Logo

Căng thẳng khi mang thai có thể ảnh hưởng đến giới tính em bé

Lượt xem: 494 Ngày đăng: 07/05/2020

Thường xuyên căng thẳng khi mang thai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ mà còn xác suất sinh con gái nhiều hơn.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Columbia Vagelos và bác sĩ tại bệnh viện NewYork-Presbyterian hiện đã xác định được các loại căng thẳng về thể chất và tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình mang thai của người mẹ.

Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí PNAS  của viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

“Tử cung là ngôi nhà đầu tiên bị ảnh hưởng, tác động rất lớn đến sự phát triển của em bé”, trưởng nhóm nghiên cứu Catherine Monk, tiến sĩ, giáo sư tâm lý học tại Đại học Columbia Vagelos cho biết.

Theo bảng khảo sát 187 phụ nữ mang thai khỏe mạnh (từ 18-45 tuổi), kết quả cho thấy có khoảng 17% người thường xuyên bị căng thẳng tâm lý, 16% người bị căng thẳng về thể chất như huyết áp cao, lượng calo tiêu thụ nhiều hơn so với phụ nữ bình thường. 67% số phụ nữ còn lại đều khỏe mạnh.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ trải qua căng thẳng về thể chất và tâm lý sẽ ít có khả năng sinh con trai. Tỷ lệ tương ứng nam nữ lần lượt là 4:9 và 2:3.

Các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy những biến động xã hội, chẳng hạn như cuộc khủng bố vào ngày 11/9 ở New York khiến cho số ca sinh con trai tương đối giảm.

Căng thẳng khi mang thai có thể ảnh hưởng đến giới tính em bé - 1

Những tác động khác của căng thẳng gây ra:

– Những người mẹ bị căng thẳng về thể chất với huyết áp và lượng calo tiêu thụ cao, có khả năng sinh con sớm hơn dự định.

– Trong số những người mẹ bị căng thẳng về thể chất, chỉ số phát triển thần kinh trung ương của thai nhi chậm hơn.

– Những người mẹ thường bị căng thẳng tâm lý thường có nhiều biến chứng khi sinh hơn.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những phụ nữ mang thai khi được nhận nhiều trợ cấp từ gia đình, xã hội thì khả năng sinh con trai càng cao.

Ước tính 30% phụ nữ mang thai nói rằng thường bị căng thẳng tâm lý trong công việc. Việc căng thẳng như vậy có liên quan tới nguy cơ sinh non, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao, ảnh hưởng đến rối loạn về thể chất và tinh thần như rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em.

Tiến sĩ Monk còn nói thêm: “Căng thẳng ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch của người mẹ, dẫn tới những sự thay đổi trong sự phát triển thần kinh và hành vi của thai nhi. Điều này cho thấy, sức khỏe tâm thần của người mẹ không chỉ để lại nhiều hậu quả cho người mẹ mà còn cả những đứa bé sắp chào đời”.

Theo Phan Hằng (Theo Sciencedaily) (Báo GT)