Logo

WHO nghiên cứu đột biến có thể nguy hiểm hơn biến thể Delta

Lượt xem: 29 Ngày đăng: 09/08/2021

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nghiên cứu khả năng lây lan của Lambda – đột biến được cho là có khả năng nguy hiểm hơn biến thể Delta.

Biến thể Lambda. Ảnh: Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID)

Hãng TASS dẫn lời bà Melita Vujnovic, Trưởng đại diện WHO tại Nga cho biết hôm 4.8 rằng Tổ chức Y tế Thế giới đang nghiên cứu khả năng lây lan của biến thể Lamda.

“Chủng Lambda – được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái ở Nam Mỹ – đang được giám sát kỹ lưỡng để xem liệu nó có bị thay thế bởi các chủng khác hay không và liệu nó có đặc điểm nào về khả năng lây truyền lớn hơn không. Điều quan trọng nhất bây giờ là ngăn chặn sự lây lan của virus” – bà Melita Vujnovic nói trong một cuộc phỏng vấn với bản tin hàng ngày Vesti trên kênh truyền hình Rossiya-1.

Biến thể Lambda được báo cáo lần đầu tiên ở Peru vào cuối mùa hè năm 2020. Nó chiếm phần lớn các trường hợp mắc COVID-19 ở Peru và khoảng 1/3 các trường hợp mới ở Argentina và Chile trước khi biến thể Delta xuất hiện. Hơn 1.000 ca COVID-19 ở Mỹ là bị nhiễm biến thể Lambda.

Vào tháng 6, WHO xác định Lambda là “biến thể đáng quan tâm” – nghĩa là nó đáng quan tâm, nhưng không phải là mối đe dọa đã được chứng minh của “biến thể đáng quan ngại” như biến thể Delta.

Lambda đã thu hút sự chú ý của thế giới vì nó có vẻ vừa dễ lây nhiễm hơn chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu, vừa có khả năng kháng các biện pháp can thiệp hiện tại cao hơn. Bộ gene của Lambda gồm một tập hợp 8 đột biến quan trọng có thể làm tăng khả năng lây truyền của nó.

Một nghiên cứu được đăng ngày 28.7 trên trang web bioRxiv của các nhà nghiên cứu Đại học Tokyo cho biết, các biến thể Lambda có những thay đổi trong gai bề mặt của virus làm nó dễ dàng xâm nhập tế bào của chúng ta, đồng thời khó bị các kháng thể nhắm vào các gai của virus gốc nhận ra hơn.

Nghiên cứu ở Tokyo vẫn chưa được đánh giá ngang hàng, nhưng nó cho thấy rằng các kháng thể do vaccine của Pfizer và BioNTech tạo ra chống được biến thể Lambda kém hơn 1,5 lần so với virus ban đầu.

Nhưng điều đó không có nghĩa là tiêm chủng không có tác dụng chống lại Lambda. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Y Đại học New York (NYU) được công bố trên cùng trang web bioRxiv đã thử nghiệm biến thể với kháng thể từ cả vaccine Pfizer-BioNTech và vaccine Moderna.

Nhóm nghiên cứu tại NYU nhận thấy rằng, so với chủng virus ban đầu, Lambda có khả năng kháng kháng thể vaccine Pfizer-BioNTech cao hơn khoảng 3 lần và kháng lại các kháng thể do Moderna tạo ra gấp 2,3 lần. Lambda cũng đề kháng cao hơn một chút với các kháng thể có trong thuốc điều trị kháng thể hỗn hợp của Regeneron.

Tuy nhiên, các nhà khoa học NYU cho biết, hỗn hợp kháng thể của Regeneron có thể vô hiệu hóa tốt các biến thể Lambda. Họ cũng kết luận rằng, lượng kháng thể trung bình được tạo ra bởi vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech là thừa đủ để bảo vệ chống lại Lambda.

Nguồn: Báo điện tử Lao động