Logo

Chăm sóc Răng hàm mặt thời Covid – những điều cần biết

Lượt xem: 28 Ngày đăng: 12/08/2021

Những trường hợp nào cần khám Răng hàm mặt?

Trong nội dung khuyến cáo của WHO, khuyến cáo tạm hoãn (không phải là ngừng) việc kiểm tra và vệ sinh răng miệng định kỳ  nếu thấy không cần thiết, còn việc cấp cứu, chữa bệnh răng miệng vẫn thực hiện bình thường khi thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Đầu tiên là những trường hợp cấp cứu đe dọa đến tính mạng  và điều trị thường để làm ngưng chảy máu, xử trí nhiễm trùng nặng vùng miệng hàm mặt như áp xe sàn miệng có thể gây khó thở, xử trí chấn thương xương và mô mềm vùng hàm mặt miệng.

Ngoài những trường hợp cấp cứu trên cần phải đến bệnh viện ngay thì có một số điều trị nha khoa cần xử trí khẩn cấp nhằm làm giảm đau, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng nặng hơn như nhức răng, gãy răng, chấn thương va chạm làm răng bị loại ra khỏi ổ, rách mô mềm, phục hình hay khí cụ chỉnh nha bị sút gãy gây đau nhức ảnh hưởng ăn nhai.

Những trường hợp này có thể xử trí tại Khoa Răng Hàm Mặt các bệnh viện nhưng cần được tiến hành nhanh gọn, đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn ở cơ sở để hạn chế lây nhiễm trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh.

Cách xử trí vấn đề vùng hàm mặt trong mùa dịch sao cho an toàn?

Virus đường hô hấp gây những bệnh như viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) lây lan khi dịch nhầy hay dịch tiết đường hô hấp chứa virus xâm nhập vào cơ thể của bạn từ mắt, mũi hay họng.

Virus xâm nhập đầu tiên ở niêm mạc mũi và miệng, sinh sôi ở đường hô hấp trên (hầu, họng), sau một thời gian ủ bệnh mới di chuyển xuống đường hô hấp dưới (phổi, phế quản).

Với bệnh nhân bắt buộc phải đến viện:

– Thăm khám từ xa:  Kiểm tra Xquang trong miệng là kỹ thuật phổ biến nhất trong hình ảnh nha khoa, tuy nhiên, điều này có thể kích thích tiết nước bọt và ho. Do đó, X quang ngoài mặt, chẳng hạn như X quang toàn cảnh và CT conebeam là những lựa chọn thay thế phù hợp trong khi dịch COVID-19 đang hiện hữu. Xác định chẩn đoán thông qua tư vấn từ xa với bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định đến viện.

– Tại viện: Tuân thủ nghiêm ngặt phân luồng khám chữa bệnh như: các biển chỉ dẫn, thực hiện bắt buộc khai báo y tế, kiểm soát thân nhiệt tự động, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang y tế, giãn cách xã hội và trực tiếp nhân viên y tế giám sát nhằm kịp ứng phó và cách ly những trường hợp nghi ngờ để khám sàng lọc tại buồng cách ly ngay tại cổng của bệnh viện. Ở các khoa phòng có tranh tuyên truyền nhắc nhở và minh họa lợi ích việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế người nhà tới thăm cũng như chăm sóc bệnh nhân. Tại các khoa điều trị nội trú, tăng cường vệ sinh, tăng cường thông thoáng khí tự nhiên.

– Phẫu thuật trong miệng, hàm mặt: Nước súc miệng kháng khuẩn dung dịch Povidine Iodine 0,2% trước phẫu thuật có thể làm giảm số lượng vi khuẩn trong khoang miệng. Các thao tác có khả năng gây ho cho bệnh nhân cần được tránh hoặc thực hiện thận trọng trong điều kiện phòng mổ vô trùng.

Với bệnh nhân có thể trì hoãn, chăm sóc tại nhà

SARS-CoV-2 có độc lực mạnh mẽ khi ký sinh trên niêm mạc vật chủ. Súc miệng, súc họng sát khuẩn không chỉ tiêu diệt virus ngăn chúng xâm nhập vào vùng hầu họng mà còn tiêu diệt khi chúng nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài, phòng lây nhiễm cũng như chống virus phát tán mạnh hơn.

– Súc miệng, họng cần tuân thủ theo một quy trình nhất định là ngậm trong miệng một ngụm dung dịch (5-10 ml), dùng các cơ miệng và lưỡi để đưa dung dịch lưu chuyển trong miệng và tiếp xúc với các bề mặt trong miệng trong vòng 1 phút rồi nhổ ra. Sau đó thì không ăn uống trong vong ½ giờ tiếp theo. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng thì súc miệng sau chãi răng là một biện pháp vệ sinh răng miệng được thực hiện 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối.

Chải răng đúng cách

Cần phân biệt giữa các nước súc miệng kháng khuẩn dùng hằng ngày như CPC, tinh dầu, với nước súc miệng sát khuẩn dùng để trị bệnh viêm nhiễm trong miệng như Chlorhexidine hay Povidone. Nước súc miệng sát khuẩn được sử dụng theo chỉ định của Bác sĩ Răng Hàm Mặt để tránh gây xáo trôn cân bằng sinh học miệng. Thông dụng và sẵn có nhất là nước muối sinh lý, nhưng cần được pha loãng đúng nồng độ, quá mặn có thể làm bỏng loét niêm mạc hầu họng (1 lít nước đun sôi để nguội pha với 9 g muối để có nồng độ 0,9 %) hoặc có thể mua tại các hiệu thuốc. Đây là nồng độ chuẩn có thể đảm bảo an toàn khi dùng súc họng.

– Thực hiện vệ sinh răng đều đặn ít nhất 2 lần đánh răng mỗi ngày, súc miệng sau khi ăn vặt, sau bữa ăn chính.

– Ăn uống đúng cách để có hàm răng khỏe mạnh: Ăn nhiều trái cây và rau xanh và hạn chế ăn đồ nhiều đường ngọt. Các thực phẩm như cà rốt, cần tây kích thích sản xuất nước bọt và vô hiệu hóa các axit gây hại cho răng. Không ăn quá nóng gây phỏng miệng hoặc quá lạnh gây viêm họng.

– Chế độ sinh hoạt hợp lý, nghỉ ngơi và hoạt động điều độ. Tránh các thói quen xấu như: xỉa răng, cho tay vào miệng ở trẻ nhỏ, ngủ hở miệng, chống cằm, nằm nghiêng một bên.

Nguồn: Bệnh viện TWQĐ 108