Logo

Cách hay giữ thực phẩm tươi lâu, tránh tiếp xúc trong dịch COVID-19

Lượt xem: 168 Ngày đăng: 03/08/2021

Dù đang là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương thì mối quan tâm, trăn trở chung của các gia đình, nhất là người nội trợ là bảo đảm được an toàn thực phẩm.

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm‏

‏Thời gian gần đây, nhiều gia đình đã từ bỏ thói quen đến chợ truyền thống, thậm‏ chí không đến siêu thị để hạn chế tiếp xúc. Thay vào đó, chuyển sang đặt hàng online tại các siêu thị hoặc trên các nền tảng thương mại, dịch vụ đi chợ hộ khác nhau…

Tuy nhiên, thực tế từ ổ dịch mới được phát hiện thì việc giao nhận hàng cũng là một nguy cơ tiềm ẩn nếu các đơn vị cung cấp thực phẩm không thể kiểm soát tốt sức khoẻ của nhân viên giao hàng.

Trước thông tin tối muộn 1/8, CDC Hà Nội báo cáo nhanh về 21 ca bệnh vừa được phát hiện tại Công ty thực phẩm Thanh Nga, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) là đơn vị cung cấp thực phẩm cho hàng chục siêu thị lớn ở Hà Nội đã gây nhiều lo lắng. ‏

‏Vậy làm thế nào để gia đình có thể bảo đảm thực phẩm trong thời gian dài và hạn chế tiếp xúc?‏

Không đi mua thực phẩm hằng ngày

‏Nguyên tắc đầu tiên là bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh‏ bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch: luôn đeo khẩu trang, xịt khuẩn, giữ khoảng cách, trao đổi thông tin đủ khi mua hàng…‏

‏Ghi chi tiết những loại thực phẩm, gia vị cần mua cho thời gian trong cả tuần. Điều này với người Việt Nam rất quen thuộc mỗi dịp lễ Tết, khi mà chợ truyền thống, siêu thị đóng cửa.‏

‏Ưu tiên mua các loại rau củ có thể để lâu như bí xanh, bí đỏ, khoai tây, cà rốt. Các loại rau theo mùa. ‏‏Ưu tiên ăn rau lá trước, củ quả có thể để nhiệt độ phòng hoặc bảo quản trong hộp kín bỏ tủ lạnh. Có thể dự trữ rau củ đông lạnh để làm sinh tố, nước ép… Nếu bạn thích trái cây và rau đóng hộp, nên chọn loại nguyên chất 100%, trên nhãn mác thực phẩm có ghi “ít natri” hoặc “ít muối” hoặc “không thêm muối”.

‏Không cần chế biến quá cầu kỳ cho mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, trong các bữa ăn nên đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cần thiết: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.‏

‏Ngoài thịt cá tươi, có thể mua thực phẩm đông lạnh hoặc đóng hộp như cá ngừ, cá hồi hoặc cá mòi đóng hộp (những loại này bảo quản tốt). Một số thực phẩm giàu đạm với giá rẻ như các loại đậu. Ưu tiên thịt trắng (gà, cá…). Trứng là thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng với chi phí thấp và dễ chế biến‏

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách

‏Có thể chế biến sẵn thực phẩm ngay khi mua về. Kho cá, kho thịt, rang tôm… là những cách chế biến phù hợp vì có thể bảo quản lâu. Ngoài ra, thực phẩm khi mua về, cần sơ chế, loại bỏ những phần héo úa hay bị hỏng trước khi cất trữ trong tủ lạnh.

An toàn thực phẩm mùa dịch, phải làm sao? - Ảnh 3.

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh để phòng ngộ độc.

Trữ thực phẩm đúng cách

‏Vi khuẩn có hại phát triển nhanh nhất ở môi trường > 5°C đến 60°C. Không để thịt, cá, thực phẩm đã được làm lạnh ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Vì vậy, sau khi mua sắm, hãy nhanh chóng bảo quản thịt, cá và các loại thực phẩm ở ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh. Chia nhỏ thực phẩm theo khẩu phần ăn của bạn hoặc gia đình trước khi bảo quản ngăn đông, điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian rã đông. Tuyệt đối không cấp đông lại thực phẩm đã rã đông.‏

‏Sắp xếp thực phẩm theo thời hạn sử dụng

‏Những thức ăn gần hạn sử dụng hoặc thức ăn đã được mở nắp hộp và đang dùng dở nên để bên ngoài nơi dễ nhìn thấy để không bị quên.‏

Dán nhãn thức ăn

‏Ghi tên thức ăn và ngày chế biến (hoặc hạn sử dụng) để dễ sắp xếp và dễ tìm. Việc ghi nhãn thức ăn sẽ giúp tìm nhanh loại thức ăn cần dùng mà không phải mở nắp hộp kiểm tra. Có thể ghi tên các thực phẩm có trong tủ và đính nam châm trước cửa tủ để hạn chế mở cửa tủ lạnh kiểm tra nhiều lần. Việc mở tủ lâu sẽ làm mất độ lạnh của tủ nên thức ăn dễ bị hỏng hơn.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống