Logo

Đại Cương Về Xương Và Hệ Xương

Lượt xem: 373 Ngày đăng: 12/05/2020

1. ĐỊNH NGHĨA – CHỨC NĂNG

– Xương là những bộ phận rắn bên trong tạo thành một bộ khung vững chắc nâng đỡ toàn cơ thể, và làm chỗ dựa cho các thành phần khác của cơ thể.

– Một số xương có tác dụng che chở và bảo vệ những cơ quan chứa đựng bên trong, như: hộp sọ, ống sống, lồng ngực, khung chậu.

– Xương lại là chỗ bám của các cơ, hoạt động như những đòn bẩy trong bộ máy vận động gồm có: xương, khớp, cơ, và thần kinh.

Tóm lại xương có 3 nhiệm vụ chủ yếu: nâng đỡ, bảo vệ và vận động.

Ngoài ra xương còn có những chức năng khác:

– Tủy xương là nơi tạo huyết, sản sinh ra các huyết cầu.

– Xương cũng là kho dự trữ chất khoáng (calci và phospho…) mà khi cần cơ thể có thể huy động lấy ra.

* Môn học nghiên cứu về xương gọi là cốt học (osfeologia), là phần giải phẫu học đầu tiên cần biết, trước khi đi vào các phần khác của cơ thể.

2. THÀNH PHẦN – SỐ LƯỢNG

Bộ xương người gồm 206 xương, phần lớn là các xương chẵn (đối xứng), chia làm hai phần chính (Hình 2.1).

2.1. Bộ xương trục (skeleton axiale)

– Xương sọ + xương móng va các xương nhỏ của tai: 29 xương

– Xương thân mình gồm:

+ Cột sống: 26 xương

+ Xương sườn và xương ức: 25 xương

2.2. Bộ xương treo hay xương chi (skeleton appendicularc)

– Xương chi trên: 61 xương

– Xương chi dưới: 62 xương

Tổng cộng: 206 xương

Hình 2.1. Bộ xương người (nhìn trước)
1. Xương sọ, 2. Đốt sống cổ, 3. Xương đòn, 4. Xương vai, 5. Xương ức, 6. Xương cánh tay, 7. Đốt sống thắt lưng, 8. Xương quay, 9. Xương trụ, 10. Xương chậu, 11. Xương cùng, 12. Các xương cổ tay, 13. Xương đùi, 14. Xương bánh chè, 15. Xương chày, 16. Xương mác, 17. Các xương cổ chân.

3. HÌNH THỂ NGOÀI

3.1. Phân loại

Mỗi xương có một hình thể khác nhau, tùy theo chức năng của nó ở từng đoạn cơ thể. Dựa vào dó, xương có thể chia làm 4 loại chính:

– Xương dài (os longum): phần lớn ớ các chi (xương đùi, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân) phù hợp với những động tác vận động rộng rãi.Xương ngắn (os breve): gồm những xương cổ tay, cổ chân v.v… phù hợp với những động tác hạn chế, nhưng mềm dẻo khi phối hợp đồng bộ.

– Xương dẹt (os planum): như các xương ở vòm sọ, xương bả vai, xương chậu, thích nghi với chức năng bảo vệ.

– Xương không đều (hay xương bất định) (os irregulare): là những xương hình thể phức tạp, không xếp được vào một trong số các loại trên, như xương hàm trên, xương thái dương, các xương ở nền sọ.

– Ngoài ra còn loại xương vừng (ossa sesamoidea) là những xương nhỏ nằm trong gân cơ, và thường đệm vào các khớp, để giảm độ ma sát của gân, cơ, giúp cho cơ hoạt động được tốt hơn. Ví dụ xương bánh chè là một xương vừng lớn nhất của cơ thể.

3.2. Mô tả một xương

Mỗi xương được mô tả một cách khác nhau, tùy theo hình thể ngoài của nó. Ví dụ: một xương dài bao giờ cũng có một thân và 2 đầu.

– Đầu xương (epiphysis) có mặt khớp, những mỏm, mấu, và các cổ xương là nơi tiếp giáp với mặt khớp hay với thân xương.

-Thân xương (diaphysis) thường được mô tả theo các mặt và các bờ.
 Các đầu, các mặt, các bờ xương thường được gọi tên theo những nguyên tắc định hướng chung của giải phẫu học, và được mô tả theo hình thể ngoài và ý nghĩa chức năng của chúng.

3.3. Ý nghĩa chức năng của phát triển hình thể ngoài

Những thay đổi về hình thể trên bề mặt xương đều có tên gọi riêng. Chúng phát triển do ảnh hưởng của chức năng và sự liên quan với các cơ quan ở bên cạnh. Nói một cách khác, những chỗ lồi lõm, gồ ghề, ụ, mỏm, khuyết, hố, rãnh, lỗ v.v… là do cơ hay dây chằng bám gân lướt qua, mạch máu thần kinh chạy tới v.v…

Những chỗ lồi lõm ở chỗ bám của gân cơ hay dây chằng, thực chất là để tăng diện tích tiếp xúc cho cơ bám được vững chắc hơn. Cơ càng khỏe thì xương càng phát triển, và lồi lõm càng rõ nét. Cho nên xương ở nam giới thường to và thô, lồi lõm rõ rệt hơn ở nữ giới và trẻ em. Những người lao động và tập luyện thể dục thể thao cũng có những lồi lõm phát triển hơn người ít lao động.

Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội tổng hợp