Logo

Việt Nam đã có vaccine mới phòng bệnh thủy đậu cho trẻ từ 9 tháng tuổi

Lượt xem: 179 Ngày đăng: 18/03/2021

Vaccine mới phòng bệnh thủy đậu có hiệu quả lên đến 20 năm

Trước đây, Việt Nam có 2 loại vaccine phòng thủy đậu của Mỹ và Hàn Quốc dành cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ hầu như chỉ được bảo vệ bởi miễn dịch thụ động có được từ mẹ đã tiêm vaccine trước khi mang thai. Mặc dù vậy nhiều nghiên cứu cho thấy, kháng thể thu được từ mẹ giảm dần theo thời gian và không còn đủ nồng độ kháng thể bảo vệ khi trẻ trên 6 tháng. Khoảng trống miễn dịch từ thời điểm này đến tròn 12 tháng tuổi khiến trẻ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và dựa trên kết quả của các cuộc thống kê, nếu chỉ tiêm 1 mũi vaccine thủy đậu, trẻ được bảo vệ khỏi thủy đậu khoảng 85%, bảo vệ trước nguy cơ tử vong và biến chứng nặng, tuy nhiên vẫn có khả năng tái nhiễm bệnh nếu không tiêm mũi thứ 2.

“Vaccine mới phòng thủy đậu Varilrix có thể tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và với phác đồ tiêm 2 mũi có thể tăng hiệu quả bảo vệ lên đến 96%, có thể bảo vệ sớm hơn cho trẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ tử vong. Trường hợp rất hiếm, người được tiêm vaccine này có thể vẫn nhiễm bệnh sau tiêm thì bệnh thường nhẹ và không có biến chứng nguy hiểm” – bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC khẳng định.

Varilrix là loại vaccine đông khô được điều chế từ chủng Oka sống giảm độc lực của virus varicella zoster (VZV) bằng phương pháp nhân đôi virus trong môi trường nuôi cấy tế bào lưỡng bội MRC-5 của người. Theo phác đồ tiêm chủng tại Trung tâm VNVC, vaccine này được khuyến cáo tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 3 tháng đối với trẻ từ 9 tháng đến 12 tuổi; cách nhau một tháng với trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn; cho hiệu quả bảo vệ lên đến 20 năm.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, một số khảo sát cho thấy có 30% trẻ sơ sinh tử vong khi nhiễm thủy đậu từ mẹ trong quá trình mang thai; 5 – 20% trường hợp gặp biến chứng viêm não, có nguy cơ bại não. Nếu mắc thủy đậu ở tuần thai 13 đến 20 có thể dẫn đến sẩy thai hoặc gây dị tật thai nhi như thiểu sản tiểu não, chứng đầu nhỏ, bất thường nhãn cầu, dị dạng sọ não, tổn thương hệ thần kinh, đa dị tật ở tim… Mẹ bị thủy đậu vào giai đoạn cuối thai kỳ có thể khiến cho trẻ bị nổi mụn nước trong 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, tỷ lệ tử vong của trẻ có thể lên đến 25 đến 30%.

Nhiều bệnh nguy hiểm mùa đông xuân vào mùa

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC cho biết, ngoài thủy đậu, đặc tính thời tiết mùa đông xuân cũng khiến một số loại siêu vi phát triển mạnh, bắt đầu tăng từ tháng 12, đỉnh điểm là tháng 3, tháng 4 và giảm dần đến tháng 6 năm sau. Trong đó nổi bật là các bệnh lý về hô hấp, hợp bào hô hấp (RSV), bệnh cúm (nặng hơn là viêm phổi), sởi – quai bị – rubella, viêm não, viêm màng não và thủy đậu…

Trẻ nhỏ và người lớn, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cần được tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ bản thân và tránh lây bệnh.

Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần thực hiện đầy đủ việc tiêm ngừa để phòng được nhiều bệnh, không chỉ có sởi mà cả quai bị, rubella – căn bệnh cũng gây ra nhiều biến chứng cho thai nhi không kém gì sởi (hội chứng rubella bẩm sinh).

Việt Nam hiện đang có hơn 30 loại vaccine phòng hơn 40 bệnh nguy hiểm, trong đó có nhiều vaccine phòng hiệu quả các bệnh truyền nhiễm thường gặp mùa đông xuân cho trẻ em và người lớn. Việc tiêm vaccine đủ mũi, đúng phác đồ, đúng lịch giúp trẻ phòng bệnh hiệu quả, giảm chi phí gánh nặng bệnh tật cho gia đình và cả xã hội, đồng thời ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ và cộng đồng.

Nguồn: VTV NEWS