Dân trí – Ngoài việc một số trường đại học (ĐH) sẽ ngừng tuyển sinh hệ cao đẳng (CĐ) từ năm 2020, nhiều trường cho biết sẽ mở thêm một số mã ngành mới phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học
Theo Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, những trường ĐH đang đào tạo hệ CĐ sẽ buộc phải giảm chỉ tiêu ít nhất 30% mỗi năm, tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Thời điểm mùa tuyển sinh 2020-2021 chính thức cận kề, nhiều trường đã chủ động ra thông báo dừng tuyển sinh hệ CĐ trong nhà trường. Nhiều chuyên gia bày tỏ sự hoan nghênh với động thái này của các trường vì lâu nay, một số trường ĐH lấn sân sang đào tạo hệ CĐ, trung cấp với quy mô khá lớn dẫn đến việc không tập trung cho nhiệm vụ đào tạo ĐH và sau ĐH cùng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học…
TS Nguyễn Thị Thanh Thủy- Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội cho rằng, theo tiêu chuẩn chung của thế giới, một cơ sở đào tạo ĐH có uy tín luôn phải xây dựng một nền tảng nghiên cứu và học thuật thực thụ để có thể đóng góp cho xã hội thông qua các công trình/kết quả khoa học cụ thể. Đặc biệt trong thời buổi hội nhập hiện nay, các cơ sở ĐH ở nước ta cần phải nhận thức được điều này cùng các các điều kiện cản trở, hạn chế hoạt động nghiên cứu và học thuật của mình để tìm ra giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Và việc chấm dứt đào tạo hệ CĐ của 45 trường ĐH theo danh sách Bộ LĐTBXH đã công bố từ tháng 7/2019 chính là bước tiến quan trọng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Bởi lâu nay vẫn còn tình trạng buông lỏng giám sát đào tạo hệ CĐ trong các trường ĐH. Điều này vừa gây thiệt thòi cho người học, vừa gây lãng phí trong đào tạo nếu trường buộc phải đóng cửa hệ đào tạo CĐ. Đơn cử như trong năm học 2018, khoảng 75 sinh viên của Trường ĐH Kiên Giang đã bị dừng học do trường đào tạo “chui”. Trên thực tế, trường chưa được Bộ GDĐT cho phép liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học, song Trường ĐH Kiên Giang vẫn tuyển sinh đào tạo liên kết hệ CĐ các ngành Kế toán, Ngôn ngữ Anh và Công nghệ thông tin với Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau.
Tuy nhiên, từ chia sẻ thực tế của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho thấy việc dừng đào tạo CĐ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của trường do trường tự chủ tài chính. Đồng thời việc bố trí giảng dạy cho đội ngũ cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Hướng khắc phục của nhà trường đó là tạo điều kiện để hơn 100 giảng viên chưa đạt chuẩn của trường đi học thêm và bồi dưỡng chuyên môn để có thể đáp ứng dạy trình độ ĐH trở lên. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của nhà trường, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên.
Thêm nhiều ngành mới
Bên cạnh việc dừng tuyển sinh hệ CĐ, nhiều trường cũng chủ động đề xuất mở thêm ngành mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai. Thông tin từ Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho biết, trong năm học 2020-2021, nhà trường dự kiến mở thêm ngành mới cho chương trình chất lượng cao tiếng Anh. Với chương trình đại trà, nhà trường dự kiến sẽ thực hiện tuyển sinh chung một số ngành như: hóa – sinh – công nghệ thực phẩm, điện – điện tử, xây dựng… Các ngành tuyển sinh chung này sinh viên sẽ được học chung một năm đầu trước khi tách ra các ngành cụ thể.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở thêm ngành tiếp thị kỹ thuật số, quản lý công nghiệp, kỹ thuật y sinh… nhằm đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động trong tương lai. Tuy nhiên, một số ngành khó tuyển sinh các năm trước như: Ngôn ngữ Pháp, xây dựng cầu đường… có thể năm nay sẽ dừng tuyển sinh.
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết, dự kiến trường sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành mới gồm: IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, khoa học dữ liệu. Trong đó, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng là ngành được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động. Ngoài ra, trường cũng dự kiến mở thêm chuyên ngành năng lượng tái tạo thuộc ngành kỹ thuật điện – điện tử…
PGS.TS Vũ Văn San – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) cho biết, năm học 2020-2021, nhà trường dự kiến sẽ tuyển sinh 2 ngành đào tạo mới là Công nghệ Internet vạn vật (IoT) và Kỹ thuật Điều khiển tự động hóa, (thiên hướng về Robotics) để đáp ứng nhu cầu xã hội.
“Thời gian tới, Học viện sẽ gấp rút đưa vào giảng dạy chuyên ngành và xây dựng đề án mở ngành Khoa học dữ liệu (Big Data) và Fintech. Học viện xác định đưa vào dạy các chuyên ngành mới, mở ngành mới chính là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo rõ ràng nhất”- PGS.TS Vũ Văn San nói.
Bên cạnh việc liên tục đổi mới, cập nhật kiến thức thực tiễn cho giáo trình, bài giảng, Học viện Bưu chính viễn thông chú trọng đưa hàm lượng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào nội dung giảng dạy có tính chuyên sâu mang tính đặc thù của ngành CNTT và Truyền thông (ICT) không chỉ cho các ngành đào tạo kỹ thuật như các kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), An toàn thông tin, Dữ liệu lớn… mà còn cho cả ngành kinh tế, xã hội mà Học viện đang đào tạo như Thương mại điện tử, Kế toán số, Marketing số, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế đồ họa…
Học viện Dân tộc cũng đang đề xuất mở thêm 6 ngành đào tạo trình độ ĐH gồm: Ngành Quản lý công (chuyên ngành Quản lý nhà nước về công tác dân tộc); ngành công tác xã hội vùng dân tộc thiểu số; ngành kinh tế học; ngành quản trị du lịch nông thôn; ngành ngôn ngữ dân tộc thiểu số, ngành Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Hiện, Học viện có 5 khoa chuyên môn và nhiều đơn vị khối sự nghiệp như: Viện Chiến lược và chính sách dân tộc, Viện Nghiên cứu văn hóa dân tộc, Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc…
Trường ĐH Nha Trang cũng công bố phương án tuyển sinh năm 2020 với nhiều điểm mới. Cụ thể, nhà trường thực hiện quy hoạch lại ngành nghề đào tạo cũng như đóng/mở các chương trình/ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Đặc biệt, thống nhất chuyển ngành hẹp, chuyên sâu thành chuyên ngành của ngành gần và rộng. Đơn cử ngành Bệnh học thủy sản chuyển thành chuyên ngành của ngành Nuôi trồng thủy sản; ngành Công nghệ Sau thu hoạch chuyển thành chuyên ngành Công nghệ Chế biến thủy sản. Có thêm các chương trình đào tạo như Ngôn ngữ Anh – Trung; Dịch vụ hàng hải và Logistic; Kỹ thuật công trình giao thông.
Nhà trường thực hiện triển khai tuyển sinh đào tạo theo các mô hình mới (chất lượng cao) như chương trình POHE, song ngữ như: Quản trị khách sạn (POHE), Công nghệ thông tin (POHE); Quản trị du lịch (song ngữ Pháp – Việt); Quản trị kinh doanh (song ngữ Anh – Việt)….
Theo Lam Nhi
Đại Đoàn Kết