Tháng 8/2018 vừa qua, khi các trường công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển, một điều khiến dư luận bất ngờ là rất nhiều thí sinh thi đạt điểm cao đỗ vào các trường công an, quân đội đến từ Hòa Bình và Sơn La – hai điểm nóng gian lận thi cử.
Cụ thể, tại Học viện An ninh nhân dân, có 14 thí sinh đến từ Hòa Bình và 10 thí sinh từ Sơn La. Như vậy, chỉ tính riêng hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình đã có 24 thí sinh trúng tuyển trong tổng số 220 chỉ tiêu vào trường. Không những thế, thí sinh ở những địa phương này đều có số điểm rất cao. Ví dụ, khối C03, 2 thủ khoa của Học viện An ninh nhân dân ở cả 2 đối tượng nam và nữ, 1 thí sinh khối D01 đạt 28,35 điểm cũng đều là thí sinh của Hòa Bình. Về tổng điểm 3 môn thi cao (không có điểm cộng), danh sách có tên của hai thí sinh ở Sơn La dự thi khối C03 và D01.
Ở khối trường quân sự, thí sinh đạt điểm cao ở Hòa Bình cũng không hiếm. Thủ khoa, Á khoa Học viện Hậu cần hệ quân sự đều là thí sinh ở cụm thi Hòa Bình. Đó là thí sinh Đỗ Trung Giang, khối A00, có số điểm là 28,70 (Toán 9,20; Vật lý 9,75 và Hóa học 9,00) và thí sinh Nguyễn Hà Hải Đăng, khối A00 với số điểm là 28,25 (Toán 9,00; Vật lý 9,25 và Hòa học là 9,25).
Thủ khoa toàn trường, đồng thời là thủ khoa khối A của Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một thí sinh đến từ Hòa Bình với tổng điểm 28,2 điểm xét tuyển (trong đó Toán 9,2; Vật lý 9; Hóa học 9,25 và 0,75 điểm ưu tiên khu vực). Thủ khoa của trường Sĩ quan Pháo binh, dẫn đầu toàn trường trong cả 2 khối xét tuyển A, A1 về điểm xét tuyển là 27,65 (Toán 9,4; Vật lý 8,25; Hóa học 9,25; điểm cộng ưu tiên khu vực là 0,75). Năm 2018, Thủ khoa của Trường Sĩ quan Phòng hóa là một thí sinh đến từ tỉnh Hòa Bình với điểm trúng tuyển khối A là 26,15 điểm. Học viện Khoa học quân sự tuyển 5 ngành, mỗi ngành đều có chỉ tiêu cho nam và nữ do đó sẽ có 10 thí sinh đạt điểm xét tuyển cao nhất. 3 em trong số đó đến từ miền núi phía Bắc. Cụ thể, 2 nữ sinh của Hòa Bình đạt điểm xét tuyển cao nhất ngành Ngôn ngữ Anh (26,94) và Ngôn ngữ Nga (25,84).
Cần có biện pháp răn đe “mạnh”
Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT thì khi trả lại điểm thật cho những thí sinh gian lận, nếu không đủ điểm trúng tuyển vào trường ĐH đang tuyển thì phải buộc thôi học. Nhưng với những thí sinh vẫn đủ điểm thì nên cho tiếp tục học nếu xác minh được các em không phải là người tham gia vào việc gian lận thi cử. Ông Khuyến cũng đề nghị cơ quan an ninh cần có những xác minh cụ thể từng trường hợp xem bản thân các thí sinh có “tiếp tay” cùng với gian lận thi cử hay không. Nếu có tham gia, dù điểm như thế nào đều phải xử lý kỷ luật, thậm chí là phải xử lý hình sự.
Trong khi đó, GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, sự việc tại Hòa Bình hay Sơn La cần phải được xử lý nghiêm, triệt để vì hiệu ứng xã hội rất xấu và kéo dài quá lâu. Chính vì vậy, GS. Phạm Tất Dong đưa ra đề xuất tất cả những thí sinh có bài thi khi chấm thẩm định có thay đổi điểm do gian lận thi cử phải bị hủy kết quả thi. Vì các thí sinh này không phải không biết tại sao mình bỗng dưng đạt điểm cao so với năng lực làm bài thi.
Tại sao trong suốt thời gian điều tra vừa qua, không có thí sinh nào lên tiếng “thú nhận” mình được “nâng điểm” mà cả 56 thí sinh được phát hiện vừa rồi đều im lặng. Và những thí sinh này đều đã 18 tuổi nên không thể nói các em không có suy nghĩ. Việc hủy kết quả thi còn là để cho các phụ huynh “biết sợ” để không “chạy điểm” cho con. GS. Dong cũng cho rằng việc xử lý hình sự không chỉ đối với những cán bộ bị khởi tố vừa qua mà phụ huynh cũng phải bị xử lý.
(Tienphong)