiều hơn ở mặt dưới lá, dày hơn ở phần gân lá; lá già có màu vàng đặc trưng. Những năm gần đây loài cây này được biết đến là dược liệu vàng cho người tiểu đường.

Dây thìa canh lá to (DTCLT) lần đầu tiên được phát hiện và nghiên cứu tại Việt Nam qua đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu các dược liệu và bài thuốc có tác dụng điều trị Đái tháo đường” (2008 – 2012) do PGS.TS Trần Văn Ơn – Nguyên Trưởng bộ môn Thực vật – Đại học Dược Hà Nội cùng cộng sự tiến hành. Đây có thể được coi là đề tài định danh dây thìa canh lá to (Gymnema latifolium Wall. ex Wight) vì hiện nay trên thế giới, ngoài những nghiên cứu phân loại, chưa có nghiên cứu nào về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của dược liệu này. Khi đã phát hiện ra dây thìa canh (DTC) với tác dụng hạ đường huyết rất tốt, bằng phán đoán cũng như kinh nghiệm của mình, ông cho rằng DTCLT cùng chi với DTC nên cũng có thể có tác dụng tương tự. Tuy nhiên, trong khuôn khổ đề tài trên, ông đã không thể làm thêm những nghiên cứu về DTCLT.

Chính vì vậy, Ông đã quyết định thực hiện thêm 1 đề tài cấp bộ nữa mang tên “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường từ cây dây thìa canh lá to (Gymnema latifolium Wall. Ex wight)” nhằm nghiên cứu sâu hơn về DTCLT. Và những kết quả thu được từ nghiên cứu này đã không phụ sự mong đợi của ông.

Nghiên cứu về tác dụng hạ đường huyết cho thấy, mức giảm đường huyết của cây dây thìa canh lá to (Gymnema latifolium) là 36,31 ± 3,5%, còn dây thìa canh (Gymnema sylvestre) là 23,41 ± 4,09%. Như vậy, mức độ giảm đường huyết của DTCLT cao gần gấp 2 lần DTC.

Thành phần hoạt chất có trong DTCLT cũng khá giống với DTC bao gồm: saponin, flavonoid, coumarin, tanin, chất béo, đường khử, acid amin, acid hữu cơ. Chính vì thế, DTCLT cũng có những tác dụng tương tự như DTC, đó là:

– Tăng cường sản xuất và hoạt tính của Insulin

– Giảm hấp thu glucose ở ruột

– Tăng men sử dụng đường ở mô, cơ

– Tăng thải cholesterol, giảm mỡ máu

Những tác dụng này kết hợp với nhau sẽ giúp kiểm soát tốt đường huyết và ngăn ngừa những biến chứng cho người tiểu đường.

Nghiên cứu về độc tính của DTCLT cũng thu được những kết quả rất tích cực. DTCLT không có độc tính cấp ngay cả khi thử với liều cao nhất có thể cho chuột uống là 25g/kg thể trọng. Nghiên cứu về độc tính bán trường diễn của DTCLT trên chuột thực nghiệm khi dùng đường uống với liều 1,4 g/kg và 4,2 g/kg (tính theo dược liệu khô) liên tục 28 ngày cũng không gây ảnh hưởng gì đến tình trạng toàn thân, sự phát triển khối lượng cơ thể, chức năng tạo máu, chức năng gan, thận, đại thể, khối lượng tim, gan, thận, lách và vi thể gan thận.

Kết quả này có ý nghĩa rất to lớn với người tiểu đường do là đối tượng phải dùng thuốc liên tục trong thời gian dài, thậm chí là cả đời nên việc một chế phẩm an toàn, không có độc tính khi sử dụng liều cao cũng như dùng dài ngày sẽ giúp phòng tránh được nhiều rủi ro trong quá trình dùng thuốc.

Hiện nay, DTCLT đã được quy hoạch và trồng tại Thái Nguyên. Toàn bộ các khâu chọn giống, trồng trọt, thu hái đều được tuân theo tiêu chuẩn GACP, được Bộ Y tế công nhận. Cây giống phải được gieo trồng qua 3 thế hệ vẫn cho hoạt chất ổn định, phát triển bình thường mới được đưa vào gieo trồng trên diện rộng. Đất trồng DTCLT phải đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu dưới ngưỡng cho phép, nguồn nước cũng phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Vùng trồng dược liệu phải cách xa các vùng trồng lúa, ngô và hoa màu khác để tránh ô nhiễm chéo. Quá trình trồng trọt, thu hái DTCLT cũng phải tuân thủ theo đúng kỹ thuật đã quy định, thu hoạch sau 6-8 tháng, chỉ thu hoạch cành bánh tẻ và lá.

BTV-KD

(Theo Sức khỏe & Đời sống)