Logo

Câu chuyện về Ngày Đái tháo đường Thế giới

Lượt xem: 422 Ngày đăng: 11/11/2020

yduoctuetinh.net – Trên thế giới cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó 46,5% người bệnh chưa được chẩn đoán. Mỗi 6 giây có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường. Chi phí y tế được sử dụng cho quản lý đái tháo đường chiếm 12% trên tổng chi phí y tế toàn cầu. Ngày Đái tháo đường Thế giới được Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức vào năm 1991 nhằm đáp lại những lo ngại về mối đe dọa sức khỏe ngày càng leo thang do bệnh đái tháo đường gây ra. Ngày Đái tháo đường Thế giới trở thành Ngày chính thức của Liên hợp quốc vào năm 2006 với việc thông qua Nghị quyết 61/225 của Liên hợp quốc. Nó được ấn định hàng năm vào ngày 14 tháng 11.

 

Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan.

Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Ở Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh, cho tới khi xuất hiện các biến chứng nặng trên tim, mắt, thận, thần kinh…

Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc…

Giới thiệu về “Ngày Đái tháo đường Thế giới” (WDD)

 Ngày Đái tháo đường Thế giới được Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức vào năm 1991 nhằm đáp lại những lo ngại về mối đe dọa sức khỏe ngày càng leo thang do bệnh đái tháo đường gây ra. Ngày Đái tháo đường Thế giới trở thành Ngày chính thức của Liên hợp quốc vào năm 2006 với việc thông qua Nghị quyết 61/225 của Liên hợp quốc. Nó được ấn định hàng năm vào ngày 14 tháng 11 là ngày sinh nhật của Sir Frederick Banting, người đồng phát hiện ra insulin cùng với Charles Best vào năm 1922.

 Ngày Đái tháo đường Thế giới được coi là ngày phát động chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh Đái tháo đường lớn nhất thế giới với khả năng tiếp cận hơn 1 tỷ người tại hơn 160 quốc gia. Chiến dịch thu hút sự chú ý đến các vấn đề quan trọng hàng đầu đối với thế giới bệnh tiểu đường và giữ cho bệnh tiểu đường vững chắc trong công chúng và chính trị. Biểu tượng của ngày Đái tháo đường thế giới là hình tròn màu xanh lam đã được Liên hợp quốc thông qua vào năm 2007. Vòng tròn màu xanh là biểu tượng toàn cầu cho nhận thức về bệnh tiểu đường. Nó biểu thị sự đoàn kết của cộng đồng đái tháo đường toàn cầu để đối phó với đại dịch đái tháo đường.

Tình hình bệnh đái tháo đường

Theo Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2019 trên thế giới có khoảng 463 triệu người mắc đái tháo đường dự kiến đến năm 2030 trên thế giới có khoảng 578 triệu người. Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra dịch tễ học bệnh đái tháo đường toàn quốc năm 2012 do Bệnh viện Nội tiết trung ương tiến hành, tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5,42% tương ứng khoảng 5,3 triệu người, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6% đồng nghĩa sẽ có rất nhiều người được chẩn đoán bệnh muộn với nhiều biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống.

Chủ đề của Ngày Đái tháo đường Thế giới 14/11 năm 2020: “Điều dưỡng với bệnh Đái tháo đường”

 Hàng năm, chiến dịch Ngày Đái tháo đường Thế giới sẽ tập trung vào một chủ đề dành riêng cho một hoặc nhiều năm. Chủ đề của Ngày Đái tháo đường Thế giới năm 2020 là “Điều dưỡng và Bệnh đái tháo đường”. Chiến dịch năm nay nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của điều dưỡng trong việc hỗ trợ những người bệnh sống chung với bệnh tiểu đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Điều dưỡng chiếm 59% các chuyên gia y tế và có vai trò quan trọng trong:

  • Chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường để đảm bảo điều trị kịp thời.
  • Đào tạo về quản lý bản thân và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh tiểu đường để giúp ngăn ngừa các biến chứng.
  • Giải quyết các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2 để giúp ngăn ngừa tình trạng này

Với nhiều đổi mới về nội dung và cách thức tổ chức, khác biệt hoàn toàn những lần sinh hoạt trước, buổi sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường thuộc khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 14/11/ 2020 chắc chắn sẽ mang đến cho các hội viên và gia đình những trải nghiệm cực kỳ sâu sắc và lý thú.

BTV-KD

(Theo trang thông tin điện tử BV Bạch Mai, BV Vinmec)