Logo

Cuộc chiến chống COVID-19, làm gì khi hệ miễn dịch “về chiều”?

Lượt xem: 113 Ngày đăng: 25/08/2021

Bệnh lý nền mạn tính như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD không chỉ xuất hiện dần nhiều theo tuổi tác ở những người cao tuổi, mà với lối sống thiếu khoa học của nhiều người hiện nay, bệnh lý nền mạn tính xuất hiện ngày càng nhiều ở những người trẻ. Khi mang bệnh lý nền, nghĩa là khả năng miễn dịch của bạn đã kém đi. Tuổi còn trẻ nhưng hệ miễn dịch đã “về chiều”.

Cao tuổi + bệnh lý nền: hệ miễn dịch “về chiều”

Cùng với sự gia tăng của tuổi tác, bệnh lý nền bắt đầu xuất hiện nhiều. Đặc biệt, bước vào tuổi 60, theo ghi nhận của thế giới và Việt Nam, 50% có nguy cơ mắc tăng huyết áp tăng. Điều đáng lo ngại, họ có thể sẽ kèm theo các bệnh lý mạn tính khác như thiếu máu cơ tim, đái tháo đường. Nhất là khi con người già đi, hệ miễn dịch cũng bắt đầu suy giảm, phản ứng tiêu diệt mầm bệnh không còn mạnh mẽ như lúc trước, tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công và phát triển.

GS.TS.BS. Trương Quang Bình khuyến cáo: “Bệnh nhân COVID-19 trên nền bệnh lý tim mạch thường diễn tiến nặng nề hơn, vì lúc đó, hệ thống tim mạch vốn đã bị tổn thương giờ lại thêm suy hô hấp, sẽ càng khiến bị quá tải, dẫn đến hàng loạt biến chứng nghiêm trọng như suy tim, nhồi máu cơ tim, truỵ tuần hoàn, trụy hô hấp.”

Cao tuổi + bệnh lý nền: hệ miễn dịch “về chiều” (ảnh minh họa)

Một thực trạng đáng nói nữa là các bệnh lý mạn tính xuất hiện ngày càng nhiều và nặng ở những người trẻ hoặc rất trẻ. Nhiều người bệnh bị nhồi máu cơ tim đến cấp cứu mới chỉ 26 tuổi. Theo GS. TS. BS. Trương Quang Bình, một thống kê ở TP.HCM cho thấy, nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân 35 – 45 tuổi chiếm 11,6%.

“Với lối sống không khoa học như thiếu điều độ, không luyện tập, ăn không cân đối dẫn đến thừa cân – béo phì, hút thuốc lá nhiều, ăn mặn nhiều, căng thẳng về tinh thần… Tất cả gây ra tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa động mạch dẫn đến các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ…; rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…,” GS.TS.BS Trương Quang Bình phân tích

Đái tháo đường: suy giảm miễn dịch trước bệnh lý viêm nhiễm

PGS.TS.BS. Bích Đào nhấn mạnh rằng: “Trong những người nhiễm SARS – CoV – 2, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường rất nhiều, diễn tiến cũng thường nặng hơn. Tại sao như vậy? Bản thân bệnh nhân đái tháo đường, tăng đường huyết đưa đến nhiều tình trạng bất lợi cho cơ thể, đầu tiên là suy giảm đáp ứng miễn dịch trước các bệnh lý viêm nhiễm. Những bệnh nhân này thông thường có nhiều biến chứng kể cả biến chứng về tim mạch – yếu tố khiến nhiễm SARS – CoV – 2 càng nặng hơn.”

Ngoài ra, theo PGS.TS.BS. Bích Đào, người bệnh đái tháo đường còn phải sử dụng nhiều thuốc, gồm corticoid, cũng khiến trầm trọng thêm nếu mắc COVID – 19. Những làn sóng đáp ứng viêm do nhiễm SARS – CoV – 2 khiến tình trạng kiểm soát đường huyết ngày một khó khăn hơn. Do đó, nếu chúng ta kiểm soát đường huyết tốt có thể hoàn toàn giảm bớt những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

COVID – 19 không chỉ tấn công phổi mà còn vi mạch máu

Còn đối với hệ hô hấp, theo PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc, đây có thể được xem như phòng tuyến đầu tiên trong cơ thể giúp chống chọi với vi sinh vật gây bệnh trong đó có COVID – 19.

Tuổi và những bệnh lý mạn tính ở đường hô hấp là nguy cơ rất cao đối với bệnh nhiễm trùng nói chung. Đặc biệt, những bệnh lý như COPD, giãn phế quản hay ung thư phổi… sẽ tàn phá, làm suy giảm chức năng đường thở – bức tường thành bảo vệ. Không có gì ngạc nhiên khi người bệnh COPD hay phải nhập viện do đợt cấp vì virus hay vi khuẩn tấn công và tỷ lệ tử vong thường khá cao.” PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc cho biết.

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc giải thích thêm, virus SARS – CoV – 2 gây ra COVID -19 lại vô cùng “yêu thích” xâm nhập vào các tế bào ở biểu mô đường thở. Hàng rào đường thở suy yếu trong khi với tuổi tác cao, hệ miễn dịch bắt đầu bị trì trệ, càng tạo điều kiện cho virus tấn công và phát tán nhanh, xâm nhập vào máu, gây tổn thương tới hệ miễn dịch của cơ thể.

Tăng cường chủ động phòng ngừa dịch bệnh

Nếu người càng có nhiều bệnh lý nền và không kiểm soát tốt bệnh sẽ rất nguy hiểm khi bị nhiễm virus, nhất là virus mới lạ gây COVID-19 như hiện nay.

Với bệnh nhân đái tháo đường, PGS.TS.BS. Bích Đào cho rằng, uống thuốc, theo dõi định kỳ đều đặn theo khuyến cáo của bác sĩ và theo dõi sức khoẻ hàng ngày, vì đường huyết là yếu tố cốt lõi dẫn đến tất cả vấn đề biến chứng của bệnh hoặc là sự thay đổi mức độ nặng của bệnh. Bên cạnh đó, phải chú trọng lối sống, chế độ ăn uống và luyện tập. Đặc biệt, phải tránh căng thẳng lo âu do stress vì nó sẽ làm tăng đường huyết khiến kéo theo một loạt rối loạn khác làm suy giảm sức đề kháng của chúng ta.

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc cũng nhấn mạnh, tuân thủ điều trị là đóng một vai trò tiên quyết. Ông cũng cảnh báo, người bệnh không được lạm dụng một số thuốc trong khi không nắm rõ tình trạng bệnh, rất dễ gây nguy hiểm, bệnh nhân bị tai biến.

Chú trọng lối sống, chế độ ăn uống và luyện tập để chủ động phòng ngừa (ảnh minh họa)

Về mặt tinh thần, theo GS.TS.BS. Trương Quang Bình, khi một người ở trạng thái căng thẳng quá mức, cơ thể tiết ra hormon ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, làm tim đập nhanh hơn, mạch máu co thắt lại đưa đến các cơn tăng huyết áp; như vậy dễ xảy ra những biến cố tim mạch… Hoặc với tâm thế chán nản thờ ơ, không tích cực, chắc chắn hệ thống miễn dịch không được kích hoạt tốt.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống